Kiến tạo vững chắc những giá trị giúp đất nước tiến vào kỷ nguyên mới
Tính đến nay, Đề án 06 của Chính phủ có 690 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác giao tại các chỉ thị, nghị quyết, thông báo kết luận, trong đó đã hoàn thành 348 nhiệm vụ, chưa hoàn thành 39 nhiệm vụ, thực hiện thường xuyên 119 nhiệm vụ, đang triển khai 184 nhiệm vụ. Những kết quả và giá trị to lớn Đề án 06 mang lại không chỉ là “điểm sáng” trong chuyển đổi số mà còn góp phần vững chắc giúp đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Người dân được thụ hưởng những giá trị lớn lao từ VNeID
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đánh giá: Ngay từ khi Đề án 06 ra đời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như từng thành viên của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 đều đặt mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Tất cả những giá trị, tiện tích, nhiệm vụ trong triển khai Đề án 06 đều xoay quanh hai yếu tố trọng tâm trên.
Tính tới thời điểm này, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.427/6.283 dịch vụ công trực tuyến (chiếm 70,3% tổng số thủ tục hành chính); trong đó, cung cấp 54/76 dịch vụ công thiết yếu. Người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương, không phải tiếp xúc với cơ quan Nhà nước nhưng vẫn thực hiện nhanh chóng, thuận tiện các thủ tục hành chính (TTHC) với mức phí, lệ phí ưu đãi trên cả nước. Đặc biệt, có 4 địa phương đã thông qua chính sách áp dụng mức phí “không đồng” đối với các TTHC thuộc thẩm quyền đến hết 31/12/2025.
Bên cạnh đó, việc triển khai có hiệu quả 2 TTHC liên thông “Đăng ký thường trú – Cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử – Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí" đã cắt giảm tối thiểu 9 loại giấy tờ và 6 trường thông tin bị trùng lặp, người dân chỉ khai báo thông tin một lần để giải quyết 3 TTHC, cắt giảm thời gian giải quyết, đi lại.
Với vai trò thường trực, kiến tạo, dẫn dắt, Bộ Công an đã đạt được nhiều kết quả trong triển khai Đề án 06, chuyển đổi số. Từ ngày 1/7/2024, Bộ Công an chính thức cấp thẻ căn cước/giấy chứng nhận căn cước cho công dân theo các độ tuổi với gần 12 triệu hồ sơ được thu nhận. Đến nay, đã cấp trên 87,7 triệu thẻ CCCD gắn chip, thu nhận gần 81 triệu hồ sơ định danh điện tử (tăng 10,8 triệu tài khoản so với tháng 12/2023) và kích hoạt gần 60 triệu tài khoản (tăng 10,3 triệu tài khoản so với tháng 12/2023).
![Vững chắc kiến tạo những giá trị giúp đất nước bước vào kỷ nguyên mới -0](https://img.cand.com.vn/resize/800x800/NewFiles/Images/2025/01/29/hinh_anh-1738112869388.jpg)
Bộ Công an đã hoàn thành cung cấp 35 tiện ích trên VNeID theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tăng 22 tiện ích so với năm 2023), được người dân hưởng ứng sử dụng với hơn 460 triệu lượt truy cập. Nhiều tiện ích nổi bật như triển khai giải pháp “chung tay hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trên VNeID", đảm bảo công khai, minh bạch với tổng số tiền ủng hộ hơn 1.000 tỷ đồng cho đồng bào vùng bão lũ. Tích hợp 55,36 triệu hồ sơ giấy phép lái xe và 27,17 triệu đăng ký xe lên VNeID. Xử phạt 1.568.035 vi phạm hành chính trên VNeID. Sử dụng VNeID đăng nhập Cổng dịch vụ công với hơn 97 triệu lượt đăng nhập.
Thông báo lưu trú trên VNeID với hơn 3,59 triệu lượt. Tích hợp thẻ CCCD trên tài khoản VNeID với hơn 71,8 triệu thông tin công dân. Có 66.609 kiến nghị phản ánh từ người dân trên VNeID. Tích hợp sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) của công dân trên VNeID với hơn 246.191 thông tin thẻ… Những tiện ích được phát triển từ VNeID đã giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí, minh bạch, thuận tiện, bảo mật, an ninh, an toàn khi sử dụng các dịch vụ công, thực hiện TTHC.
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát QLCH về TTXH, Bộ Công an cũng cho biết, một trong những điểm nhấn nổi bật của Đề án 06, VNeID đó chính là triển khai Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID. Kết quả trên đã giúp chuyển đổi số vì sức khỏe người dân Việt Nam.
Thống kê, từ ngày 2/10/2024 đến nay đã tích hợp 15.547.509 thông tin công dân trên Sổ sức khỏe điện tử. Từ người dân đến cơ sở khám chữa bệnh thuận tiện trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, việc triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID với 68.470 hồ sơ đã giảm số lượng công dân đến Sở Tư pháp, ước tính tiết kiệm khoảng 10 tỷ đồng cho người dân chi phí đi lại và yêu cầu cấp phiếu. Giảm thiểu các yếu tố phục vụ tại trụ sở cơ quan Nhà nước, tiết kiệm khoảng hơn 40 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, TP Hà Nội tiếp tục là địa phương đầu tiên trên toàn quốc quy định hỗ trợ 100% phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp và hỗ trợ tối đa 10 Phiếu Lý lịch tư pháp (bản giấy) cho người dân khi có đề nghị cấp trên VNeID.
Đã có trên 2,5 triệu người dân được nhận chế độ an sinh xã hội qua tài khoản với số tiền trên 24.000 tỷ đồng; 78% người dân được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH với số tiền trên 41.000 tỷ đồng qua tài khoản, tiết kiệm khoảng 51 tỷ đồng chi phí đi lại cho người dân đồng thời giảm bớt thời gian thực hiện chi trả của công chức trên địa bàn, đảm bảo công khai, minh bạch và chống các vấn nạn tiêu cực trong công tác chi trả.
Bộ Công an phối hợp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tích cực triển khai thu thập 547 mẫu ADN thân nhân liệt sỹ trên toàn quốc, đưa vào ngân hàng Gen phục vụ xác định danh tính hài cốt liệt sỹ bị thất lạc. Đây là việc làm có ý nghĩa, góp phần hoàn thành xây dựng ngân hàng Gen, làm cơ sở để so sánh, đối khớp với danh tính liệt sỹ đã được quy tập, mở ra hy vọng đưa các liệt sỹ về với người thân. Đã có 11.400/14.663 cơ sở giáo dục thực hiện việc tạo lập học bạ số cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 năm học 2023 - 2024 (đạt tỷ lệ 77,75%) với 4,59/7,09 triệu học bạ số cấp tiểu học (đạt tỷ lệ 64,74%). Học bạ số đã giúp phụ huynh, giáo viên, học sinh dễ dàng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí và hiện đại trong quản lý về giáo dục.
Là địa phương đi đầu trong nhiều phần việc của Đề án 06, Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết, thụ hưởng các tiện ích của Đề án 06, 63 địa phương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai có hiệu quả 44 mô hình điểm để thúc đẩy Đề án 06 cũng như chuyển đổi số trên địa bàn. Đặc biệt, với kinh nghiệm triển khai của UBND TP Hà Nội, 63/63 địa phương trong đó có tỉnh Hà Nam đã đăng ký, triển khai thành công 19 mô hình điểm thúc đẩy Đề án 06 trên địa bàn, đem lại cho người dân nhiều tiện ích to lớn. Nhiều địa phương phát triển các tiện ích ứng dụng công dân số giúp người dân có thể trực tiếp tương tác với chính quyền các cấp trên nền tảng số với rất nhiều tiện ích.
Doanh nghiệp, tổ chức hưởng lợi từ Đề án 06
Đại tá Vũ Văn Tấn cũng cho biết: Đã có 56,8 triệu hồ sơ khách hàng được đối chiếu thông tin sinh trắc học với CCCD gắn chip và qua VNeID; cung cấp giải pháp ứng dụng ứng dụng thẻ CCCD gắn chip qua thiết bị tại quầy; cung cấp giải pháp triển khai ứng dụng VNeID để mở tài khoản thanh toán, xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng tại 32 tổ chức tín dụng, giúp ngành ngân hàng kiểm soát, đánh giá rủi ro trong quá trình cung cấp dịch vụ và cho vay tín chấp, xác thực chính xác chủ thể tham gia giao dịch ngân hàng, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, giảm thời gian, quy trình xác minh, đẩy nhanh quá trình giải ngân.
Thông qua VNeID, người dân có nhu cầu vay vốn dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn chính thống, qua đó, giảm rủi ro phải vay “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, việc sử dụng thẻ CCCD gắn chip, thẻ căn cước thay thế thẻ ATM giúp các ngân hàng tiết kiệm tiền in thẻ.
Ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ xác thực, làm sạch hơn 115 triệu dữ liệu thông tin thuê bao di động cho 3 nhà mạng viễn thông (Viettel, Mobifone, Vinaphone) trên tổng số 127 triệu thuê bao (đạt tỷ lệ 90,55%), thu về ngân sách Nhà nước hơn 164,4 tỷ đồng, góp phần chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, phục vụ công tác quản lý Nhà nước, giảm rủi ro khi mở đăng ký, mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử, loại bỏ dần tình trạng “sim rác”, tội phạm lừa đảo, đe dọa, vu khống.
100% cơ sở khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) đã triển khai khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip hoặc qua ứng dụng VNeID. Thống kê có hơn 153,8 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD thành công phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT. Việc này đã giúp các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh rút ngắn thời gian tiếp đón xuống 12 lần, từ 3 - 5 phút/lượt xuống còn 15 - 30 giây/lượt, tiết kiệm chi phí in ấn và phát hành thẻ bảo hiểm y tế lên tới 25 tỷ đồng.
![Vững chắc kiến tạo những giá trị giúp đất nước bước vào kỷ nguyên mới -0](https://img.cand.com.vn/resize/800x800/NewFiles/Images/2025/01/29/mo_hinh_2-1738113053166.jpg)
Bộ Công an hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm sạch 1.784.410 dữ liệu công dân có nơi đăng ký thường trú/ tạm trú không khớp với nơi đăng ký hợp đồng điện và làm sạch 1.473.887 dữ liệu của BHXH Việt Nam triển khai dịch vụ mà không cần kiểm tra, xác minh. Triển khai đăng ký, cấp quản lý tài khoản định danh điện tử cho doanh nghiệp, tổ chức gắn với tài khoản mức độ 2 của người đại diện, giúp giao dịch minh bạch, khẳng định danh tính, tăng uy tín của doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ; tối ưu quy trình điện tử, tiết kiệm thời gian, công sức, đồng thời, giúp đồng bộ dữ liệu cơ quan, tổ chức trên cả nước, tăng cường hiệu quả quản lý, điều hành, rút ngắn thời gian xử lý các TTHC, đảm bảo minh bạch trong tiếp nhận và trả hồ sơ đúng hạn.
Đề án 06 cũng giúp kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tăng mạnh theo từng năm (năm 2022 là 83000 tỷ đồng; năm 2023 số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng; năm 2024 là 116.000 tỷ đồng), trong đó 8.687 tỷ đồng thuế từ 120 nhà cung cấp ở nước ngoài. Bộ Tài chính đã rà soát, xử lý vi phạm đối với hơn 22.000 cơ sở kinh doanh có hoạt động thương mại điện tử và thu về ngân sách Nhà nước hơn 2.917,9 tỷ đồng.
Đã có 90.904 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền với 1,23 tỷ hóa đơn điện tử (tăng hơn 51.000 cơ sở kinh doanh với 1,1 tỷ hóa đơn so với tháng 12/2023); giúp Chính phủ truy thu thuế hơn 1.900 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã phối hợp UBND TP Hà Nội ra mắt Chatbot AI – “Trợ lý ảo hỗ trợ Người nộp thuế".
Bộ Công an đã triển khai giải pháp kết hợp dịch vụ xác thực thẻ CCCD và dịch vụ eKYC chống gian lận thi cử, xác thực thông tin học sinh, người giám hộ, giáo viên, giúp các cơ sở giáo dục được làm sạch dữ liệu ngay từ gốc. Bộ Công an tiếp tục phân tích, đánh giá dữ liệu cho Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, phục vụ hoạch định chính sách như: Duy trì, cung cấp số liệu định kỳ hàng tháng về 6 bộ chỉ số cho Văn phòng Chính phủ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, đánh giá, cung cấp số liệu độ tuổi đi học.
Làm việc với Bộ Tư lệnh 86 - Bộ Quốc phòng thống nhất phương án kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác phân bố chỉ tiêu tham gia nghĩa vụ quân sự hàng năm; Phối hợp với Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và đầu tư phân tích, đánh giá 230 chỉ tiêu thống kê ứng với 250 loại dữ liệu cần cung cấp hiện đang quản lý của 13 bộ, ngành phục vụ công tác hoạch định chính sách; Hỗ trợ cung cấp, phân tích, đánh giá biến động dân cư (thường trú, tạm trú) trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi có yêu cầu, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
Việc triển khai thành công Đề án 06 là tiền đề để xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia trong thời gian tới, mang lại giá trị to lớn trên nhiều mặt đời sống, kinh tế-xã hội, sẽ tạo văn minh xã hội như: Hình thành các dịch vụ công không sử dụng biểu mẫu, hệ thống xử lý tự động dựa trên số liệu; Người dân được tiếp cận, quản lý, sử dụng, bảo vệ dữ liệu cá nhân dễ dàng; Chia sẻ, điều phối dữ liệu cho các bộ, ngành, cơ quan tổ chức phục vụ giải quyết TTHC; Cung cấp hạ tầng công nghệ, dữ liệu tập trung, hiện đại, bảo mật, tránh lãng phí.
Cùng với đó, Đề án 06 góp phần phát triển kinh tế số. Dữ liệu trở thành nhân tố sản xuất quan trọng, làm thay đổi phương thức sản xuất, tư liệu sản xuất. Từ dữ liệu, phát triển hệ thống chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống số hóa tập trung giúp các cơ quan, tổ chức đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu, giảm kinh phí, thời gian, công sức. Hệ thống địa chỉ số quốc gia thúc đẩy dịch vụ vận chuyển, bưu chính,... phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Dữ liệu cũng góp phần quan trọng phục vụ an ninh, quốc phòng, chính trị. Huy động nguồn lực phục vụ khoa học công nghệ quốc phòng, đặc biệt tại các vùng chiến lược, trọng điểm. Phân tích các dữ liệu gắn với toàn bộ hoạt động của một con người, đưa ra các dự đoán, giải pháp phòng ngừa chủ động, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Hỗ trợ bầu cử các cấp; Hợp tác quốc tế về dữ liệu như cung cấp dữ liệu mở, sản phẩm về dữ liệu trên sàn dữ liệu phục vụ trao đổi, hợp tác quốc tế. Cung cấp dịch vụ hạ tầng trên nền tảng điện toán đám mây cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động xử lý dữ liệu tại Việt Nam...