"Mắt thần" giúp bảo vệ ANTT xứ Thanh

Chủ Nhật, 08/10/2023, 07:13

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã có 332 mô hình "Camera với an ninh, trật tự" với tổng số 14.053 mắt camera được lắp đặt, quản lý tại trụ sở Công an các đơn vị. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã xây dựng, ra mắt được 55 mô hình "Camera với an ninh, trật tự".

Ngoài ra, Công an tỉnh Thanh Hoá còn tổ chức tuyên truyền vận động cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và nhân dân chủ động lắp đặt 122.255  mắt camera phục vụ bảo vệ tài sản… Thực tiễn đã chứng minh, hệ thống camera đã và đang có ý nghĩa rất lớn trong phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

3-1.jpg -0
Hệ thống camera ở Trung tâm chỉ huy Công an tỉnh Thanh Hoá đã và đang phát huy hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành hoạt động nghiệp vụ của Công an tỉnh.

Trước năm 2021, khi mô hình camera chưa được triển khai rộng rãi, tình hình trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá diễn biến phức tạp như: Tình trạng trộm cắp tài sản; mua bán, sử dụng trái phép chất ma tuý diễn ra công khai, phức tạp; tình trạng lạng lách, đánh võng, nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông, xe chở quá tải, quá khổ; tình trạng xả thải, rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường còn diễn ra...

Tuy nhiên, sau khi triển khai xây dựng mô hình "Camera với an ninh, trật tự", tại các tuyến đường trọng yếu và tuyên truyền vận động nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp tự lắp đặt hệ thống camera để bảo vệ tài sản, tình trạng vi phạm pháp luật có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực; người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông; tình trạng thanh, thiếu niên lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định đã được kiềm chế; các hành vi xả rác bừa bãi, xả rác trộm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường giảm đáng kể. Khi có camera giám sát, các đối tượng hình sự, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích bị tác động tâm lý, không dám manh động, từ bỏ ý định thực hiện hành vi phạm tội.

Thông qua việc theo dõi, khai thác hình ảnh qua hệ thống màn hình hiển thị tại cơ quan, đơn vị giúp Công an phát hiện nhanh chóng, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó triển khai lực lượng, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra. Hiệu quả mô hình thể hiện cụ thể, rõ rệt ở sự chuyển biến tích cực về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên toàn tỉnh, các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, các vụ phạm pháp hình sự giảm dần qua các năm, cụ thể: Theo số liệu thống kê năm 2021 toàn tỉnh Thanh Hoá xảy ra 1.489 vụ vi phạm pháp luật, với 2.878 đối tượng; năm 2022 xảy ra 1.478 vụ, 2.484 đối tượng (giảm 11 vụ, 394 đối tượng); 6 tháng năm 2023 toàn tỉnh xảy ra 613 vụ, 1.075 đối tượng (so với cùng kỳ năm 2022 giảm 227 vụ, 350 đối tượng).

Thực tế cho thấy, mô hình "Camera với an ninh, trật tự" không chỉ góp phần quan trọng phòng ngừa tội phạm, mặt khác còn đóng vai trò quan trọng trong phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm; từ hình ảnh, dữ liệu lưu giữ của camera giúp cơ quan chức năng nhận định, đánh giá đúng về đối tượng phạm tội, qua đó để tiến hành các biện pháp xác minh, điều tra; phục vụ tốt công tác truy xét, truy bắt đối tượng; xử lý chính xác các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự. Đặc biệt là các vụ việc về: giết người, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, tai nạn giao thông, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, ô nhiễm môi trường…

Từ năm 2021 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hoá đã tiến hành 12.293 lượt trích xuất hình ảnh, dữ liệu phục vụ công tác điều tra, khám phá các vụ án và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; xác minh, làm rõ 2.160 vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, góp phần tỷ lệ điều tra khám phá án đạt trên 78,8%; án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 97,4% và án giết người đạt 100%; trong đó: 505 vụ trộm cắp tài sản; 406 vụ cố ý gây thương tích; 664 vụ va chạm giao thông; xử lý phạt nguội hàng nghìn trường hợp; 171 vụ gây rối trật tự công cộng và 414 vụ vi phạm pháp luật khác...

3-2.jpg -0
Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hoá có 14.053 mắt camera được lắp đặt, quản lý tại trụ sở Công an các đơn vị.

Điển hình, tối 22/4/2023, tại Lễ khai trương du lịch hè Sầm Sơn năm 2023 xảy ra các vụ cướp giật, chiếm 21 sợi dây chuyền với tổng giá trị khoảng hơn 700 triệu đồng. Thông qua trích xuất hình ảnh từ hệ thống camera của Trung tâm điều hành đô thị thông minh, camera giám sát an ninh, trật tự của các phường trung tâm và camera các hộ dân trên các tuyến đường thành phố Sầm Sơn; đồng thời tổng hợp nhanh kết quả khai thác thông tin từ các bị hại khai báo, sau 2 ngày khẩn trương điều tra xác minh đã triệt xóa băng nhóm tội phạm cướp, cướp giật tài sản chuyên nghiệp do Trịnh Ngọc Quẹo (SN 1988) trú tại Châu Thành, tỉnh Kiên Giang cầm đầu với 24 đối tượng (11 nữ, 13 nam; có 4 đối tượng cư trú tại Cần Thơ, 12 đối tượng trú tại An Giang, 3 đối tượng trú tại Kiên Giang, 2 đối tượng trú tại Khánh Hòa, 2 đối tượng trú tại Long An và 1 đối tượng trú tại Vĩnh Long). Ngày 26/4/2023 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 23/24 đối tượng.

Từ năm 2018, thành phố Thanh Hóa đã triển khai lắp đặt hệ thống camera tại phường Đông Thọ, Điện Biên từ ngân sách của UBND và các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác với 64 mắt camera xoay 360; Công an các phường, xã tham mưu cho UBND cùng cấp xây dựng mô hình, lắp đặt 142 mắt camera tại các vị trí trọng điểm và vận động nhân dân trên địa bàn hỗ trợ, phối hợp khai thác hình ảnh, dữ liệu ở 632 mắt camera của hộ gia đình.

Thượng tá Kim Duy Cương - Phó trưởng Công an TP Thanh Hoá khẳng định: Việc xây dựng mô hình "Camera với an ninh trật tự" trên địa bàn thành phố đã phát huy tác dụng, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của quần chúng nhân dân, bảo đảm an ninh trật tự, phát huy phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa phương. Mô hình "Camera với an ninh trật tự" đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh, ngăn chặn kịp thời với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác, được xem là "tai mắt", là "cánh tay nối dài" của lực lượng Công an.

Không chỉ hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, mô hình "Camera với an ninh, trật tự" góp phần xây dựng đơn vị, địa phương văn minh đô thị. Qua hệ thống camera lắp đặt trên địa bàn, trên các tuyến đường giao thông trọng yếu đã giúp lực lượng Công an phối hợp với lực lượng liên quan theo dõi, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả. Các công trình công cộng trên địa bàn, phục vụ lợi ích công cộng; không còn tình trạng lấn chiếm, sử dụng diện tích đất công và công trình công cộng vào mục đích thương mại; bảo đảm hệ thống đèn chiếu sáng đến từng ngõ, phố;… Bảo đảm hành lang an toàn giao thông góp phần đường thông, hè thoáng, giữ gìn mỹ quan đô thị - môi trường xanh, sạch, đẹp…

Mô hình "Camera với an ninh, trật tự" đã và đang là giải pháp hữu hiệu nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, là "tai, mắt", "cánh tay nối dài" của lực lượng Công an. 

Trần Thắng
.
.