Ngăn chặn, xử lý tình trạng mua bán SIM rác

Chủ Nhật, 15/10/2023, 05:43

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và các nhà mạng đã và đang ráo riết chấn chỉnh tình trạng bán SIM rác, SIM kích hoạt sẵn tại các đại lý. Trong trường hợp phát hiện ra sai phạm, Bộ TT&TT sẽ đình chỉ việc phát triển thuê bao mới của nhà mạng.

Chính vì vậy, tình trạng bán SIM rác tại các đại lý SIM thẻ hiện đã giảm hẳn so với trước nhưng vẫn chưa triệt để. Thậm chí, hiện đang có hiện tượng một số đại lý “lách” bằng cách chuyển sang bán SIM rác trên mạng xã hội để “qua mặt” cơ quan chức năng.

Trước yêu cầu của Bộ TT&TT nhằm mạnh tay chấn chỉnh tình trạng SIM rác, SIM đã kích hoạt sẵn, từ giữa tháng 9/2023, các nhà mạng đã nhất trí và báo cáo với Bộ TT&TT sẽ xem xét dừng kênh đại lý phát triển thuê bao ra thị trường.

sim_12.png.jpg -0
Sẽ xử lý nghiêm các đối tượng lấy thông tin cá nhân để đăng ký hộ SIM điện thoại cho người khác. Ảnh minh hoạ

Thay vì sử dụng kênh đại lý như trước, các nhà mạng sẽ tập trung vào việc phát triển các kênh phân phối của doanh nghiệp mình và những kênh chuỗi có uy tín. Điều này nhằm giải quyết tình trạng đại lý thuê người đăng ký SIM với đầy đủ thông tin, có thể đối soát với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, sau đó bán lại cho người dùng khác mà Thanh tra Bộ TT&TT đã chỉ ra trong đợt thanh tra diện rộng trên toàn quốc vào giữa năm 2023.

Khảo sát tại các đại lý bán SIM thẻ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hiện nay SIM rác, SIM kích hoạt sẵn của các nhà mạng bán qua kênh đại lý đã giảm mạnh so với trước song vẫn chưa triệt để. Hiện phần lớn các đại lý đều chỉ bán SIM trắng, sau khi mua SIM, người dùng phải đăng ký thông tin thuê bao. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số đại lý tiếp tục bán SIM đã kích hoạt sẵn nhưng kín đáo hơn nhằm tránh sự phát giác của cơ quan chức năng. Thậm chí, một số đại lý khác còn có xu hướng chuyển sang bán SIM đã kích hoạt sẵn trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội để tránh việc kiểm tra, giám sát. Và người mua vẫn có thể dễ dàng mua SIM rác khi có nhu cầu, phổ biến nhất là SIM rác của các nhà mạng ảo…

Trả lời câu hỏi của PV Báo CAND về vấn đề này, đại diện Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết: Công tác xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định, SIM kích hoạt sẵn là công việc cần triển khai thường xuyên, liên tục do ngoài nguồn SIM từ các đại lý, điểm bán thì còn có cả các SIM được trao đổi, mua bán từ chính người sử dụng. Nhằm đảm bảo việc mua bán SIM thẻ được thực hiện theo đúng quy định, trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ tập trung vào một số nội dung như ngoài 3 nhà mạng lớn đã thực hiện xác thực online khi phát triển thuê bao mới, tiếp tục yêu cầu 6 doanh nghiệp viễn thông di động khác kết nối, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi phát triển thuê bao mới. Cùng với đó, sẽ tiếp tục giám sát việc các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai các cam kết về dừng phát triển, đăng ký thông tin thuê bao tại các đại lý ủy quyền có hành vi vi phạm, từ đó báo cáo lãnh đạo Bộ TT&TT có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm. Ngoài ra, Cục Viễn thông cũng sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông giám sát việc thực hiện cam kết của các nhà mạng về dừng phát triển thuê bao qua đại lý và công bố công khai các trường hợp vi phạm cam kết. “Người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân, chỉ sử dụng SIM chính chủ. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh số điện thoại đã gắn liền với tài khoản ngân hàng và ứng dụng định danh điện tử (VNeID) của mỗi người. Cục Viễn thông sẽ xử lý nghiêm các đối tượng lấy thông tin cá nhân để đăng ký hộ SIM điện thoại cho người khác”-đại diện Cục Viễn thông khuyến cáo.

Cũng liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước quý III của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Cần có chính sách giống nhau, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, không phân biệt nhà mạng to, nhỏ, có hạ tầng hay không có hạ tầng và việc ngừng bán qua kênh đại lý chỉ là phương tiện để thực hiện. Mục tiêu cuối cùng là không có SIM rác gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của người dân và toàn xã hội; người dân, doanh nghiệp, Nhà nước phải cùng được hưởng lợi. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, ngoài vấn đề trách nhiệm thì xử lý tốt vấn đề SIM rác về lâu dài còn giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, giảm chi phí.

Đề xuất nhiều quy định nhằm ngăn chặn vấn nạn lừa đảo trực tuyến

Bộ TT&TT cho biết, cơ quan này đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP. Trong đó, Bộ TT&TT đã đề xuất bổ sung thêm nhiều quy định để quản lý chặt chẽ thông tin trên Internet, nhằm loại bỏ tính ẩn danh trên mạng và vấn nạn lừa đảo trực tuyến như: Yêu cầu các mạng xã hội trong và ngoài nước phải thực hiện xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên mạng phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia khi có yêu cầu của Bộ TT&TT; các mạng xã hội phải công khai mô tả quy trình, phương thức phân phối nội dung trên nền tảng của mình và phải có bộ phận tiếp nhận, xử lý các khiếu nại của người dùng; bổ sung quy định về quản lý livestream và quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương tham gia quản lý không gian mạng…Dự thảo Nghị định dự kiến trình Chính phủ vào Quý IV/2023.

Hùng Quân
.
.
.