Việt Nam luôn tạo điều kiện để phạm nhân hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo

Thứ Sáu, 10/11/2023, 07:56

Ngày 12/11 đến 16/11/2023 sắp tới, sẽ diễn ra Hội nghị Cán bộ quản lý trại giam khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APCCA) lần thứ 41 tại Việt Nam. Đâylà diễn đàn để các nhà lãnh đạo, quản lý trại giam khu vực Châu Á - Thái Bình Dương gặp gỡ, giao lưu, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nhằm phục vụ tốt nhất công tác quản lý trại giam, giáo dục cải tạo người lầm lỡ trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về công tác này, Báo CAND đã phỏng vấn Trung tướng Lê Minh Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, Bộ Công an Việt Nam, Chủ tịch Hội nghị APCCA năm 2023.

1.jpg -0
Trung tướng Lê Minh Hùng.

Phóng viên: Thưa đồng chí, đồng chí cho biết kết quả nổi bật của công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân trong thời gian qua.

Trung tướng Lê Minh Hùng: Công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài và quan trọng của lực lượng Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng đây là hoạt động hết sức đa dạng, phong phú nhưng đồng thời cũng có nhiều khó khăn, phức tạp. Trong thời gian qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, sự phối hợp, tạo điều kiện giúp đỡ của các bộ, ngành, chính quyền và nhân dân địa phương cùng với sự chủ động, đoàn kết, tích cực phấn đấu, khắc phục khó khăn của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng, công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện.

Các trại giam đã tổ chức thực hiện công tác quản lý, giam giữ các loại đối tượng chặt chẽ, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các cơ sở giam giữ. Công tác giáo dục cải tạo phạm nhân đã được các trại giam duy trì, thực hiện tốt. Các hoạt động giáo dục như: phổ biến thông tin thời sự, chính sách, tổ chức các lớp giáo dục công dân, giáo dục pháp luật, dạy văn hóa, giáo dục chung, giáo dục riêng, các lớp giáo dục, tư vấn cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù… đã được tổ chức bài bản, đúng quy định; tỉ lệ phạm nhân có kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù khá, tốt luôn đạt trên 80%. Thông qua các hoạt động giáo dục đã giúp phạm nhân nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật, chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ, tích cực học tập, lao động để khi có điều kiện được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước, sớm được trở về với gia đình, xã hội.

Phóng viên: Được biết, công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân đã được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Đối với Việt Nam, công tác này đang được triển khai thực hiện như thế nào? Tại sao ở Việt Nam lại kết hợp giữa giáo dục và lao động, hướng nghiệp, dạy nghề, thưa đồng chí?

Trung tướng Lê Minh Hùng: Tổ chức lao động cho phạm nhân đang chấp hành án trong trại giam đã được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, không chỉ được luật hóa mà còn được nhiều nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu. Liên hợp quốc đã xác định những quy tắc tối thiểu để đối xử với các phạm nhân, trong đó có việc quy định nghĩa vụ phải lao động của phạm nhân cũng như trách nhiệm hướng nghiệp, dạy nghề cho các phạm nhân của trại giam.

Ở Việt Nam, công tác tổ chức giáo dục cải tạo, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân tại trại giam được thực hiện theo quy định tại Luật Thi hành án hình sự (năm 2019). Tổ chức giáo dục cải tạo phạm nhân thông qua hướng nghiệp dạy nghề là một trong những nội dung giáo dục cơ bản nhằm giúp phạm nhân hiểu rõ giá trị của lao động, từng bước hình thành thói quen lao động và tự giác lao động, có trình độ và khả năng nghề nghiệp nhất định để khi chấp hành xong hình phạt tù trở về với gia đình xã hội, tái hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa tái phạm. Trong thời gian qua, công tác hướng nghiệp cho phạm nhân có nhiều chuyến biến tích cực, các đơn vị trại giam đã nhận được sự quan tâm phối hợp của các tổ chức và cá nhân trong đầu tư, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, đa dạng hóa các ngành nghề lao động từ trồng trọt, chăn nuôi, thủ công chế biến, xây dựng…đã từng bước góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa cho xã hội, tạo cơ hội cho phạm nhân tham gia lao động, hướng nghiệp, dạy nghề, tiếp xúc với các thiết bị, sản xuất tiên tiến để dễ dàng thích nghi với quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Quá trình phạm nhân tham gia lao động đã có tác động tích cực đối với công tác giáo dục cải tạo, rèn luyện cho phạm nhân ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong lao động, học nghề cũng như trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, xã hội.

2.jpg -0
Cán bộ hướng dẫn phạm nhân lao động hướng nghiệp để thích nghi với quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

Phóng viên: Đồng chí cho biết, việc đảm bảo chế độ chính sách, chăm sóc sức khỏe cho phạm nhân được thực hiện như thế nào? Đặc biệt, việc thực hiện chính sách đối với phạm nhân có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi?

Trung tướng Lê Minh Hùng: Việc thực hiện các chế độ chính sách và chăm sóc sức khỏe cho phạm nhân tại các trại giam luôn được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Phạm nhân được đảm bảo các chế độ ăn, ở, sinh hoạt theo luật định, được chăm sóc y tế, khám chữa bệnh định kỳ. 100% phạm nhân khi đến trại chấp hành án đều được khám sức khỏe, căn cứ vào kết quả đó các trại giam sẽ phân loại và có biện pháp quản lý giáo dục, tổ chức lao động, dạy nghề cho phù hợp. Bên cạnh đó, các trại giam cũng thường xuyên phối hợp với các cơ sở y tế ở địa phương để khám sức khỏe định kỳ cho phạm nhân 2 năm/lần, việc tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc được thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Đối với phạm nhân nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trại giam, tổng định lượng ăn bằng 2 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường so với định lượng ăn của phạm nhân nói chung và được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con. Trẻ em dưới 36 tháng tuổi được hưởng chế độ ăn, mặc, ở, cấp phát nhu yếu phẩm và được chăm sóc y tế, khám chữa bệnh để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em. Trại giam có trách nhiệm tổ chức nhà trẻ ngoài khu giam giữ để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con của phạm nhân dưới 36 tháng tuổi. Việc thực hiện tốt các chế độ chính sách và chăm sóc sức khỏe, đảm bảo quyền con người cho mỗi phạm nhân không những thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước Việt Nam đối với những người phạm tội mà còn góp phần tích cực vào công tác giáo dục, hướng thiện cho phạm nhân.

Phóng viên: Hội nghị cán bộ quản lý trại giam Khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 41 (APCCA 41) năm 2023 được tổ chức ở Việt Nam đang đến gần. Đề nghị đồng chí cho biết công tác chuẩn bị đã được triển khai thực hiện như thế nào để hội nghị diễn ra thành công ?

Trung tướng Lê Minh Hùng: Hội nghị cán bộ quản lý trại giam khu vực châu Á - Thái Bình Dương là cơ chế họp thường niên và luân phiên của Cục trưởng Cục Quản lý trại giam các nước trong khu vực nhằm tăng cường hợp tác, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, hiểu biết để áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn công tác quản lý trại giam của mỗi quốc gia, mở rộng quan hệ, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, giao lưu văn hóa và có nhiều cơ hội để hiểu biết nhau hơn. Tính đến năm 2023, đã có 34 cơ quan quản lý giam giữ thành viên chính thức ở 25 quốc gia, đã trải qua 40 kỳ Hội nghị ở các nước khác nhau trong khu vực. APCCA 41 sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 16/11/2023 tại Việt Nam. Hội nghị có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ 25 quốc gia, 3 tổ chức quốc tế và 15 cơ quan ngoại giao tham dự.

Đây là lần thứ 2 Bộ Công an (Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng) đăng cai tổ chức hội nghị. Chủ đề của hội nghị lần này là: “Tạo dựng giá trị nhân văn, niềm tin và đoàn kết trong công tác trại giam”. Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng đang tích cực, khẩn trương phối hợp với các đơn vị trực thuộc của Bộ Công an dần hoàn thiện mọi công tác chuẩn bị phục vụ cho Hội nghị APCCA lần thứ 41. Đến thời điểm này các nội dung công tác hậu cần, tuyên truyền, lễ tân, y tế, đảm bảo an ninh an toàn, địa điểm nơi diễn ra các cuộc họp, việc di chuyển của đại biểu, địa điểm các đại biểu tham quan, trao đổi kinh nghiệm… đều được các đơn vị chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về mọi mặt sẵn sàng góp phần tạo nên sự thành công của APCCA lần thứ 41 tại Việt Nam.

Phóng viên: Hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu hiện nay. Tuy nhiên, lĩnh vực quản lý trại giam là lĩnh vực có tính đặc thù. Vậy, Cục đã có những công tác gì để chủ động hội nhập, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong khu vực và trên thế giới, thưa đồng chí?

Trung tướng Lê Minh Hùng: Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng những năm qua đã phát huy hiệu quả và không ngừng mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và các nước trên thế giới nói chung, vị thế của Việt Nam từng bước được nâng cao trên trường quốc tế. Cục đã thành lập nhiều đoàn công tác tham gia các hội nghị, hội thảo, các khóa tập huấn liên quan đến lĩnh vực quản lý trại giam; giáo dục cải tạo, thực hiện chế độ chính sách đối với phạm nhân… như: Hội nghị nhà tù và trại giam thế giới; Hội nghị Quốc tế về Y tế trại giam; tiếp và làm việc song phương với các đối tác, tổ chức quốc tế, tham dự lớp tập huấn về Công ước chống tra tấn, Diễn đàn tư pháp hình sự châu Á - Thái Bình Dương.

Qua tham dự các Hội nghị quốc tế và đặc biệt là với lần thứ 2 đăng cai Hội nghị APCCA năm 2023 thể hiện sự tin cậy và tín nhiệm cao của các nước thành viên đối với Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng của Việt Nam, đồng thời thể hiện sự quyết tâm của đơn vị trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục phạm nhân. Từ những kinh nghiệm đã tiếp thu của các nước, chúng ta lựa chọn, áp dụng linh hoạt, phù hợp vào thực tế của Việt Nam hướng tới mục đích đảm bảo an ninh an toàn các cơ sở giam giữ, quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân trở thành người có ích cho xã hội khi tái hòa nhập cộng đồng, giảm tỉ lệ tái phạm tội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Phương Thuỷ (thực hiện)
.
.