Chỉ số An toàn thông tin của Việt Nam “thoát” khỏi ngưỡng trung bình yếu
Ngày 2-12, tại Hà Nội đã diễn ra Ngày ATTT Việt Nam với chủ đề “Kỷ nguyên mới của An ninh mạng” do các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền Thông và Bộ Quốc Phòng cùng phối hợp tổ chức.
TS Vũ Quốc Khánh, Hiệp Hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết: Khảo sát mới nhất của VNISA và Cục An toàn thông tin với 700 tổ chức, doanh nghiệp tại 3 vùng trọng tâm là TP. Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cho thấy, chỉ số ATTT năm 2016 là 59,9%, tăng đáng kể so với 47,4% của năm 2015 và 39% của năm 2014. Và đây cũng là năm đầu tiên, chỉ số ATTT của Việt Nam đã “thoát” khỏi ngưỡng trung bình yếu.
Chỉ số ATTT năm 2016 do VNISA khảo sát và công bố |
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, mối lo ngại nhất vẫn là nâng cao nhận thức cho người sử dụng về bảo mật máy tính (52,3%); phản ứng nhanh và chính xác khi xảy ra các vụ tấn công (45,2%)...
Đối tượng đe dọa ATTT đáng sợ nhất là tội phạm máy tính như hacker bất hợp pháp xếp thứ nhất với 26,9%; kế sau lần lượt là đối thủ cạnh tranh (gián điệp công nghiệp) với 24,9%; băng nhóm tội phạm máy tính có tổ chức (khủng bố mạng…) là 16,9%; các thế lực đến từ nước ngoài là 15%.
Theo dự báo, trong thời gian tới, tình hình ATTT được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và xu hướng bùng nổ trên thế giới. Cộng đồng tội phạm mạng, thế giới ngầm của các hacker hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, các công cụ, vũ khí tấn công mạng được xây dựng bởi những lực lượng có chuyên môn cao, đầu tư lớn và bài bản, thậm chí đã được cung cấp như một dịch vụ CNTT ở quy mô xuyên quốc gia.