Chắc phòng thủ, vững tiến công "vòi bạch tuộc" tuyến Tây Bắc

Kỳ 1:  Gian nan đánh tội phạm ma túy trên “tuyến lửa”

Chủ Nhật, 26/06/2022, 10:30

Với vị trí chiến lược, đường biên giới kéo dài tiếp giáp hai nước bạn Lào và Trung Quốc, lại gần khu vực “tam giác vàng”, tuyến Tây Bắc là một trong những bức “tường lửa” mà các đối tượng tội phạm ma túy luôn tìm cách vượt qua để đưa “hàng” xâm nhập vào trong nước rồi vận chuyển đi khắp nơi. Cuộc chiến với tội phạm ma túy tại tuyến này đầy hiểm nguy, gian nan.

Trùng điệp khó khăn, đầy rẫy hiểm nguy

Với 6 tỉnh gồm Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái, tuyến Tây Bắc có tổng đường biên giới trên 650km tiếp giáp với nước bạn Lào, 520km đường biên giới với Trung Quốc. Trên toàn tuyến có 4 cửa khẩu quốc tế, 10 cửa khẩu quốc gia và hàng trăm đường mòn, lối mở qua lại hai bên biên giới. Điều đặc biệt nhất, cũng trên tuyến Tây Bắc chỉ cách khu vực “Tam giác vàng” – trung tâm ma túy lớn của thế giới khoảng 500km.

m3.2.jpg -0
Vượt qua rất nhiều khó khăn, hiểm nguy, lực lượng đánh án ma túy trên tuyến Tây Bắc đã khám phá thành công nhiều chuyên án, thu giữ số lượng lớn ma túy.

Từ “rốn lũ” ma túy này, các loại “hàng” chết người được những tay trùm buôn bán sừng sỏ mua bán, vận chuyển đi khắp nơi trên thế giới. Tuyến Tây Bắc cũng là một trong những hàng rào “lửa” mà các đối tượng buôn bán ma túy luôn tìm mọi cách vượt qua, mang hàng xâm nhập vào trong nước, sau đó vận chuyển sang các địa bàn khác hoặc sang nước thứ ba để tiêu thụ…

Đánh giá của Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho thấy, cũng trên tuyến Tây Bắc địa hình rừng núi vô cùng hiểm trở, giao thông đi lại rất khó khăn. Ở nhiều khu vực, nhất là tuyến giáp biên, dân cư thưa thớt, chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống. Mặc dù đã  có những bước phát triển nhất định, song nhìn chung, đời sống kinh tế của bà con nơi đây vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu, trình độ dân trí thấp.

Đặc biệt, người dân tộc Mông sinh sống ở khu vực biên giới có quan hệ thân tộc khăng khít, chặt chẽ, thường xuyên qua lại hai bên biên giới để mua bán, trao đổi hàng hóa, thăm thân. Các đối tượng mua bán ma túy đã triệt để lợi dụng những yếu tố trên để lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc một số người dân vào con đường phạm tội nói chung và tội phạm ma túy nói riêng.

Trong những năm qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên tuyến Tây Bắc diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Qua công tác điều tra cơ bản, Cục CSĐT tội phạm ma túy nhận định, ma túy chủ yếu được vận chuyển trái phép từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào, vượt tuyến Tây Bắc để vào Việt Nam và tiếp tục được các đối tượng đưa đi các nước thứ ba để tiêu thụ. Một số điểm, địa bàn giáp ranh dọc tuyến biên giới giữa Việt Nam và Lào đã được các đối tượng sản xuất, mua bán ma túy chọn làm nơi tập kết, vận chuyển khi có cơ hội.

Lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Các đối tượng vận chuyển ma túy luôn thủ sẵn súng để áp tải “hàng” và rất manh động, sẵn sàng chống trả vì chúng biết nếu bị bắt sẽ phải đối mặt với mức án cao nhất. Tệ nạn ma túy, số đối tượng nghiện, truy nã, người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Thống kê cho thấy, có khoảng hơn 27.000 người nghiện ma túy ở các tỉnh này.

Tại khu vực trên, nhiều đối tượng truy nã cũng lợi dụng những điều kiện tự nhiên về rừng núi, địa bàn hiểm trở, hoang vắng, dân cư thưa thớt, trình độ lạc hậu để lẩn trốn, tiếp tục tìm cách phạm tội. Chúng còn tiếp tục câu kết, móc nối với những đối tượng trong và ngoài nước để mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào vào Việt Nam và đưa sang nước khác tiêu thụ.

Thống kê, hiện nay toàn quốc có trên 217.059  người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 11.241 so với cuối năm 2021), 59.537 người sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là “nguồn cầu” tiêu thụ ma túy rất lớn và có xu hướng gia tăng qua từng năm, là nguy cơ tiềm ẩn gây mất ANTT, bức xúc trong nhân dân. Trên tuyến Tây Bắc địa bàn rộng, rừng núi hiểm trở, số lượng người nghiện và sử dụng ma túy vẫn còn khá nhiều. Phần lớn trong số đó đang ở ngoài xã hội, dẫn tới nhu cầu về ma túy cao, là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại tội phạm.

Công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện không chỉ ở tuyến Tây Bắc mà tại nhiều địa phương khác vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc làm giảm số người nghiện vẫn còn nhiều bất cập. Lực lượng thực hiện công tác phòng, chống ma túy còn mỏng, trang thiết bị thiếu thốn, chưa đáp ứng được hết những yêu cầu công tác phòng, chống ma túy.

Manh động, tinh vi những thủ đoạn vận chuyển, cất giấu

Cũng theo Cục CSĐT tội phạm về ma túy, trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở trong nước và thế giới diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương trên tuyến thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, kiểm soát chặt chẽ biên giới cũng như việc di chuyển liên tỉnh để phòng, chống dịch bệnh. Việc kiểm soát chặt chẽ này đã ngăn chặn được khá nhiều những vụ vận chuyển ma túy từ khu vực biên giới vào Việt Nam.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy trên tuyến Tây Bắc thời gian gần đây có những dấu hiệu phức tạp trở lại do hoạt động kinh tế, xã hội đã được mở sau thời gian “ngủ đông” vì dịch bệnh. Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và dịch vụ nhạy cảm mở cửa trở lại bình thường, tình trạng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng.

Qua công tác nắm tình hình và theo dõi kết quả đấu tranh của Công an các địa phương, tình trạng đối tượng tụ tập tổ chức, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy tại các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và dịch vụ nhạy cảm có dấu hiệu phức tạp trở lại.

Cá biệt, có những cơ sở chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện hàng trăm đối tượng đến để sử dụng trái phép chất ma túy. Theo thống kê, hiện trên phạm vi cả nước có 4.036 cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và dịch vụ nhạy cảm có biểu hiện nghi vấn hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy.

Bên cạnh đó, các đối tượng đang có xu hướng chuyển địa điểm sử dụng trái phép chất ma túy từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về ANTT sang thuê, sử dụng nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, căn hộ chung cư, resort nghỉ dưỡng cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy... gây khó khăn cho lực lượng Công an trong công tác phát hiện, bắt giữ.

Các đối tượng trong đường dây vận chuyển mua bán trái phép chất ma túy liên tỉnh và xuyên quốc gia thường câu kết chặt chẽ với nhau và với người địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số nhất là có quan hệ gia đình, họ hàng. Ở bên kia biên giới, chúng tìm đủ mọi cách móc nối, lôi kéo với những đối tượng tội phạm ở các tỉnh như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang cũng như số đối tượng ở nước ngoài để liên thủ hoạt động.

Hiện nay, nguồn ma túy ở “Tam giác vàng” vẫn chủ yếu được vận chuyển qua Lào đến các tỉnh giáp biên, sau đó xâm nhập vào các tỉnh trên tuyến Tây Bắc trong đó có Lào Cai trước khi đi Trung Quốc. Mới đây, Công an tỉnh Lào Cai đã xác lập chuyên án, bắt 4 đối tượng, thu giữ 22 bánh heroin, hay chuyên án bắt 6 đối tượng thu giữ 8,9kg ma túy đá, 24.000 viên hồng phiến, 6.4kg thuốc phiện và 2 bánh heroin. Công an tỉnh Lai Châu đã điều tra, khám phá chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng Sùng A Hồ (SN 1991, trú tại bản Lao Tỷ Phùng, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) và Vàng A Vừ (SN 1997, trú tại bản Thẳm Tọ, xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) cùng với 30 bánh heroin. Số ma túy này được cả hai đối tượng vận chuyển thuê cho một đối tượng người Lào từ Điện Biên về TP Lai Châu. Vào đầu tháng 6, Công an tỉnh Điện Biên cũng triệt phá thành công chuyên án, bắt hàng trăm bánh heroin. Tất cả nguồn ma túy này đều đến từ bên kia biên giới. Chúng thường chia nhỏ ma túy để cất giấu nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng trước khi tập kết lại tại một khu vực đã được quy ước rồi gom đủ số lượng mang đi tiêu thụ. Hoặc đôi khi, những đối tượng này “liều chết” nhét cả tạ ma túy vào trong bình gas, các thiết bị máy móc công nghiệp để vận chuyển cho “bõ” công. Các đối tượng hoạt động ngày càng kín đáo, tinh vi, thủ đoạn xảo quyệt, manh động, gây khó khăn rất lớn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện, truy bắt.

Bên cạnh đó, tội phạm ma túy hiện nay còn triệt để lợi dụng không gian mạng để móc ngoặc, mua bán trái phép chất ma túy. Đây là vấn đề cần hết sức lưu tâm, tác động đến công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma túy. Trong thời đại công nghệ số hiện nay, mọi giao dịch, liên hệ không cần gặp gỡ trực tiếp mà chỉ cần “một chạm” trên các thiết bị di động, kỹ thuật số rất nhanh chóng, dễ dàng. Thủ đoạn của các đối tượng là thành lập các nhóm kín trên mạng xã hội… thực hiện những giao dịch ngầm trong mua bán trái phép chất ma túy.

Sau khi chốt được nguồn hàng, địa điểm, chúng sẽ cử người đi vận chuyển ma túy giao cho khách hàng. Số ma túy này được ngụy trang kỹ càng, tinh vi dưới vỏ bọc là thực phẩm, hàng hóa trong nhiều lớp, lang khác nhau. Nguồn hàng này chủ yếu được các đối tượng hướng đến là thanh thiếu niên, mức độ tàn phá cơ thể rất nhanh chóng, ảo giác gây ra mạnh, càng gây khó khăn cho công tác thu thập chứng cứ, điều tra, truy bắt, xử lý tội phạm của Cơ quan Công an.

Qua thực tế đấu tranh cho thấy, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh. Tổ chức hoạt động của các đối tượng mang tính chất chuyên nghiệp theo đường dây, ổ nhóm khép kín, nhiều tầng, lớp. Các đối tượng cầm đầu không trực tiếp lộ diện mà hoạt động mua bán, giao dịch thường được chúng giao cho đám đàn em ở nhiều tầng, nấc.

Trong quá trình giao dịch, liên lạc, chúng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau. Các đối tượng cầm đầu dùng tiền, rất nhiều tiền hoặc chính ma túy thưởng cho những đối tượng vận chuyển thuê để cài vào hàng hóa, gửi qua các hình thức vận tải khác nhau, phân công những đối tượng đi “áp hàng”, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, bắt giữ. Ngay cả các đối tượng bán lẻ hiện nay cũng chuyển sang giao dịch chuyển tiền trước rồi mới chuyển hàng sau, ít gặp gỡ trực tiếp.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy toàn quốc đã khám phá thành công 10.816 vụ, bắt 16.381 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy, thu giữ 397kg heroin, 838kg ma túy tổng hợp, 71kg cần sa cùng nhiều vật chứng liên quan. Toàn hệ lực lượng bắt 195 đối tượng truy nã về ma túy. Đấu tranh triệt xóa 204 điểm, 20 tụ điểm phức tạp về ma túy. Bắt giữ 195 đối tượng truy nã. Riêng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an đã tổ chức đấu tranh thành công 36 vụ, 138 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy, thu giữ: 42kg heroin, 312 kg ma túy tổng hợp cùng nhiều vật chứng có liên quan, truy bắt 6 đối tượng truy nã về ma túy.

Hoàng Phong - Minh Hiền
.
.