Sức sống của chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác” trên sóng phát thanh

Thứ Hai, 20/06/2022, 09:59

Những năm giữa thập kỷ 60 thế kỷ trước, trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn vô cùng cam go, khốc liệt, lực lượng CAND đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh phong trào bảo vệ trị an, bảo mật phòng gian ở hậu phương lớn miền Bắc.

Trong bối cảnh đó, đầu năm 1967, chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác” ra đời và định kỳ phát sóng vào tối thứ bảy hằng tuần trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam để đáp ứng yêu cầu tuyên truyền. Có lẽ vào thời điểm ấy, những người khai sinh ra nó cũng không ngờ đây sẽ là chuyên mục có sức sống xuyên thế kỷ và được thính giả vô cùng mến mộ...

“Người bắt gián điệp, biệt kích” trên sóng phát thanh

Người được lãnh đạo Bộ Công an "chọn mặt gửi vàng" lúc đó là đồng chí Nghi Xuyên (tên thật là Nguyễn Xuân Mỡn). Vốn được đào tạo về biên kịch, lại có nghiệp vụ về công an nên ông có điều kiện thuận lợi để biến ý tưởng của cấp trên thành hiện thực. Tuy nhiên, những ngày đầu ấy, theo như sau này ông kể lại là hết sức khó khăn. Nghi Xuyên vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm. May mắn, chuyên mục đã được thính giả nồng nhiệt đón nghe và có nhiều ý kiến phản hồi, góp ý.

5-1.jpg -0
NSƯT Nghi Xuyên.

Đó cũng chính là nguồn động viên vô cùng quý báu để Nghi Xuyên tiếp tục phấn đấu và tạo nên dấu ấn khó phai đối với bạn nghe Đài cả nước. Suốt hàng chục năm trời, một mình Nghi Xuyên “bao sóng”, có nghĩa là ông vừa sáng tác, vừa trực tiếp lên sóng thể hiện lại tác phẩm của mình (chứ không thuê diễn viên thể hiện dạng kịch truyền thanh như giai đoạn sau này).

Với khả năng làm việc không biết mệt, Nghi Xuyên đã để lại hàng ngàn câu chuyện cảnh giác vô cùng hấp dẫn mà nội dung chủ yếu là bảo mật phòng gian, chống gián điệp, biệt kích. Chuyện của ông thường rất kịch tính, hấp dẫn đến nghẹt thở... với cái kết là thủ phạm thường phải cho tay vào còng. Có lẽ chính vì vậy mà nhiều bạn nghe đài “phong” cho ông cái danh hiệu: “Người bắt gián điệp, biệt kích nhiều nhất miền Bắc”. Bởi đơn giản, thứ bảy tuần nào ông cũng phải tóm được ít nhất một tên gián điệp, biệt kích trên... sóng phát thanh. Tất nhiên, “danh hiệu” đó chỉ để cho vui nhưng cũng cho thấy công lao của nhà báo Nghi Xuyên đối với chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác” là rất lớn. Ghi nhận sự cống hiến của ông, năm 1995, Đảng và Nhà nước đã phong tặng Nghi Xuyên danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT). Ông là một trong những người được phong tặng danh hiệu cao quý này sớm nhất trong lực lượng CAND.

5-2.jpg -0
Thu âm chuyên mục  “Kể chuyện cảnh giác”.

Truyền lửa cho học trò

Năm 2003, sau gần 40 năm miệt mài cống hiến, NSƯT Nghi Xuyên về nghỉ hưu. Người tiếp bước ông tiếp tục duy trì chuyên mục Kể chuyện cảnh giác là nhà báo Lê Thanh Tăng (hiện là Trưởng ban Phát thanh CAND). Đây chính là học trò được Nghi Xuyên phát hiện trong quá trình tham gia giảng dạy bộ môn Kịch truyền thanh tại Trường Cao đẳng Truyền hình.

Nhà báo Lê Thanh Tăng kể: Tuy bản thân có chút năng khiếu, nhưng để theo được nghiệp của thầy là điều vô cùng gian nan. Sau khi anh tốt nghiệp, thầy đưa anh về nhà, thực hiện chế độ “một kèm một” trong hơn 2 năm trời. Bình thường thầy Nghi Xuyên rất dễ tính, nhưng đến lúc vào việc lại vô cùng tỉ mỉ, nghiêm khắc. Có những câu chuyện trò viết, thầy sửa, sửa xong viết lại, chưa ưng ý, lại sửa...Thời ấy chưa có máy vi tính, nên mỗi lần như thế là anh lại phải ngồi gõ lại trên máy đánh chữ từ đầu. Có những câu chuyện, để lên sóng được, anh phải sửa chữa hàng chục lần, đánh máy đến gần trăm trang giấy A4, với hàng chục ngàn chữ... “Đài phát sóng xong tác phẩm thì đầu ngón tay tôi ê ẩm vì “mổ cò” quá nhiều, nhưng đổi lại thấy hạnh phúc vì niềm vui, sự tin tưởng lấp lánh trong mắt thầy” – anh tâm sự.

Kể cả khi đã nghỉ hưu, NSƯT Nghi Xuyên vẫn luôn theo dõi những bước đi của thế hệ sau. Ông thường xuyên đóng góp ý kiến, cho nhiều lời khuyên quý báu, kịp thời để chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác” tiếp tục duy trì được sức hấp dẫn, góp phần vào công tác thông tin, tuyên truyền của lực lượng CAND.

Năm 2015, NSƯT Nghi Xuyên về cõi vô thường ở tuổi 77. Ông đã làm nên thương hiệu “Kể chuyện cảnh giác” nổi tiếng trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam nhưng đã sống một cuộc đời rất bình dị, hồn hậu như một “lão nông tri điền” cho đến hơi thở cuối cùng của cuộc đời mình.

Bị mắng vẫn... vui

Sinh thời, NSƯT Nghi Xuyên có một chuyện vui vẫn thường kể cho mọi người nghe trong lúc trà dư tửu hậu. Đấy là một lần, sau khi dàn dựng chương trình ở Trung tâm Âm thanh Đài Tiếng nói Việt Nam (39 phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bàn giao xong băng từ cho người làm công tác kỹ thuật cũng là lúc giờ phát sóng sắp đến. Ông vội vã đạp xe ra hồ Hoàn Kiếm gần đó. Lúc bấy giờ, dưới một cột điện có treo loa công cộng, rất nhiều người dân đang xúm lại đón nghe “Kể chuyện cảnh giác”. Nghi Xuyên đứng lẫn vào đám đông để “thăm dò” phản ứng của thính giả. Thật bất ngờ, sau 30 phút, khi câu chuyện kết thúc với lời dẫn: “Muốn biết câu chuyện diễn biến ra sao... mời các bạn đón nghe tiếp vào chuyên mục này tuần sau” thì một thính giả bực mình nói rất to : “Tiên sư nó, đang hay thì cắt... bố láo hết chỗ nói”. “Bị mắng” mà vẫn vui, ông coi đó như một lời khen để tiếp tục đem đến những tác phẩm hấp dẫn hơn cho bạn nghe đài.

5-3.jpg -0
Nhà báo Lê Thanh Tăng (bên trái) cùng NSƯT Nghi Xuyên.

Hay như nhà báo Lê Thanh Tăng có lần đi xe bus, đúng lúc Đài đang phát sóng câu chuyện của anh viết. Một gã đàn ông xăm trổ đầy mình trông như... xã hội đen ngồi ngay cạnh chăm chú nghe, đến đoạn cao trào gã bật cười sảng khoái và văng tục: “Đ.M thằng cha nào viết “mất dạy” thế ? Nhưng viết phải “mất dạy” như thế này mới thú”. Nói xong, gã vừa vỗ đùi đen đét vừa cười ha hả như ở chốn không người. Gã đâu biết, người đang ngồi cùng một hàng ghế với mình, chính là cái “thằng cha mất dạy” mà gã vừa nhắc đến...

Có hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện về sự tri ân của thính giả đối với những người làm chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác”, có thể bằng thư, tin nhắn, bằng các cuộc gọi điện thoại, hoặc bằng cả hiện vật nho nhỏ thể hiện tình cảm của người tặng. Các phóng viên, biên tập viên chịu trách nhiệm sản xuất chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác” luôn coi niềm động viên đó là động lực vô cùng to lớn để họ tiếp tục vượt khó, cho ra đời những tác phẩm hay hơn nữa, hấp dẫn hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thính giả...

Thay đổi để tiếp tục phát triển

Hơn nửa thế kỷ góp sức cùng sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, chương trình “Kể chuyện cảnh giác” tiếp tục khẳng định là một trong những chuyên mục có sức hấp dẫn hàng đầu trên sóng phát thanh hiện nay. Quan điểm của những người làm chương trình là phải liên tục thay đổi để phù hợp với nhu cầu của người nghe và điều kiện kinh tế, xã hội ở từng giai đoạn khác nhau. Nếu như trước đây, chỉ cần “bắt gián điệp, biệt kích”, bắt tội phạm, nghĩa là có thể phân biệt rõ ranh giới giữa “ta và địch” là đạt yêu cầu; thì hiện nay các tác phẩm phải mang tính giải trí cao hơn, đi sâu vào cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái ác và cái thiện, thậm chí ngay trong chính bản thân mỗi cá nhân. Ngoài ra, hình thức tiếp cận thính giả cũng đang được định hướng để thay đổi.

Nhà báo Lê Thanh Tăng cho biết: “Ngoài phát sóng trên Đài phát thanh, chúng tôi đang từng bước đưa Kể chuyện cảnh giác lên các nền tảng như youtube, facebook”…

Có lẽ đó cũng chính là “con đường” để tiếp tục phát triển và khẳng định sức sống của “Kể chuyện cảnh giác” trong thời đại 4.0 hiện nay.

Thanh Lê
.
.