Yên nghỉ nhé, những đồng đội thương yêu!
Dòng người lặng lẽ bước đi trong ngày mưa rả rích, tiễn đưa các anh về nơi an nghỉ. Quá đỗi đau thương, chỉ cách đó hai ngày, 3 cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng vẫn cùng người dân hợp sức, vần đẩy tảng đá lớn để thông đường cho từng chuyến xe qua. Vậy mà nay, các anh đã...
Xúc động hình ảnh cuối cùng
Hôm ấy (30/7), núi rừng Bảo Lộc (Lâm Đồng) bỗng chuyển giông tố, trời thấp như với tới và mưa không chịu dứt. Xế trưa, mưa vẫn rơi tầm tã, nước từ trên núi xối xả đổ xuống mặt đường. Từng mảng đất lớn, phiến đá to, bị dòng nước lớn đẩy ập xuống, lăn lỏng chỏng, án ngữ giữa đèo. Xe cộ bắt đầu ùn tắc, dồn ứ cả hai chiều lên xuống.
Như thường lệ, tổ công tác chốt CSGT đèo Bảo Lộc, thuộc Trạm CSGT Mađaguôi, Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng lại khẩn trương tới hiện trường làm nhiệm vụ. Phải dùng từ “đặc biệt” để nói về chốt CSGT này. Bởi ngoài công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xử lý các phương tiện vi phạm trên đèo Bảo Lộc với chiều dài hơn 10km, mỗi cán bộ ở chốt CSGT đèo Bảo Lộc còn đảm đương thêm công việc của một “phu đường”. Các anh thường xuyên phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ trực tiếp khắc phục những vụ sạt lở đất đá hoặc bất cứ sự cố gì gây cản trở tới hoạt động lưu thông của các phương tiện qua đèo Bảo Lộc. Sự chậm trễ trong công tác khắc phục sự cố trên tuyến đèo này có thể làm tê liệt hoàn toàn hoạt động giao thông bình thường của quốc lộ 20.

Bởi thế, khi máy múc còn chưa được cơ quan quản lý đường bộ điều động tới hiện trường, trong tình huống cấp bách, tổ công tác CSGT chốt đèo Bảo Lộc buộc phải sử dụng sức người, cùng nhân dân gồng mình vần đẩy, nhích dần tảng đá lớn đang án ngữ giữa đèo dưới trời mưa tầm tã. Sau khoảng 15 phút, với sự chung sức của gần 10 người, tảng đá khổng lồ buộc phải “an phận” dưới mương thoát nước trong sự vui mừng của những hành khách đang bị ách tắc giữa đèo. Các anh mình mẩy ướt sũng, rét lạnh run run nhưng trên gương mặt vẫn tươi cười, lần lượt siết tay thật chặt từng người đã cùng mình vần tảng đá, giải phóng mặt đường. Hình ảnh cảm động nhưng đau nhói lòng đó đến nay vẫn còn lan truyền mạnh trên những trang mạng xã hội như một lời tri ân sâu sắc tới 3 cán bộ CSGT đã anh dũng hy sinh.
Dẫu vẫn biết có sinh có tử, hành động quên mình vì nước, vì dân cao cả trong lúc thực thi nhiệm vụ lại càng thêm ý nghĩa. Vậy nhưng, có hy sinh nào mà không kèm theo nỗi đau đớn tột cùng cho gia đình, người thân? Mà không để lại niềm tiếc thương vô hạn cho nhân dân, đồng đội?... Mấy ai ngờ được, hai trong số ba cán bộ CSGT cùng người dân hợp sức di dời tảng đá, khai thông đèo Bảo Lộc trong ngày mưa tầm tã hôm ấy lại chính là hình ảnh cuối cùng của các anh xuất hiện trên cõi tạm này.
Hơn 14h chiều 30/7, trong lúc 6 cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng, gồm Trung tá Phạm Văn Chi, Trung tá Nguyễn Khắc Thường, Thiếu tá Lê Quang Thành, Thiếu tá Nguyễn Xuân Trung, Đại úy Lê Ánh Sáng và Đại úy Nguyễn Văn Hưng, đang tuần tra kiểm soát giao thông thì nhận được thông tin núi đất sát với chốt CSGT đèo Bảo Lộc có dấu hiệu sạt lở, nước từ trên cao tạo thành dòng xối xả đổ xuống. Các anh tức tốc trở về chốt, mỗi người một việc, khẩn trương di dời phương tiện, thiết bị và các tài sản khác ra khỏi khu vực nguy hiểm. Thấy vậy, anh Phạm Ngọc Anh (quê huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, nguyên là chiến sĩ nghĩa vụ Công an vừa xuất ngũ) cũng chạy tới hỗ trợ tổ công tác di dời tài sản ra ngoài.
Trong lúc tổ công tác đang làm nhiệm vụ, bất ngờ hàng nghìn khối đất đá từ trên cao sạt lở, đổ ập xuống. Chỉ trong khoảnh khắc, thảm họa thiên tai đã vùi lấp hoàn toàn một phần chốt CSGT đèo Bảo Lộc trong sự kinh hãi tột cùng của những người chứng kiến. Trung tá Phạm Văn Chi, Thiếu tá Nguyễn Xuân Trung và Đại úy Nguyễn Văn Hưng, chạy thoát được và chỉ bị thương nhẹ với gương mặt thất thần bởi vừa thoát chết trong chớp mắt.
Không may mắn như các anh, Trung tá Nguyễn Khắc Thường (SN 1981), Thiếu tá Lê Quang Thành (SN 1977), Đại úy Lê Ánh Sáng (SN 1990) và anh Phạm Ngọc Anh (SN 2000) đã vĩnh viễn ra đi ngay tại chốt CSGT Bảo Lộc, nơi nhiều năm qua các anh đã gắn bó công tác để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên tuyến đèo huyết mạch.

Ước nguyện dở dang
Bất cứ sự hy sinh nào cũng đều để lại nỗi đau vô hạn, mất mát to lớn không gì bù đắp được cho gia đình, đồng đội và nhân dân. Với Đại úy Lê Ánh Sáng, nỗi đau càng nhân lên gấp bội khi anh ra đi lúc tuổi đời đang còn rất trẻ, bao nhiêu khát vọng, hoài bão và ước nguyện riêng tư vẫn dang dở. Dở dang hơn cả chính là lời hứa với người vợ còn chưa kịp làm đám cưới, với đấng sinh thành còn chưa kịp báo hiếu trọn vẹn. Anh hy sinh trước ngày dự định tổ chức đám cưới chưa tới 2 tuần. Ảnh cưới anh đã chụp, thiệp hồng cũng đã phát đi nhưng ngày vui thì vĩnh viễn không thực hiện được.
Ngồi trước linh cữu con đặt nhờ tại một địa điểm ở TP Bảo Lộc, ông Lê Ngọc Vĩnh (SN 1951), bố của Đại úy Lê Ánh Sáng, mới từ quê vào với gương mặt thất thần. Đôi mắt ông ngấn lệ, cố giấu cảm xúc đau đớn vào lòng. “Cách đây ít ngày, gia đình tôi còn vui mừng vào Lâm Đồng để làm lễ ăn hỏi cho con. Vậy mà... nay đã...”, giọng ông Vĩnh đau đớn nghẹn lại.
Bàng hoàng khi nhận tin chồng gặp nạn, chị Huệ, vợ Thiếu tá Lê QuangThành và con gái khóc ngất, vội vã di chuyển gần 130km xuống hiện trường với hy vọng tìm kiếm một phép màu. Thế nhưng, tất cả đã không xảy ra... anh Thành mãi mãi ra đi. Sớm30/7, sau khi ăn sáng cùng gia đình, anh Thành vội vã lên đường xuống chốt CSGT đèo Bảo Lộc để cùng đồng đội phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý sự cố liên quan tới sạt lở đất. Không ngờ, đó là giây phút cuối cùng cả gia đình chị Huệ, anh Thành được sum vầy bên nhau. Chỉ trong khoảnh khắc, chị đã mất chồng, các con mất cha, để lại nỗi đau tột cùng cho gia đình.
Tới thăm hỏi, chia buồn cùng gia đình Trung tá Nguyễn Khắc Thường, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an đã để lại dòng lưu bút trong sổ tang: “Đảng ủy Công anTrung ương, Bộ Công an vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Khắc Thường – cán bộ Trạm CSGT Mađaguôi, Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng. Đồng chí đã tích cực trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai tại khu vực đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Sự hy sinh của đồng chí Thường đã để lại mất mát to lớn đối với gia đình và lực lượng CAND. Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an ghi nhận sự hy sinh dũng cảm của đồng chí và những đóng góp trong sự nghiệp bảo vệ An ninh Tổ quốc. Xin chia buồn sâu sắc cùng gia đình trước nỗi mất mát này, mong gia đình sớm vượt qua nỗi đau trong thời gian tới. Mong đồng chí yên giấc nghìn thu nơi vĩnh hằng”.
Chiều 31/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký quyết định công nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 3 cán bộ CSGT hy sinh. Trước đó, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã ký các quyết định truy thăng cấp bậc hàm sĩ quan nghiệp vụ đối với 3 cán bộ CSGT hy sinh khi làm nhiệm vụ trên đèo Bảo Lộc.