Tiến tới kỷ niệm 75 năm ngày Báo CAND phát hành số đầu tiên (1/11/1946 – 1/11/2021):

Vị thế tờ báo với các giải thưởng Giải Báo chí quốc gia

Thứ Năm, 28/10/2021, 06:28

Là một trong những cơ quan báo chí có vị trí và “tuổi đời” lớn, Báo CAND khẳng định chỗ đứng trong lòng độc giả với các tác phẩm báo chí nhân văn, tin cậy, kịp thời, trong đó nhiều tác phẩm giàu tính chiến đấu. Hằng năm, Báo CAND đều được xướng tên trong các lễ trao giải báo chí các cấp, đặc biệt là Giải Báo chí quốc gia. 

 

Tại lễ trao Giải Báo chí quốc gia năm 2020, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Hơn 96 năm qua, nền báo chí nước ta đã có sự phát triển vượt bậc cả về đội ngũ, kỹ thuật, công nghệ và trình độ tác nghiệp. Chủ tịch Hồ Chí Minh – người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam đã từng nói “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”, “Ngòi bút của các bạn cũng là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”.

giải a năm 2012.jpg -0
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh chụp ảnh lưu niệm với nhóm tác giả Báo CAND và đại diện một số cơ quan báo chí đoạt giải A Giải Báo chí Quốc gia 2012 (ngày 21/6/2013).

Kế thừa những di sản tư tưởng, thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, nhiều nhà báo đang ngày ngày dấn thân vào thực tiễn đời sống, phản ánh những vấn đề nóng hổi nhất của xã hội, giới thiệu, lan tỏa những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả, nêu gương người tốt, việc tốt, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, làm giàu vốn văn hóa quốc gia, hướng đến sự nhân văn của con người”.

Những sản phẩm báo chí đặc trưng

Hòa trong dòng mạch của nền báo chí cách mạng, Báo CAND đã phát huy vai trò là cơ quan báo chí xung kích của lực lượng vũ trang nhân dân, luôn bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, của lực lượng CAND, truyền tải thông tin tuyên truyền, định hướng tư tưởng, định hướng dư luận.

Báo CAND với các tác phẩm báo chí giàu tính phản biện, tính chiến đấu cũng là vũ khí sắc bén đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, sự suy thoái về đạo đức, lối sống; đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; truyền tải kịp thời thông tin và công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đất nước, góp phần tạo đồng thuận xã hội.

Những tác phẩm được đầu tư kỹ về nội dung, thời gian, trí tuệ của Đảng ủy, Ban Biên tập và đội ngũ phóng viên đã thực sự chiếm lĩnh niềm tin của độc giả, tạo hiệu ứng tuyên truyền sâu rộng và nhiều tác phẩm trong số đó đã được xướng tên tại lễ trao Giải Báo chí quốc gia cùng nhiều giải thưởng uy tín khác của Trung ương và địa phương.

Nhìn lại lịch sử Giải Báo chí toàn quốc (nay là Giải Báo chí quốc gia), Báo CAND giữ vị trí đáng tự hào. Hầu như năm nào, Báo CAND cũng có tác phẩm đoạt giải, trong đó có 4 giải A, rất nhiều giải B, C và Khuyến khích. Là giải thưởng danh giá nhất của nghề báo, việc đoạt nhiều giải thưởng cao và giữ sự ổn định hằng năm là một minh chứng sống động khẳng định vị thế tờ báo, khẳng định uy tín, chất lượng, hiệu quả và lòng tin của độc giả đối với các ấn phẩm của Báo CAND.

Nổi bật là hai mảng thể loại báo chí chính luận và phóng sự điều tra. Trong đó, phóng sự điều tra có đặc điểm phóng viên phải dành nhiều thời gian đi thực tế tại các địa bàn để tìm hiểu, thu thập tài liệu, gặp gỡ nhân vật phỏng vấn, lấy số liệu, có thể kéo dài nhiều tháng.

Đặc biệt, nhóm phóng viên phải xâm nhập thực tế tại các điểm nóng về tội phạm, “bám càng” cùng lực lượng trinh sát vào địa bàn, đối mặt nhiều nguy hiểm, thách thức, song cũng chính mảng đề tài này hội đủ chất liệu sống động, gai góc của cuộc đấu tranh chống tội phạm mà những người làm báo trong lực lượng CAND có điều kiện phát huy, đúng như tôn chỉ, mục đích đã ghi trên số đầu của tờ Công an mới (ra ngày 1/11/1946): “Đứng về phương diện Báo, Công an mới sẽ có những mục điều tra, phóng sự, tường thuật viết theo tài liệu xác thực và đầy đủ, những sản phẩm đặc biệt của Công an mà chỉ Công an mới có…”.

Nhiều tác giả với các tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng độc giả đã khẳng định thương hiệu, uy tín như Đại tá Nguyễn Như Phong, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo CAND. Anh đã 7 lần đoạt Giải Báo chí quốc gia với 2 giải A, 1 giải B, 3 giải C và 1 giải Khuyến khích, trong đó nhiều tác phẩm phóng sự điều tra gây tiếng vang một thời trên ấn phẩm An ninh thế giới như “Đường dây ma túy Xiêng Phêng – Vũ Xuân Trường” (Giải A năm 1996); “Theo chân những người truy lùng thủ phạm vụ cướp tiệm vàng Kim Sinh” (Giải C năm 1999); “Mặt thật của một vài người mượn danh hiền sĩ khoác chiêu bài dân chủ” (Giải A năm 2001); “Cận cảnh Tam giác Vàng” (Giải B năm 2009)… Thể loại phóng sự điều tra tiếp tục được cán bộ, phóng viên Báo CAND thực hiện với nhiều loạt bài gây tiếng vang, tạo dấu ấn trong dư luận.

Điển hình là loạt phóng sự điều tra 5 kỳ “Tập đoàn kinh tế Nhà nước – những lát cắt thời sự”, tác phẩm đoạt Giải A năm 2012 của nhóm tác giả Phạm Miên, Đăng Trường, Nguyễn Tuấn, Lệ Thúy. Điều đặc biệt, khác với mảng “sở trường” trong điều tra về tội phạm, tệ nạn xã hội, đây là loạt bài điều tra về kinh tế với rất nhiều thách thức đặt ra.

Tuy nhiên, bằng sự đam mê dấn thân và các biện pháp nghiệp vụ nghề báo, các tác giả đã vượt qua khó khăn để có thông tin, dữ liệu, ý kiến xác thực, thuyết phục, tạo được dấu ấn với đề tài thời sự nóng bỏng.

Năm 2017, loạt bài “Hóa giải vùng đất dữ Lóng Luông” của nhóm tác giả Duy Hiển – Anh Hiếu đoạt Giải B. Đây là tác phẩm điều tra viết về Chuyên án 279LL – một chuyên án đấu tranh với tội phạm ma túy kéo dài tới 3 năm với 9 giai đoạn đấu tranh khốc liệt, được lãnh đạo Bộ Công an hết sức quan tâm, chỉ đạo sâu sát các đơn vị phá án.

Năm 2019, loạt bài điều tra “Ngăn chặn ma men cầm lái – từ hành vi đến pháp lý” của nhóm tác giả Phương Thủy, Trần Hằng, Minh Hiền, Xuân Trường đoạt giải B. Nhiều loạt bài điều tra khác gây tiếng vang và đoạt giải cao như “Vạch mặt những hành vi tham nhũng ở Bến xe miền Đông” của nhóm tác giả Nguyễn Xuân Xe, Nguyễn Thanh Hải, Trần Thúy Hà (Giải B năm 2006); “Gian lận xăng dầu - hành vi nghiêm trọng phải xử lý” của nhóm tác giả Hồng Thanh Quang, Nguyễn Hồng Thái, Nguyễn Xuân Xe, Nguyễn Thị Thu Phương… (Giải B năm 2008); “Vạch mặt những hành vi tham nhũng ở bến xe Miền Đông” của nhóm tác giả Nguyễn Xuân Xe, Nguyễn Thanh Hải, Trần Thúy Hà (Giải B năm 2006); “Gần 400ha rừng bị tàn phá, ai chịu trách nhiệm” của nhóm tác giả Lưu Hiệp, Hà Ly (Giải B năm 2015); “Bệnh án tâm thần, bùa hộ mệnh và những đường dây ma” của nhóm tác giả Minh Khoa, Trần Xuân (Giải C năm 2018)… 

Và tác phẩm giàu tính chiến đấu

Thể tài báo chí chính luận, đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” cũng là thế mạnh của Báo CAND. Nhiều bài với cách lựa chọn vấn đề, dẫn chứng, lập luận sắc bén, có tính thuyết phục cao đã tạo hiệu ứng khi đăng tải và thực sự “chinh phục” giám khảo. Đây cũng là thể loại mang dấu ấn của cơ quan báo chí lực lượng vũ trang cách mạng.

Vị thế tờ báo với các giải thưởng Giải Báo chí quốc gia -0
Loạt bài của Báo CAND đoạt Giải B, Giải Báo chí quốc gia năm 2019.

Gần 25 năm gắn bó với Báo CAND, trong đó có gần một nửa thời gian làm công tác quản lý với cương vị Phó Tổng biên tập, cố Đại tá, nhà báo Lưu Vinh luôn đam mê với những chuyến đi và viết. Trong thời gian công tác tại Báo CAND, cố nhà báo Lưu Vinh đã đạt 8 Giải Báo chí quốc gia, trong đó có 3 giải B, 4 giải C, 1 giải Khuyến khích.

Nhiều tác phẩm đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” đoạt giải có tính chiến đấu cao như: “Vạch trần bộ mặt thật của ông Lê Quang Liêm” của tác giả Lưu Vinh, Hồng Thái (Giải B năm 2001); “Cù Huy Hà Vũ và chiêu bài nhân cách” của tác giả Quý Thanh (Giải C năm 2011); “Vạch trần thủ đoạn các thế lực thù địch phá hoại Hiến pháp” của nhóm tác giả Thái An, Sông Lam, Hồ Tuyên (Giải B năm 2013); “Tự do Internet và chiêu trò lộng giả thành chân” của tác giả Đăng Trường (Giải B năm 2016); “Hòa hợp dân tộc – một góc nhìn thực chất”, tác giả Đăng Trường (Giải B năm 2015).

Cùng với đó, nhiều bài viết chính luận với góc nhìn, cách tiếp cận mới, dẫn chứng và lý lẽ thuyết phục đã luận giải những vấn đề thực tiễn đặt ra như “Đạo lý Việt Nam trong Di chúc Bác Hồ” của tác giả Phạm Khải (Giải C năm 2014); “Văn hóa giao thông, trông người mà ngẫm đến ta” của tác giả Lưu Vinh, Xuân Luận (Giải C năm 2011). Hay các loạt bài tiếp cận từ góc độ an ninh mạng, vấn đề nóng đặt ra hiện nay như tác phẩm “Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng” (Giải B năm 2018) và “Virus tin giả trên không gian mạng” (Giải C năm 2020) của tác giả Cao Hồng.

Hiện nay, các bài viết phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đăng tải trên Báo CAND được duy trì hằng tuần với góc nhìn mới, lập luận chặt chẽ, đồng thời cách viết gần gũi, giảm tính “hàn lâm, lý luận”, giúp tiếp cận, lan toả với mọi đối tượng độc giả. Trong năm 2020-2021, Báo CAND đặc biệt tiên phong trong việc tuyên truyền về tình hình dịch COVID-19, thông tin các quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa ổn định phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, phổ biến về những tấm gương tận tụy, hy sinh của lực lượng chống dịch tuyến đầu; tuyên truyền về tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái và tình thương yêu trong cộng đồng, xã hội, cũng như cả những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào nơi tâm dịch...

Ngoài Giải Báo chí quốc gia, Báo CAND cũng luôn khẳng định vị thế tại các giải báo chí uy tín khác ở Trung ương và địa phương, điển hình như: Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng); Giải Báo chí về đề tài an ninh, trật tự; Giải Báo chí về đại đoàn kết toàn dân… Trong đó, chỉ sau 5 năm ra đời Giải Búa liềm vàng, Báo CAND đã đóng góp 6 giải (gồm 1 giải A, 1 giải B, 2 giải C, 2 giải Khuyến khích).

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích đề ra, thể hiện tính cách mạng, đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới của đất nước, trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước, khơi dậy khát vọng của dân tộc và của mỗi người dân; bảo vệ những giá trị cốt lõi của đất nước, của dân tộc; tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của nghề báo: chính xác - chính thống - nhanh nhạy - có kiểm chứng, khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin. Báo CAND với vị trí cơ quan ngôn luận của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an, tiếp tục bám sát tôn chỉ, mục đích, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn của nhân dân, của độc giả.

Đăng Minh
.
.