Đừng trao "chìa khóa" cho kẻ lừa đảo qua mạng

Thứ Hai, 22/07/2024, 08:29

Trước khi ngân hàng nhà nước có quy định chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học, người giàu trí tưởng tượng đến mấy cũng khó có thể nghĩ ra các chiêu trò của kẻ lừa đảo. Thậm chí, ngay cả những kẻ thực hiện hành vi lừa đảo cũng chưa hẳn đã nghĩ ra cách. Nhưng rồi, ngay trong ngày 1/7, khi nhiều người không thể tự mình cài đặt sinh trắc học trên điện thoại thì lập tức kẻ lừa xuất hiện.

Chúng mạo danh cán bộ ngân hàng gọi điện, liên hệ với "con mồi" thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo... để hỗ trợ làm các thủ tục xác thực sinh trắc học. Và khi nạn nhân cung cấp địa chỉ nhà, chụp ảnh CCCD hai mặt, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh… thế là "sập bẫy" ngay sau đó. Nói như vậy để thấy được rằng thủ đoạn của tội phạm lừa đảo luôn đi trước một bước, biện pháp phòng ngừa của cơ quan chức năng buộc phải theo sau. Do vậy, muốn không bị lừa thì "cửa nhà" của mình trên không gian mạng buộc phải khóa chặt nếu như không muốn bị mất của.

Trong kỷ nguyên số, dù muốn hay không thì con người buộc phải sống với Smartphone (điện thoại thông minh) bởi có biết bao công việc hàng ngày đều phải dùng đến nó. Còn mạng xã hội, những tiện ích mà nó mang lại không có gì phải bàn cãi. Ở đó có kho kiến thức khổng lồ; có một thế giới giải trí đa dạng, phong phú; có nơi mua sắm không giới hạn; có nơi làm ra tiền không phải dãi nắng, dầm nưa; có chỗ học tập nâng cao kiến thức; có bạn bè khắp bốn bể năm châu… Nhưng mặt trái thì cũng nhiều vô kể: Trầm cảm, sức khỏe giảm sút, tự tử, tội phạm, tệ nạn… cũng từ đó mà ra khi ta lạm dụng.

Đặc biệt là lừa đảo qua mạng đã làm điêu đứng bao nhiêu gia đình. Nhiều người dành dụm cả đời bỗng chốc tan tành theo mây khói… Anh T. ở Hà Nội bị Công an "dỏm" yêu cầu anh cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo. Cài đặt xong chỉ trong giây lát, anh T. phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất 10 tỉ đồng. Bà T. cũng ở Hà Nội bị lừa 18 tỷ đồng cũng bằng thủ đoạn mạo danh Công an…

3.jpg -0
Một người dân ở Bình Dương bị lừa qua mạng trình báo với Công an.

Cái nguy hiểm của kẻ lừa đảo qua mạng là ở chỗ đó. Chúng là kẻ ẩn danh, thường đang ở nước ngoài, tài khoản mạng xã hội chúng mở bằng sim rác; tài khoản ngân hàng mà chúng dùng lừa đảo đứng tên của người khác do chúng mua hoặc chiếm đoạt được nên khi lừa xong chúng chỉ cần khóa tài khoản là vô phương tìm kiếm. Mặt khác, sau khi nạn nhân chuyển vào tài khoản do kẻ lừa đảo cung cấp, ngay lập tức số tiền này được chia nhỏ chuyển tiếp cho rất nhiều tài khoản khác và cuối cùng tất cả các số tiền này sẽ đến một hoặc nhiều tài khoản ở các sàn giao dịch ngoại tệ ở nước ngoài… Thế cho nên cơ quan chức năng gần như không thể phong tỏa tài khoản ban đầu mà nạn nhân chuyển cho kẻ lừa.

Thế còn cài đặt sinh trắc học thì sao? Theo các chuyên gia chỉ là để hạn chế đi phần nào vì trên thực tiễn chúng đã giả cả hình ảnh để chuyển tiền. Bởi những kẻ cầm đầu đường dây lừa đảo, chúng là những chuyên gia về công nghệ thông tin chứ đâu phải những kẻ tầm thường…

Tháng 4/2024, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp cùng Công an các tỉnh, thành phía Nam khám phá đường dây lập hàng trăm ngàn tài khoản ngân hàng trái phép để thu lợi bất chính. Cơ quan điều tra xác định các đối tượng Nguyễn Thị Tuyết Nhung (SN 1992), Võ Minh Hùng (SN 1985), Lê Ngọc Anh, Nguyễn Bá Việt, Nguyễn Phương Loan, Nguyễn Thị Như Ngọc và Nguyễn Thanh Xuân thành lập Công ty TNHH tư vấn tài chính Nhung Nguyễn và Minh Anh với hàng chục chi nhánh hoạt động rầm rộ tại các địa bàn có nhiều khu công nghiệp, khu dân cư đông người để tư vấn vay vốn tín chấp miễn phí nhưng thực chất là lừa nạn nhân để lấy thông tin cá nhân nhằm tạo lập tài khoản ngân hàng.

Sau khi thành lập công ty, chi nhánh các đối tượng tuyển rất nhiều lao động nữ để làm nhiệm vụ tư vấn cho vay. Khi người có nhu cầu tư vấn chúng thu nhận căn cước công dân, hình ảnh của người vay, sau đó dùng sim rác cộng với dữ liệu trên để mở tài khoản ngân hàng trực tuyến. Một sim rác như vậy chúng mở hàng chục tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau. Trung bình mỗi tháng các đối tượng tạo lập trái phép khoảng 20.000 tài khoản các loại, trong đó phần lớn là tài khoản ngân hàng.

Khám xét tại 12 chi nhánh của 2 công ty này, cơ quan Công an thu giữ 4 con dấu, 3 giấy phép kinh doanh, 70 điện thoại di động; 12 máy tính, hàng chục ngàn tài khoản ngân hàng trực tuyến, hàng ngàn sim điện thoại rác để mở tài khoản trái phép. Và hầu hết các tài khoản này được bán lại cho các đối tượng lừa đảo qua mạng, tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền… thu lợi bất chính rất lớn.

Qua vụ triệt phá đường dây này, Thượng tá Nguyễn Huy Lục, Trưởng Phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết đó là một trong những biện pháp mới mà đơn vị muốn tập trung đấu tranh. Bởi, việc tạo lập trái phép tài khoản ngân hàng được xem là điều kiện cần để các đối tượng phạm tội thực hiện các vụ lừa đảo qua mạng. Tuy nhiên, điều đáng nói là cơ quan Công an triệt phá đường dây này trong thời điểm các cơ quan chức năng đang siết chặt vấn đề sim rác vậy mà đường dây này lại có hàng chục, hàng trăm ngàn sim rác để hoạt động tội phạm thì đây là một vấn đề cần xem lại. Thực tế hiện nay, trên nhiều tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh, nhất là đường Phạm Văn Đồng, đoạn qua địa bàn TP Thủ Đức sim được rao bán tràn lan trên vỉa hè với giá chỉ vài chục ngàn mỗi sim… 

Bên cạnh hình thức lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học, các chuyên gia còn cảnh báo nguy cơ lừa đảo deepfake (công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các hình ảnh, video hoặc âm thanh giả có thể bắt chước hoàn hảo giọng nói và ngoại hình của một cá nhân) trong giao dịch ngân hàng. Deepfake có khả năng lách qua các biện pháp bảo mật sinh trắc học như nhận diện khuôn mặt, vân tay hay giọng nói…

Từ những thông tin trên cho thấy rằng, các biện pháp ngăn ngừa tội phạm lừa đảo qua mạng chỉ ở mức độ tương đối, vấn đề chính và trọng tâm hơn cả là mỗi người cần phải tự bảo vệ mình mới chính là giải pháp tối ưu. Nếu như bạn xem tài khoản ngân hàng là ngôi nhà mà mình cất giữ tiền thì chìa khóa để "mở cửa" chính là các đường link lạ, thông tin bảo mật tài khoản (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP)… Cho nên, khi tham gia mạng xã hội, bất kỳ ai, dù tài khoản lạ hay quen (vì tài khoản cũng bị kẻ xấu chiếm đoạt) mà muốn "mượn chìa khóa" để vào ngôi nhà của bạn thì phải lập tức từ chối ngay. Vì các cơ quan chức năng như Tòa án, Công an, Viện Kiểm sát hay ngân hàng… chẳng bao giờ yêu cầu người dân cung cấp thông tin bảo mật của cá nhân cả. Còn bạn tự trao "chìa khóa" để kẻ xấu vào nhà cuỗm sạch tài sản thì nên tự trách mình…

Mã Hải
.
.
.