Kỷ niệm 61 năm ngày Truyền thống lực lượng CSND (20/7/1962 - 20/7/2023)

Phòng ngừa hay, đánh án giỏi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Tư, 19/07/2023, 09:00

Bám sát những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND, trong 1 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, đứng đầu là Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, lực lượng CSND tiếp tục thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu trên các mặt công tác, bồi đắp thêm những chiến công, xứng đáng với 16 chữ vàng: “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước vì dân, quên thân phục vụ”…

“Quả đấm thép” trong phòng, chống tội phạm

Còn nhớ tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND (20/7/1962-20/7/2022), một trong những nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ Công an nhấn mạnh, yêu cầu lực lượng CSND phải thực hiện hiệu quả, đó là: Xây dựng người CSND vững về pháp luật, giỏi nghiệp vụ, công nghệ và nhân văn. Xuyên suốt trong 1 năm qua, cùng với những chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an, yêu cầu trên của lãnh đạo Bộ Công an đã được lực lượng CSND ở 4 cấp thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đạt được những kết quả đáng ghi nhận và tự hào.

Mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra là phải “Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh”, đảm bảo an ninh con người. Đây là những nội dung quan trọng lực lượng CSND phải làm nòng cốt để thực hiện. Trong những năm gầy đây, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an kiên trì chỉ đạo thực hiện mục tiêu làm giảm tội phạm (mỗi năm giảm khoảng 5%, đây là mục tiêu có ý nghĩa nhân văn sâu sắc). Mục tiêu này đã được lực lượng CSND thực hiện hiệu quả. Kết quả các mặt công tác năm sau chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, hiệu quả hơn năm trước (năm 2018 giảm 0,16%; năm 2019 giảm 7,39%; năm 2020 giảm 6,8%; năm 2021 giảm tới 11,33%).

Phòng ngừa hay, đánh án giỏi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội -0
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cùng các đại biểu tham quan các mô hình hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh, thành phố gắn với chính phủ số, chuyển đổi số, thành phố thông minh.

Lực lượng CSND đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh góp phần kiềm chế làm giảm tội phạm hình sự; không để các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động phức tạp, lộng hành; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và tỷ lệ điều tra, xử lý tội phạm luôn ở mức cao, đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao. Có thể khẳng định, kết quả các mặt công tác đều có chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả hơn so với trước (6 tháng đầu năm 2023, tội phạm hình sự giảm 6,14% so với cùng kỳ năm 2019 là thời điểm chưa có dịch COVID-19. Tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 82,66%). Lực lượng CSHS đã chủ động nhận diện, đấu tranh phòng, chống hiệu quả tội phạm hình sự trong giai đoạn mới. Riêng lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy đã tạo nên một “làn gió mới” về công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở. Các chỉ số về an ninh, an toàn tại địa bàn xã, thị trấn hầu hết đều có chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng hình ảnh người CAND “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “lúc dân cần, lúc dân khó có Công an”.

Đánh giá của Bộ trưởng Tô Lâm cho thấy, lực lượng CSND tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng tiên phong, gương mẫu đi đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Yêu cầu “giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật” được thể hiện qua việc lực lượng Công an đã tiếp tục phát hiện, điều tra, mở rộng điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Qua các vụ án kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, lực lượng CSND đã thu hồi cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng; kiến nghị các ngành khắc phục nhiều sơ hở, thiếu sót, không để tội phạm lợi dụng hoạt động. Từ tháng 7/2022 đến nay, lực lượng CSND tiếp tục phát hiện, điều tra xử lý nhiều vụ án lớn, như vụ án trong các lĩnh vực chuyên sâu liên quan đến ngân hàng, chứng khoán, đất đai (Vạn Thịnh Phát, FLC, Tân Hoàng Minh) hoặc các vụ án tham nhũng có hệ thống từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài (như vụ án tại các trung tâm đăng kiểm trong toàn quốc).

Hiện nay, các cơ quan điều tra trong CAND đang thụ lý, điều tra 21 vụ/338 bị can thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Nhiều Công an cấp tỉnh cũng đã đủ sức điều tra các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi. Việc phát hiện, điều tra án tham nhũng ở cấp tỉnh, cấp huyện cũng có chuyển biến tích cực (riêng năm 2022, các địa phương đã phát hiện, khởi tố 453 vụ án tham nhũng, gấp 1,5 lần năm 2021), điều này cho thấy đã có sự chuyển biến tích cực, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong công tác này, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương, khen ngợi.

Mới đây, phát biểu phát động Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2023 được Bộ Công an tổ chức, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương những chiến công, thành tích to lớn của lực lượng CSND nói chung, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy nói riêng. Lực lượng CSND đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ cùng các ngành tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện đồng bộ mục tiêu “chặn cung”, “giảm cầu” và “giảm tác hại” của ma túy. Trong 1 năm qua, lực lượng CSND đã tập trung thực hiện các quy định mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, đấu tranh triệt phá hành trăm đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia với quan điểm “đánh cả đường dây, không đánh khúc giữa”; triển khai xây dựng nhiều phòng tuyến, pháo đài vững chắc, ngăn chặn, phòng chống ma túy nhiều lớp, từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát…

Xây dựng, phát triển 3 trụ cột trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Trên các mặt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn, quản lý, giáo dục, cải tạo can phạm nhân được tăng cường hiệu quả rõ rệt so với năm 2022. Lực lượng CSGT toàn quốc đã đổi mới phong cách công tác, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm với các chuyên đề gây tiếng vang, được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ, tạo dấu ấn lan tỏa mạnh mẽ, như xử lý vi phạm nồng độ cồn, quá khổ, quá tải… TNGT từng bước được kiềm chế, kéo giảm…

Một trong những dấu ấn nổi bật của Bộ Công an nói chung, lực lượng CSND nói riêng trong 1 năm qua, đó là đã tiên phong, gương mẫu đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia. Đánh giá trên được Thủ tướng Chính phủ biểu dương, nêu bật tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, được Chính phủ tổ chức vào giữa tháng 7 vừa qua. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, qua thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, các dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Nhiều dịch vụ công được người dân hưởng ứng tham gia thực hiện với tỷ lệ cao, hằng năm tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 2.505 tỷ đồng. Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ tập trung đôn đốc các bộ, ngành, nhằm mục tiêu “Xây dựng nền hành chính văn minh, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tội phạm”.

Trong thời gian qua, hình ảnh người CAND, CSND lăn lộn với địa bàn, cơ sở, dù ở thành thị hay nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, đến tận nhà với bà con, cấp CCCD, tạo lập, cấp tài khoản định danh điện tử đã trở thành thân quen, tạo được sự cảm mến, giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân với lực lượng CAND. Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, miệt mài những bước chân của các CBCS Công an 4 cấp trong đó có lực lượng CSND đã đem lại kết quả, dấu ấn nổi bật trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Đơn cử như ứng dụng dữ liệu dân cư, xác thực thông tin tín dụng khách hàng vay, đảm bảo chính xác danh tính, phòng ngừa tội phạm lừa đảo, hạn chế rủi ro, phục vụ cho vay tín chấp đối với công dân yếu thế, phòng ngừa tội phạm “tín dụng đen”.

Đến nay, đã hoàn thành mục tiêu cấp CCCD gắn chip cho 100% công dân trong toàn quốc đủ điều kiện; hơn 40 triệu tài khoản định danh điện tử; dữ liệu của tất cả dân số Việt Nam được thu thập, bổ sung, cập nhật, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”. Từ những dữ liệu gốc này, Bộ Công an, lực lượng CSND đã đẩy mạnh thực hiện 5 nhóm tiện ích của Đề án 06 mang lại giá trị rất lớn cho xã hội, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Đơn cử, một số thủ tục hành chính tiết kiệm như thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tiết kiệm 479,09 tỷ đồng; thi tốt nghiệp THPT Quốc gia tiết kiệm 280,9 tỷ đồng…). Tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, qua đó cắt giảm dần cán bộ tiếp dân, người dân hạn chế đi lại, không tiếp xúc, không giấy tờ, không dùng tiền mặt, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”. Làm sạch thông tin tín dụng, xác thực thông tin thuê bao; xác thực, làm sạch, đảm bảo chính xác đối tượng được hưởng an sinh xã hội để thực hiện chi trả dưới hình thức không dùng tiền mặt; ứng dụng tài khoản VNeID mức độ 2 với hành khách đi máy bay; tố giác tội phạm, xác thực sinh trắc học trên thẻ CCCD tại các cơ sở khám chữa bệnh, giảm quy trình 4 bước xuống còn 2 bước, thời gian trung bình xác thực là 6-13 giây, giúp người dân tiết kiệm thời gian làm thủ tục…

Với vai trò thường trực, gương mẫu đi đầu của Bộ Công an, đặc biệt là của Bộ trưởng Tô Lâm, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội được thúc đẩy từ Đề án 06, chuyển đổi số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo ra giá trị rất lớn cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Bài học về quyết tâm chính trị cũng như sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đã đem lại giá trị lớn lao trong triển khai Đề án 06, chuyển đổi số. Trong hành trình đó, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và CCCD gắn chip, định danh và xác thực điện tử, chuyển đổi số để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là nền tảng, động lực quan trọng, mang tính chiến lược của quốc gia, đang được Bộ Công an, lực lượng CSND thực hiện hiệu quả.

Hoàng Phong
.
.