Những nội dung cơ bản của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam được ban hành là một bước tiến mới trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự nói riêng. Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam là sự cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về việc bảo đảm hoặc hạn chế quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân trong các trường hợp cần thiết vì lý do an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có 11 chương, 73 điều, với những nội dung cơ bản sau:
1. Về những quy định chung
Những vấn đề chung được quy định thành một chương riêng (Chương I gồm 9 điều, từ Điều 1 đến Điều 9), quy định phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; kiểm soát hoạt động, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; giám sát việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; những hành vi bị nghiêm cấm; quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
2. Về hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành về hệ thống tổ chức của các trại tạm giam, nhà tạm giữ trong Công an nhân dân, trong Quân đội nhân dân và buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng; đồng thời, để phù hợp với quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định về hệ thống tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam thuộc Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng tại Chương II, gồm 6 điều (từ Điều 10 đến Điều 15) quy định về hệ thống tổ chức cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam; hệ thống tổ chức cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam; nhiệm vụ, quyền hạn của nhà tạm giữ, trại tạm giam; cơ cấu, tổ chức của nhà tạm giữ, trại tạm giam và buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng.
3. Về chế độ quản lý giam giữ; chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; chế độ đối với người người bị kết án tử hình đang bị tạm giam
Trên cơ sở các nguyên tắc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam đã được quy định tại Điều 4 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, tại các Chương III, Chương IV, Chương V, Chương VI đã quy định cụ thể về chế độ quản lý giam giữ, chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi và chế độ đối với người bị kết án tử hình đang bị tạm giam. Các quy định này nhằm đảm bảo tốt hơn cho việc quản lý giam giữ, phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và bảo đảm thi hành án; nhưng cũng đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
4. Về bảo đảm điều kiện quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; khiếu nại tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
- Các điều kiện để bảo đảm quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam được quy định tại Chương VII của Luật với 4 điều (từ Điều 38 đến Điều 41), quy định về bảo đảm biên chế nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; sử dụng vũ khí, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ; cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam; chế độ chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
- Để bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 107 Hiến pháp năm 2013, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam tại Chương VIII với 2 điều (Điều 42 và Điều 43), quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, quyết định của Viện kiểm sát nhân dân trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
- Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, tại Chương IX, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã quy định người bị tạm giữ, người bị tạm giam và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình; người bị tạm giữ, người bị tạm giam và mọi người có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền nào trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Trách nhiệm trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam gồm 10 điều (từ Điều 62 đến Điều 71), quy định về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. Trong đó, Bộ Công an chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành tạm giữ, tạm giam.
5. Về hiệu lực thi hành
Ban đầu luật này được xác định có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2016. Tuy nhiên, ngày 30-6-2016, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 và bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, theo đó, lùi hiệu lực thi hành của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành.