Từ “Vì miền Nam ruột thịt” đến “Vì bình yên cuộc sống” hôm nay

Thứ Bảy, 30/04/2022, 15:57

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng CAND cùng quân dân cả nước tích cực tham gia các phong trào khơi dậy tinh thần dân tộc như “Vì miền Nam ruột thịt”, “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tất cả vì tiền tuyến lớn miền Nam”…, huy động sức người, sức của, phát huy tinh thần kháng chiến kiến quốc.

Ngày nay, đất nước độc lập, thái bình, lực lượng CAND phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, nỗ lực trong các phong trào thi đua vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân…

Vì tiền tuyến lớn, vì miền Nam ruột thịt

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có đóng góp to lớn của lực lượng CAND. Trong mỗi giai đoạn của cuộc kháng chiến, lực lượng Công an vừa ra sức phát triển, xây dựng lực lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Đảng, giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa phát huy vai trò hậu phương lớn, chi viện mọi mặt, có hiệu quả cho An ninh miền Nam, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.  

2-2.jpg -0
Lực lượng An ninh T4 trước giờ tiến vào Sài Gòn. Ảnh tư liệu.

Từ năm 1955-1975, công tác chi viện chiến trường miền Nam liên tục có sự điều chỉnh phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ kháng chiến. Để thực hiện nhiệm vụ chi viện, ngay từ đầu năm 1955, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định thành lập Tổ cán bộ miền Nam (đến năm 1957 đổi tên thành bộ phận cán bộ miền Nam) chuyên trách việc chuẩn bị cán bộ chi viện An ninh miền Nam. Trong các năm 1962, 1966, 1967, 1971, Bộ Công an đã lần lượt thành lập Tổ 15 (sau gọi là B90), Ban nghiên cứu miền Nam, Phòng theo dõi tình hình miền Nam, Trường đào tạo cán bộ An ninh miền Nam (E1171) để lựa chọn, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam; theo dõi nắm tình hình địch, nghiên cứu các vấn đề về đường lối công tác an ninh miền Nam, báo cáo Trung ương Đảng, Đảng đoàn Bộ Công an để có những quyết sách kịp thời.

Với tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến lớn”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” và quyết tâm cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, từ năm 1959 đến tháng 4/1975, Bộ Công an đã huy động đến mức cao nhất về lực lượng, hậu cần - kỹ thuật, chi viện hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ; hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược, phương tiện liên lạc, kỹ thuật nghiệp vụ, thuốc men… vào chiến trường; đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo An ninh miền Nam về nghiệp vụ công tác An ninh, Cảnh sát, nắm tình hình, chống gián điệp, phản động, phá tề ngụy. Dù nhiệm vụ được giao vô cùng khó khăn, hoàn cảnh chiến trường ác liệt nhưng các cán bộ Công an chi viện đã không quản hy sinh, gian khổ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân anh dũng chiến đấu, tiến công nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Lực lượng An ninh miền Nam chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo; phối hợp xây dựng lực lượng chính trị, phát động quần chúng nổi dậy phá thế kìm kẹp của Mỹ - ngụy, diệt ác, trừ gian, làm trong sạch địa bàn, bóc gỡ mạng lưới tình báo, gián điệp, nội gián của địch, bảo vệ các cơ quan của Đảng, căn cứ cách mạng, làm thất bại các âm mưu hiểm độc “kế hoạch bình định”, “kế hoạch Phượng Hoàng”, “kế hoạch Hải Yến” của địch; khám phá nhiều vụ nội gián nguy hiểm, bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở và lực lượng cách mạng.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Ban An ninh Trung ương Cục đã huy động hơn 13.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia tiến công địch trên nhiều hướng, nhiều mũi, đánh thẳng vào các căn cứ, sào huyệt của địch; tổ chức công tác tuyên truyền, phát động quần chúng nổi dậy, trừng trị, xử lý các đối tượng gián điệp, tình báo, chiêu hồi, đầu sỏ ác ôn, chiếm lĩnh các mục tiêu được phân công, truy kích số đối tượng phản cách mạng lẩn trốn; tiếp quản, thu hồi, bảo vệ tuyệt đối an toàn hồ sơ, tài liệu, phương tiện của địch, giải thoát các đồng chí cán bộ cách mạng bị địch bắt, giam cầm.

Lực lượng An ninh Sài Gòn - Gia Định nhanh chóng áp sát, chiếm lĩnh trụ sở, thu giữ toàn bộ tài liệu các cơ quan đầu não của địch. Các cơ sở của An ninh T4 nhanh chóng có mặt tại Phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, chủ động tiếp cận, thuyết phục Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi binh lính ngừng bắn, bàn giao chính quyền cho cách mạng, góp phần hạn chế một cuộc giao tranh khốc liệt trong thành phố và tránh sự đổ máu không cần thiết.

Theo số liệu cuốn “Tổng kết lịch sử CAND Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, trong cuộc chiến đấu gian khổ, trường kỳ này, hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ CAND đã hy sinh anh dũng; gần 5.000 đồng chí đã hy sinh một phần xương máu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ An ninh miền Nam bị địch bắt, tù đày, tra tấn dã man trong các nhà tù, trại giam của địch, hoặc bị nhiễm chất độc da cam dioxin. Hàng vạn cơ sở quần chúng cách mạng đã thầm lặng đóng góp, cống hiến hy sinh trên khắp các chiến trường và miền Bắc hậu phương lớn, góp phần to lớn đối với sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND. 

Nêu cao tính chủ động trong tình hình mới

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhận định, trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình hình đó đòi hỏi không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được, đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững.

Nghị quyết Đại hội XIII đặt ra mục tiêu tổng quát là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN.

Để thực hiện các mục tiêu, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra các định hướng, nhiệm vụ cụ thể. Trong đó xác định nhiệm vụ quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa.

Phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. 

2-1.jpg -0
Bộ trưởng Tô Lâm cùng các đại biểu tại lễ trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tặng lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam.

Đại hội XIII định hướng: Xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. So với Đại hội XII, Đảng ta xác định chuyển từ quan điểm “từng bước hiện đại” sang “một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”. Đồng thời xác định mục tiêu phấn đấu: Đến năm 2030 xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đây là tư duy rất mới trong việc định hướng xây dựng lực lượng CAND phù hợp với xu thế, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia cũng như tiềm lực của đất nước hiện nay...

Đại hội XIII còn xác định: “Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đủ mạnh, đáp ứng đòi hỏi nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở”, đây là căn cứ, tiền đề quan trọng để Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an thực hiện chủ trương “tăng cường cơ sở”, trong đó quan tâm xây dựng Công an xã chính quy.

Đảng bộ Công an Trung ương và toàn lực lượng CAND tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để làm cơ sở tiếp tục đổi mới toàn diện các mặt công tác Công an. Chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, tăng cường tiềm lực, sức mạnh về mọi mặt của CAND đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; phấn đấu đến năm 2030 xây dựng lực lượng CAND tinh nhuệ, hiện đại.

Trong đó xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa đột phá là: (1) Tập trung tham mưu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ ANTT và hoạt động của lực lượng CAND đáp ứng kịp thời đòi hỏi của tình hình thực tiễn, nhất là những vấn đề mới, những vấn đề khó, những thách thức an ninh phi truyền thống. (2) Tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong CAND, trước hết là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ Công an cơ sở; chủ động tăng cường cho cơ sở, lực lượng trực tiếp chiến đấu. (3) Tăng cường nghiên cứu phát triển, ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong các mặt công tác Công an, nhất là công nghệ số, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về ANTT.

Thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác Công an ngày càng lớn hơn, đòi hỏi lực lượng CAND tiếp tục nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát huy vai trò nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống dịch COVID-19, tạo khí thế mới, phong trào mới và tinh thần chiến đấu mới.

Trong bài viết nhân Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, lực lượng CAND tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an ninh, trật tự, trọng tâm là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII. Chủ động, kịp thời nắm, phân tích, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, đối sách phù hợp, nhằm giữ vững chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước. Triển khai đồng bộ các lực lượng, biện pháp đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, số đối tượng chống đối trong nước. Kiên quyết không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý cư trú, quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ứng dụng, khai thác tối đa hiệu quả của hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự và kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số, phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau dịch. “Tập trung cụ thể hóa, xác định lộ trình, bước đi phù hợp để triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy CAND theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; xây dựng đội ngũ cán bộ ở bốn cấp Công an hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng hình ảnh người chiến sĩ CAND gần gũi, thân thiết với nhân dân, lắng nghe ý kiến, là niềm tin của nhân dân trong những lúc gian nguy theo phương châm “trọng dân, gần dân, lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”, thực sự là “Thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Tổ quốc và nhân dân” – Bộ trưởng khẳng định.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND đã kiên cường chiến đấu, dũng cảm hy sinh, lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc, góp phần quan trọng vào những chiến công, thành tích chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẻ vang của dân tộc. Trong đó, nhiều đơn vị tiêu biểu như: Đơn vị An ninh vũ trang bảo vệ Trung ương Cục miền Nam (Đoàn 180) đã tham gia chiến đấu hơn 400 trận, tiêu diệt và làm bị thương hơn 4.700 tên địch, bắn rơi và bắn cháy 30 máy bay, bắn cháy và phá hỏng 76 xe tăng, xe bọc thép; Phân đội An ninh vũ trang Sài Gòn - Gia Định (T4) có 12 chiến sĩ đã chiến đấu kiên cường, bất khuất trong suốt 5 ngày đêm và hy sinh anh dũng để bảo vệ Bộ Tư lệnh tiền phương II thoát khỏi vòng vây của địch trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968…

(Theo tư liệu Tổng kết lịch sử CAND trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước)

Tô thắm truyền thống hào hùng

Phát biểu tại buổi Lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam (10/2020), Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tri ân những công lao đóng góp của lực lượng An ninh miền Nam, trong đó có các đồng chí an ninh tại chiến trường miền Nam và lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam. Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công và gia đình người có công, trong đó có lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam, chăm lo đời sống, tạo điều kiện tốt hơn về chỗ ở, chăm sóc sức khỏe, tổ chức cuộc sống vui khỏe hạnh phúc cho cán bộ và gia đình. Đồng thời thực hiện tốt chính sách xã hội đối với gia đình là cơ sở, là lực lượng nòng cốt đã hỗ trợ, che chở, giúp đỡ lực lượng an ninh miền Nam hoàn thành nhiệm vụ.

Từ “Vì miền Nam ruột thịt” đến “Vì bình yên cuộc sống” hôm nay -0
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Tô Lâm trao danh hiệu Anh hùng LLVTND tặng lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam.

Bộ trưởng Tô Lâm mong muốn các đồng chí Công an lão thành, các đồng chí thế hệ cha anh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, luôn luôn nêu cao bản lĩnh cách mạng, phẩm chất đạo đức và tinh thần khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tiếp tục duy trì bền vững hoạt động của Ban liên lạc, đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp này, Đại tướng Tô Lâm khẳng định, phát huy bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND, các đồng chí cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam luôn sẵn sàng xả thân, không quản khó khăn, gian khổ, hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân, luôn là những người chiến sỹ kiên trung trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Những thành tích, chiến công của các thế hệ cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam đã đóng góp quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao; trong đó, có những chiến công, đóng góp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Đã có 11 đơn vị mà cán bộ Công an chi viện là nòng cốt được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVTND; 21 đồng chí được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, nhiều đồng chí được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công và đặc biệt là Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước.

Đăng Minh
.
.