Hơn 30 nghìn phản ánh về các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo được chuyển sang cơ quan Công an

Thứ Ba, 19/09/2023, 07:52

Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022. Trước thực trạng trên, Bộ TT&TT đã sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp nhằm bảo vệ người dùng, trong đó, Bộ đã chuyển hơn 30 nghìn phản ánh về cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đến các đơn vị chức năng của Bộ Công an để phối hợp xử lý.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai kết nối, xác thực Cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý các trường hợp vi phạm. Tính đến tháng 7/2023, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành xử lý hơn 11 triệu thuê bao có thông tin chưa trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cùng với đó, Bộ TT&TT đã phát triển trang thông tin, xử lý tin nhắn SMS rác, lừa đảo tại địa chỉ chongthurac.vn; phát triển trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn/can hbao.ncsc.gov.vn để người dân có thể phản ánh các vấn đề gặp phải về an toàn thông tin; cung cấp bộ công cụ nhận diện lừa đảo trực tuyến, kiến thức kỹ năng phòng, chống lừa đảo tại địa chỉ congcu.khonggianmang.vn. Đồng thời, công bố danh sách đen các trang vi phạm, tài khoản ngân hàng lừa đảo thông qua Cổng thông tin của hệ sinh thái tín nhiệm mạng tại địa chỉ tinnhiemmang.vn; kiểm tra, gán nhãn tín nhiệm cho hơn 3.252 website chính thống; triển khai các chiến dịch phòng, chống mã độc, làm sạch không gian mạng định kỳ hằng năm trên toàn quốc. Bộ TT&TT cũng thực hiện giải pháp hỗ trợ người dùng khi không muốn nhận quảng cáo thông qua việc đăng ký miễn phí tới danh sách không quảng cáo. Theo đó, người dân không có nhu cầu nhận quảng cáo có thể đăng ký từ chối nhận quảng cáo thông qua cú pháp nhắn tin DK DNC gửi đến đầu số 5656 miễn phí. Hiện nay, hệ thống có hơn 857 nghìn thuê bao đăng ký tại địa chỉ https:// khongquangcao.ais.gov.vn.

Hơn 30 nghìn phản ánh về các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo được chuyển sang cơ quan Công an -0
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Công an để xử lý vấn nạn lừa đảo trực tuyến. Ảnh minh họa

Đặc biệt, các đơn vị của Bộ TT&TT bao gồm Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, các doanh nghiệp viễn thông đã tuyên truyền, cảnh báo người sử dụng dịch vụ viễn thông về các cuộc gọi lừa đảo; chủ động theo dõi, thường xuyên cảnh báo tới người dân thông qua Cổng thông tin điện tử chongthurac.vn về các hình thức, giả mạo, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản thông qua tin nhắn, cuộc gọi; thực thi quy định về quảng cáo chính danh (brandname) theo quy định tại Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ. Trong 7 tháng đầu năm đã cấp 2.344 tên định danh cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo bằng tin nhắn, gọi điện thoại; tổ chức sàng lọc, xác thực, chuyển hơn 30 nghìn phản ánh về các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đến các đơn vị của Bộ Công an để phối hợp, điều tra xử lý.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà quét thông tin trên mạng, đặc biệt là các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, TikTok, Instagram, YouTube…, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm không chỉ đối với các hành vi sai trái, cung cấp thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước mà còn xử lý các vi phạm lừa đảo, giả mạo tổ chức, cá nhân khác theo quy định tại khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ_CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Kết quả bước đầu, Facebook đã gỡ bỏ 28 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức, gỡ 54 page quảng cáo, mua bán hóa đơn trái phép; TikTok đã gỡ bỏ 1 tài khoản giả mạo…

Đại diện Bộ TT&TT cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục kết nối, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó rà soát, chuẩn hoá thông tin thuê bao; triển khai các biện pháp gồm thông báo, nhắn tin, tổ chức làm việc với các thuê bao; rà soát, làm rõ mục đích sử dụng, tạm dừng dịch vụ với mục tiêu trước ngày 30/8 sẽ cơ bản xử lý xong, bảo đảm thông tin thuê bao trùng khớp với thông tin của người sử dụng SIM đối với các thuê bao đang sở hữu từ 10 SIM trở lên. Bộ TT&TT cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở TT&TT trên toàn quốc, các đơn vị tổ chức các đoàn thanh tra diện rộng về công tác quản lý thông tin thuê bao trong năm 2023 nhằm xử lý nghiêm các vi phạm của nhà mạng để tình trạng một thuê bao có nhiều SIM sai quy định và các đối tượng đã cố tình đăng ký nhiều SIM như lớn hơn 10, 100, 1.000 SIM; đồng thời chỉ đạo các nhà mạng chủ động theo dõi, kịp thời cảnh báo, tuyên truyền tới người dân các hình thức, dấu hiệu lừa đảo mới. Đặc biệt, để giải quyết lừa đảo trực tuyến cũng tương tự như lừa đảo trên đời thực, các đơn vị của Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng của Bộ Công an để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Hùng Quân
.
.
.