Những người lính quả cảm trong công tác cứu nạn, cứu hộ
Họ là 2 trong hàng trăm người lính cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi hàng trăm lần vào sinh ra tử, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ hàng trăm người trong các vụ cháy, sự cố sập công trình, mò mẫm lặn tìm nạn nhân dưới dòng nước xiết, đu dây trong những hang sâu hàng trăm mét để đưa thi thể nạn nhân lên giao cho gia đình...
1. Hai người lính “đặc biệt’” ấy là Trung tá Nguyễn Chí Thành - Phó Đội trưởng Đội công tác cứa nạn, cứu hộ và Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo, cả 2 có hàng chục năm gắn bó với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH-Công an TP Hồ Chí Minh với hàng trăm lần vào sinh ra tử, từng cứu hàng trăm người trong các đám cháy, sự cố không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà còn ở các tỉnh, và cùng tham gia cứu nạn, cứu hộ quốc tế tại thảm họa động đất Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua.
Hôm nghe tin mình được lãnh đạo Công an TP Hồ Chí Minh và các Mạnh Thường Quân tặng căn hộ, Trung tá Thành và vợ con không ngủ được, cứ thấp thỏm để được tận mắt nhìn thấy căn nhà mà bao năm nay vợ chồng anh mơ ước, tạm quên đi những ngày lầm lũi dọn từ nhà trọ này sang nhà trọ khác. Khó có thể hình dung được một người lính từng hàng trăm lần vào sinh ra tử, nhiều lần bị thương tích nhưng vẫn luôn nở nụ cười để vợ con, đồng đội an tâm, nay lại rơi nước mắt vì hạnh phúc, vì mong ước, tâm nguyện cả đời mình nay thành hiện thực. “Bản thân cũng lớn tuổi rồi, mong mỏi lớn nhất là tìm cho vợ con một nơi ở ổn định, để con yên tâm học hành, tôi cũng an tâm công tác. Nhưng có căn nhà là cả một ước mơ kéo dài. Nay được đứng trong ngôi nhà mà mình đứng tên, tôi chưa dám tin đó là sự thật!”-Trung tá Thành lau nước mắt chia sẻ.
Trong suốt 22 năm trong màu áo lính cứu hộ, trải qua hàng ngàn vụ tìm kiếm, mò lặn thi thể nạn nhân nhưng lửa nghề trong Trung tá Thành vẫn luôn cháy. Trung tá Thành cho hay, giữa lằn ranh sinh tử, sự sống thật mong manh, nếu mình ngại nguy hiểm, chùn bước thì cơ hội sống sót của các nạn nhân sẽ giảm dần. Nhìn những ánh mắt như cầu xin của gia đình các nạn nhân trong các sự cố khiến anh càng quyết tâm hơn lao vào cứu người, dẫu biết nơi đó luôn cận kề nguy hiểm.
Sẽ là bất công khi nói về Trung tá Thành mà không nhắc đến chị Nguyễn Thị Thắm, người vợ đã hy sinh bản thân mình để lui về làm hậu phương vững chắc lo cho gia đình để anh an tâm công tác. Những chiến tích của Trung tá Thành gắn liền với người phụ nữ nhỏ bé này. Mặc dù phải sống trong cảnh chật vật, đồng lương eo hẹp từ chồng, đổi nhà trọ liên tục nhưng chị Thắm không than thở với ai. Chị biết, khi chấp nhận làm vợ một người lính cứu hộ, chị luôn phải sống trong lo lắng, nhưng nếu không vững tinh thần sẽ dễ làm chồng mình chùn bước. Những lần chồng làm nhiệm vụ ở các tỉnh xa, phải chui xuống hang sâu hàng trăm mét, phải lặn mò dưới biển sâu, nước chảy xiết, hay gần đây chồng cùng đồng đội phải đào bới các đống đổ nát để cứu sống, tìm kiếm thi thể các nạn nhân trong thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, chị chỉ mong anh cẩn thận trong lúc làm việc và bình an trở về với mẹ con.
Hồi mới cưới thấy công việc của chồng nguy hiểm, chị Thắm khuyên chồng bỏ nghề. Nhưng những lần từ các sự cố trở về, nghe anh kể cứu được những người còn sống, các vết thương, vết bỏng trên người rướm máu, phồng rộp nhưng anh vẫn luôn nở một nụ cười hiền hậu, chị biết anh yêu nghề và hạnh phúc với những gì làm được. Từ khuyên chồng bỏ nghề, chị Thắm tự mình luyện cho mình ý chí mạnh mẽ để động viên anh. Hôm dọn về căn hộ mới, chị Thắm nghẹn ngào. Nhìn căn hộ nhỏ còn thơm mùi vôi vữa, chị nhớ lại những ngày sống trong căn nhà trọ dán chi chít băng keo, trần nhà đổ sập, mưa lớn không chỗ ngủ, nắng nóng không chỗ ngồi mà thầm cảm ơn những người quan tâm đến vợ chồng chị. Chị cùng anh sắp xếp lại đồ đạc, cẩn thận trang trí căn phòng cho 2 cô con gái mà niềm vui lâng lâng.
2. Là một “trinh sát lửa” nên trong các vụ cháy lớn có người bị mắc kẹt bên trong, Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo luôn là người đi đầu trong các đám cháy, sự cố, tìm kiếm, xác định vị trí trọng yếu để có cái nhìn tổng quát, phân tích và cung cấp thông tin cho lãnh đạo để đưa ra phương án chữa cháy kịp thời. Cùng với Trung tá Nguyễn Chí Thành, 20 năm trong nghề, Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo kinh qua hàng trăm vụ cháy nổ, sự cố, phối hợp với đồng đội cứu hàng chục người, tìm kiếm hàng chục thi thể giao cho người thân của họ để họ vơi đi nỗi đau mất mát. Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo không nhớ hết bao nhiêu lần anh bị thương, lửa táp vì lao mình vào lửa cứu người.
Như vụ cháy tại quận 11 hồi tháng 5/2021 khiến 8 người tử vong, sau khi nhận lệnh, Thiếu tá Đạo tiếp cận hiện trường. Sức nóng từ vụ cháy tỏa ra hầm hập, hiện trường đổ sập, ngổn ngang, Thiếu tá Đạo phát hiện 4 người chết ở tầng trệt. Sau khi đưa các thi thể ra ngoài, người nhà báo vẫn còn 4 người mắc kẹt nên Thiếu tá Đạo chưa kịp lấy sức lại tiếp tục lao vào. Lửa táp phỏng rát mặt, các khối bê tông bị sức nóng thay đổi kết cấu, chịu tải yếu chực chờ sập xuống. Lên đến tầng 3 của căn nhà, Thiếu tá Đạo phát hiện 4 nạn nhân ngợp thở tử vong trong nhà vệ sinh. Hình ảnh quá đau thương nên dù bị trầy xước khắp người, Thiếu tá Đạo vẫn xác định vị trí, phá cửa và cùng tổ cứu hộ đưa các nạn nhân xấu số ra khỏi hiện trường.
Nhiều lần chứng kiến cảnh chồng mình tay chân xước xát, bỏng rộp vì bị lửa táp, chị Hoàng Thị Hạ khuyên chồng nên bỏ nghề, vì mỗi lần anh đi làm là chị luôn sống trong nỗi lo sợ. Nhưng tinh thần “cứu cái còn trong cái mất”, tìm kiếm những hy vọng mong manh trong đám cháy ăn sâu trong máu Thiếu tá Đạo nên từ việc khuyên chồng bỏ nghề chị Hạ dần hiểu được ý nghĩa việc làm của chồng và quay sang ủng hộ. Sau khi sanh bé thứ 2, chị nghỉ hẳn công việc ở nhà, chu toàn lo cho con cái, lo cho mẹ già để anh an tâm làm nhiệm vụ.
Thành tích là vậy nhưng mấy ai ngờ, Thiếu tá Đạo và vợ con cùng mẹ già đang sống trong một căn hộ chung cư xuống cấp ở quận 4 đang chuẩn bị giải tỏa. “Căn hộ này rộng 21m2 là do cha tôi mua từ hồi trẻ, nay đã xuống cấp. 5 người sống trong không gian nhỏ này nên nấu ăn phải đưa ra ngoài hành lang. Ngày mới cưới, 2 vợ chồng ki cóp mua được mảnh đất ở Nhà Bè nhưng đã 12 năm nay chưa thể xây được nhà. Nhìn mẹ già lớn tuổi, vợ con phải chen chúc trong không gian nhỏ hẹp nhiều lúc khiến tôi chạnh lòng. Mơ ước về một ngôi nhà tươm tất dường như khó có thể thực hiện được khi cả nhà đều trông chờ vào đồng lương Thiếu tá của anh.
Khi nhận số tiền chất chứa tình cảm của đồng đội chồng mình chia sẻ, chị Hạ xúc động: “Cứ nghĩ đến ngày về căn nhà mới là vợ chồng tôi cảm thấy lâng lâng. Từ nay mẹ già và các con không còn phải khổ cực đùm túm trong căn hộ xuống cấp nữa! Chồng tôi sẽ vơi đi lo lắng mà an tâm vào công tác!”.
3. Đại tá Huỳnh Quang Tâm -Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH-Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hằng năm, đơn vị đều có chương trình xây mới, sửa nhà đồng đội, hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ. Riêng trường hợp của Trung tá Nguyễn Chí Thành và Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo là 2 trường hợp quá đặc biệt với nhiều thành tích nổi bật trong công tác, nhưng cuộc sống đời thường lại hết sức khó khăn. Từ sự chung tay, Trung tá Thành đã có được ngôi nhà mơ ước của mình. Về trường hợp của Thiếu tá Đạo, vừa qua anh em trong toàn đơn vị đã quyên góp hỗ trợ Thiếu tá Đạo xây nhà mới. Với tinh thần tương thân tương ái giữa đồng đội với nhau, mong rằng ngôi nhà mơ ước của Thiếu tá Đạo sớm thành hiện thực.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ là một lực lượng đặc thù khi “người ta chạy ra mình chạy vào” cứu mạng sống, tài sản cho dân. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đạt các thành tích xuất sắc trong công việc nhưng lại có cuộc sống gia đình khó khăn. Ngoài 2 trường hợp đặc biệt này, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH phải tiếp tục rà soát, lập danh sách những cán bộ, chiến sĩ còn khó khăn, tham mưu cho Công an TP Hồ Chí Minh để có những hình thức hỗ trợ, động viên kịp thời, giúp cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác.