Lực lượng đặc nhiệm xử lý các thách thức an ninh trên không
Với các trinh sát Phòng An ninh trên không, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an – một đơn vị vừa mới được thành lập thì xuân năm nay có một ý nghĩa đặc biệt. Mỗi chiến sĩ đều mong muốn đại dịch COVID-19 sớm kết thúc để những chuyến bay lại được cất cánh trên bầu trời, kết nối các vùng miền trong và ngoài nước, người dân, doanh nghiệp và khách du lịch.
1. Những ngày cuối năm 2019, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh bắt đầu triển khai kế hoạch tuyển chọn những cán bộ xuất sắc, đáp ứng đầy đủ các yếu tố về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, thể lực để tham gia khóa huấn luyện về an ninh trên không. Các cán bộ kỳ cựu ở các đơn vị cấp cục, sinh viên tốt nghiệp các Học viện CAND phải trải qua những bài thi tuyển nghiêm ngặt, kiến thức pháp luật, khả năng võ thuật, bắn súng, trình độ ngoại ngữ,... Ngay sau khi vượt qua vòng tuyển chọn ban đầu, các ứng viên được tham gia khóa tập huấn cùng các chuyên gia nước ngoài – những người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác an ninh trên không.
Công tác đảm bảo an ninh, an toàn trên máy bay là yếu tố đặc biệt quan trọng. Môi trường hoạt động đặc thù, không gian hẹp, sĩ quan an ninh phải tác chiến độc lập, gần như không có sự liên hệ, chỉ đạo từ mặt đất, yêu cầu đặt ra phải xử lý nhanh, khống chế được đối tượng, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, hàng hóa trên máy bay. Do vậy, yêu cầu công tác đào tạo sĩ quan an ninh trên không cũng được Đảng ủy, lãnh đạo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh đặt ra rất khắt khe. Mỗi sĩ quan an ninh phải trải qua quá trình rèn luyện bản lĩnh tâm lý vững vàng, khả năng phán đoán, xử lý tình huống; kỹ năng làm việc theo nhóm bố trí trên máy bay cũng như phối hợp với thành viên tổ bay được nhịp nhàng.
Trong quá trình rèn luyện, Cục đã bố trí các bài tập để đưa đến giới hạn chịu đựng của mỗi sĩ quan, như các bài về bắn súng, võ thuật, kỹ năng chiến đấu trong không gian hẹp. Yêu cầu đặt ra đối với mỗi sĩ quan là tuyệt đối không mắc một sai lầm nhỏ nào trong quá trình xử lý, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hành khách. Ngoài ra, trong quá trình đào tạo, rèn luyện, mỗi sĩ quan an ninh trên không phải có kiến thức tổng hợp. Cụ thể, phải thành thạo từ 1-2 ngoại ngữ; kiến thức máy bay, sơ đồ kỹ thuật, tính năng kỹ thuật của máy bay, trong trường hợp khẩn cấp có thể thay cơ trưởng điều khiển máy bay hạ cánh an toàn.
Trung tá Phan Huy Văn, Trưởng phòng An ninh trên không chia sẻ: Bắn súng là một kỹ năng cực kỳ quan trọng khi chiến đấu ở môi trường máy bay. Trong môi trường đó, chỉ cần một hành động không chính xác cũng có thể dẫn tới hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Do đó, các cán bộ an ninh trên không thường xuyên luyện tập bắn súng ở các cự ly, tư thế, điều kiện khác nhau. Bắn súng trong các điều kiện thiếu ánh sáng hay khi có các vật cản ở cự ly gần là những bài bắn thường xuyên được luyện tập. Khi tập bắn đạn thật là những ngày người ám đầy mùi thuốc súng, dù trên người có đủ phương tiện bảo hộ nhưng đầu óc vẫn choáng váng vì khói súng và tiếng đạn nổ. Tuy nhiên, mỗi cán bộ đều ý thức được trách nhiệm nặng nề, tầm quan trọng của vị trí công tác nên ai nấy đều động viên nhau cùng cố gắng, mỗi viên đạn bắn ra phải đảm bảo một mục tiêu bị hạ.
Trong suốt 2 năm vừa qua, các cán bộ an ninh trên không đều luyện tập thể lực mỗi ngày. Cùng với các bài tập về sức bền, sức mạnh, sự dẻo dai của cả cơ thể, tinh thần đều được chú trọng. Trên thực tế, để sẵn sàng bảo vệ an ninh, an toàn trong suốt chuyến bay dài, liên tục, các bài tập giả tập bay là hoạt động bắt buộc. Đây là khi sức chịu đựng về cơ thể và trí não được đẩy lên mức tối đa. Xuyên suốt bài tập giả lập kéo dài từ 12 đến 16 tiếng, cán bộ an ninh trên không đều phải luôn sẵn sàng ứng phó với các tình huống giả định như hành khách say xỉn, phá rối an ninh trật tự, các tình huống tấn công hành khách, bắt cóc con tin hay thậm chí là các tình huống có vật liệu nổ trên máy bay. Ngoài sức mạnh về cơ bắp và sự dẻo dai, các khóa huấn luyện về võ thuật ứng dụng, võ thuật cận chiến là nơi để các cán bộ an ninh trên không phát triển khả năng đánh đối kháng, chiến đấu trong không gian hẹp… ”Khi các nắm đấm dần trở nên chai sạn, làn da sạm đen vì cháy nắng nhưng không che được sự phấn khởi trên gương mặt mỗi cán bộ, khi ấy chúng tôi đã sẵn sàng để nhận nhiệm vụ đặc biệt này”-Trung tá Phan Huy Văn chia sẻ.
Không chỉ thể lực, mỗi cán bộ an ninh trên không đều được thường xuyên nâng cao về trí lực. Các buổi trao đổi về nghiệp vụ được tổ chức thường xuyên, các chuyên đề nghiệp vụ đều được đào sâu, phân tích để hiểu được bản chất. Các cán bộ an ninh trên không cũng tổ chức những buổi nghiên cứu pháp luật. Tại các buổi tập huấn này, họ được phổ biến các văn bản pháp luật Việt Nam và quốc tế có liên quan đến công tác được mọi người đưa ra phổ biến, thảo luận. Bên cạnh đó, đặc thù công việc gắn liền với nhiều quốc gia trên thế giới nên trình độ ngoại ngữ cũng được các cán bộ an ninh trên không chú trọng. Mỗi cán bộ an ninh trên không còn phải thường xuyên trau dồi, luyện tập khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh, một số cán bộ còn có khả năng giao tiếp bằng tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Pháp... Việc rèn luyện thường xuyên về mặt trí lực giúp mỗi cán bộ An ninh trên không luôn bình tĩnh khi gặp các tình huống bất ngờ, chủ động xử lý những hành vi can thiệp bất hợp pháp vào máy bay đang bay, đảm bảo các yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ.
2. Lực lượng an ninh trên không được thành lập dựa trên cơ sở pháp lý là Nghị định số 92/2015/NĐ-CP; trong đó Chính phủ giao cho Bộ Công an thành lập lực lượng An ninh trên không và ban hành quy tắc hành động cho lực lượng này. Đây là chốt chặn cuối cùng nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho máy bay dân dụng đang bay. Đây cũng là yêu cầu phát triển khách quan của công tác bảo đảm an ninh trong tình hình mới, thể hiện sự lớn mạnh của lực lượng Quản lý Xuất nhập cảnh nói riêng và lực lượng Công an nói chung.
Để tiến tới thành lập lực lượng An ninh trên không, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục An ninh Cửa khẩu, nay là Cục Quản lý Xuất nhập cảnh phối hợp với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành, Cục Nghiệp vụ, Cục Tổ chức Cán bộ nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập lực lượng. Đề án đã rà soát, đánh giá tác động chính sách, những ưu điểm, hạn chế, đánh giá kỹ lưỡng các yêu cầu thực tiễn đã và đang đặt ra đối với công tác đảm bảo an ninh trên máy bay dân dụng.
Lực lượng An ninh trên không ra đời trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều địa phương trong cả nước. Một số cán bộ sĩ quan an ninh trên không là người miền Nam; có bố, mẹ, vợ con đang bị nhiễm COVID-19, con nhỏ cách ly… Trong hoàn cảnh đó, sự quan tâm, động viên kịp thời của Đảng ủy, lãnh đạo Cục, lãnh đạo Phòng An ninh trên không đã giúp anh em yên tâm công tác, kiên trì tập luyện, hoàn thành được giáo án đề ra một cách xuất sắc. Niềm vui và mong ước của lực lượng An ninh trên không trong năm 2022 đại dịch COVID-19 sớm kết thúc để máy bay lại được cất cánh trên bầu trời; kết nối các vùng miền trong và ngoài nước, người dân, doanh nghiệp, khách du lịch; ngành hàng không sẽ phục hồi nhanh chóng, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế đất nước.
“Chúng tôi biết, tần suất các chuyến bay càng lớn thì trách nhiệm của chúng tôi càng nặng nề, nhưng mỗi sĩ quan an ninh trên không đều xác định, bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh các chuyến bay dân dụng là trách nhiệm và là niềm tự hào” - Trung tá Phan Huy Văn cho biết. Một mùa xuân mới lại về, trở lại bầu trời là ước vọng của con chim và đối với máy bay, “con chim sắt” thì khát khao ấy càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Mỗi cán bộ An ninh trên không đều mong muốn được góp phần nhỏ bé của mình vào đảm bảo an ninh an toàn các chuyến bay, góp phần làm nên những cuộc đoàn viên.