Tạo "đất lành" nơi cửa ngõ Tây Bắc

Thứ Năm, 09/03/2023, 06:39

Trong mỗi giai đoạn phát triển, yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự khác nhau và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Đảm bảo an ninh, trật tự góp phần xây dựng xã hội ổn định, người dân, doanh nghiệp sống và làm việc trong môi trường hòa bình, an toàn, đổi mới sáng tạo.

Trong những năm qua, Công an tỉnh Hòa Bình xác định, chỉ khi xây dựng địa bàn thật sự trong sạch, giảm tội phạm và tệ nạn xã hội thì khi đó, người dân, doanh nghiệp mới có "đất lành" để phát triển.

Việc kéo giảm tội phạm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Nói về chỉ tiêu đảm bảo an ninh, trật tự hàng năm, Đại tá Đỗ Thanh Bình - Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình đánh giá: Trong các chỉ tiêu Bộ Công an giao cho địa phương, chỉ tiêu giảm tội phạm hình sự là chỉ tiêu khó nhất và quan trọng nhất. Bởi vì khi tội phạm giảm sẽ không phát sinh tội phạm mới, giảm người tù tội, giảm gánh nặng cho ngân sách. Giảm tội phạm là chỉ đạo mang tính nhân văn sâu sắc, tạo môi trường an toàn, xã hội công bằng, văn minh, từ đó thúc đẩy phát triển.

công an huyện lương sơn triển khai lắp đặt camera giám sát an ninh, trật tự trên địa bàn.jpg -0
Công an huyện Lương Sơn (Hòa Bình) triển khai lắp đặt camera giám sát an ninh, trật tự trên địa bàn.

Để cụ thể hóa mục tiêu đó, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo nhiều giải pháp đột phá, trong đó tập trung các giải pháp phòng ngừa nghiệp vụ, kết hợp phòng ngừa xã hội, xây dựng mạng lưới an ninh, trật tự rộng khắp và từ cơ sở. Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp công tác quản lý hành chính, phát động phong trào tại các địa bàn, tập trung vào các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.

Trong đó tập trung các vấn đề phức tạp, gây bức xúc như: đấu tranh với tội phạm có tổ chức, hoạt động theo ổ nhóm, lưu động, liên tuyến, liên tỉnh; tội phạm "núp bóng" doanh nghiệp, hoạt động đan xen giữa hình sự, kinh tế, ma túy; tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, cố ý gây thương tích, xâm hại trẻ em, mua bán người.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh đổi mới phương thức phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lấy người dân là trung tâm trong tổ chức phong trào. Người dân vừa là lực lượng lãnh đạo, tổ chức và thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở. "Chỉ khi người dân ủng hộ, giúp đỡ thì lực lượng Công an mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao" - Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết thêm.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, tình hình tội phạm trên địa bàn chuyển biến tích cực qua từng năm. So với thời điểm cách đây 10 năm, hiện nay, tội phạm hình sự giảm 25,6%, một số loại tội phạm có tỷ lệ giảm sâu như: Giết người giảm 7,8%, cố ý gây thương tích giảm 10,2%, cướp tài sản giảm 5,3%, trộm cắp tài sản giảm 4,3%.

Về cơ cấu tội phạm, tội phạm xảy ra ở vùng nông thôn giảm 8,9%, ở thành thị giảm 7,8%, tội phạm ở tuổi vị thành niên giảm 12,8%, tội phạm là nữ giới giảm 15,8%. Theo đánh giá của Phòng Tham mưu Công an tỉnh, nguyên nhân giảm tội phạm chủ yếu là do nhận thức của người dân được nâng lên, các giải pháp phòng ngừa tội phạm phát huy hiệu quả, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển sâu rộng, đời sống người dân được nâng cao...

Theo Đại tá Trần Mạnh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, để giảm tội phạm bền vững cần có những giải pháp chiến lược và đột phá. Trong đó, việc chủ động phát hiện tội phạm từ sớm, từ xa, từ cơ sở mang tính quyết định, tiếp tục củng cố các mô hình, tổ chức tự quản do người dân làm chủ. Bên cạnh đó, cần tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự. 

Đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp

Mặc dù là địa phương cửa ngõ Tây Bắc, tiếp giáp với nhiều vùng kinh tế trọng điểm và Thủ đô Hà Nội, tuy nhiên kinh tế, xã hội của tỉnh Hoà Bình còn chậm phát triển, nhất là khu vực vùng cao, vùng sâu. Có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn đến thực trạng trên, song theo Thượng tá Đinh Quốc Trình, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hòa Bình, do chính sách của tỉnh còn chậm đổi mới, chưa theo kịp với nhịp độ phát triển chung của đất nước, thu hút đầu tư còn hạn chế.

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của địa phương. Các doanh nghiệp địa phương hầu hết có quy mô nhỏ, tự phát, chưa có tầm nhìn và chiến lược phát triển vươn tầm khu vực.

Một nguyên nhân quan trọng, theo đánh giá của Thượng tá Đinh Quốc Trình đó là các sai phạm liên quan đến kinh tế, tham nhũng còn diễn biến khá phức tạp. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng kẽ hở trong quản lý tài sản công nhằm trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, gây chia rẽ nội bộ, bức xúc trong dư luận nhân dân.

Quy mô các vụ án kinh tế, tham nhũng bị phát hiện được dư luận rất quan tâm thể hiện ở số đối tượng liên quan, lượng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, nhiều vụ án tham nhũng gây thiệt hại cho Nhà nước nhiều tỷ đồng... Đây chính là nút thắt cần các giải pháp quyết liệt để tháo gỡ, củng cố niềm tin của doanh nghiệp khi lựa chọn đầu tư vào tỉnh. 

Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại đã góp phần ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc phức tạp, gây bức xúc dư luận. Trong 10 năm qua, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã tập trung xử lý 73 vụ tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, thu hồi cho Nhà nước trên 5 tỷ đồng.

Trong đó có 13 vụ buôn bán lâm sản trái phép, 37 vụ khai thác khoảng sản trái phép, 57 vụ gian lận thương mại. So với giai đoạn trước, phát hiện nhiều hơn 19 vụ và gần 800 triệu đồng. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm đạt 100%. Đáng chú ý, số vụ việc phải khởi tố là 12 vụ, gây thiệt hại trên 6 tỷ đồng, có sự thông đồng, móc ngoặc của cán bộ Nhà nước với bên ngoài. Nhiều vụ khởi tố liên quan đến lãnh đạo chính quyền các cấp đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.

Cùng với đó, lực lượng Công an các cấp chủ động, quyết liệt triển khai Đề án 06/CP với mục tiêu đến cuối năm 2023, cơ bản người dân, doanh nghiệp sẽ được cấp số định danh, xác thực điện tử kết nối dịch vụ công quốc gia.

Thực hiện tích hợp 983 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tỉnh Hòa Bình, cung cấp 621 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 1002 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 40 thủ tục hành chính ở các lĩnh vực: xuất nhập cảnh, cấp và quản lý căn cước công dân, đăng ký quản lý con dấu, phòng cháy chữa cháy, đăng ký quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 22 thủ tục hành chính ở các lĩnh vực: cấp và quản lý căn cước công dân, đăng ký và quản lý phương tiện giao thông đường bộ, phòng cháy chữa cháy. Với nhiều giải pháp đồng bộ, lực lượng Công an tỉnh nỗ lực đảm bảo an ninh, trật tự, xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Như Hùng
.
.