Viện Khoa học và Công nghệ Bộ Công an chế tạo thành công Nanobody hỗ trợ phòng, chống COVID-19

Thứ Sáu, 10/09/2021, 18:43

Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ (Bộ Công an) đã chế tạo thành công một số Nanobody có khả năng ức chế hiệu quả sự nhân bản của virus SARS-CoV-2, bao gồm cả biến thể Delta, một trong những biến thể có tốc độ lây lan mạnh nhất trên thế giới hiện nay.

Thiếu tướng, TS. Lê Minh Quý, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ, đồng thời là Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, ngay từ tháng 4/2020, khi dịch COVID-19 mới bùng phát, Viện Khoa học và Công nghệ đã chủ động nghiên cứu tiền khả thi các giải pháp phòng, chống dịch từ việc chế tạo test nhanh đến phát triển vaccine và thuốc điều trị có tính hướng đích cao. Sau hơn một năm triển khai nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã chế tạo thành công được một số Nanobody có khả năng ức chế hiệu quả sự tương tác của protein gai của virus SARS-CoV-2 với thụ thể ACE2 của tế bào người, vốn là bước đầu tiên trong quá trình lây nhiễm của loại virus nguy hiểm này trong cơ thể.

Đặc biệt, chế phẩm Nanobody có hoạt tính ức chế cao (hoạt động ngay từ mức μg/L) với cả chủng virus gốc Vũ Hán và biến thể Delta, là một trong những biến chủng nguy hiểm, là căn nguyên bùng phát làn sóng dịch thứ 4 tại nước ta và là biến thể có tốc độ lây lan mạnh nhất trên thế giới hiện nay.

Viện Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an nghiên cứu chế tạo thành công Nanobody hỗ trợ phòng, chống COVID-19 -0
Thiếu tướng, TS. Lê Minh Quý bảo vệ đề tài nghiên cứu Nanobody

Về mặt bản chất, Nanobody có thể được coi là một loại kháng thể “tí hon”, có đặc tính bền vật lý, giữ được hoạt tính sinh học trong quá trình aerosol hóa nên đã được thử nghiệm để điều trị COVID-19 và virus hợp bào hô hấp theo đường xông.

Viện Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an nghiên cứu chế tạo thành công Nanobody hỗ trợ phòng, chống COVID-19 -0
Thiếu tướng, TS. Lê Minh Quý chỉ đạo, kiểm tra Phòng thí nghiệm tổng hợp hữu cơ giai đoạn đầu nghiên cứu (tháng 2/2021)

Theo Thiếu tướng, TS Lê Minh Quý, trong cơ thể người, kháng thể giúp hệ miễn dịch chống lại sự lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh. Một cách cụ thể, đối với SARS-CoV-2, kháng thể sinh ra trong cơ thể người sẽ bám lên protein gai của virus, trung hòa chúng khiến chúng không còn khả năng lây nhiễm vào tế bào người. Hiện nay, đã có một số chế phẩm kháng thể đơn dòng được cấp phép để điều trị COVID-19 giúp giảm thiểu các triệu chứng và rút ngắn thời gian điều trị, tuy nhiên, việc sản xuất kháng thể đơn dòng ở quy mô công nghiệp rất phức tạp và đắt đỏ, khó đáp ứng nhu cầu các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Do có thể được sản xuất trong tế bào vi khuẩn với số lượng lớn và giá thành thấp nên Nanobody có thể giải quyết được hạn chế này. Một ưu điểm khác của Nanobody so với kháng thể đơn dòng là cách thức sử dụng. Trong khi kháng thể đơn dòng cần được truyền theo đường tĩnh mạch thì Nanobody có thể dùng trực tiếp theo đường xông vào đúng vị trí mà SARS-CoV-2 lây nhiễm là đường hô hấp và phổi. Do vậy, Nanobody có thể được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 mới mắc hoặc có triệu chứng nhẹ ngay tại nhà hoặc dùng trong khu cách ly để phòng ngừa lây nhiễm chéo.

 

Tâm Phạm
.
.