Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH) là một trong những công tác vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với nhiệm vụ bảo vệ tài sản và tính mạng của con người, xã hội, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Vấn đề này được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm chỉ đạo sát sao và có hiệu quả trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong khoảng thời gian hơn hai năm qua khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Từ khi thành lập lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH) đến nay, Đảng, Nhà nước, Bộ Công an luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác PCCC-CNCH, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 53/LCT ban hành Pháp lệnh về việc quy định quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC.
Sự kiện này đánh dấu sự thay đổi về chất trong công tác PCCC của Nhà nước, đồng thời mở ra một trang mới trong lịch sử của lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH. Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 220/CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC.
Năm 2001, Quốc hội khóa X đã ban hành Luật Phòng cháy và chữa cháy, đây là cơ sở pháp lý quan trọng đối với lực lượng PCCC cũng như công tác PCCC. Ngày 2/12/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31/NQ-TW về nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Sự ra đời của Nghị quyết 31 đã bước đầu khẳng định việc đảm bảo an toàn PCCC có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 99/2019/QH14 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC.
Ngày 18/5/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 02-KL/TW về tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC. Quán triệt chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Bộ Công an đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để thực hiện hiệu quả công tác PCCC-CNCH.
Thời gian qua, công tác PCCC-CNCH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH đã khắc phục khó khăn, gian khổ, hy sinh phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thực sự là lực lượng chủ công, nòng cốt trên mặt trận chống "giặc lửa" qua các thời kỳ.
Nổi bật là: Đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp có các chủ trương, giải pháp về PCCC-CNCH; tham mưu hướng dẫn các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về PCCC. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật; xây dựng phong trào toàn dân tích cực tham gia công tác PCCC ngày càng sâu rộng.
Chính sách, pháp luật, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC-CNCH được tăng cường. Lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ PCCC-CNCH được nâng cao hơn về trình độ, năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc trang bị đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hợp tác quốc tế được quan tâm, chú trọng, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác PCCC-CNCH trong tình hình mới.
Nhiều vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn được xử lý kịp thời, kiềm chế, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước…
Tính riêng năm 2021, toàn quốc xảy ra 2.245 vụ cháy, làm chết 85 người, bị thương 130 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 374,42 tỷ đồng và khoảng 3.670ha rừng… so với cùng kỳ năm 2020, số vụ cháy giảm 543 vụ (-19,48%).
Trong đó, lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH đã tham gia tổ chức 1.054 vụ CNCH, trực tiếp cứu được và hướng dẫn thoát nạn 1.082 người và tìm được 598 thi thể người bị nạn bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCCC-CNCH có lúc, có nơi hiệu quả thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra... Thời gian tới, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh, an toàn về cháy, nổ.
Nhất là, tác động của dịch COVID-19, nhiều cơ sở sản xuất phải ngừng hoạt động trong một thời gian dài, việc thực hiện bảo đảm điều kiện an toàn PCCC tại đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở bị gián đoạn, không thường xuyên; nhu cầu sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt tại các hộ gia đình tăng cao.
Khi trở lại trạng thái bình thường mới, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại sẽ chủ yếu tập trung vào sản xuất, lơ là việc thực hiện các giải pháp về PCCC; kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ chữa cháy, CNCH còn nhiều bất cập, lạc hậu.
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC-CNCH chưa đồng bộ. Một số nơi, cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân chưa nhận thức đầy đủ, có tư tưởng chủ quan, chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC-CNCH.
Để khắc phục những hạn chế và góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCCC-CNCH, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH cần tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về công tác PCCC-CNCH; tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của toàn dân, trong đó lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH làm nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong việc bảo đảm an toàn về PCCC. Đây là quan điểm, tư tưởng cơ bản, xuyên suốt, là vấn đề có tính nguyên tắc, là yếu tố quyết định thắng lợi trong việc thực hiện nhiệm vụ PCCC-CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH.
Chủ động tham mưu hoàn thiện chủ trương chính sách, pháp luật về PCCC-CNCH; rà soát, ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội…
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC, nhất là việc tự kiểm tra của các địa phương, đơn vị, tổ chức; khắc phục dứt điểm các vi phạm, thiếu sót đối với công trình chưa bảo đảm an toàn PCCC. Tập trung điều tra, công bố rộng rãi nguyên nhân các vụ cháy, nổ; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nhất là giáo dục pháp luật về PCCC-CNCH nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác PCCC-CNCH, từ đó tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định về PCCC-CNCH.
Thường xuyên tổ chức tập huấn, thực hành, xây dựng các tình huống giả định gần sát với tình hình thực tế tại mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương; từ đó trang bị phổ biến kiến thức, kỹ năng cơ bản, phổ thông cho người dân về PCCC, cứu nạn, thoát nạn.
Tăng cường công tác kiểm tra để phát hiện, khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy; khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, cảnh báo nguy cơ, loại bỏ yếu tố, điều kiện phát sinh cháy, nổ, nhất là tại các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ, các khu chợ dân sinh.
Xây dựng, kiện toàn lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH cách mạng, chính quy, tinh nhuệ tiến lên hiện đại, tinh thông về pháp luật, nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Bố trí phù hợp lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH ở các địa bàn trọng điểm, mở rộng mạng lưới bảo đảm bám địa bàn, bám cơ sở, với tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
Thực hiện hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ mới trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với các nước. Triển khai ứng dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố phục vụ công tác quản lý, thông tin, chỉ huy, điều hành chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ từ Trung ương đến cơ sở.
Để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ và thiệt hại gây ra trong mùa hanh khô, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu năm 2022, Bộ Công an khuyến cáo: Các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ sở, các khu dân cư, các hộ gia đình cần tổ chức tốt hoạt động PCCC-CNCH tại chỗ, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC, nội quy, quy định về PCCC trong sản xuất, kinh doanh đến cán bộ, công nhân viên, các hộ kinh doanh và khách hàng cùng người dân; thường xuyên và định kỳ tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy… Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng báo động cho mọi người xung quanh biết; ngắt nguồn điện; sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu (như bình chữa cháy xách tay, họng nước chữa cháy vách tường, chăn chiên…), đồng thời gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH số điện thoại 114 và tích cực tổ chức chữa cháy, cứu người bị nạn.
Các đơn vị Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an TP Hà Nội tổ chức tập huấn diễn tập công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ thường xuyên nhằm nâng cao kỹ năng khi xảy ra cháy, nổ trên địa bàn.