Những người ngăn ngừa thông tin xấu, độc trên mạng xã hội

Thứ Bảy, 22/06/2024, 15:04

Hà Nội trước đợt áp thấp nhiệt đới đầu tiên của mùa bão lũ năm 2024, bầu không khí ngột ngạt, bức bối… Giữa trưa, những con phố Hà Nội cũng trở nên thưa thớt, bởi nếu không có việc chẳng ai muốn ra ngoài đường.

Vào một ngày như thế, tôi có mặt tại Phòng 3, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, chứng kiến không khí làm việc tất bật, khẩn trương của cán bộ, chiến sĩ đấu tranh với tội phạm ẩn trên không gian mạng.

Cuộc chiến thầm lặng

Lúc tôi đến, Đại tá Hà Văn Bắc, Trưởng phòng 3, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng đồng đội đang bộn bề công việc. Tại đây, tôi bắt gặp các gương mặt trẻ Công an tiêu biểu, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu quen thuộc như: Đại úy Lê Thế Văn, một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024; Đại uý Nguyễn Công Tuấn, Gương mặt trẻ Công an tiêu biểu năm 2021…, cùng các chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND.

z5435744607779_e3deaeb254c012e3f03a520a8f6d852a (1).jpg -0
Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia dự Hội thảo phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.

Trên những bức tường còn thơm mùi sơn mới là các bằng khen, giấy khen được treo trang trọng, đây là những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và các đơn vị tặng tập thể và cá nhân thuộc Phòng 3, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trong những năm qua, Phòng 3 đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng 1 Huân chương Chiến công hạng Ba, 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì; Thủ tướng Chính phủ tặng 4 Bằng khen; Bộ Công an tặng 15 Bằng khen; Ban Chỉ đạo 35 Trung ương tặng 1 Bằng khen; Ban Tuyên giáo Trung ương tặng 1 Bằng khen; có 4 lượt cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, 20 lượt cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng; 1 đồng chí được nhận giải thưởng Thanh niên tiêu biểu toàn quốc.

Có mặt tại đơn vị, từ chia sẻ của cán bộ, chiến sĩ về công việc của họ, tôi hiểu thêm “sức nóng” công việc mà hằng ngày, hằng giờ họ phải đối mặt. “Cuộc chiến” không tiếng súng ấy ngày càng ngày cam go, khốc liệt. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi mà không gian mạng trở thành nơi các thế lực thù địch coi là “mảnh đất màu mỡ” để tiến hành các hoạt động tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, kích động biểu tình, gây rối ANTT.

Những thông tin sai trái, thù địch này không chỉ gây nhiễu loạn thông tin, tác động tiêu cực tới tư tưởng, nhận thức, quan điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân mà còn gây tâm lý hoang mang, dao động, chia rẽ nội bộ, hoài nghi vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chế độ. Hệ lụy của thông tin xấu độc, sai trái, thù địch, chống Đảng, Nhà nước ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; có nguy cơ dẫn đến nhận thức sai lệch về lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin, đạo đức, nhân cách của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Giữa hàng nghìn thông tin hằng ngày, hằng giờ được tán phát, họ phải nhanh nhạy, tỉnh táo để nhận diện được đâu là những thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật trên không gian mạng; đồng thời cũng phải xác định được đâu là những phản biện đúng đắn của người dân để kịp thời tham mưu với lãnh đạo những giải pháp kịp thời…

Nói về công việc của đơn vị, Đại tá Hà Văn Bắc chia sẻ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên không gian mạng là công tác bảo vệ rường cột, sự sống còn của Đảng. Đây là hoạt động nhằm vạch trần bản chất phản khoa học, phản cách mạng của các thế lực thù địch; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa những thông tin, quan điểm xuyên tạc, bịa đặt không đúng sự thật, đi ngược lại với quyền lợi của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Nhà nước CHXHCN Việt Nam và nhân dân Việt Nam trên không gian mạng.

Phương thức và thủ đoạn hoạt động của các đối tượng trên không gian mạng ngày càng tinh vi đồng nghĩa cường độ công việc của CBCS Phòng 3 càng thêm áp lực. Trước một sự kiện là những đêm trắng căng mình trên không gian mạng, đấu trí, đấu lý với đối tượng, Đại tá Hà Văn Bắc cho biết, các đối tượng tạo lập, sử dụng các trang mạng có máy chủ ở nước ngoài, nhất là các mạng xã hội có sự phát triển nhanh, bảo mật hơn để phát tán thông tin sai trái, thù địch; sử dụng các tài khoản cá nhân nặc danh, ẩn danh, chiếm đoạt được của người khác, tài khoản giả mạo, lập các trang, nhóm mạng xã hội ẩn thông tin người quản trị, sử dụng để tán phát thông tin xấu độc, chống Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, một số còn kết hợp tung tin bịa đặt, cắt ghép, pha trộn thông tin thật giả về các vụ việc nóng được dư luận quan tâm để tán phát trên các nền tảng mạng xã hội, tạo hiệu ứng dư luận để chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Cá biệt, một số đối tượng còn tổ chức lấy ý kiến qua mạng nhằm tạo dư luận, gây áp lực đối với chính quyền; sử dụng tên, hình ảnh của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các mục tiêu, hội nhóm theo các sự kiện chính trị, vấn đề phức tạp, tình hình nóng để thu hút dư luận, lan truyền thông tin sai trái, thù địch.

Gần đây, các đối tượng còn chuyển hướng tuyên truyền, tấn công vào các sự kiện chính trị… Xác định được tầm quan trọng của công việc, CBCS Phòng 3 không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Đấu trí trên không gian mạng

Cho đến bây giờ, Trung tá Nguyễn Tiến Cường, Phó trưởng Phòng 3 và các trinh sát vẫn không quên được kỷ niệm trong quá trình đấu tranh với nhóm “Trại cháu Bác Hồ”. Đây là chuyên án phức tạp, khó khăn nhưng bằng nhiệt huyết, đam mê, CBCS Phòng 3 đã ngày đêm nghiên cứu, tìm ra các giải pháp kỹ thuật để phục vụ công tác.

unnamed.jpg -0
Một ngày làm việc của cán bộ Phòng 3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Trong quá trình này, họ phải đối mặt với không ít trở ngại, nhóm “Trại cháu Bác Hồ”, thành phần chủ yếu là giới trẻ, học sinh, sinh viên đã tán phát nhiều nội dung tuyên truyền xuyên tạc về chế độ, công kích, bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đối tượng quản trị ở nhiều địa phương sử dụng thủ đoạn tinh vi nhằm ẩn danh, tạo ra nhiều nhóm nhỏ trong nhóm kín, nhóm công khai để liên lạc, trao đổi thông tin, hoạt động; các đối tượng hoạt động độc lập, ít có sự tương tác… Tuy nhiên, bằng sự mưu trí, sáng tạo, các trinh sát đã ngày đêm lần theo các “dấu vết”; móc nối, xâu chuỗi các “dữ liệu” trên mạng, đối chiếu với trinh sát thực địa, vận dụng có hiệu quả các chiến thuật trong chuyên án, không để đối tượng có cơ hội bỏ trốn hay xóa dấu vết trên không gian mạng. Kết quả xử lý hình sự 1 đối tượng, răn đe 8 trường hợp, mở rộng đấu tranh, bóc gỡ, vô hiệu hóa 44 đối tượng hoạt động tích cực trong hệ thống.

Để ngăn chặn và phát hiện thành công một vụ việc là một quá trình đấu trí gian nan cả trên không gian mạng và thực địa. Trong quá trình ấy, họ phải đối mặt với không ít khó khăn. Tuy vậy, cán bộ, chiến sĩ luôn khắc phục những hạn chế, khó khăn; chủ động trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Qua đó, đã tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng, tạo cơ sở cho công tác Công an. Trong đó, đã tham mưu, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 306- KH/BTGTW của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, Kế hoạch của Bộ Công an trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tán phát thông tin xấu độc, chống Đảng, Nhà nước trên không gian mạng.

Xuân Mai
.
.