Vì sự bình yên của một xã biên giới
Xã biên giới Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước có 11,5km đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia; diện tích tự nhiên hơn 6.517ha, có 2.097 hộ, 8.298 nhân khẩu, với 9 dân tộc cùng sinh sống trong 9 ấp, đồng bào dân tộc ít người chiếm 44% dân số toàn xã. Hầu hết người dân trong xã sống bằng nghề làm nông nghiệp.
Trước đây có thời điểm số vụ gây thương tích, các tệ nạn như đánh bạc, ma túy diễn biến phức tạp, nên Lộc An đã được đưa vào diện phải chuyển hóa địa bàn. Kể từ khi thực hiện đề án đưa Công an chính quy về đảm nhiệm chức danh Công an xã, chi bộ Công an xã được thành lập với 6 đảng viên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, hiệu quả của công tác Công an ngày càng được nâng cao.
Để chuẩn bị cho ngày hội Đại đoàn kết dân tộc diễn ra trên địa bàn xã, Thiếu tá Phạm Xuân Quyển, Phó Trưởng Công an xã và Đại úy Nguyễn Văn Út Nhì, Công an viên xã Lộc An xuống địa bàn nắm tình hình cơ sở. Các anh còn gặp gỡ, trao đổi và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người tái hoà nhập cộng đồng, sau khi họ thi hành xong án phạt tù trở về địa phương... Từ đó, các ý kiến đóng góp xây dựng lực lượng Công an và các thông tin về tình hình ANTT ở cơ sở cũng dễ dàng, nhanh chóng đến với cơ quan Công an và được xử lý nhanh chóng, kịp thời hơn.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Phong, Bí thư chi bộ, Trưởng Công an xã Lộc An, huyện Lộc Ninh cho biết: “Chi bộ Công an xã được thành lập với 6 đảng viên. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, nghị quyết của chi bộ đã đưa công tác nắm tình hình địa bàn, nắm đối tượng là nhiệm vụ trọng tâm, việc gọi hỏi, răn đe và tổ chức lực lượng đấu tranh triệt phá các tụ điểm thường gây mất ANTT, làm người dân trong xã bất an được thường xuyên thực hiện. Công an xã tập trung vào công tác tuyên truyền để người dân nâng cao lối sống lành mạnh, hạn chế uống rượu, bia, đây là một trong những nguyên nhân phát sinh tội gây thương tích”.
Một trong những kinh nghiệm của Công an xã Lộc An là chủ động nắm bắt tình hình, thông qua công tác phối hợp với các đoàn thể, các ấp, các tổ hoà giải và dư luận của người dân địa phương để phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn xã.
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng ấp 54, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh cho biết: “Ở đây chủ yếu là mâu thuẫn vợ chồng và tranh chấp đất đai. Có những trường hợp chồng đi nhậu say về đánh đập vợ con nhiều lần, vợ bức xúc làm đơn yêu cầu giúp đỡ. Vừa rồi có trường hợp chỉ có cái nhánh cây qua bờ ranh mà hai bên không thỏa thuận được. Trong trường hợp này, chúng tôi phải tổ chức tổ hoà giải tới phân tích cụ thể đúng sai theo quy định của pháp luật”.
Ấp 8 là ấp biên giới, đất rộng, người thưa, đây cũng là ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do yếu tố lịch sử, người dân ấp 8 luôn có nhu cầu qua lại 2 bên biên giới thăm thân, làm ăn, buôn bán. Lợi dụng vào tình hình đó, có thời điểm các vụ trộm cắp nơi đây diễn biến phức tạp. Các đối tượng phạm tội từ các địa bàn giáp ranh đã xâm nhập về hoạt động.
Trước tình hình đó mô hình “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ANTT” được thành lập, tập trung tuyên truyền vận động người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật, phát động phong trào phòng ngừa, tố giác tội phạm, tổ chức công tác tuần tra đảm bảo an ninh trật tự trong khu dân cư. Ông Lê Khắc Trung, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp 8, xã Lộc An cho biết: “Về tình hình ANTT hiện nay ấp 8 rất ổn định, bà con đoàn kết, giúp đỡ nhau là bình thường”.
Công an xã Lộc An đang quản lý 10 đối tượng tù tha về, 2 đối tượng tù treo và khoảng 20 đối tượng là các thanh, thiếu niên có biểu hiện sử dụng trái phép chất ma túy cũng như biểu hiện vi phạm pháp luật trên địa bàn xã.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Phong, Trưởng Công an xã Lộc An chia sẻ: “Để cảm hoá giáo dục số đối tượng này luôn cần có thời gian, trách nhiệm và cả tình người. Công việc này không phải ngày một, ngày hai là giải quyết được ngay, phải có sự đồng thuận giữa gia đình và cộng đồng khu dân cư, cùng sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể. Lực lượng Công an xã phải phân công trách nhiệm cụ thể theo địa bàn cho từng đồng chí để chủ động theo dõi quản lý từng người, khi cần thiết chúng tôi phải vận động cá biệt để cảm hóa, giáo dục họ”.
Nhiệm kỳ 2020-2022, chi bộ Công an xã Lộc An đã đề ra nghị quyết chuyển hoá địa bàn; tập trung phòng ngừa, tăng cường đấu tranh tấn công tội phạm. Kết quả đã thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển hoá địa bàn, tình hình ANTT được giữ ổn định, tỷ lệ các vụ việc vi phạm pháp luật trên địa bàn xã luôn giảm qua từng năm, không để phát sinh tội phạm có tổ chức mang tính xã hội đen, tội phạm có yếu tố nước ngoài hoạt động trên địa bàn xã.
Trong 11 tháng đầu năm 2022, tại xã Lộc An xảy ra 13 vụ việc liên quan đến ANTT, so với cùng kỳ năm 2021 giảm 3 vụ việc. Xây dựng và củng cố 9 tổ hoà giải, 42 tổ an ninh nhân dân hoạt động bình thường. Nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, đã cung cấp cho Công an xã 15 nguồn tin có giá trị liên quan đến tình hình ANTT.