Ký ức tham gia Kế hoạch CM12 của những cán bộ Công an Nghệ Tĩnh

Chủ Nhật, 04/08/2024, 09:03

Để vào hang bắt cọp, Ban chỉ đạo kế hoạch phản gián CM12 quyết định cử một số trinh sát của ta thâm nhập vào các tổ chức của địch, với những “vai diễn” là đặc phái viên và cơ sở của chúng, thâm nhập vào tổ chức đầu não của địch để hoạt động.

Vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, không cam chịu thất bại sau năm 1975, các tổ chức phản động được hậu thuẫn của ngoại bang tìm mọi cách chống phá quyết liệt. Trong đó, nổi cộm nhất là tổ chức "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam", do Lê Quốc Túy (SN 1929) và Mai Văn Hạnh (SN 1928) cầm đầu. Tổ chức này đã cài cắm "chân rết" hoạt động chống phá tại khắp các tỉnh phía Nam, vươn ra các nước trong khu vực và trải dọc biển Đông đến vùng đảo cực Bắc Tổ quốc.

Ký ức tham gia Kế hoạch CM12 của những cán bộ Công an Nghệ Tĩnh -0
Công an tỉnh Hà Tĩnh gặp mặt nhân chứng lịch sử nhân kỷ niệm 40 năm thắng lợi Kế hoạch CM12.

Đầu năm 1981, Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh tổ chức cho một toán biệt kích, gián điệp lấy tên là "Minh Vương 1" gồm 23 tên xâm nhập vào nước ta bằng đường bộ, với âm mưu mở đầu cho một "kế hoạch lớn". Tuy nhiên, vừa đến khu vực rừng U Minh Thượng, nhóm này bị ta phát hiện, truy lùng, bắt gần hết, một số tên bị tiêu diệt. Trước tình hình này, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã chỉ đạo lập kế hoạch đấu tranh và Kế hoạch phản gián mang bí số CM12 (CM là viết tắt của Cà Mau, 12 là ngày 12/5/1981 – thời điểm địch khởi động chiến dịch "Minh Vương 1") chính thức được thành lập. Trung tâm chỉ huy được đặt tại Hòn Đá Bạc, thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Túy và Hạnh không hề biết rằng, toán biệt kích "Minh Vương 1" đã bị ta bắt gọn, khống chế, thuyết phục và huấn luyện để dùng vào "trò chơi nghiệp vụ”. Do vậy, khi nhận được tín hiệu từ những bức điện tươi sáng do ta cài vào, chúng đã lập ngay kế hoạch "Minh Vương 2". Lần này chúng không di chuyển bằng đường bộ mà thâm nhập bằng đường biển để luồn sâu vào rừng U Minh Thượng lập mật cứ kháng chiến tiếp nhận vũ khí, thuốc men, lương thực, tiền bạc từ các chuyến tàu biển chuyển đến sau đó. Chúng còn có nhiệm vụ nghiên cứu, lập ra những biệt đội ám sát, dùng chất nổ phá hoại những mục tiêu quan trọng để gây tiếng vang rồi từng bước đưa cái gọi là "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam" ra công khai, nhằm lật đổ chính quyền cách mạng. Song song đó, chúng lập các chiến dịch "Hồng Kông 1", "Hồng Kông 2" với hàng ngàn quân xâm nhập vào Việt Nam đánh phá.

Ký ức tham gia Kế hoạch CM12 của những cán bộ Công an Nghệ Tĩnh -0
Ông Đinh Quang Lân bồi hồi nhớ lại ký ức tham gia Kế hoạch CM12.

Để vào hang bắt cọp, Ban chỉ đạo kế hoạch phản gián CM12 quyết định cử một số trinh sát của ta thâm nhập vào các tổ chức của địch, với những “vai diễn” là đặc phái viên và cơ sở của chúng, thâm nhập vào tổ chức đầu não của địch để hoạt động. Triển khai đồng bộ nhiều kế hoạch phản gián liên hoàn, từ ngày 9/9/1981 đến 9/9/1984, lực lượng An ninh đã câu nhử và "đón" tại Hòn Đá Bạc 18 chuyến xâm nhập của tổ chức do Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh làm chóp bu.

Trong đó, Mai Văn Hạnh nhiều lần trực tiếp xâm nhập về nước để kiểm tra "kho tàng", "mật cứ", gặp gỡ số gián điệp, biệt kích đã xâm nhập từ trước cùng với những tên cầm đầu các tổ chức phản động trong nước vạch các kế hoạch đánh phá cách mạng. Ngày 9/9/1984, hai con tàu xâm nhập cuối cùng đổ bộ vào Việt Nam đã bị bắt giữ cùng 2 "thủ lĩnh" Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá, riêng Lê Quốc Túy do bệnh nặng đã không đi trong chuyến này. Sau khi câu nhử hầu hết số gián điệp, biệt kích đã được huấn luyện với vũ khí, phương tiện đưa về nước, ta đã quyết định kết thúc Kế hoạch CM12 bằng trận đánh cuối cùng vào đêm 9/9/1984 tại Hòn Đá Bạc.

Kết thúc kế hoạch phản gián CM12, lực lượng Công an đã bắt được 189 tên phản động lưu vong, thu giữ 143 tấn vũ khí, 90 tấn đạn dược, 1,2 tấn chất nổ, 14 tấn tiền giả; bắt và tiêu diệt hàng trăm tên gián điệp, biệt kích, thu hàng trăm tấn vũ khí, nhiều phương tiện chiến tranh. Phá tan hàng chục tổ chức phản động trong nước, làm phá sản toàn bộ hoạt động vũ trang và xâm nhập từ bên ngoài vào Việt Nam hòng gây bạo loạn, lật đổ... Ngoài ra, lực lượng An ninh của ta còn phát hiện, đấu tranh bóc gỡ 10 tổ chức phản động do địch cài lại trong nội địa, bắt hàng ngàn tên đang ẩn nấp trong các vỏ bọc khác nhau ở miền Trung, miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Ghi nhận, đánh giá cao chiến công đặc biệt xuất sắc của các lực lượng tham gia thực hiện thắng lợi Kế hoạch CM12, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 2 tập thể và 3 cá nhân thuộc CAND và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Nhắc đến Kế hoạch CM12, các đồng chí tham gia chuyên án kể nhiều về những đóng góp của người dân, những nông dân chân chất làm vườn ruộng, những ngư dân trên sông nước, biển cả, những người bán hàng quán và lực lượng bộ đội, du kích, cán bộ chính quyền các cấp đã phối hợp, giúp đỡ rất nhiều cho lực lượng Công an phá án để làm nên một thành công rực rỡ là chiến thắng Kế hoạch CM12.

Đóng góp công sức và trực tiếp tham gia vào chiến dịch này, Công an tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) vinh dự có 6 cán bộ, trinh sát được điều động, phân công nhiệm vụ tham gia trực tiếp theo dõi, đấu tranh với các thế lực phản động. Trong căn nhà nhỏ ở khu phố Đại Nghĩa, thị trấn huyện Đức Thọ, Đại tá, nhà văn Đinh Quang Lân (SN 1954) không khỏi bồi hồi khi nhớ lại nhiệm vụ đặc biệt của 40 năm về trước. Ngày đó, Đinh Quang Lân vừa tốt nghiệp ra trường, được điều động đến nhận công tác tại Phòng Chính trị (A22), nay là Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Bộ Công an.

Ông Lân kể, thời điểm ấy, trinh sát của ta phát hiện được tín hiệu lạ phát trên không trung. Bằng biện pháp nghiệp vụ, ta đã định vị được vị trí phát tín hiệu này từ hai địa điểm trên đất nước Thái Lan là sân bay Cò Rạt và Thủ đô Băng Cốc. Mở hóa thành công các bức điện lạ, ta đã nắm được kế hoạch của bọn phản động lưu vong ở nước ngoài nên đã chủ động xây dựng phương án đấu tranh. Cùng với hàng trăm trinh sát của Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố trong cả nước, Đinh Quang Lân được điều động vào làm nhiệm vụ trinh sát ở vùng Rạch Giá (Kiên Giang); Tháp Chàm (Ninh Thuận) và tỉnh Khánh Hòa. Nhiệm vụ là trà trộn, theo dõi các toán biệt kích do Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy phái sang Việt Nam để móc nối, chống phá. Để địch không nghi ngờ, Đinh Quang Lân để tóc dài ngang vai, mặc áo chẽn, quần bò ống rộng để theo dõi và định vị các điện đài của toán gián điệp, báo cáo về cấp trên xử lý.

Cùng với Đinh Quang Lân, lực lượng ANND xứ Nghệ thời điểm này cũng tự hào khi có 5 trinh sát được điều động tham gia Kế hoạch CM12 từ khi mới khởi động đến ngày kết thúc. Trong đó, có thể kể đến như Thượng tá Đặng Thái Truyền, sau này là Phó phòng An ninh văn hóa Công an tỉnh Hà Tĩnh; Thượng tá Đặng Đình Công, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Hà Tĩnh; Đại úy Trần Thanh Hòa, cán bộ Công an TP Vinh (Nghệ An)... Nhân kỷ niệm 40 năm thắng lợi Kế hoạch CM12 (9/9/1984 - 9/9/2024), vừa qua Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức gặp mặt, tặng quà những nhân chứng sống này nhằm ôn lại 40 năm trang sử vàng truyền thống mang tên Kế hoạch CM12, nhớ về những kỷ niệm của tình đồng chí, đồng đội, sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ của đồng bào, nhân dân tỉnh Cà Mau.

Thiên Thảo
.
.