Tin nhắn và cuộc gọi “rác” có giảm khi SIM “rác” bị khóa?

Thứ Tư, 19/04/2023, 09:09

Theo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến ngày 16/4, các doanh nghiệp viễn thông đã chính thức khoá 2 chiều đối với 1,15 triệu thuê bao chưa chuẩn hoá thông tin. Và đến ngày 15/5, số thuê bao này sẽ bị thu hồi nếu không thực hiện đăng ký lại thông tin theo quy định.

Từ kết quả ban đầu này cho thấy nỗ lực của cơ quan chức năng và nhà mạng trong việc quản lý thông tin thuê bao, đặc biệt là việc người dân đã ý thức được ý nghĩa của việc sử dụng số điện thoại được đăng ký thông tin chính xác. Tuy vậy, vấn đề được dư luận quan tâm là sau khi khoá 2 chiều đối với các thuê bao chưa chuẩn hoá thông tin hay còn gọi là SIM “rác”, tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác” làm phiền người dùng có giảm?

Sau 15/5, thuê bao chưa chuẩn hoá thông tin sẽ bị thu hồi số

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06), các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai những biện pháp kết nối, cung cấp dữ liệu, đối soát trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của doanh nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đối chiếu, rà soát cho thấy, cả nước vẫn còn khoảng 4 triệu thuê bao có thông tin chưa trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc không đúng quy định. 

5209469f-9e6a-41f9-a21a-d49deaa02fd2_1_201_a.jpeg -0
Người dân đến các điểm giao dịch của nhà mạng để chuẩn hoá thông tin thuê bao. Ảnh minh họa

Theo Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, số điện thoại gắn với rất nhiều tài khoản khác chứa các thông tin cá nhân, nhạy cảm, quan trọng của khách hàng như tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, bảo hiểm. Trường hợp số điện thoại thông tin không chính xác dẫn đến nguy cơ khách hàng bị mất các tài khoản này. Thuê bao sai thông tin cũng sẽ gặp khó khăn trong việc làm tài khoản cấp mã định danh công dân, cấp hộ chiếu, thị thực nếu thông tin thuê bao không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Do đó, ngoài việc góp phần ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng SIM điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thiếu văn hoá, trái với thuần phong mỹ tục thì việc chuẩn hoá thông tin thuê bao cũng là một cách thức để khách hàng tự bảo vệ các quyền lợi của mình.

Với quyết tâm của cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà mạng và đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của người dân, đến nay đã có khoảng hơn 2,8 triệu/4 triệu thuê bao có thông tin chưa chính xác, chưa đúng quy định đã được chuẩn hoá. Số thuê bao còn lại, ước tính khoảng 1,15 triệu đã bị khoá 2 chiều và nếu đến ngày 15/5, nếu các chủ thuê bao vẫn không tiếp tục đến các điểm giao dịch của nhà mạng để chuẩn hoá lại thông tin thì sẽ bị thu hồi số.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết: Cục Viễn thông sẽ phối hợp với các Sở TT&TT tăng cường tổ chức giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các nhà mạng. Đặc biệt với việc phát triển thuê bao mới sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ TT&TT xử lý nghiêm, bao gồm việc đề nghị đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới đối với các doanh nghiệp vi phạm, nhất là các hành vi cung cấp dịch vụ cho thuê bao phát triển mới có thông tin thuê bao không đầy đủ hoặc không chính xác; bán và lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho SIM thuê bao.

Trách nhiệm chính thuộc về nhà mạng

Theo khảo sát của phóng viên từ một số người dùng cho thấy, sau khi nhà mạng khoá 1 chiều và khoá 2 chiều đối với thuê bao chưa chuẩn hoá thông tin, số lượng tin nhắn rác, cuộc gọi rác “quấy rối” người dùng có giảm so với trước đó nhưng vẫn chưa triệt để. Theo anh Trần Hải ở Hà Đông (Hà Nội), nếu như trước đây có ngày anh bị làm phiền bởi hàng chục cuộc điện thoại “rác” thì đến nay, số lượng cuộc gọi “rác” này tuy đã giảm đi khoảng 1/3 nhưng vẫn còn nhiều. Chị Nguyễn Phương ở Hoàng Mai (Hà Nội) cũng cho biết, tin nhắn “rác” mà chị nhận được hàng ngày hiện có giảm nhưng cuộc gọi “rác” thì vẫn còn nhiều. Trong đó, nhiều nhất vẫn là các cuộc gọi quảng cáo du lịch nghỉ dưỡng, làm đẹp, bảo hiểm…

Thông tin về vấn đề này, đại diện nhà mạng cho rằng, nguyên nhân hiện nay vẫn xuất hiện cuộc gọi rác, tin nhắn rác, đặc biệt là tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo dịch vụ có thể là do bằng cách nào đó, các SIM này đều có thông tin trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên không bị khoá. Đây cũng là lý do mà người sử dụng các số thuê bao trên có thể thực hiện cuộc gọi, tin nhắn gây phiền hà tới người dân. Với các trường hợp này, người dân có thể báo cáo tới đầu số 156, nơi tiếp nhận phản ánh cuộc gọi, tin nhắn “rác” và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

Còn theo một số chuyên gia Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, trên thực tế vẫn còn hiện tượng một số SIM dù thông tin không chính thống nhưng vẫn hoạt động bình thường là do các đối tượng lừa đảo có thể sử dụng công nghệ để làm giả giấy tờ. Bên cạnh đó, rất nhiều dịch vụ voice IP hoặc cho thuê số điện thoại ảo để gọi điện thoại, số ảo có cả ở Việt Nam và nước ngoài. Đây là phương thức mà các đối tượng lừa đảo vẫn dùng để gửi tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác”, lừa đảo và quảng cáo. Vấn đề này không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng đang gặp phải.

Ngoài ra, thời gian gần đây, các đối tượng xấu còn thực hiện phát tán tin nhắn lừa đảo bằng cách sử dụng các trạm BTS giả để gửi tin nhắn trực tiếp vào điện thoại mà không thông qua nhà mạng. Nội dung tin nhắn thường là quảng cáo, hướng dẫn hoặc chứa đường link tới website giả mạo có tên gần giống website chính thức của các ngân hàng để dẫn dụ và đánh cắp thông tin của người dùng như tài khoản, mật khẩu, mã OTP… sau đó xâm nhập tài khoản, rút tiền của nạn nhân. Chỉ tính riêng trong tháng 3/2023, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT đã phát hiện và chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý 8 vụ việc sử dụng trạm phát sóng di động BTS giả để phát tán tin nhắn “rác”, quảng cáo hay giả mạo nhằm lừa đảo người dân.

Mặc dù thừa nhận sẽ khó có thể xoá được triệt để vấn nạn tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác” song các chuyên gia đều cho rằng, trong vấn đề này, nhà mạng phải nhận trách nhiệm chính và đóng một vai trò quan trọng.

Hiện nay, chúng ta đã có nhiều quy định pháp lý về việc mua SIM điện thoại phải có đầy đủ giấy tờ xác minh thông tin nên quy định này cần được thực hiện chặt chẽ ngay từ nhà mạng, nhất là trong việc phát triển thuê bao mới. Nếu không làm triệt để điều này thì việc chuẩn hoá thông tin thuê bao trên hệ thống hiện nay sẽ mất đi ý nghĩa vì SIM “rác” cũ được “dẹp” lại xuất hiện SIM “rác” mới.

Trong khi đó, SIM rác chính là nguồn chính phát tán tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác”. Bên cạnh đó, nhà mạng cũng cần phải chủ động đầu tư, ứng dụng các giải pháp công nghệ mới trong việc ngăn chặn cuộc gọi “rác”, tin nhắn “rác” để giảm phiền hà cho người dùng.

Hùng Quân
.
.
.