Nhiều giải pháp đảm bảo ANTT ở “thủ phủ” khu công nghiệp

Thứ Hai, 25/04/2022, 10:01

Vừa qua, Tỉnh ủy Bình Dương phối hợp cùng Bộ biên tập Tạp chí Công Sản tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”.

Có 175 bài tham luận ở nhiều lĩnh vực của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh gửi về hội thảo, trong đó có nhiều góp ý khá thiết thực về công tác đảm bảo ANTT, nhất là tình hình an ninh công nhân (ANCN) trên địa bàn được xem là “thủ phủ” khu công nghiệp (KCN) của cả nước...

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay, Bình Dương đã có 27 KCN và 12 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư với 53.000 doanh nghiệp trong nước và hơn 4.000 doanh nghiệp FDI. Đó là những bước tiến vượt bậc giúp thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao mọi mặt đời sống của nhân dân.

Nhiều giải pháp đảm bảo ANTT ở “thủ phủ” khu công nghiệp -0
Công an tỉnh Bình Dương tuần tra vũ trang khắp địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cũng kéo theo nhiều vấn đề phức tạp về ANTT và tiềm ẩn nhiều nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Hậu quả của nó gây tác động tiêu cực đến sự lành mạnh, an toàn đối với môi trường đầu tư của tỉnh Bình Dương.

Tham luận của các đại biểu cho rằng, do Bình Dương là “thủ phủ” của KCN nên vấn đề ANCN, tội phạm liên quan đến cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong mua bán nhà đất… cần được Công an Bình Dương chú trọng hơn.

Theo Đại tá, PGS, TS Nguyễn Trần Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học ANND, để bảo đảm ANCN thì phải tôn trọng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân (CN) và chủ doanh nghiệp; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa CN, chủ doanh nghiệp và Nhà nước; chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các thế lực thù địch, tội phạm và ngăn chặn, hạn chế các nhân tố khác đe dọa, xâm phạm ANCN; xây dựng công đoàn vững mạnh, làm chỗ dựa và bảo vệ lợi ích chính đáng của CN; định hướng, quản lý tốt các tổ chức CN ngoài công đoàn; kiên quyết đấu tranh không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong CN trên địa bàn tỉnh.

Còn PGS, TS Hà Trọng Thà (Trường Đại học An ninh nhân dân) cho biết, qua nghiên cứu tình hình CN ở tỉnh Bình Dương cho thấy, CN đến từ nhiều vùng miền khác nhau, trình độ văn hóa, chuyên môn thấp, đa phần chưa qua đào tạo; đời sống vật chất, tinh thần của CN còn gặp nhiều khó khăn; điều kiện làm việc vẫn chưa được đảm bảo. Nhận thức chính trị, pháp luật của nhiều CN còn hạn chế; mâu thuẫn giữa CN và chủ doanh nghiệp nhiều nơi còn gay gắt; nơi cư trú của CN thường là địa bàn có nhiều phức tạp về ANTT…

Những đặc điểm này có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến công tác quản quản lý nhà nước về ANTT. Do vậy, các cơ quan, ban ngành, đơn vị có liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho CN. Đối với Luật An ninh mạng, cần tuyên truyền để CN và chủ các doanh nghiệp hiểu về sự cần thiết của luật trong bảo vệ anh ninh, an toàn trên không gian mạng để qua đó vô hiệu hóa các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch về Luật An ninh mạng góp phần bảo đảm ANCN.

Về tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Thượng tá, PGS, TS Nguyễn Thanh Dương (Trường Đại học Cảnh sát nhân dân) cho biết còn tương đối phức tạp, có xu hướng gia tăng. Địa bàn có tỉ lệ phạm tội cho vay lãi nặng cao là vùng giáp ranh giữa Bình Dương với tỉnh Bình Phước và TP Hồ Chí Minh.

Tính chất của tội phạm ngày càng nguy hiểm cho xã hội, xuất hiện nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; người có tiền án, tiền sự, người có trình độ văn hóa thấp chiếm tỉ lệ cao.

để kéo giảm loại tội phạm này cần đẩy mạnh công tác vận động quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đồng thời bố trí đủ cán bộ làm công tác phòng chống loại tội phạm này. Tăng cường bồi dưỡng trình độ chuyên môn, kiến thức nghiệp vụ trong phòng ngừa và điều tra xử lý các vụ việc, hành vi vi phạm tội cho vay lãi nặng và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” cho đội ngũ trinh sát viên, điều tra viên, cán bộ điều tra.

Theo TS. Vũ Duy Công (Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II), để phòng ngừa tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực đất đai, các ngành chức năng của tỉnh Bình Dương cần kịp thời công khai các dự án nhà ở, bất động sản đã được phê duyệt nhưng không đủ điều kiện chuyển nhượng, các dự án nhà ở vi phạm pháp luật về đất đai… trên Trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên & Môi trường và cung cấp kịp thời đến UBND cấp huyện, xã biết để phổ biến rộng rãi đến người dân trên địa bàn…

P.Tuyền
.
.