Cần xây dựng văn bản quy phạm pháp luật riêng biệt về phòng, chống tin giả

Chủ Nhật, 12/03/2023, 09:45

Tin giả (Fake News) đã xuất hiện từ lâu trên thế giới song những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, nhất là mạng xã hội, tin giả xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành vấn nạn với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhận diện tin giả cùng nguyên nhân xuất hiện, tác hại của nó; đề xuất giải pháp ngăn chặn tin giả, giúp người dân có ý thức nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống tin giả, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội là vấn đề có ý nghĩa cấp bách trong giai đoạn hiện nay. PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, TS Nguyễn Ngọc Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật-Hậu cần CAND xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, ông đánh giá như thế nào về thực trạng tin giả trên không gian mạng hiện nay?

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương: Thực trạng tin giả trên không gian mạng hiện nay đang diễn biến phức tạp. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và việc truy cập Internet dễ dàng như hiện nay, tin giả đã trở thành vấn đề toàn cầu và có tác động ngày càng lớn tới đời sống xã hội. Tin giả có thể xuất hiện trên mọi nền tảng mạng xã hội, trang web tin tức, diễn đàn và cả email. Tin giả được lan truyền nhanh chóng, ảnh hưởng đến các lĩnh vực xã hội, đe dọa sự an toàn của các tổ chức, cá nhân, gây tác hại ngày càng nguy hiểm, khó lường. Nhiều tin giả được biên tập, dàn dựng chuyên nghiệp với ý đồ phá hoại uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và tác động tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của Việt Nam.

Cần xây dựng văn bản quy phạm pháp luật riêng biệt về phòng, chống tin giả -0
Thiếu tướng, TS Nguyễn Ngọc Cương.

PV: Theo ông, việc tin giả “bùng phát” nhiều nơi, đặc biệt là trên các mạng xã hội gây ra những hệ lụy gì?

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương: Tại Việt Nam đang có khoảng 72 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 73% dân số. Vì vậy, việc xuất hiện, lan truyền tin giả đã và đang tác động không nhỏ đến tâm lý, trật tự xã hội, đời sống cộng đồng. Hệ lụy lớn nhất của tin giả là làm suy giảm niềm tin của người dân vào thông tin chính thống - những thông tin được cung cấp bởi các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí có uy tín, gây ra sự hoang mang, bi quan, hoài nghi ở một số bộ phận cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, quần chúng nhân dân, tạo tâm lý tiêu cực, “phản kháng” trong một số cộng đồng xã hội. Ngoài ra, tin giả còn có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đặc biệt là thị trường tài chính, chứng khoán và bất động sản…, bởi những thị trường này được xây dựng trên cơ sở niềm tin. Ngoài ra, tin giả còn có ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến lợi ích, hoạt động bình thường của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp, làm mất niềm tin vào các định chế lớn, làm tổn hại uy tín, mất hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế.

PV: Theo ông, người dân, công chúng có thể phân biệt, nhận diện tin giả, tin thất thiệt bằng cách nào?

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương: Có một số phương pháp để phân biệt và nhận diện tin giả. Về mục đích, tin giả là thông tin có mục đích gây hại cho tổ chức, cá nhân. Về nguồn tin, tin giả thường không phải do cơ quan chức năng có thẩm quyền, tổ chức có uy tín công bố. Về nội dung thông tin, tin giả có nội dung không rõ ràng, không logic, mang tính chủ quan, phiến diện, thường có các từ ngữ mang tính giật gân, thu hút người xem. Về sự phổ biến của thông tin, tin giả thường được trích đăng lại một cách rầm rộ trên không gian mạng.

Để phân biệt tin giả, trước hết người đọc cần có thái độ cảnh giác, giữ lập trường khách quan, thói quen kiểm tra lại thông tin. Hai là, đánh giá mục đích đưa tin của người đưa tin, xem xét nguồn tin đăng tải thông tin đó nhằm mục đích gì? Một số đối tượng lợi dụng tin giật gân, tin giả để nhằm câu like, câu view hay nhằm mục đích chống lại chính quyền, chính trị. Ba là, xem xét tính logic, hợp lý của thông tin, cách thức hành văn và kiểm chứng thông tin từ các nguồn tin chính thống khác.

PV: Cần phải làm gì để tăng “sức đề kháng”, tạo khả năng “miễn dịch” cho công chúng trước vấn nạn tin giả hiện nay, thưa ông?

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương: Để tăng “sức đề kháng” và tạo khả năng “miễn dịch” cho công chúng trước vấn nạn tin giả hiện nay, với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng chúng ta có thể thực hiện một số giải pháp như tăng cường tuyên truyền về các phương pháp nhận biết tin giả đối với người dân; tăng cường giám sát, kiểm soát tin giả. Trong đó, chính quyền, các tổ chức và doanh nghiệp cần tăng cường giám sát, kiểm soát tin giả trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là những tin tức liên quan đến vấn đề nhạy cảm và chính trị. Các nền tảng mạng xã hội cũng cần phải đưa ra các giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn tin giả.

Cần xây dựng văn bản quy phạm pháp luật riêng biệt về phòng, chống tin giả -0
Hệ lụy lớn nhất của tin giả là làm suy giảm niềm tin của người dân vào thông tin chính thống.

PV: Trong môi trường truyền thông đa dạng và phức tạp hiện nay, nhất là khi tin giả lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt, truyền thông chính thống, trong đó có báo chí đóng vai trò như thế nào trong việc “nắn dòng”, định hướng và làm chủ dòng chảy thông tin trên “không gian ảo” và hạn chế tin giả, thưa ông?

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương: Báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong việc nắm bắt, định hướng và làm chủ dòng chảy thông tin trên không gian ảo, giúp hạn chế sự lan truyền của tin giả. Khi xã hội ngày càng phát triển, báo chí ngày càng có vai trò to lớn, trở thành một lĩnh vực không thể thiếu trong đời sống xã hội của mỗi quốc gia. Trước đây, người ta cho rằng nhiệm vụ của báo chí chỉ là đưa thông tin trung thực, công bằng và cân bằng, nhưng giờ đây báo chí cũng phải tham gia kiểm chứng thông tin và bóc trần những thông tin sai lệnh, ngụy tạo. Để định hướng được thông tin, báo chí cần chủ động được nguồn tin, đi nhanh, đi trước trong việc đăng tải thông tin, đồng thời, bổ sung kỹ năng sử dụng mạng xã hội, sử dụng người trẻ để có thể phù hợp với xu hướng, thị hiếu và cách đưa tin trên không gian mạng.

PV: Theo ông, các quy định, hành lang pháp lý về xử lý tin giả tại Việt Nam hiện nay đã đủ sức răn đe hay chưa?

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương: Hành lang pháp lý của nước ta hiện nay đã quy định một số nội dung liên quan tới tin giả. Điều 8 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Điều 9 Luật An ninh mạng năm 2018 đã có một số quy định về việc tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo Khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện và Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021, đã quy định một số hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này.

Trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng đưa ra các quy định về tội tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117; tội vu khống theo Điều 156; tội đưa và sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288; tội làm nhục người khác theo Điều 155.

Như vậy, trong hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật riêng biệt quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý hành vi tạo lập và lan truyền tin giả. Điều này dẫn tới một thực trạng là có nhiều hành vi tạo lập, lan truyền tin giả trên không gian mạng hoặc không gian thực trong xã hội nhưng không áp dụng được quy định của Luật An ninh mạng, Luật Hình sự, Luật Hành chính để xử lý. Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục hậu quả của tin giả cũng gặp khó khăn. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng biệt về phòng, chống tin giả tại Việt Nam.

PV: Ông có thể chia sẻ thêm về những kinh nghiệm quốc tế, cách phòng, chống và xử lý tin giả hiệu quả của một số quốc gia phát triển mà chúng ta có thể tham khảo?

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương: Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã có những giải pháp quyết liệt để phòng, chống và xử lí vi phạm về tin giả. Một số nước ban hành những dự luật riêng về phòng, chống và xử lí vi phạm về tin giả với mức chế tài cao, tạo môi trường lành mạnh trên mạng xã hội và bảo vệ lợi ích quốc gia.

Tại Mỹ, từ năm 2000, chính quyền cho phép cảnh sát và nhân viên an ninh theo dõi những đối tượng có thể tung tin giả lên mạng xã hội. Mỹ cũng đã xây dựng các phần mềm giám sát hoạt động của người dùng trên mạng xã hội; xây dựng một chương trình huấn luyện “News Literacy” hướng đến đối tượng độc giả trẻ tuổi, trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng căn bản để phân biệt được tin đúng sự thật và tin giả; yêu cầu các mạng xã hội khổng lồ chống đăng tải và phát tán tin giả bằng các giải pháp kỹ thuật - công nghệ.

Còn tại Đức, tháng 3/2016, Bộ Tư pháp Cộng hòa Liên bang Đức trình một dự luật lên Quốc hội, trong đó có điều khoản phạt tới 50 triệu Euro đối với các công ty mạng xã hội chậm chạp trong việc gỡ bỏ những nội dung bất hợp pháp, bao gồm tin giả, kích động hận thù và bôi nhọ cá nhân, tổ chức. Tại Nga, năm 2019, Duma Quốc gia và Thượng viện Nga lần lượt thông qua Dự luật phòng, chống tin giả.

Tại Đông Nam Á, nhiều quốc gia cũng đã có những động thái mạnh mẽ để chống lại tin giả. Tại Thái Lan, ngoài Luật An ninh mạng quy định đối tượng tán phát thông tin giả sẽ phải chịu hình phạt 7 năm tù, Chính phủ Thái Lan còn thành lập Trung tâm chống tin giả, tiếp nhận và công bố tin giả qua website. Tại Singapore, Luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến của Singapore đã chính thức có hiệu lực từ ngày 2/10/2019, theo đó các cá nhân vi phạm có thể chịu mức phạt lên tới 100.000 SGD (hơn 72.000 USD) hoặc ngồi tù tới 10 năm hoặc cả hai hình phạt.

PV: Theo ông, cần những giải pháp căn cơ nào để hạn chế và đẩy lùi vấn nạn tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng hiện nay?

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương: Để hạn chế và đẩy lùi vấn nạn tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng; sự cập nhật, bổ sung của hành lang pháp lý và đồng thời chính là sự đổi mới nhận thức, tư duy của chính công chúng mạng xã hội. Đối với các cơ quan chức năng, cần xây dựng thiết lập các quy định về nội dung cho phép các công ty trực tuyến kiểm tra và loại bỏ nội dung giả mạo và cung cấp sự minh bạch về các nguồn thông tin mà họ đang quảng bá; thành lập lực lượng chuyên biệt, làm nhiệm vụ phát hiện các xu hướng trên Internet và không gian mạng, để đưa ra cảnh báo sớm cho những đối tượng ra quyết định về các chiến dịch tin giả sắp xảy ra và đảm bảo thời gian chuẩn bị để có biện pháp hạn chế tin giả đó.

Xây dựng các quy định để các nhà cung cấp Internet và chủ sở hữu các nền tảng xã hội được sử dụng tại Việt Nam chia sẻ trách nhiệm đối với thông tin họ công bố hoặc lan truyền, tương tự như các tờ báo chịu trách nhiệm trước pháp luật về tài liệu mà họ xuất bản. Đồng thời chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tin giả nói chung, tin giả trên mạng xã hội nói riêng, đặc biệt phải coi đó là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi quốc gia; áp dụng các nền tảng kỹ thuật, sử dụng các thuật toán tiên tiến và công nghệ để tiến hành thu thập, phân tích và xác định, gắn cờ tin tức giả mạo, cũng như phát triển các công cụ giúp mọi người có một kênh thông tin để xác định và báo cáo tin tức giả mạo đến với cơ quan chức năng. Đối với người dân, người sử dụng mạng xã hội, cần nâng cao hiểu biết về phương tiện truyền thông và kỹ thuật số, kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện chia sẻ và nhận thức tin giả được lan truyền sẽ gây hậu quả như thế nào.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.