Tính nhân văn cao đẹp của người Cảnh sát nhân dân

Thứ Ba, 19/07/2022, 07:56

Lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) ra đời trong những ngày Cách mạng Tháng Tám, quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành gắn liền với truyền thống vẻ vang về tính nhân văn cao đẹp.

Trước hết, nhân văn là bản chất của lực lượng CSND và được Đảng, Nhà nước, nhân dân giáo dục, rèn luyện. Cảnh sát của ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ; xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CSND là bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân.

1.jpg -0
Cán bộ, chiến sĩ CSND tận tình hướng dẫn người dân làm CCCD.

Ngay từ ngày đầu mới thành lập, khi xác định tư cách người Công an cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Công an của ta là Công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ, dựa vào nhân dân mà làm việc”. Sứ mệnh của Công an nói chung và Cảnh sát nói riêng là bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Bản chất đó đã thấm đượm tính nhân văn cao đẹp.

Bác còn căn dặn: “Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được. Vì sức mạnh nhân dân là vô địch trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự” và “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.

Bác luôn nhắc nhở: “Cán bộ mà lên quan cách mạng thì mọi việc đều lủng củng. Cán bộ mà làm cho dân tin, dân phục vụ, dân yêu thì việc gì cũng mỹ mãn”; “Phải biết tôn trọng dân. Tôn trọng có nhiều cách, không phải ở chỗ chào hỏi, kính thưa có lễ phép mà đủ. Không được phung phí nhân lực, vật lực của dân; phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng dân”.

Tính nhân văn của cán bộ, chiến sĩ CSND còn thể hiện ở sự tận tụy với công việc “thức cho dân ngủ ngon; gác cho dân vui chơi; lấy hạnh phúc của dân làm niềm vui, lẽ sống của mình”; 3 cùng với dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với dân).

Hết lòng, hết sức, tận tụy phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Trong 5 lời thề danh dự CAND, nêu rõ: “Kính trọng, lễ phép với nhân dân. Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân”.

Hai là, trong tham mưu với Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền về các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thể hiện rõ tính nhân văn: phải xuất phát từ lợi ích của dân, việc gì có lợi cho dân thì kiên quyết làm, việc gì có hại cho dân thì kiên quyết tránh; phải đặt lợi ích của dân lên trên hết, trước hết. Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật là đề cao việc nghiêm trị kết hợp với khoan hồng; trừng trị kết hợp với giáo dục cải tạo; bảo vệ các quyền tự do, danh dự và nhân phẩm, tính mạng và sức khoẻ của công dân; nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố, chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.

Đối với những người phạm tội, can phạm nhân, ta kiên quyết loại trừ cái ác, cái xấu xa ra khỏi xã hội song quan trọng là giáo dục, cải tạo, giúp họ nhận rõ tội lỗi, ăn năn về hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật; khơi dậy khát vọng hoàn lương, hướng thiện, gieo cho họ niềm tin tích cực, giúp ích cho gia đình và xã hội. Đó là chủ trương, chính sách đầy tính nhân văn về giáo dục, cảm hoá những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư.

Ba là, tính nhân văn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Lực lượng CSND luôn lấy phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý, tấn công tội phạm là trọng tâm, đột phá. Kiên quyết tấn công, trấn áp tội phạm, không khoan nhượng, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm, nghiêm minh nhưng rất nhân văn, có lý có tình; làm cho các đối tượng phạm tội nhận rõ sai trái, tâm phục, khẩu phục, ăn năn hối lỗi; thành thật xin lỗi Đảng, Nhà nước. Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng hiện nay, phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng; xử một số  người để cứu muôn người” được thể hiện rõ nét, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh là chính. Tính nhân văn còn thể hiện ở việc kéo giảm tỷ lệ tội phạm hằng năm. Các vụ án ma tuý, hình sự lớn đã được bóc gỡ làm giảm đi hiểm họa cho toàn xã hội, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Bốn là, tính nhân văn trong quản lý hành chính nhà nước về an ninh, trật tự. Lực lượng Cảnh sát với vai trò chủ công đã triển khai quyết liệt, có hiệu quả các kế hoạch, biện pháp công tác; huy động lực lượng từ Trung ương đến tận cấp xã, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, không quản ngày đêm, vượt lên mọi khó khăn, vất vả để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để lại những dấu ấn đậm nét, lan toả về hình ảnh nhân văn cao đẹp của người cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát, được cấp uỷ, chính quyền địa phương khen ngợi, đánh giá cao.  Thời gian qua, lực lượng CSND với vai trò chủ công hoàn thành Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân với khối lượng công việc khổng lồ. Hai dự án mang lại nhiều hiệu quả to lớn, nhất là sự thay đổi căn bản công tác quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí giấy tờ, thời gian, công sức, kinh phí và góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống dịch COVID -19, phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện rõ tính nhân văn sâu sắc.

Năm là, tính nhân văn trong giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, cứu hộ, cứu nạn… Lực lượng CAND, trong đó lực lượng CSND là nòng cốt triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”, phát huy vai trò nòng cốt, tuyến đầu trên mặt trận phòng chống thiên tai, sẵn sàng, kịp thời tham gia ứng phó với mọi tình huống, mọi cấp độ thiên tai và thực hiện hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản cho Nhà nước và nhân dân; luôn là chỗ dựa vững chắc của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các địa phương trong triển khai công tác phòng chống thiên tai, cháy nổ... Những cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát dũng cảm lao vào biển lửa, dầm mình trong bão, lũ cứu dân, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, dọn đường giao thông, dựng lại nhà cho dân sau bão, lũ, góp phần giảm bớt thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước… đã để lại những ấn tượng sâu đậm về hình ảnh người chiến sĩ CAND.

Sáu là, nhân văn trong phòng, chống dịch bệnh, điển hình là đại dịch COVID-19. Lực lượng CAND, trong đó có lực lượng CSND thực sự là "tuyến đầu của tuyến đầu". Trong đại dịch, hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ Công an tham gia trong hầu hết các khâu của công tác phòng, chống dịch COVID-19, từ truy vết, phát hiện, khoanh vùng đến bảo đảm an ninh, trật tự tại các chốt kiểm soát, khu cách ly, điều trị. Trong thời điểm cam go, khốc liệt nhất của cuộc chiến chống “giặc COVID-19”, đã có gần 10.000 cán bộ, chiến sĩ Công an bị lây nhiễm COVID-19 và gần 20 đồng chí hi sinh, tử vong, hàng trăm đồng chí bị thương. Các chiến sĩ đã nêu cao tinh thần nhân văn, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hi sinh thầm lặng, sẻ chia sâu sắc, tận tình phục vụ, chăm lo hướng dẫn, bảo đảm an ninh, trật tự trong vùng dịch.

TS. Hoàng Minh Huệ
.
.