Người “gieo mầm thiện” nơi Trại giam Mỹ Phước
Với những việc làm nhân văn, nhân ái, Đại tá Võ Nhựt Hải, Giám thị Trại giam Mỹ Phước (Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an, đóng trên địa bàn huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) đã giúp nhiều người lầm lỗi tìm lại chính mình, hướng thiện để về với gia đình, cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.
Sau nhiều lần hẹn, tôi mới gặp được Đại tá Võ Nhựt Hải, Giám thị Trại giam Mỹ Phước. Việc chăm lo chế độ, chính sách, tổ chức các hoạt động cho hàng trăm cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và trên 1.700 phạm nhân, cũng như bảo đảm tuyệt đối an toàn trại khiến vị Giám thị lúc nào cũng bận rộn.
Theo Đại tá Võ Nhựt Hải, lựa chọn, gắn bó với hành trình “gieo mầm thiện” trong mỗi phạm nhân là chọn cho mình một con đường chông gai. Anh chưa bao giờ ân hận vì sự lựa chọn đó mà ngày càng cảm nhận rõ ràng hơn niềm vinh dự, tự hào của những “người thầy đặc biệt”. Từ đó, Đại tá Hải không ngừng sáng tạo, đề ra nhiều giải pháp, cách làm hay, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân…
Đại tá Võ Nhựt Hải tâm sự: “Mỗi lần nhận nhiệm vụ, được tiếp cận, tìm hiểu, nắm bắt hoàn cảnh gia đình và nguyên nhân phạm tội của các phạm nhân, tôi càng cảm nhận rõ hơn về trách nhiệm của người cán bộ Cảnh sát quản lý trại giam.
Đặc biệt, sự động viên, dìu dắt của những thế hệ đi trước đã thôi thúc tôi thêm quyết tâm theo đuổi con đường mà mình chọn. Có phạm nhân bị bệnh, gia đình bỏ bê, cả năm chẳng có người thân nào ngó ngàng đến thăm hỏi. CBCS ở đây nhận nhiệm vụ thay nhau chăm sóc họ, coi họ như người thân của mình”.
Đại tá Võ Nhựt Hải cho rằng, chính những cảm xúc tình người ấy đã níu chân những người lính trẻ như anh ở lại, rồi gắn bó, xây dựng và phát triển trại giam đến hôm nay. Chính lòng quyết tâm gắn bó với nghề phục thiện, nên dù cấp trên phân công nhiệm vụ gì, anh luôn dốc lòng, dốc sức hoàn thành xuất sắc. “Ở bất kỳ đơn vị nào, tôi luôn nỗ lực xây dựng, vun đắp, coi đó là ngôi nhà thứ hai của mình”, Đại tá Hải cho hay.
Quản lý, giáo dục phạm nhân là công việc rất khó, muốn cảm hóa, giáo dục một con người phải hiểu được lai lịch, đặc điểm tâm lý của họ để có biện pháp hợp lý. Có như vậy, những cán bộ giáo dục mới có cơ hội nắm bắt tâm lý, chia sẻ với phạm nhân, từ đó tạo nên những chuyển biến về nhận thức và hành động của họ.
Ðể giáo dục con người hướng thiện phải kết hợp chặt chẽ giữa quản lý hành chính với giáo dục bằng cái tâm nghề nghiệp. Ðó chính là lòng bao dung độ lượng, xây dựng lòng tin cho phạm nhân bằng nhân cách của mình.
“Mỗi khi nhận phạm nhân vào Trại, ngoài việc nghiên cứu hồ sơ, cán bộ quản giáo còn gặp gỡ, thăm hỏi hoàn cảnh gia đình, động viên họ chấp hành tốt nội quy để họ không có cảm giác bị xa lánh, phân biệt, đối xử. Thông qua tiếp xúc, gần gũi, chỉ cho họ từ việc nhỏ đến việc lớn, hướng cho họ tham gia lao động cải tạo và lấy đó làm thước đo đánh giá sự tiến bộ của họ. Trong quá trình quản lý giáo dục phải đi sâu tìm hiểu đời sống nội tâm, khơi dậy những “mầm thiện” trong mỗi phạm nhân”, Đại tá Võ Nhựt Hải tâm sự.
Phạm nhân Lê Bá S. (SN 1988, quê Thanh Hóa) là đối tượng phạm tội về ma túy, khi vào trại luôn có các hành vi chống đối. Để cảm hóa, động viên S. yên tâm cải tạo, hướng thiện, Đại tá Hải cùng cán bộ quản giáo dành nhiều thời gian nói chuyện, tâm sự với S.
Từ những tình cảm chân thành đó, sau một thời gian, S. ổn định tâm lý, nhận ra hành vi sai trái của mình, chủ động gặp cán bộ quản giáo xin lỗi, hứa không chống đối và quyết tâm cải tạo thật tốt. Bằng chứng là S. 3 lần được giảm án. Không chỉ vậy, S. còn được các phạm nhân tín nhiệm bầu làm Đội trưởng Đội phạm nhân số 31, phục vụ nhà bếp của phạm nhân.
“Có những phạm nhân khi vào trại đã mắc HIV, lao phổi, bệnh truyền nhiễm và tuyên bố đằng nào cũng không được giảm án, sẽ chống phá. Nhưng sau vài lần được trò chuyện, tâm sự, họ dần bình tĩnh và hứa không tái phạm. Chính những phạm nhân được cảm hóa lại giúp cho cán bộ quản giáo thuyết phục các đối tượng khác”, Đại tá Hải cho biết.
Ngoài những đối tượng thuộc diện cộm cán quy phục, còn rất nhiều phạm nhân khác sau khi cải tạo, được giáo dục, trở về cuộc sống đời thường đã gọi điện, viết thư, thậm chí quay lại cảm ơn cán bộ trại giam đã giúp đỡ qua giai đoạn khó khăn. Nhìn những kết quả đã đạt được, những con người từng là phạm nhân trong trại ra ngoài có công ăn việc làm ổn định, những phạm nhân từng là đối tượng cộm cán nhận ra sai lầm để sửa sai, Đại tá Võ Nhựt Hải lại có thêm động lực để uốn nắn, “gieo mầm” cho những phạm nhân khác phục thiện...
Nhớ những ngày mới nhận công tác ở Trại giam Mỹ Phước, lúc đó mọi thứ khó khăn; nơi ăn, chốn ở của CBCS; nơi giam giữ phạm nhân xuống cấp. Đa số đất trại nhiễm phèn nên rất khó canh tác. Với vai trò là Giám thị Trại giam, Đại tá Võ Nhựt Hải nhiều đêm trăn trở, mong muốn mang đến bộ mặt mới cho mảnh đất nơi vùng trũng Đồng Tháp Mười. Đích thân anh lặn lội đi tìm những người tài, tâm huyết chung tay với mình để đưa Trại phát triển.
Từ tìm những kỹ sư nông nghiệp giỏi để cải tạo đất phèn nhiễm mặn, rồi thông báo tuyển chọn các y, bác sĩ đến khám, chữa bệnh cho phạm nhân... “Tuy nhiên, thực tế có nhiều người đến Trại một lần rồi không quay lại bởi khi tận mắt chứng kiến sự khắc nghiệt nơi đây, họ không tin sẽ có sự thay đổi, phát triển”, Đại tá Hải kể.
Không nản chí, người đứng đầu Trại giam Mỹ Phước tự mày mò sách vở, tận dụng mọi kinh nghiệm có được, tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp; sự ủng hộ, đồng lòng của tập thể CBCS và phạm nhân, vùng trại dần được cải tạo và khởi sắc. Những vườn cây ăn trái mọc lên; trang trại gia súc, gia cầm; ao nuôi cá được hình thành, đem lại tiềm năng phát triển kinh tế không hề nhỏ. Nhưng quan trọng hơn hết là đã thổi một luồng sinh khí mới đến những phạm nhân, giúp họ tìm được niềm tin, yên tâm cải tạo tốt; giúp CBCS đơn vị thêm vững tin, gắn bó với nghề.
Không chỉ tâm huyết với nghề, Đại tá Võ Nhựt Hải còn dành nhiều thời gian nghiên cứu tình hình thực tiễn, xây dựng các Nghị quyết, đề tài nghiên cứu khoa học phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giáo dục phạm nhân và đảm bảo an toàn trại.
Với những nỗ lực của người đứng đầu quản lý Trại giam Mỹ Phước, tỷ lệ phạm nhân vi phạm nội quy bị xử lý kỷ luật hằng năm luôn giảm (nếu năm 2014 là 8,97% thì đến năm 2021 chỉ còn 1,68%). Số phạm nhân xếp loại khá, tốt chiếm tỷ lệ từ 86% trở lên. Đặc biệt, hơn 30 năm liên tục (1989-2021), Trại giam Mỹ Phước không có phạm nhân trốn trại. Trại giam Mỹ Phước liên tục là 1 trong những trại giam tiêu biểu của khu vực châu thổ Cửu Long nhiều năm qua.
29 năm trong ngành (27 năm làm công tác quản lý trại giam), từng ấy năm Đại tá Võ Nhựt Hải trải qua không ít vất vả, gian truân để hoàn thành tốt sứ mệnh của “người gieo mầm thiện”. “Trách nhiệm trả lại cho xã hội những công dân lương thiện rất nặng nề, đòi hỏi tập thể lãnh đạo, CBCS Trại giam Mỹ Phước không ngừng nỗ lực, tiếp tục đoàn kết, nâng cao trình độ chuyên môn và dành nhiều thời gian, tâm huyết hơn nữa với nghề”, Đại tá Võ Nhựt Hải chia sẻ.
Ngoài những đối tượng thuộc diện cộm cán quy phục, còn rất nhiều phạm nhân khác sau khi cải tạo, được giáo dục, trở về cuộc sống đời thường đã gọi điện, viết thư, thậm chí quay lại cảm ơn cán bộ trại giam đã giúp đỡ qua giai đoạn khó khăn. Nhìn những kết quả đã đạt được, những con người từng là phạm nhân trong trại ra ngoài có công ăn việc làm ổn định, những phạm nhân từng là đối tượng cộm cán nhận ra sai lầm để sửa sai, Đại tá Võ Nhựt Hải lại có thêm động lực để uốn nắn, “gieo mầm” cho những phạm nhân khác phục thiện...