Vì mục tiêu bảo đảm an toàn giao thông cho người dân
Dự kiến ngày 26/6 tới đây, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Đây là dự án luật mà Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an dày công nghiên cứu, xây dựng với mong muốn lớn nhất là bảo đảm tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người dân khi tham gia giao thông.
Việc xây dựng và ban hành Luật TTATGT đường bộ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Giá như có luật sớm hơn
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội khi nói về những tai nạn đáng tiếc có thể phòng ngừa nếu có Luật TTATGT đường bộ. Như vụ cháu bé 5 tuổi ở Thái Bình tử vong do bị bỏ quên trên xe vừa qua gây bức xúc trong dư luận, các đại biểu đã bày tỏ sự thương xót đối với cháu bé, lên án sự tắc trách của người có trách nhiệm, đồng thời bày tỏ hy vọng khi Luật TTATGT đường bộ có hiệu lực sẽ ngăn chặn, phòng ngừa các vụ tương tự có thể xảy ra.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) thì các quy định đặt ra trong Luật TTATGT đường bộ là để đáp ứng với thực tiễn. Thực tiễn đặt ra vấn đề mà pháp luật phải quy định tương thích. Trên thực tế đã có không ít vụ bỏ quên trẻ em là học sinh trên xe đưa, đón của nhà trường, một số vụ đã xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Việc đưa quy định về bảo đảm TTATGT đối với xe ôtô chở học sinh, trẻ em mầm non vào Luật TTATGT đường bộ là phù hợp với đối tượng điều chỉnh. Hy vọng sau khi đạo luật này có hiệu lực sẽ có công cụ pháp lý giúp các lực lượng chức năng có căn cứ để xử lý hành vi vi phạm hiệu quả. Còn đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) nhận định, đang có một khoảng trống pháp lý liên quan tới quản lý xe đưa đón học sinh. "Các cơ quan Nhà nước đã nhận thấy việc này và đang nỗ lực để thắt chặt lỗ hổng" – đại biểu nói và kỳ vọng dự án Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ đang được Quốc hội xem xét sẽ quy định chặt chẽ về quản lý xe đưa đón học sinh phù hợp với thực tiễn.
Đặc biệt, đối với người mẹ như bà Nguyễn Thị Lan ở huyện Tân Yên, Bắc Giang – người có con gái và con rể tử vong do tai nạn giao thông (TNGT), hiện phải nuôi 2 cháu ngoại mồ côi thì việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong Luật TTATGT đường bộ có thể sẽ giúp nhiều gia đình không gặp nỗi đau tương tự. “Con tôi đi làm về, hai vợ chồng đi xe máy chở nhau bị xe máy khác tông vào. Người tông vào con tôi uống rượu, cũng tử vong nên không có ai chịu trách nhiệm gây ra tai nạn, gia đình tôi cũng không được đền bù đồng nào. Giá như người ta không uống rượu thì con tôi đâu bỏ lại mẹ già, con dại thế này. Tôi còn sức khoẻ thì làm thuê nuôi các cháu nhưng sau này không biết sẽ ra sao, rồi ai sẽ dạy các cháu nên người…” – bà Lan nghẹn ngào.
Phù hợp với tiến trình chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân
Trong dự án Luật TTATGT đường bộ, có rất nhiều quy định được xây dựng phù hợp với xu hướng, tiến trình chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân. Điển hình như việc tích hợp các loại giấy tờ vào tài khoản định danh để người dân không phải mang theo. Theo đó, các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, chứng nhận đăng ký xe, chứng nhận kiểm định, chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự sẽ được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định thì không phải mang theo.
Đặc biệt, dự thảo luật chỉnh lý, bổ sung nội dung các điều luật để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử phạt vi phạm; thay đổi phương thức tuần tra, kiểm tra theo hướng ứng dụng hiện đại; phục vụ việc xử lý vi phạm giao thông đường bộ được khách quan, chính xác...; huy động sử dụng các nguồn lực để bảo đảm TTATGT đường bộ, bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp.
Hy vọng luật có hiệu lực sẽ giảm bớt CSGT phải ra đường
Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Công ty Vận tải Tiến Mạnh cho biết: “Tôi xem dự thảo luật thấy có quy định lực lượng tuần tra kiểm soát được vận hành, sử dụng hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ; được sử dụng hệ thống camera điều hành giao thông và hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ kiểm soát tải trọng xe cơ giới… Tôi rất đồng tình với quy định này vì khi có hệ thống giám sát thì mọi việc sẽ tường minh hơn, tránh việc lái xe cự cãi với CSGT, cũng giảm bớt CSGT trên đường nhưng vẫn đảm bảo ATGT”.
Còn đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) thì cho rằng, việc sử dụng "thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy điều khiển giao thông" là cần thiết để xử lý các vi phạm về TTATGT đường bộ. Vì thực tế hiện nay chúng ta đang tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, camera trong xử lý vi phạm giao thông đường bộ.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT
Một vấn đề luôn được lãnh đạo Bộ Công an quan tâm, đó là làm thế nào để giảm TNGT? “Nếu 1 ngày giảm đi 1, 2 người chết do TNGT, 1 năm đã giảm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn gia đình không bị con mất cha, vợ mất chồng, cha mẹ mất con, hàng trăm đứa trẻ không bị mồ côi, phải thất học, phải chịu khổ cực khi cha mẹ mình không còn” – Đại tướng Tô Lâm đã nhiều lần nhắc điều này bởi đồng chí luôn trăn trở trước mất mát của người dân khi gánh chịu những thiệt hại do TNGT gây ra.
Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an - người trực tiếp phụ trách công tác đảm bảo TTATGT, cũng luôn dành thời gian và tâm huyết trong bàn thảo, chỉ đạo nhiều giải pháp cụ thể đảm bảo TTATGT tại từng tỉnh, thành phố, địa phương. Trong đó, một trong những biện pháp, giải pháp đảm bảo TTATGT lâu dài, hiệu quả mà Bộ Công an đề xuất, tham mưu, kiên trì thực hiện trong thời gian vừa qua để phòng ngừa, giảm TNGT đó là việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về ATGT. Trong dự thảo Luật TTATGT đường bộ cũng có tới 2 điều (điều 6 và điều 7) quy định về nội dung này.
Đặc biệt chú trọng tới giáo dục kiến thức cho học sinh, tại điều 7 dự thảo luật quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan xây dựng, tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ vào chương trình giảng dạy trong nhà trường từ bậc mầm non trở lên. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm lồng ghép kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ vào chương trình chính khóa. Trường trung học phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì, phối hợp với lực lượng CSGT hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh tại cơ sở giáo dục đó.
Giải trình tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật TTATGT đường bộ tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: Từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ gây ra, trong số đó 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia. Theo thống kê điều tra xã hội học đối với 43.765 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam của Bộ Công an quản lý thì có 22.442 phạm nhân trước khi phạm tội đã sử dụng rượu, bia, chiếm 51,28% đối với 7 nhóm tội danh như giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Bộ Y tế báo cáo từ năm 2018 đến hết năm 2023, tổng số lượt nạn nhân đến cấp cứu, điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh do tai nạn giao thông đường bộ gây ra là 2.742.395 lượt người. Số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não là 381.269 lượt người, chiếm 13,9%, trong số đó thì số nạn nhân liên quan đến rượu, bia là 425.619 người, số lượt nạn nhân chấn thương sọ não 70.522 lượt người, chiếm 16,6%. Như vậy, tỷ lệ số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông đường bộ do có liên quan đến rượu, bia cao hơn tỷ lệ số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não nói chung.