Những tấm lòng vàng nâng bước trẻ em vùng cao
Khi tăng cường cơ sở, các chiến sỹ Công an chính quy “cắm bản” ngoài nhiệm vụ bảo đảm ANTT tại cơ sở đã đẩy mạnh các hoạt động tình nghĩa, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công, các hộ nghèo nơi địa bàn đóng quân.
Bên cạnh đó, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có ý định hoặc đã bỏ học hay bị các đối tượng xấu lôi kéo, rủ rê bước vào con đường sai trái cũng được lực lượng Công an xã quan tâm. Những CBCS Công an đã dành một phần tiền lương của mình để đỡ đầu, nuôi dưỡng, cảm hóa, giáo dục, chăm lo cho các em tiếp tục được đến trường.
Bài 3: Những tấm lòng vàng nâng bước trẻ em vùng cao
Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng sâu sắc, tác động toàn diện đến đời sống xã hội. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, dù kinh tế gia đình cũng bị ảnh hưởng theo, thu nhập giảm sút nhưng trước những khó khăn của các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các nhà hảo tâm đã mở rộng vòng tay, cùng lực lượng Công an xã, thị trấn đỡ đầu, chăm lo, nuôi dưỡng các em, để các em viết tiếp ước mơ còn dang dở, được cắp sách đến trường, vì một tương lai tươi sáng hơn. Chúng tôi đã tìm đến một gia đình có tấm lòng vàng ở huyện vùng cao Mèo Vạc, Hà Giang đang nuôi dưỡng 4 em nhỏ. Qua đó, mới thấu hiểu thêm tấm lòng chân thành, mộc mạc của người dân nơi đây, như một bông hoa đẹp giữa một rừng hoa đẹp.
Vòng tay yêu thương chở che
Tìm hiểu hoạt động của lực lượng Công an tỉnh Hà Giang tại cơ sở, chúng tôi nhận thấy một thực tế mà lực lượng Công an chính quy khi tăng cường về cơ sở luôn trăn trở chính là do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài, kinh tế người dân gặp khó khăn, địa bàn cũng vì thế xuất hiện một số cháu nhỏ tuổi vị thành niên bị rủ rê có hành vi trộm cắp tài sản. Tuy chỉ là quả trứng, gói xôi để qua cơn đói, cơn khát, nhưng cũng gây bức xúc trong nhân dân. Trước tình hình đó, lực lượng Công an các xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh đã ngày đêm bám bản, tìm hiểu hoàn cảnh của các gia đình, từ đó tham mưu với cấp ủy, chính quyền các giải pháp đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở.
Với sự nỗ lực của lực lượng Công an cơ sở, đặc biệt từ khi triển khai thực hiện mô hình “Con nuôi Công an xã” đến nay, tình hình tội phạm về trộm cắp tài sản, nhất là tội phạm trong số trẻ chưa vị thành niên ở nhiều địa bàn có chiều hướng giảm rõ rệt. Ngoài nhận nuôi tại trụ sở Công an xã, thị trấn, anh em trong đơn vị còn kêu gọi sự chung tay, vận động các gia đình trên địa bàn có điều kiện về kinh tế nhận nuôi các em có hoàn cảnh khó khăn, nâng bước các em đến trường, để các em có cơ hội đổi đời, vì một tương lai tươi sáng hơn.
Chúng tôi có mặt tại huyện Mèo Vạc, nơi vùng cao những ngày đầu Xuân. Không khí những ngày giáp Tết Nguyên đán ở đây tuy không sôi động như mọi năm nhưng bà con các dân tộc Mông, Lô Lô… vẫn sửa soạn những bộ váy áo đẹp nhất để du xuân. Theo chân Thượng úy Nông Xuân Tạo, Phó Trưởng Công an thị trấn Mèo Vạc xuống địa bàn, qua những cung đường trơn trượt, lầy lội, thăm một số nhà người dân ở vùng núi đá mới thấy cuộc sống bà con ở nơi địa đầu Tổ quốc còn thật nhiều khó khăn. Quá trình đi thực tế, chúng tôi đã tìm đến hộ gia đình chị Đặng Ái Vân và anh Chu Thế Lạc trên địa bàn thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang hiện đang chăm sóc 4 cháu có hoàn cảnh khó khăn.
Thiếu tá Đỗ Trung Kiên, Trưởng Công an thị trấn Mèo Vạc đánh giá cao tấm lòng vàng của gia đình có tấm lòng hảo tâm, mở rộng vòng tay chăm sóc các cháu. Bên cạnh sự nuôi dưỡng của gia đình chị Đặng Ái Vân và anh Chu Thế Lạc, hộ dân đang nhận nuôi bốn cháu bé người Mông, các cháu cùng là những “con nuôi” đang được Công an thị trấn “đỡ đầu”. Chứng kiến cảnh Thiếu tá Đỗ Trung Kiên vừa tới quán café nhỏ của chị Vân nằm trên đường Nguyễn Du, gần ngã tư chợ trung tâm huyện Mèo Vạc, chưa kịp cởi chiếc áo mưa, các cháu bé Tú, Nô, Dương và Thái đã chạy ra chào “bố Kiên” khiến chúng tôi cũng vui lây.
Trong câu chuyện với chị Vân, anh Lạc, chúng tôi thực sự xúc động bởi bằng tình yêu thương, trân quý con người, gia đình anh, chị đã mở rộng vòng tay, đón nhận các cậu bé lang thang cơ nhỡ làm con nuôi, chăm sóc, hết sức phối hợp với Công an thị trấn để nuôi dưỡng các em.
Chị Vân nhớ lại, một tối mưa tháng 5/2021, gia đình chị đang chuẩn bị dọn dẹp nghỉ cửa hàng thì cậu bé Giàng Mí Tú, SN 2008, lang thang nhiều ngày ở thị trấn đói lả ghé vào xin cơm. Có lẽ vì đã đói nhiều ngày nên Tú không ngại ngần đánh vèo xong 5 bát cơm. Vừa xới cơm, nhìn cháu bé ăn ngon lành, qua hỏi han biết hoàn cảnh của Tú, cậu bé còi cọc trong tấm áo mong manh, đi chân đất bằng tuổi con trai mình, chị Vân không khỏi xót xa. Tú ở với ông bà già yếu, bố hay rượu chè không quan tâm, mẹ bỏ đi khi cậu mới 9 tháng tuổi. Thấy cậu bé đáng thương quá, chị Vân và anh Lạc đã dành cho cháu chỗ ngủ ấm, sáng hôm sau phối hợp với các anh Công an thị trấn liên hệ bố của Tú để đón cháu về…
Chờ đợi mãi hơn 3 giờ đồng hồ, đi bộ gần 15km từ thôn Nia Do, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, bố của Tú mới có mặt tại nhà chị Vân. Nhìn thấy con tóc tai gọn gàng, sạch sẽ trong quần áo mới mà các anh Công an thị trấn và gia đình chị Vân mua cho, anh Giàng Mí Ly rưng rưng. Sau một thoáng ngần ngừ, anh rụt rè đề nghị: “Gia đình tôi rất khó khăn, không có điều kiện nuôi, tôi cho anh chị cháu đấy…”. Dù bất ngờ trước đề nghị này, nhưng với tấm lòng rộng mở, được sự động viên của các anh Công an thị trấn, chị Vân, anh Lạc đã quyết định đến thăm nhà Tú. Chứng kiến tận mắt ngôi nhà dột nát, các tấm gỗ hở toang hoác không che chắn nổi cơn gió lạnh là nơi ăn ở của Tú và người thân, trong giây lát anh chị đã quyết định nhận Tú về nuôi dưỡng, chăm sóc như con trong sự vui mừng của người thân Tú và bà con dân bản…
Rồi một ngày trung tuần giữa tháng 6/2021, đang bận rộn chuẩn bị bữa trưa, vừa quay vào nhà bê nồi cơm, chị Vân quay ra đã thấy mất nồi cá kho thịt. Biết thủ phạm chỉ có thể là mấy đứa nhỏ đang rất đói, khát lang thang nhiều ngày nay ở thị trấn, chị cầm cặp lồng đựng cơm rau đi tìm chúng. Vừa cho chúng ăn, chị vừa phân tích, khuyên bảo các cháu về những hành động, việc làm đúng, đồng thời nhắn nhủ “lúc nào đói, các con rẽ qua quán, cô cho ăn”...
Cảm nhận được sự chân thành, tốt bụng của chị Vân, vài ngày sau, các cháu Sùng Mí Nô, SN 2008, trú tại bản Chuối, xã Sín Cái; Vừ Văn Dương, SN 2008 và em trai Vừ Văn Thái, SN 2010, thôn Chúng Pả A, trú tại thị trấn Mèo Vạc tìm tới quán của chị. Qua nắm tình hình địa bàn, biết được câu chuyện này, xác minh, nắm rõ hoàn cảnh, biết các cháu rất khó khăn, thiếu tình thương gia đình, Thiếu tá Đỗ Trung Kiên cùng các chiến sĩ Công an thị trấn lại đứng ra nhận “đỡ đầu”. Thấy các chiến sĩ Công an thị trấn cuộc sống sinh hoạt cũng còn nhiều khó khăn lại trích tiền lương ra nuôi các cháu, chị Vân, anh Lạc đã đề nghị được cùng Công an thị trấn mở rộng vòng tay cưu mang thêm các cháu nhỏ, cảm hóa, giúp các cháu vươn lên, trở thành người có ích cho xã hội.
“Con cảm ơn cô, chú đã cho chúng con được ăn no, mặc ấm, cho em Thái được đến trường đi học như ước mơ em vẫn ấp ủ. Từ nay, chúng con xin được gọi cô, chú là bố, mẹ được không ạ?” - nước mắt rưng rưng, chị Vân xúc động nhớ lại ngày 4 cháu nhỏ vào phòng, lễ phép xin được gọi chị và chồng là “mẹ Vân, bố Lạc”. “Lúc đó, cả hai vợ chồng mình chẳng biết nói gì, ôm chúng vào lòng mà nước mắt cứ ứa ra, vừa thương nhưng cũng vừa lo lắng, tụ nhủ sẽ làm lụng chăm chỉ hơn để chăm sóc hết các em nhỏ chu đáo nhất…”.
Giờ đây, ngôi nhà chị Vân, anh Lạc lúc nào cũng rộn ràng tiếng nói cười của trẻ thơ. Mỗi ngày, ngoài giờ học, các em đều giúp anh, chị những công việc vừa với sức mình, khi thì vào bếp nhặt rau, lúc lại quét sạch sân nhà. Ngoài ra, các “con nuôi” của Công an thị trấn Mèo Vạc cũng luôn được các bố nuôi quan tâm, chăm sóc bằng tình thương, thể hiện tấm lòng trách nhiệm của người chiến sỹ Công an vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
Tính nhân văn sâu sắc, cảm hóa con người
Thực hiện Đề án của Bộ Công an về việc đưa Công an chính quy về xã, sau hơn 2 năm triển khai, lực lượng Công an xã chính quy trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn; tăng cường sự gắn kết, phối hợp với ban, ngành, đoàn thể xã, thị trấn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Thể hiện đúng tinh thần “Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an” và phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với nhân dân”. Đặc biệt, từ thực tiễn công tác, Công an huyện Mèo Vạc đã xây dựng mô hình “Con nuôi Công an xã”, là điểm sáng quan trọng góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Chia sẻ với phóng viên về mô hình đang được Công an huyện Mèo Vạc triển khai có hiệu quả tại 2 địa bàn xã Niêm Sơn và thị trấn Mèo Vạc, Thượng tá Cao Văn Toản, Trưởng Công an huyện Mèo Vạc cho biết: Mô hình được triển khai xuất phát từ thực trạng thời gian qua trên địa bàn huyện xuất hiện một số trẻ vị thành niên bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo thực hiện hành vi phạm tội. Qua quá trình điều tra, khám phá các vụ việc của lực lượng Công an, chúng tôi nhận thấy rằng những trường hợp trên còn rất nhỏ tuổi, chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên nếu không có các biện pháp quản lý, giáo dục hiệu quả rất dễ hình thành phạm tội trong tương lai gần.
Xuất phát từ tinh thần và tính nhân văn sâu sắc, lực lượng Công an huyện đã chỉ đạo Công an xã, thị trấn tham mưu, xây dựng mô hình “Con nuôi Công an xã” nhằm kịp thời cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những trường hợp trẻ em lang thang vi phạm pháp luật trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Từ khi triển khai thực hiện mô hình đến nay, tình hình tội phạm về trộm cắp tài sản, nhất là tội phạm trong số trẻ chưa vị thành niên có chiều hướng giảm rõ rệt.
Dành sự quan tâm lớn tới mô hình, đồng chí Vừ Mí Hờ, Chủ tịch UBMT Tổ quốc thị trấn Mèo Vạc đánh giá, sự ra đời của mô hình đã góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền của thị trấn chung tay nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em tìm lại chỗ dựa vững chắc trong cuộc sống, không lang thang đường phố. Trong thời gian tới, UBMT Tổ quốc thị trấn Mèo Vạc sẽ tiếp tục phối hợp với Công an thị trấn Mèo Vạc trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn; tiếp tục quan tâm, nhân rộng mô hình “Con nuôi Công an xã”. Tạo điều kiện cho các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, vi phạm pháp luật có cơ hội sửa chữa lỗi lầm của mình, trở thành những người công dân có ích cho xã hội.
Đồng chí Vương Ngọc Hà, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc: Mô hình “Con nuôi Công an xã” do Công an huyện triển khai là hoạt động rất ý nghĩa và nhân văn. Bởi các cháu mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn khi không có sự chăm sóc chu đáo của người thân rất dễ bị sai lệch chuẩn mực đạo đức. Khi nghe các đồng chí lãnh đạo Công an huyện báo cáo, chúng tôi rất ủng hộ và trân trọng, bởi các cháu khi được sự nuôi dưỡng, bảo ban trực tiếp từ các đồng chí Công an xã là cơ hội để các cháu được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Sau hơn 1 năm tích cực triển khai, chúng tôi rất vui mừng về kết quả đạt được. Các cháu đã có chuyển biến nhiều, rất hi vọng các cháu sẽ tiếp tục học tập rèn luyện để trở thành công dân tốt cho xã hội.
Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo Đảng ủy Công an huyện nhân rộng mô hình ở những địa bàn cần thiết, làm mô hình nào chắc mô hình đó, cách làm thực chất, không hình thức. Điều quan trọng nhất là ươm mầm hướng thiện cho các cháu, để các cháu có một tương lai tươi sáng, khát khao xây dựng quê hương. Chúng tôi cũng tiếp tục vận động cả hệ thống chính trị quan tâm vào cuộc để các mô hình ngày càng hiệu quả hơn.