An toàn thông tin mạng là điều kiện tiền đề để chuyển đổi số thành công

Thứ Năm, 25/11/2021, 11:33

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội thảo - Triển lãm Quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2021 với chủ đề “An toàn thông tin trong chuyển đổi số - thách thức và giải pháp” do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức trực tuyến ngày 25/11.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trung bình mỗi năm, mỗi người trên toàn cầu bị 3-4 cuộc tấn công mạng. Càng ý thức cao về sự không an toàn thì càng an toàn.

“Chúng ta có trên 90 triệu máy điện thoại thông minh, hàng chục triệu PC, laptop, máy tính bảng. Nhưng đa số các thiết bị cá nhân này chưa được cài phần mềm bảo vệ. Chúng ta có gần 3 triệu camera và đã có những hình ảnh riêng tư bị lộ lọt trên mạng. Rất nhiều camera chưa được đánh giá an toàn thông tin và chưa được cài đặt chức năng bảo mật. Trên thế giới, mới có 60% dự án phát triển phần mềm áp dụng quy trình Phát triển - An toàn thông tin - Vận hành. Ở Việt Nam, con số này còn thấp hơn nhiều. Vì vậy mà còn rất nhiều những lỗi lập trình sơ đẳng đã gây mất an toàn thông tin nghiêm trọng. Nếu những phần mềm này là các nền tảng số quốc gia thì hậu quả là rất lớn. Lừa đảo trực tuyến tăng mạnh trong giai đoạn COVID-19 vừa qua khi chuyển đổi số được thúc đẩy. Thế giới có hơn 2 triệu website lừa đảo. Ở Việt Nam, từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021, Cục An toàn thông tin đã phát hiện và xử lý 816 website lừa đảo giả mạo ngân hàng” - Bộ trưởng dẫn chứng.

An toàn thông tin mạng là điều kiện tiền đề để chuyển đổi số thành công -0
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo-Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin 2021.

Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cho rằng, việc lộ lọt thông tin có thể xảy ra. Nhưng cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro lại là tăng cường sử dụng công nghệ số chứ không phải là không dùng. Vì chúng ta không thể không dùng và cũng phải thông qua dùng thì vấn đề mới bộc lộ ra và từ đó mà hoàn thiện. Các quốc gia phát triển có khả năng chống đỡ tốt hơn là vì họ đã sử dụng sớm hơn, vấn đề bộc lộ sớm hơn và hệ thống được hoàn thiện sớm hơn.

“Muốn an toàn thì cũng phải chấp nhận rủi ro. Gần đây có câu chuyện lộ lọt thông tin của các nền tảng số. Cũng không phải gần đây mà là lúc nào cũng có. Nước lớn, nước bé, nước đã phát triển, nước đang phát triển, công ty to, công ty nhỏ đều có cả. Nó cũng giống như trong đời sống thực, luôn có trộm cắp, luôn có rủi ro. Và không có rủi ro bằng không. Chỉ có quản lý rủi ro để rủi ro ở mức chấp nhận được. Quản lý rủi ro cũng kèm theo chi phí. Rủi ro thấp đi với chi phí cao. Bởi vậy mà luôn phải có câu chuyện tính toán cấp độ an toàn thông tin phù hợp cho từng hệ thống CNTT. Đây là câu chuyện mang tính toàn cầu. Một con số gợi ý về chi phí cho an toàn thông tin là 10% của tổng chi cho hệ thống CNTT. Bộ TT&TT đã đưa ra khuyến nghị về mô hình 4 lớp để bảo vệ hệ thống CNTT, bao gồm nhân lực tại chỗ, bảo vệ của doanh nghiệp chuyên trách về an toàn thông tin, kiểm tra tuân thủ của doanh nghiệp kiểm toán an toàn thông tin và giám sát của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia”- Bộ trưởng chia sẻ.

An toàn thông tin mạng là điều kiện tiền đề để chuyển đổi số thành công -0
Các đại biểu tham gia sự kiện Ngày An toàn thông tin năm 2021 tại điểm cầu Hà Nội.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, muốn an toàn thì phải có các sản phẩm an toàn thông tin Make in Vietnam. Chuyển đổi số quốc gia là toàn dân và toàn diện, là tất cả các ngành, các lĩnh vực và mọi người dân. Muốn an toàn thì mọi phần mềm, mọi nền tảng số quốc gia phải được phát triển an toàn, được đánh giá an toàn và được sử dụng an toàn. An toàn phải được xuất hiện trong mọi khâu, từ phát triển đến đánh giá và đến sử dụng. Không được coi nhẹ ở bất cứ khâu nào. Tất cả các khâu này phải tuân theo các chuẩn về an toàn thông tin. Cục An toàn thông tin của Bộ TT&TT phải ban hành các chuẩn này và tổ chức đánh giá. Muốn an toàn thì phải hợp tác quốc tế bởi Internet, không gian mạng là toàn cầu. Chỉ có sự chung tay toàn cầu thì không gian mạng mới an toàn. Muốn an toàn thì phải làm cho chuyển đổi số quốc gia an toàn. Chuyển đổi số quốc gia bao gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

“Ngày An toàn thông tin năm nay, tôi yêu cầu cần làm rõ, đảm bảo an toàn thông tin cho các nền tảng số quốc gia như thế nào, đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử, đảm bảo an toàn cho các thiết bị truy cập Internet của người dân. Không chỉ là nhận thức nữa mà phải là làm như thế nào một cách thiết thực, hiệu quả. Cơ hội chuyển đổi số, cũng giống như bất kỳ cơ hội nào, chỉ mang tính thời điểm, nếu không nắm bắt nó sẽ qua đi. Trong 3 năm, 5 năm tới đây sẽ là giai đoạn quyết định thành bại của quá trình chuyển đổi số quốc gia. An toàn thông tin mạng là điều kiện tiền đề để chuyển đổi số thành công. Sứ mệnh bảo đảm an toàn thông tin mạng cho chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được trao cho Bộ TT&TT, Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam, các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ số, các chuyên gia an toàn thông tin Việt Nam. Chúng ta hãy cùng chung tay bảo đảm không gian mạng Việt Nam an toàn, lành mạnh”-Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hội thảo, triển lãm quốc tế “Ngày An toàn thông tin” năm 2021 là một diễn đàn quan trọng cấp quốc gia, thu hút sự quan tâm đối với cộng đồng an toàn, an ninh mạng trong nước và quốc tế. Hội thảo năm nay sẽ tập trung vào phân tích thực trạng, nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ, giải pháp an toàn thông tin phục vụ cho chuyển đổi số và an toàn thông tin cho giai đoạn thích ứng với dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Chương trình Hội thảo gồm Phiên toàn thể buổi sáng, phiên chuyên đề buổi chiều với sự tham gia của gần 30 diễn giả là lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước; các chuyên gia nổi tiếng về ATTT quốc tế và chuyên gia của các công ty lớn trong và ngoài nước. Các tham luận trong phiên chuyên đề trao đổi, chia sẻ về các vấn đề mang tính thời sự hiện nay như: biện pháp bảo vệ cho giao dịch tuyến; bảo mật thông tin cá nhân và phòng chống các phương thức tấn công mạng thế hệ mới, với sự tham gia của các công ty công nghệ trong nước và quốc tế.

Bên cạnh Hội thảo là triển lãm trực tuyến với gần 30 gian hàng giới thiệu các giải pháp công nghệ an toàn thông tin tiên tiến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Huyền Thanh
.
.
.