Bác sĩ trại giam, những hy sinh thầm lặng

Tận tụy dưới hai màu áo (bài 2)

Thứ Tư, 27/12/2023, 06:43

Đông can phạm nhưng Trại tạm giam Công an TP Hải Phòng chỉ có 6 cán bộ y tế, công việc luôn luôn ở cường độ cao; bác sĩ, y tá, điều dưỡng làm việc không có ngày nghỉ. Khi tới đây, được chứng kiến công việc của họ, chúng tôi mới thấu hiểu những vất vả và những hy sinh của người thầy thuốc, qua đó càng khâm phục những con người đã tận tụy hết mình vì người bệnh là những can phạm đã từng gieo rắc cái chết trắng ngoài xã hội hay những tên tội phạm hình sự khét tiếng…

Bác sĩ “đa di năng”

Dẫn chúng tôi tới Bệnh xá của Trại tạm giam, Đại uý, BS Nguyễn Ngọc Hưng chia sẻ: “Chúng em có 6 cán bộ y tế gồm 3 bác sĩ đa khoa, 1 y sĩ, 1 điều dưỡng và 1 cán bộ dược làm việc trong căn phòng này”. Gọi là Bệnh xá nhưng Trại tạm giam Công an TP Hải Phòng chưa có quyết định thành lập, vì vậy còn nhiều khó khăn trong công tác khám và điều trị. Nhìn căn phòng giản dị nhưng nơi đây đã từng cứu chữa cho hàng nghìn can phạm.

“Thường xuyên có bệnh nhân cấp cứu tăng huyết áp, đau bụng, chúng em cũng thường xuyên phải xuống tận buồng giam thăm khám, mỗi đêm một vài trường hợp. Bệnh nhân nào nặng mới đưa lên bệnh xá khám, theo dõi và truyền dịch”, BS Hưng cho biết.

Thi đỗ Học viện An ninh nhân dân, được cử tuyển sang đào tạo tại Học viện Quân y, BS Hưng đã gắn bó với nơi đây 6 năm. Chúng tôi gọi anh là bác sĩ “đa di năng” vì ở trại tạm giam, anh không chỉ là bác sĩ khám, chữa bệnh thông thường mà còn làm rất nhiều công việc khác, như y tá, hộ lý, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV, lao phổi…

“Một can phạm nữ có thai khi còn ở ngoài xã hội, vào đây chúng em khám định kỳ tới khi mẹ tròn con vuông. Cháu bé hiện được 2 tháng, cứ ngày 25 hàng tháng trại lại trích xuất hai mẹ con ra trạm y tế xã tiêm chủng cho cháu bé. Mỗi lần như vậy, ngoài cán bộ quản giáo, bác sĩ cũng phải đi cùng. Cháu bé chưa thiếu mũi tiêm nào, tháng vừa rồi không có vaccine lao do chương trình tiêm chủng hết, trại lại bỏ tiền ra tiêm dịch vụ cho cháu để đảm bảo cháu tiêm đúng lịch”, BS trẻ cho biết.

Thường xuyên phải đối mặt với các “chiêu trò” giả bệnh của can phạm, bằng kinh nghiệm, BS Hưng “bắt bệnh” khá nhanh và chuẩn xác. “Một đêm trực có ít nhất 2-3 đối tượng kêu đau gọi bác sĩ. Trại rộng, các khu giam giữ cách xa nhau, mùa đông giá rét, có khi chưa kịp mặc áo ấm bác sĩ đã phải lao đi. Hoặc những đêm mưa phùn gió bấc, không kịp cầm ô, đến nơi ướt nhẹp. Nhưng đối mặt với họ là nhiều trường hợp giả bệnh”, BS Hưng kể lại.

1.jpg -0
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng kiêm luôn nhiệm vụ của điều dưỡng phát thuốc cho bệnh nhân.

Hay gặp nhất là đối tượng xin khám ốm, khám xong, xin thuốc uống nhưng không uống, kẹp trong tay nhằm qua mặt bác sĩ. Hay, đăng ký ốm viêm họng, đau bụng, đau dạ dày để tích thuốc trong phòng. “Khi phát hiện, hỏi lý vì sao, đối tượng bảo do chưa ăn sáng, đợi ăn cơm trưa xong mới uống. Bữa sáng trại phát đầy đủ, đây chỉ là “lý do”, mục đích uống thuốc quá liều để được đưa ra bệnh viện ngoài cấp cứu. Những thủ đoạn này chúng tôi đều phát hiện ra”, BS Hưng chia sẻ. 

Bên cạnh đó, có đối tượng ốm không nói, tới khi mệt, khó thở, quản giáo phát hiện và gọi bác sĩ. Có những can phạm bị gãy tay ở ngoài xã hội nhưng không điều trị, khi bị bắt giam vào đây, trại lại trích kinh phí đưa bệnh nhân ra bệnh viện bó bột, đồng chí Giám thị còn cho tiền mua quần áo, mua sữa tẩm bổ… Hay nhiều can phạm mắc bệnh mãn tính ngoài xã hội nhưng vào trại không khai báo, cứ mặc bệnh tình, khi bác sĩ phát hiện, điều trị rất vất vả do bệnh chuyển nặng.

BS Hưng vẫn nhớ ca cấp cứu lúc nửa đêm cho can phạm P.B.N (SN 1996) bị bắt vì mua bán trái phép chất ma tuý. Bệnh nhân kêu tê nửa người bên trái, sau khi khám lâm sàng, đánh giá sơ bộ tai biến, anh đã kịp thời chuyển bệnh nhân ra Bệnh viện Việt Tiệp. Tại đây bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết não nhưng may đến viện kịp “giờ vàng”, sau khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đã hồi phục hoàn toàn. “Đối với những ca cấp cứu, dù thủ tục trích xuất phạm ra bệnh viện ngoài điều trị luôn tuân thủ đúng quy trình nhưng chúng tôi cố gắng nhanh nhất có thể, đặt sức khoẻ, tính mạng của bệnh nhân lên hàng đầu” BS Hưng chia sẻ.

Chữa bệnh cho tử tù

Là một trong số những trại tạm giam có số tử tù đông trên toàn quốc, ngoài công việc trông coi vất vả, để điều trị cho các đối tượng này, các bác sĩ ở Trại tạm giam Công an TP Hải Phòng phải nhiều lần “cân não” bởi những ca bệnh đặc biệt. Theo chia sẻ của những bác sĩ trẻ ở đây, chăm sóc y tế cho các đối tượng tử tù rất vất vả, tiếp xúc cũng khác biệt so với các can phạm khác. Khám phải cẩn thận, tỉ mỉ, nếu điều trị không đỡ phạm nhân thay đổi thái độ ngay. Tử tù là những đối tượng không còn gì để mất, thái độ đối với bác sĩ, y tá thường vùng vằng, chống đối. Nhiều đối tượng nhiễm HIV nhưng từ chối điều trị thuốc ARV dẫn tới nhiễm trùng cơ hội như lao, nấm phổi, gây khó khăn cho điều trị. Đặc biệt, khi bệnh nặng phải chuyển ra bệnh viện khó khăn hơn rất nhiều. Vì thế, BS thường xuyên phải động viên, giáo dục, hướng dẫn, nói đến tác dụng của thuốc ARV để họ tiếp tục điều trị, tránh bỏ thuốc.

Một trong những đối tượng tử tù được BS Hưng động viên thành công là phạm nhân SN 1961 ở Sơn La, bị bắt vì tội ma tuý, lĩnh án tử hình. Đối tượng nhiễm HIV từ thời trẻ, một thời gian sau khi bị tuyên án, phạm nhân cô đơn, chán nản, viết đơn xin từ chối điều trị ARV mặc dù các bác sĩ, quản giáo giáo dục, động viên khuyên bảo, giải thích những ưu điểm của thuốc. Phải 2 tháng khuyên bảo, động viên, phạm nhân mới ngấm dần, sau đó hiểu ra viết đơn xin uống lại.

Trại có gần 10 phạm nhân nữ mang án tử hình, chủ yếu bị bắt về tội ma tuý, nhưng BS Hưng cho biết, số này ít “giở trò” giả bệnh hơn. Theo quy định, khi khám bệnh cho can phạm nữ, bao giờ cũng phải có nữ cán bộ y tế đi cùng, vì thế, trại đã ít nhân lực lại càng thiếu hơn.

Trại tạm giam Công an TP Hải Phòng đang điều trị cho nhiều can phạm nhiễm HIV, vừa qua sàng lọc trong 400 người, phát hiện thêm các trường hợp dương tính. Rất đông bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính và thuộc đủ loại thành phần trong xã hội, mang tính chất lưu manh, nhiều tiền án, tiền sự, khi vào Trại bất cần, chống đối, có bệnh không khai hoặc không có cũng khai khiến cho định hướng chẩn đoán bệnh ban đầu lệch đi. Hàng ngày phải đối mặt với công việc đặc thù như vậy, cán bộ y tế nữ vô cùng vất vả do số can phạm nữ đông, trực nhiều, song vượt lên tất cả, các y, bác sĩ ở đây đã hoàn thành nhiệm vụ vô cùng xuất sắc.

Cùng tốt nghiệp Học viện Quân y, ở bệnh xá còn có các bác sĩ trẻ Trần Sơn Lâm và Phạm Triệu Vân luôn nhiệt huyết, tận tụy với nghề, dù họ làm việc không có ngày nghỉ, chế độ tiền trực rất thấp. “Để làm được công việc bác sĩ ở Trại tạm giam, phải có tình yêu nghề. Cảm nhận đầu tiên khi tôi làm việc ở đây là tình đồng đội, sự quan tâm, hướng dẫn của chỉ huy. Đây là điều quý báu để chúng tôi tiếp tục cống hiến và gắn bó với nghề”, BS Hưng trải lòng.

Trần Hằng – Xuân Mai
.
.