Nhà gần lắm, nhưng nhiều tháng nay chưa được về…

Thứ Tư, 18/08/2021, 10:46

Họ là những cán bộ, chiến sĩ Công an đang ngày đêm xông pha trên tuyến đầu chống dịch COVID-19. Để đảm bảo kiểm soát dịch bệnh, nhiều cán bộ, chiến sĩ kiên trì bám trụ các chốt chống dịch, ở lại trại tạm giam nhiều tháng liền, mặc dù nhà rất gần…

Thèm lắm một bữa cơm gia đình

Vừa kết thúc hai tháng chiến dịch làm thẻ Căn cước công dân, Trung úy Đỗ Minh Nguyệt (SN 1995), cán bộ Đội Xây dựng phong trào Công an huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) lại xông pha trên mặt trận chống dịch COVID-19.

“Hơn bốn tháng rồi, em chưa được về nhà với cha mẹ... Thèm lắm một bữa cơm gia đình nóng hổi, đông đủ, thèm lắm một giấc ngủ thật sâu... !”. Trung úy Đỗ Minh Nguyệt chia sẻ như thế với chúng tôi sau phút nghỉ chuyển ca trực tại chốt kiểm dịch xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh. Trung úy Đỗ Minh Nguyệt cũng là nữ cán bộ Công an duy nhất ở Lâm Đồng xung phong thực thi nhiệm vụ trên mặt trận tuyến đầu chống dịch ngay khi tỉnh Lâm Đồng kích hoạt trở lại chốt kiểm soát dịch bệnh trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.

Nhà gần lắm, nhưng nhiều tháng nay chưa được về… -0
Trung úy Đỗ Minh Nguyệt (cán bộ Công an tỉnh Lâm Đồng) làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch. 

Chị Nguyệt đang còn độc thân, sống với cha mẹ ở xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, cách đơn vị công tác trên 100km. Hơn 2 tháng qua, chị Nguyệt cùng đồng đội làm việc, ăn ngủ tại chỗ trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn và bất tiện. Làn da trắng trẻo, hồng hào ngày nào của cô gái chưa chồng giờ đã bắt đầu sạm đi vì nắng nóng. Hiểu rõ đó là khó khăn chung của lực lượng tuyến đầu chống dịch nên chẳng ai nửa lời than vãn. Tất cả đều nỗ lực làm việc, mong mỏi dịch bệnh sớm qua đi, công việc trở lại thường nhật, nhất là không còn cảnh tang thương, đau lòng vì dịch bệnh. Và, khi đó Nguyệt lại được về nhà với cha mẹ, chị em những dịp cuối tuần.

Chốt Đạ Kho nằm ở tỉnh lộ 721, tuyến giao thông huyết mạch nối 3 huyện phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, cũng là cung đường vận chuyển hàng hóa thiết yếu nối liền Lâm Đồng với TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Phước, hằng ngày có rất đông phương tiện lưu thông qua lại. Làm việc ở chốt chống dịch trong thời gian dài với điều kiện nắng nóng khắc nghiệt của thời tiết Tây Nguyên và áp lực công việc, đối với nam giới đã là điều trở ngại, còn với phái nữ như Trung úy Đỗ Minh Nguyệt, điều đó lại càng khó khăn bội phần.

Chỗ ngủ qua ngày của chị Nguyệt và đồng đội ở chốt kiểm dịch Đạ Kho là những chiếc võng đơn sơ hai đầu cột. Từ ngày tới nhận nhiệm vụ ở chốt kiểm soát dịch bệnh Đạ Kho, chưa đêm nào giấc ngủ của Nguyệt được trọn vẹn, yên giấc, bởi tiếng ồn của xe cộ dồn dập qua lại, tiếng rít vo vo của đàn muỗi đói. Ngủ dậy, ai cũng đau nhừ mình mẩy.

Để “trụ” được ở chốt kiểm dịch, hoàn thành nhiệm vụ, bên cạnh ý chí, quyết tâm cao và biết khắc phục khó khăn, những người như chị Nguyệt còn phải rèn luyện lòng kiên trì, tính nhẫn nại. “Nếu không biết kiềm chế, nóng nảy trong xử lý các tình huống sẽ rất dễ dẫn đến đánh mất hình ảnh người chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch!..”, chị Nguyệt nói.

Đã có rất nhiều trường hợp không đủ điều kiện để qua chốt, khi bị lực lượng chức năng yêu cầu quay đầu xe, chủ phương tiện liền tỏ thái độ chống đối, bất hơp tác, thậm chí dùng lời lẽ thô tục chửi mắng những người thực thi nhiệm vụ ở chốt. “Anh chị em trong chốt căn dặn nhau phải hết sức bình tĩnh để xử lý dù có lúc áp lực công việc và tinh thần rất căng thẳng. Người dân càng lớn tiếng thì mình lại phải càng ứng xử nhỏ nhẹ, chỉ ra cái đúng, cái sai. Khi đã hiểu rõ sự việc, đả thông tư tưởng thì người có thái độ bất hợp tác sẽ sớm nhận ra cái sai của họ, từ đó nghiêm túc chấp hành quy định về phòng, chống dịch hơn!..”, Trung úy Đỗ Minh Nguyệt chia sẻ.

Trung bình mỗi ngày chốt kiểm dịch Đạ Kho kiểm soát hàng trăm phương tiện. Lực lượng của chốt đã làm tờ khai y tế cho hàng trăm ngàn lượt người, phát hiện 6 vụ vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19 và 2 vụ tàng trữ ma tuý trái phép. Chốt kiểm dịch này cũng đã phát hiện nhiều trường hợp F1, F2 đưa đi cách ly y tế tập trung và cách ly tại nhà.

Nhà gần lắm, nhưng nhiều tháng nay chưa được về… -0
Trại tạm giam Công an tỉnh Hậu Giang thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị. 

Nhà cách đơn vị 50 mét, hơn một tháng chưa về

Bất kỳ ai khi đến cổng Trại tạm giam Công an tỉnh Hậu Giang, đều được yêu cầu thực hiện các quy định phòng, chống dịch nghiêm ngặt, như: xuất trình giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 kết quả âm tính (trong 72 giờ), hoặc giấy xác nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19; người vào trại phải đo thân nhiệt, phun thuốc khử khuẩn lên phương tiện... Trung tá Lê Ngọc Thành, Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Hậu Giang cho biết: “Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo trưng dụng một số phòng của Nhà tạm giữ Công an huyện Vị Thủy để cách ly 21 ngày đối với tất cả các đối tượng tạm giam, tạm giữ khi mới gây án. Sau khi chuyển đến đây, sẽ tiếp tục cách ly thêm 7 ngày. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới đưa vào tạm giam, tạm giữ chung với các đối tượng khác”.

Những người đang cải tạo ở đây cũng được Ban Giám thị Trại tạm giam yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo nguyên tắc “5K” của Bộ Y tế. Kể từ ngày 15/6, Trại tạm giam dừng thăm, gặp người đang cải tạo nên mọi hoạt động gửi quà đều thông qua bưu điện. Đối với cán bộ thuộc các cơ quan tố tụng cũng như cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an các đơn vị, địa phương đến liên hệ công tác tại Trại, ngoài tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống COVID-19, như: đeo khẩu trang, sát khuẩn, đo thân nhiệt, khai báo y tế... còn phải đảm bảo được tiêm vaccine hoặc xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Tại phòng hỏi cung, đơn vị lắp đặt vách ngăn giữa người của cơ quan chức năng với người tạm giam, tạm giữ. Riêng CBCS của trại, từ ngày 10-7, 100% ở tại đơn vị để thực hiện nhiệm vụ và phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không giải quyết nghỉ phép, nghỉ tranh thủ, nghỉ ngoài giờ.

Nhà cách trại chỉ 50 mét nhưng hơn một tháng qua, Đại úy Phạm Nhật Việt (Đội phó Đội Tham mưu - Hậu cần), chưa về thăm nhà. “Nhớ con, nhớ gia đình lắm nhưng tôi phải thực hiện tuyệt đối mệnh lệnh”.

Trại tạm giam Công an tỉnh Hậu Giang còn xây dựng biện pháp ứng phó với các tình huống nghi nhiễm cụ thể từ 1 ca, 2 ca, 3 ca… thành lập tổ phòng, chống dịch COVID-19 để kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót trong công tác phòng, chống dịch. Đại úy Nguyễn Thị Hồng Lệ (cán bộ Tổ y tế) cho biết, đây là thời điểm rất quan trọng, Tổ y tế quyết tâm cùng với CBCS đơn vị thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo trại không có dịch xảy ra. Đến thời điểm này, Trại tạm giam Công an tỉnh Hậu Giang không phát hiện trường hợp CBCS, can phạm mắc COVID-19.

“Chúng tôi tiếp tục siết chặt người, phương tiện ra vào cơ quan, tuyệt đối không để các đối tượng xấu lợi dụng sơ hở để trà trộn, xâm nhập thực hiện hành vi gây rối, trốn trại, phá trại, trộm cắp tài sản…”, Trung tá Lê Ngọc Thành cho biết thêm.

Tương tự, đầu tháng 6/2021, Trại tạm giam Công an tỉnh An Giang tạm dừng việc cho thân nhân gửi quà, thăm gặp người đang bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân. Để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm trong nội bộ, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Trại yêu cầu CBCS trong đơn vị không tiếp xúc, tụ tập đông người, khi ra vào phải tuân thủ chặt chẽ yêu cầu về phòng, chống dịch. Thượng tá Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh An Giang cho biết: “Hiện, tất cả CBCS ở tại chỗ, khi có việc đặc biệt cần thiết phải rabên ngoài khi trở về đơn vị phải khai báo y tế cũng như thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt”.

Theo Thiếu úy Nguyễn Ngọc Tốt (cán bộ y tế), hiện các can, phạm nhân mới sẽ được phun khử khuẩn đầu cổng và cho test nhanh SARS-CoV-2 kết quả trong vòng 24 giờ âm tính hoặc RT-PCR trong 72 giờ âm tính. Sau đó khai báo y tế, khám sức khỏe sàng lọc đủ đảm bảo điều kiện nhập trại sẽ tiếp tục cách ly theo dõi tại buồng giam riêng 21 ngày. Nếu tình trạng sức khỏe ổn định, can phạm sẽ được điều chuyển đến các khu giam khác trong Trại và bố trí phân loại, giam giữ theo luật định.

Khắc Lịch - V.Đức – N.Tân
 
.
.