Bịt kín những “lỗ hổng” trong đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao
Mặc dù cơ quan chức năng liên tục phát đi những cảnh báo ở các cấp độ song bị hại trong những vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao vẫn xảy ra, số tài sản chúng chiếm đoạt ngày một lớn. Cùng với nhận thức hạn chế của không ít người dân, tội phạm công nghệ cao đã triệt để lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, những “lỗ hổng” liên quan đến pháp lý để gây án.
Nở rộ các thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao
Bị hại mới nhất liên quan đến tội phạm công nghệ cao được Công an TP Hà Nội thông tin, đó chính là một phụ nữ ở thị xã Sơn Tây. Vẽ ra câu chuyện tuyển cộng tác viên online, đối tượng dễ dàng đưa người phụ nữ này vào bẫy.
Cũng giống như những vụ án tương tự, ban đầu khi mới nhận “nhiệm vụ”, bị hại được đối tượng giao công việc hết sức nhẹ nhàng, trả tiền hoa hồng đầy đủ và đúng hẹn. Chỉ khi thấy đã “say mồi”, đối tượng chốt một hợp đồng với giá trị 1 tỷ đồng và yêu cầu người phụ nữ trên phải trả tiền đối ứng. Khi số tiền 1 tỷ đồng vừa được người này chuyển vào tài khoản của đối tượng thì cũng là lúc cả tiền và “chủ hàng” nhanh chóng “bốc hơi”.
Trung tá Lý Hoài Nam, Đội trưởng Đội Điều tra trọng án, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội bức xúc cho biết: Đa số bị hại trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn công nghệ cao là phụ nữ, người già. Các đối tượng sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram, Tinder... để kết bạn rồi làm quen với bị hại.
Sau một thời gian, đối tượng giới thiệu, dụ dỗ, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư tiền vào các sàn giao dịch điện tử. Chúng vẽ ra các sàn này đều có nguồn gốc từ nước ngoài, liên kết với nền tảng giao dịch điện tử hàng đầu thế giới, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhưng lại an toàn có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian, thậm chí người chơi còn được đội ngũ chuyên gia của sàn hướng dẫn đặt lệnh giúp chắc chắn thắng, nhưng bản chất các sàn này đều là phần mềm do đối tượng lập ra.
Sau một thời gian, sàn giao dịch thông báo dừng hoạt động để bảo trì, hoặc lỗi không truy cập được, khách hàng không đăng nhập được để rút tiền hoặc bị mất hết tiền kỹ thuật số trong tài khoản, đồng thời các đối tượng cũng khóa các tài khoản Facebook, Zalo, Telegram, Tinder...
Một thủ đoạn rất phổ biến nhưng nhiều người mắc bẫy đó chính là các đối tượng sử dụng phần mềm công nghệ cao (Voice over IP - cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính) có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại gọi điện cho bị hại tự xưng là nhân viên bưu điện, bưu cục thông báo về việc người bị hại đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy CMND đăng ký mở tài khoản ngân hàng, hoặc liên quan đến các vụ án, vụ việc vi phạm Luật Giao thông đường bộ…; sau đó nối máy cho bị hại nói chuyện với một số đối tượng khác giả danh cán bộ đang công tác tại các cơ quan tư pháp dọa dẫm bị hại liên quan đến vụ án đặc biệt nghiêm trọng đang điều tra, nếu không thực hiện theo nội dung các đối tượng đưa ra sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam khiến người bị hại hoang mang, lo sợ và cung cấp thông tin cá nhân, tài sản, làm theo yêu cầu của các đối tượng.
Theo chỉ huy Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội, hiện thủ đoạn giả mạo nhân viên ngân hàng đang khá phổ biến. Chúng sẽ gửi thông báo lệnh chuyển tiền giả, kèm đường link trang web giả mạo ngân hàng, yêu cầu bị hại truy cập, điền các thông tin tài khoản ngân hàng, tài khoản Internet banking, mã OTP để kiểm tra, xác minh, qua đó các đối tượng chiếm quyền kiểm soát tài khoản Internet banking và chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng của bị hại.
Các thủ đoạn gửi tin nhắn cho người bị hại thông báo trúng thưởng tài sản hoặc tiền mặt có giá trị lớn, sau đó yêu cầu người bị hại nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng vẫn xảy ra. Cùng với đó, nhiều đối tượng giả danh nhân viên các công ty viễn thông lợi dụng quy trình chuyển đổi sim trực tuyến của các nhà mạng, tranh thủ sự mất cảnh giác của bị hại, yêu cầu bị hại đọc mã OTP để vô hiệu hóa sim điện thoại của bị hại đang sử dụng và chiếm đoạt số thuê bao này. Sau đó, các đối tượng thực hiện thao tác đăng nhập vào tài khoản ngân hàng, tài khoản Internet banking, ví điện tử, thẻ tín dụng được đăng ký bởi số điện thoại vừa chiếm đoạt được, qua đó đổi mật khẩu và chiếm đoạt tài khoản, tiền trong tài khoản…
Chặn đứng đường đi nguồn tiền lừa đảo
Đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, hiện nay trong công tác điều tra, xác minh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao thì dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ hết sức quan trọng, không thể thiếu được, phục vụ cho việc chứng minh tội phạm và người phạm tội. Mặc dù đã được quy định trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và Bộ luật TTHS năm 2015, tuy nhiên, hệ thống văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết về vấn đề này còn hết sức khiêm tốn.
Thực tế cho thấy, chứng cứ điện tử có nhiều điểm khác biệt so với các nguồn chứng cứ truyền thống. Hiện nay, chưa có hướng dẫn hoặc cơ sở pháp lý chặt chẽ về quy trình thu giữ, kiểm tra, đánh giá, cũng như quy định trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc cung cấp, sử dụng, bảo quản loại chứng cứ đặc thù này dẫn đến việc thu thập, bảo quản chứng cứ đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao còn nhiều vướng mắc.
Hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao thường có xu hướng cấu kết với các đối tượng ở nước ngoài để thực hiện tội phạm trong khi giữa Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới chưa có quy định về tương trợ tư pháp hình sự. Do đó, khi có vụ án xảy ra, cơ quan điều tra gặp khó khăn trong việc xác minh, truy bắt đối tượng, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu, chưa đủ hiện đại để theo kịp sự thay đổi liên tục của lĩnh vực công nghệ cao dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, thu thập, bảo quản tài liệu, chứng cứ...
Tội phạm công nghệ cao muốn chiếm đoạt được tài sản của bị hại dù có thủ đoạn mới hay cũ thì đều phải dựa vào việc chuyển tiền qua các ngân hàng, hay những phương thức thanh toán trực tuyến khác. Theo đại diện Phòng An ninh kinh tế, Công an TP Hà Nội, để kịp thời chặn đứng nguồn tiền của bị hại “chảy” về túi của các đối tượng tội phạm công nghệ cao, các ngân hàng cần kịp thời phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan cho cơ quan Công an trong quá trình đấu tranh trực tiếp với đối tượng phạm tội; thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền đến khách hàng những thủ đoạn gây án của các đối tượng để người dân mỗi khi định chuyển tiền đều phải nâng cao cảnh giác.
Siết chặt lại việc quản lý đối với các trường hợp mua, bán tài khoản ngân hàng nhằm ngăn chặn hành vi thuê người khác đi thu gom, mở tài khoản rồi thu, mua bán, lừa đảo. Xây dựng cơ chế phối hợp trong trao đổi thông tin người gửi, người nhận trong trường hợp chuyển tiền liên ngân hàng, chuyển tiền liên quốc gia để phục vụ điều tra.
Cơ quan Công an cũng đề nghị các ngân hàng có phương án phối hợp khẩn trương phong tỏa tài khoản ngân hàng đối với các vụ việc mà tiền của bị hại bị chuyển qua tài khoản cho đối tượng thực hiện tội phạm nhằm ngăn chặn ngay lập tức việc các đối tượng có hành vi rửa tiền hoặc tiêu thụ tiền của bị hại thỏa thuận. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật.
Cần kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo; rà soát các tổ chức, cá nhân có trao đổi, mua bán tiền ảo, yêu cầu các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng các dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán. Đồng thời, tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ có liên quan đến tiền ảo.
Quá trình thụ lý điều tra, giải quyết các vụ án, vụ việc có căn cứ xác định các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng do các đối tượng thuê, mua lại của các đối tượng khác thì cần phối hợp với ngân hàng nơi đối tượng mở tài khoản để thu hồi tài khoản, không để đối tượng lợi dụng sử dụng vào mục đích phạm tội. Đồng thời phối hợp chặt chẽ trong công tác thu giữ, bảo quản xử lý vật chứng là dữ liệu điện tử... trong quá trình điều tra vụ án, vụ việc đảm bảo đúng pháp luật.