Nữ trinh sát ngoại tuyến kể chuyện phá án - Bài cuối
Ngoại tuyến là công việc đặc thù, đối với nam giới vốn đã không dễ dàng, với người phụ nữ "chân yếu, tay mềm", đồng thời cùng lúc phải thực hiện thiên chức của người vợ, người mẹ còn gian nan hơn nhiều. Ngoài công việc thường xuyên phải ca kíp, không chủ động được về thời gian còn phải đối mặt với những nguy hiểm luôn rình rập.
Song vượt lên tất cả, những nữ trinh sát của Cục Ngoại tuyến, Bộ Công an vẫn "đội nắng, thắng mưa", đóng góp thầm lặng vào chiến công của từng vụ án…
Mang lại thành công cho chuyên án
"Đi từ trụ sở của đơn vị về địa điểm công tác là khoảng 16h40' chỉ còn 20 phút nữa đến giờ học của con …", liếc nhìn đồng hồ Trung tá Lưu Thị Ngọc Thuỷ, Chủ tịch Hội Phụ nữ Cục Ngoại tuyến vội tạt xe vào ngang đường, nhấc điện thoại gọi cho con. Có bố là Cảnh sát khu vực, còn mẹ là cán bộ của Cục Ngoại tuyến nên hai cháu bé từ nhỏ đã phải tự lập hơn những bạn bè cùng trang lứa.
Chị Thuỷ còn nhớ những ngày đầu mới lập gia đình, hai vợ chồng thuê căn nhà cấp 4 ở một khu ven đê. Có những lúc chồng đi trực; Thuỷ theo một nhiệm vụ đến 3h sáng mới về đến nhà, con nhỏ phải nhờ hàng xóm cho bú. Những cháu bé vì thế cũng thiệt thòi hơn so với những bạn cùng trang lứa, từ nhỏ đến ăn cũng phải nhanh. Những năm cấp 1, cứ 6-7h sáng, các con đã phải ngồi ở phòng bảo vệ, chưa bao giờ được mẹ đưa đến trường.
Trước khi trở thành Chủ tịch Hội Phụ nữ Cục Ngoại tuyến, chị Thuỷ đã có 18 năm làm công tác trinh sát. Công việc đối với một nam giới vốn đã không dễ dàng, bởi những kế hoạch đột xuất bất ngờ; sẵn sàng tăng ca, tăng giờ, không chủ động được về thời gian còn là những nguy hiểm luôn rình rập với cán bộ nữ thì còn gian nan hơn nhiều. Nếu không có lòng yêu nghề và năng khiếu có lẽ chẳng thể hoàn thành nhiệm vụ. Trinh sát nam đi về nhà có thể nghỉ ngơi nhưng với phụ nữ sau đó còn là thiên chức của người vợ, người mẹ. Rồi kế đó là những câu chuyện "dở khóc, dở cười", bị hiểu nhầm khi đi cùng với một nam giới vào bệnh viện phụ sản mà không phải là chồng mình.
Một vài bộ quần áo để ở cơ quan, lúc nào nhận lệnh là lập tức lên đường. Với cán bộ là nữ có những khó khăn song cũng có thuận lợi… Trong một số trường hợp, sự mềm dẻo của người phụ nữ lại là một lợi thế, chị Thuỷ chia sẻ. Tâm sự của Trung tá Lưu Thị Ngọc Thuỷ cũng có lẽ là những suy nghĩ của hầu hết những nữ trinh sát ngoại tuyến. Có những yêu cầu đặc biệt nhận lệnh là lên đường, chỉ nói với chồng là đi công tác còn cụ thể bao nhiêu ngày, ở địa bàn nào không được chủ động. Có người chồng thì thông cảm nhưng cũng có không ít người cảm thấy khúc mắc, đó cũng là tâm lý bình thường của con người…
Nói về cơ duyên đến với nghề, chị Thuỷ chia sẻ với tôi về người cha, lúc ấy tôi thấy trong mắt của chị đỏ hoe. Tuổi thơ của chị là những ngày bố đi công tác triền miên, là những ngày mẹ vò võ trông chờ bên mâm cơm đạm bạc. Ngày đó, mẹ chỉ bảo bố đi công tác nhưng cụ thể làm gì thì cả nhà đều không biết. Dần dần, tình yêu nghề của cha đã truyền sang cô con gái.
Bước chân vào ngành là làm công tác trinh sát, từ những chuyên án đầu tiên, chị đã bộc lộ năng khiếu của mình. Cho đến bây giờ, chị vẫn còn nhớ lần thực hiện nhiệm vụ đầu tiên. Đối tượng là kẻ cơ hội chính trị, có nhiều phương thức và thủ đoạn nhằm trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Lần đầu thực hiện nhiệm vụ, chị không khỏi lo lắng, có lúc tim như như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực bởi sự căng thẳng và đòi hỏi khả năng xử lý các tình huống của người trinh sát.
Ngay trong lần đầu làm nhiệm vụ đó, chị và đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Lần khác, chị và đồng đội được giao nhiệm vụ đấu tranh với đối tượng nghi vấn liên quan đến hoạt động mua bán trái phép chất ma tuý. Theo quy định, trước mỗi nhiệm vụ được phân công, trinh sát sẽ xuống địa bàn nắm tình hình… Nhưng thực tế có những tình huống đòi hỏi việc xử lý linh hoạt, khéo léo của người trinh sát.
Khu vực tiếp cận là địa bàn "nóng" về ma tuý trên địa bàn TP Hà Nội. Đối tượng vừa có hoạt động chống phá quyết liệt vừa có những bất thường trong hoạt động mua bán trái phép chất ma tuý. Khi chị và đồng đội tiếp cận đối tượng thì Công an phường đang đấu tranh một vụ ma tuý. Con đường nhỏ, hai chiếc xe máy đi phải tránh nhau. Khi đối tượng đi vào sâu trong ngõ, chiếc xe máy của thành viên trong tổ công tác chẳng thể đi kịp. Lúc này, chỉ còn mình Thuỷ đối mặt với đối tượng to cao, làm sao đảm bảo nắm bắt thông tin, đồng thời không để lộ lọt.
Mỗi vụ án, chuyên án lại có những khó khăn riêng, người trinh sát được giao nhiệm vụ phải nắm bắt thông tin về phương thức, thủ đoạn, quy luật, cách thức hoạt động của đối tượng. Rồi kế đó là những đêm nghiên cứu hồ sơ của đối tượng để chủ động dự đoán và xử lý các tình huống có thể xảy ra trong thời gian thực hiện nhiệm vụ được giao và nắm bắt diễn biến tâm lý của đối tượng…
Làm thêm giờ, tăng ca
Thêm một đêm không ngủ, Đại uý Nguyễn Hà Minh nhớ lại từng chi tiết trong hồ sơ… Cũng như đồng đội của mình, nếu một yêu cầu thực hiện chưa như mong muốn là chị lo lắng, trằn trọc không yên.
Lần này, Đại uý Nguyễn Hà Minh nhận yêu cầu tham gia đấu tranh với hoạt động buôn bán, vận chuyển ma tuý tổng hợp từ nước ngoài về Việt Nam, bằng đường hàng không và đường bộ. Khi nhận nhiệm vụ, Đại uý Nguyễn Hà Minh chỉ nhắn tin cho chồng là về muộn rồi sau khoảng nửa giờ là gấp rút lên đường làm nhiệm vụ. Chị được phân công tham gia công tác trinh sát, dẫn giải đối tượng cùng thùng hàng và các phương tiện có liên quan về trụ sở một đơn vị.
Chị đã cùng với tổ trinh sát tham gia phối hợp với các lực lượng tiến hành ghi hình mở niêm phong các gói hàng, cân xác định khối lượng, trích lấy mẫu gửi giám định và niêm phong lại vật chứng… Quá trình đã thu giữ một lượng lớn ma tuý tổng hợp. Việc khám xét được thực hiện được 6h sáng ngày hôm sau mới hoàn thành các thủ tục, kiểm đếm.
Tốt nghiệp Học viện Bưu chính nhưng rồi Minh theo nghề của bố cũng trở thành cán bộ của Cục Ngoại tuyến. Sau khi nhận công tác không lâu, chị được điều động vào TP Hồ Chí Minh. Chân ướt, chân ráo đặt chân vào TP Hồ Chí Minh, tất cả đều lạ lẫm…, chị bắt đầu làm quen với phong tục, tập quán và địa bàn mới…
Ban đầu làm văn thư, sau đó được phân công thực hiện các công tác. Cho đến bây giờ, chị vẫn còn nhớ lần đầu tiên, đối tượng bị bệnh được phân công làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngày đầu tiên làm nhiệm vụ tại cửa phòng cấp cứu, nhìn lượng người ra vào, chị đã đổ bệnh... Nhưng chỉ sau một đem, chị đã vực lại tinh thần, cùng đồng đội tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.
Những lúc xa gia đình, xa nhà, những lần ốm đau…, đi làm trên đường mới thấy sự vất vả và nguy hiểm của nghề. Rồi kế đó là những ngày lễ, Tết và những yêu cầu đột xuất, có lệnh là lên đường… chị Minh chia sẻ.
Không ít cán bộ phải thường xa gia đình như Thiếu tá Nguyễn Hồng Nghi, Phó Đội trưởng Đội 1, Phòng 4. Sinh ra và lớn lên ở phía Nam, sau khi lập gia đình, chị theo chồng chuyển công tác ra miền Bắc. Công việc của chồng chị cũng thường xuyên đi sớm, về khuya; còn chị cũng phải thực hiện các yêu cầu đột xuất của đơn vị; gia đình hai bên đều ở xa nên vô cùng khó khăn… Nhiều năm, có khi mẹ đẻ ốm cũng chẳng thể về thăm nhà. Nhưng vượt qua những khó khăn, chị vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Những cá nhân như Trung tá Lưu Thị Ngọc Thuỷ, Thiếu tá Nguyễn Hồng Nghi chỉ là một trong điển hình tiên tiến tiêu biểu của Cục Ngoại tuyến. "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang" có trình độ chuyên môn, ở từng vị trí công tác được giao, những nữ trinh sát của đơn vị đã sẵn sàng làm thêm giờ, tăng ca, đảm nhận việc khó để hoàn thành nhiệm vụ được giao.