Sáng tạo trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở vùng cao

Chủ Nhật, 29/10/2023, 07:12

Nhằm huy động sức mạnh đồng bộ của hệ thống chính trị, đặc biệt là quần chúng nhân dân, lực lượng Công an toàn tỉnh Gia Lai đã chủ động tham mưu, triển khai xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), góp phần tích cực giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.

Để đảm bảo trực quan, sinh động, hướng đến đối tượng học sinh, lực lượng CSGT từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích như "Một ngày làm chiến sĩ Cảnh sát giao thông" tại các trường mầm non; Câu lạc bộ "An toàn giao thông"; Chương trình "An toàn giao thông - cho nụ cười ngày mai" hướng dẫn các quy tắc an toàn khi tham gia giao thông, phổ biến quy định của pháp luật về giao thông đường bộ thông qua các trò chơi hỏi - đáp nhận quà, lái xe an toàn,... tại các điểm trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

5-3.jpg -0
Cán bộ Cảnh sát giao thông hướng dẫn các quy tắc an toàn khi tham gia giao thông cho học sinh.

Em Đỗ Thị Khánh Linh (học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, Krông Pa) chia sẻ: "Tham gia ngoại khóa rất vui và ý nghĩa. Em hi vọng thời gian tới được trải nghiệm thêm nhiều hoạt động như thế này để biết thêm các quy định của pháp luật về giao thông và tuyên truyền cho người thân".  Bên cạnh các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, nhiều mô hình đảm bảo TTATGT tại trường học đã được ra mắt, điển hình như: "Cổng trường học an toàn", "Cổng trường an toàn giao thông"... Đây là những mô hình đầu tiên, được triển khai và nhân rộng tại 267 cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh, trong đó, giáo viên, phụ huynh, đoàn viên thanh niên, Công an xã là lực lượng chủ công thực hiện tuyên truyền pháp luật và đảm bảo an toàn giao thông khung giờ đi học và tan tầm.

Đồng thời, Công an các địa phương trong tỉnh đã tích cực tham mưu cho chính quyền chỉ đạo triển khai xây dựng các mô hình "Camera an ninh", "Ánh sáng, camera, kết hợp tiếng kẻng an ninh",... từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Là công dân sinh sống tại thị trấn Phú Hòa (Chư Păh), anh Bùi Quốc Dũng (trú tại tổ dân phố 3) bày tỏ: "Từ ngày lắp đặt camera trên tuyến đường liên xã, người dân tự giác chấp hành Luật Giao thông, bởi ai cũng sợ bị ghi hình lại. Tình hình trộm cắp, thanh thiếu niên càn quấy, lạng lách đánh võng, nẹt pô cũng không còn". Đặc biệt, 17/17 Công an huyện, thị xã, thành phố đã đồng loạt triển khai nhân rộng mô hình "Cụm dân cư liên kết tự quản về an toàn giao thông", "Tổ dân phố, làng tự quản về an ninh trật tự"… Khi đi trên các tuyến đường liên thôn, liên xã, không khó để bắt gặp các pano "Đoạn đường tự quản về TTATGT", "Tuyến đường thanh niên tự quản"…

Đây đều là mô hình triển khai tại khu dân cư, huy động tối đa sức mạnh của hệ thống chính trị mà nòng cốt là Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh,... Nhờ hiệu quả từ các mô hình hay, cách làm mới, tình hình TTATGT trên toàn tỉnh Gia Lai từ đầu năm đến nay đã có những chuyển biến tích cực, giảm cả 3 chỉ số so với cùng kỳ năm 2022.

Bảo Hân
.
.