Bộ Công an lấy ý kiến dự thảo nghị định về quản lý, sử dụng pháo

Thứ Sáu, 25/09/2020, 09:25
Bộ Công an vừa hoàn thành hồ sơ dự thảo nghị định về quản lý, sử dụng pháo. Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 27 điều, được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong vòng 2 tháng, kể từ ngày đăng và dự kiến trình Chính phủ vào quý IV năm 2020.

Nhiều hạn chế, bất cập nảy sinh

Ngày 15-4-2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2009/NĐ-CP  về quản lý, sử dụng pháo. Ngay sau đó, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 08/2010/TT-BCA ngày 5-2-2010 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 36/2009/NĐ-CP. Hàng năm, Bộ Công an đều chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện, ban hành các văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép. Từ năm 2009 đến nay, các lực lượng chức năng đã vận động nhân dân giao nộp 29.733,28kg pháo; phát hiện, bắt giữ 19.229 vụ, 23.703 đối tượng, thu hơn 369 tấn pháo các loại.

Theo Bộ Công an, bên cạnh kết quả đã đạt được thì Nghị định số 36/2009/NĐ-CP cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Cụ thể, một số khái niệm tại Nghị định còn chưa rõ ràng, như chưa tách bạch pháo hoa gây tiếng nổ và pháo hoa không gây tiếng nổ. Thực chất, pháo hoa gây tiếng nổ là có sử dụng thuốc pháo nổ và gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ con người, tài sản của nhân dân và ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, tại Bộ luật Hình sự chỉ quy định xử lý hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ; đối với pháo hoa và các loại pháo khác thì không bị xử lý hình sự. Như vậy, thực tế hiện nay các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong xử lý đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa nổ.

Bên cạnh đó, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Nghị định số 36/2009/NĐ-CP, đã phát sinh nhiều điểm không còn phù hợp; một số hành vi nghiêm cấm có liên quan đến pháo, pháo nổ nhưng lại chưa được quy định tại Nghị định, như: Cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ; hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất hoặc sử dụng pháo dưới mọi hình thức. Tại Nghị định số 36/2009/NĐ-CP cũng chưa quy định về công tác quản lý, bảo quản, tiêu hủy pháo. Pháo, thuốc pháo là sản phẩm dễ gây cháy nổ, nguy cơ mất an toàn rất cao, trong khi đó điều kiện đối với hoạt động sản xuất, nghiên cứu, cung ứng, xuất khẩu, nhập khẩu pháo, thuốc pháo có những nội dung chưa được quy định hoặc được quy định còn chung chung, sơ sài, chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý loại sản phẩm này tại Nghị định.

Thực tiễn đấu tranh, phòng chống tội phạm chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép pháo, thuốc pháo đã gặp rất nhiều khó khăn, trong đó hầu hết các vụ án, vụ việc liên quan đến pháo đều phải trưng cầu giám định, nhưng Nghị định số 36/2009/NĐ-CP không quy định cơ quan có thẩm quyền giám định nên khó khăn cho cơ quan điều tra trong hoạt động trưng cầu giám định.

Như vậy, cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong tình hình mới.

Một vụ vận chuyển pháo trái phép bị lực lượng Công an phát hiện, thu giữ.

Các hành vi bị nghiêm cấm

Dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng pháo thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP được xây dựng với bố cục gồm 4 chương 27 điều, quy định về quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo và thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa nổ; nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý, Điều 5 dự thảo Nghị định quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo bao gồm: 1. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ, pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ; trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung ứng, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ theo quy định tại Nghị định này. 2. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt pháo hoa, thuốc pháo hoa và thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa nổ. 3. Mang pháo, thuốc pháo và thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa nổ trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ. 4. Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng pháo, thuốc pháo và thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa nổ được giao.

5. Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo và thiết bị, phụ kiện để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường 6. Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo, thuốc pháo, và thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa nổ. 7. Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất hoặc sử dụng pháo dưới mọi hình thức.

8. Che giấu, không tố giác, giúp người khác chế tạo, sản xuất, mang, mua,  bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo, thuốc pháo và thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa nổ trái phép. 9. Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo.

Nguyễn Hương
.
.
.