Kế hoạch CM12 - Hồi ức sau 40 năm

Thứ Hai, 19/08/2024, 10:57

Ngày 9/9/2024  sẽ  tròn 40 năm thực hiện thắng lợi Kế hoạch phản gián CM12. Kế hoạch này được Bộ Công an xác định: “góp phần giữ vững an ninh chính trị; làm thất bại âm mưu bao vây, cấm vận, chiến tranh phá hoại nhiều mặt, “trong nổi dậy, ngoài đánh vào” của các thế lực thù địch đối với Việt Nam; có ý nghĩa to lớn mang tầm chiến lược không chỉ về mặt nghiệp vụ mà còn có giá trị lịch sử rất quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ An ninh quốc gia”.

Đối tượng đấu tranh trong Kế hoạch CM12 là bọn gián điệp, biệt kích, các tổ chức phản động lưu vong, nhất là tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Kế hoạch CM12 được thực hiện trong vòng 3 năm (từ tháng 9/1981 - 9/1984). Trung tâm chỉ huy của Kế hoạch được đặt tại Hòn Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, do đồng chí Phạm Hùng, bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) chỉ đạo, đặt tên.

T8-Kế hoạch CM12 - Hồi ức sau 40 năm -0

Tháng 7/1975, Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh sang một nước châu Âu thành lập tổ chức phản động với tên gọi “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”. Năm 1979, tổ chức phản động của Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh được chính quyền cực hữu của một quốc gia trong khu vực cho mượn đất, tạo điều kiện hoạt động. Chúng thành lập trụ sở với tên gọi “Tổng hành dinh”, có sự liên lạc chặt chẽ với bọn phản động quốc tế và lực lượng phản động trong nước, lập hai căn cứ có tên “Tự thắng” và “Quyết tiến” để huấn luyện, thao diễn, làm doanh trại… với mục đích tung gián điệp, biệt kích, phương tiện, vũ khí xâm nhập về nước.

Cuối năm 1980, Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh tung toán gián điệp biệt kích đầu tiên gồm 23 tên xâm nhập vào nước ta bằng đường bộ qua tỉnh An Giang. Tuy nhiên, toán biệt kích với tên gọi “Minh Vương 1” này đã bị ta phát hiện, truy lùng, bắt gần hết (trong đó 1 tên bị tiêu diệt), thu giữ điện đài, vũ khí cùng nhiều phương tiện hoạt động khác. Trong khi đó, Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh không hề biết các toán biệt kích “mở đường” từ đầu năm 1981, kể cả toán “Minh Vương 1” đã bị bắt gọn, khống chế, thuyết phục và nhóm này đã tự giác phục vụ cho chính quyền cách mạng…

8-2.jpg -0
Đại tá, Anh hùng LLVTND Trần Phương Thế (Tám Thậm) kể lại những kỷ niệm đáng nhớ khi tham gia thực hiện thắng lợi Kế hoạch CM12.

Đại tá, Anh hùng LLVTND Trần Phương Thế (Tám Thậm), nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau kể lại: “Lúc đó tôi là Trưởng phòng Phòng, chống gián điệp Công an tỉnh Minh Hải, được phân công tiếp xúc để cảm hóa các tên biệt kích còn lại. Trong 5 ngày, tôi đã trò chuyện, cảm hóa được các đối tượng, chúng cam kết không chống phá chính quyền, đứng về phía cách mạng để tiêu diệt các tổ chức phản động. Sau đó, theo chỉ đạo của ta, các đối tượng đã gửi điện về “Tổng hành dinh” với nội dung: “Đã vào đất liền an toàn, chôn giấu xong vũ khí, anh em đang dựa vào dân để sống. Mới ổn định, cần tiền bạc để sinh hoạt”. Nhận được điện, bên kia hẹn liên lạc lại sau và kế đó, ta cũng thả mấy tên đi tàu trở về báo cáo”.

Yêu cầu người cài vào tổ chức của địch phải là người địa phương, thông thạo địa hình, có nghiệp vụ, bản lĩnh, khôn khéo nhằm linh hoạt đối phó các thủ đoạn của địch. Trần Phương Thế lúc đó là Đại úy được lựa chọn vì tuy là người địa phương nhưng không nhiều người biết mặt. Anh cải trang thành dân thường, sinh sống ở trong rừng. Theo kế hoạch, khi toán biệt kích thâm nhập sẽ được Tám Thậm đưa về nhà nuôi giấu, xây dựng “tổ chức”. Trước khi thực hiện kế hoạch, đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng đã trực tiếp gặp Tám Thậm để giao nhiệm vụ.

 “Bộ trưởng Phạm Hùng căn dặn: “Cháu phải tạo cho được lòng tin đối với Hạnh, Túy và đồng bọn, trong sinh hoạt, ăn nói phải đúng điệu, giao tiếp hằng ngày cần thận trọng, tránh để chúng nghi ngờ”. Yêu cầu thứ 2 là phải nắm được cơ cấu tổ chức và các nhân sự chủ chốt, thành viên nòng cốt của tổ chức phản động. Thứ 3 là nắm được âm mưu, ý định của các nước lớn đối với Việt Nam thông qua các tổ chức này. Trực tiếp chỉ đạo chiến dịch này lúc đó có các đồng chí Nguyễn Phước Tân, Hai Tiền (Lê Tiền), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh...”, Đại tá Trần Phương Thế nhớ lại.

T8-Kế hoạch CM12 - Hồi ức sau 40 năm -0
Hai kẻ cầm đầu cái gọi là “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh (ảnh tư liệu).

Để vào vai, Tám Thậm để râu tóc dài cho khác hẳn hình dáng trước đó, lấy tên mới là Hai Tài. Do râu ria mọc xồm xoàm nên mọi người gọi luôn thành tên Hai Râu. Thời gian sau, Hai Râu chỉ đạo K64, K61, K59 (bí danh của những biệt kích đã được ta cảm hóa), khảo sát chọn địa điểm vận chuyển, cất giấu hàng hóa, vũ khí, tiền giả, sau đó vẽ sơ đồ chi tiết và làm báo cáo chuyển về “Tổng hành dinh” để bọn chúng yên tâm. Sau đó, Hai Râu lên kế hoạch nhằm đưa Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh về Việt Nam trực tiếp nắm nội tình, tạo sự tin tưởng. Bằng dáng vẻ bụi bặm, quần áo ăn chơi, Hai Râu biến hình thành con người khác để dễ dàng thâm nhập sâu vào lòng địch, nhưng đồng thời cũng gây hiểu lầm, phiền toái đối với ông; đồng đội, người thân phản ứng dữ dội. Thậm chí, cả dòng họ đòi khai trừ ông, không thèm nhìn mặt…

Một đêm đầu tháng 6/1982, sau khi liên hệ với Hai Râu, hai tàu biệt kích chở C4 (Lê Quốc Túy) và C5 (Mai Văn Hạnh) từ ngoài biển chạy thẳng vào huyện Trần Văn Thời, tỉnh Minh Hải (nay là 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu). Hai Râu đã không ngại ngần cõng C4 và C5 lội qua sình lầy lên bìa rừng, trở về “mật cứ” an toàn, gây được cảm tình đối với chúng ngay từ lúc đầu gặp gỡ. Tuy nhiên, trong thời gian ở lại “mật cứ”, chúng dùng nhiều thủ đoạn, chiêu trò để thử thách Hai Râu, thậm chí chĩa súng vào gáy ông lên đạn để dò phản ứng, nếu thấy nghi ngờ chúng sẵn sàng nổ súng. Sự tinh nhạy nghiệp vụ cũng như cách xử lý tình huống khôn khéo đã giúp Hai Râu ngày càng tạo được sự tin tưởng tuyệt đối của bọn chúng.

T8-Kế hoạch CM12 - Hồi ức sau 40 năm -0
Đại tá, Anh hùng LLVTND Trần Phương Thế (Tám Thậm, ngoài cùng bên trái) chụp hình cùng Mai Văn Hạnh (ngoài cùng bên phải) sau khi được Ban Chuyên án bố trí xâm nhập vào tổ chức của địch (ảnh tư liệu).

Sau thời gian Túy, Hạnh gặp gỡ và làm việc với các toán biệt kích trong nội địa an toàn, trước khi trở lại nước ngoài, Túy và Hạnh khen ngợi Hai Râu hết mức vì quá chu đáo trong việc chỉ đạo, sắp xếp và phát triển lực lượng, hứa sẽ đưa ra nước ngoài để huấn luyện cho các toán biệt kích những kinh nghiệm trong hoạt động xây dựng tổ chức. Sau khi trở lại nước ngoài, Túy và Hạnh đều thống nhất nâng cấp hàm từ Trung tá lên Đại tá cho Hai Râu, đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng chỉ huy Quân khu A của địch.

Từ 9/9/1981 đến 9/9/1984, lực lượng An ninh nhân dân (ANND) đã đón lõng được 18 chuyến xâm nhập của tổ chức do Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh cầm đầu. Mỗi chuyến xâm nhập, chúng mang theo hàng chục tấn vũ khí, thuốc nổ cực mạnh, gián điệp, biệt kích… Với vai trò chỉ huy, cầm đầu, Mai Văn Hạnh nhiều lần trực tiếp xâm nhập về nước để kiểm tra “kho tàng”, “mật cứ”, gặp gỡ số gián điệp biệt kích đã xâm nhập từ trước cùng với những tên cầm đầu các tổ chức phản động trong nước vạch các kế hoạch đánh phá cách mạng mà không biết rằng tất cả đã nằm trong tính toán và kế hoạch của lực lượng CAND Việt Nam.

Ngày 9/9/1984, khi 2 con tàu xâm nhập cuối cùng đổ bộ vào Việt Nam, Ban Chuyên án quyết định bắt giữ toàn bộ tài liệu, tang vật cùng Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá. Riêng Lê Quốc Túy do bệnh nặng đã không đi trong chuyến này. Lực lượng ANND Việt Nam quyết định kết thúc Kế hoạch CM12 bằng trận đánh cuối cùng vào đêm 9/9/1984 tại Hòn Đá Bạc. Sau hơn 3 năm, Kế hoạch phản gián CM12 của CAND Việt Nam đã thành công tốt đẹp. Lực lượng ANND Việt Nam đã tổ chức đón, bắt 18 chuyến xâm nhập, 189 tên phản động lưu vong, thu giữ 143 tấn vũ khí, 90 tấn đạn dược, 1,2 tấn chất nổ, 14 tấn tiền giả; bắt, tiêu diệt hàng trăm tên gián điệp, biệt kích, thu  nhiều phương tiện chiến tranh.

Ngoài ra, ta còn phá tan hàng chục tổ chức phản động trong nước, làm phá sản toàn bộ hoạt động vũ trang và xâm nhập từ bên ngoài vào Việt Nam hòng gây bạo loạn, lật đổ..., đấu tranh bóc gỡ hàng chục tổ chức phản động do địch cài lại trong nội địa, bắt hàng ngàn tên đang ẩn nấp trong các vỏ bọc khác nhau ở miền Trung, miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Ghi nhận, đánh giá cao chiến công đặc biệt xuất sắc của các lực lượng tham gia thực hiện thắng lợi Kế hoạch CM12, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 2 tập thể và 3 cá nhân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Hòn Đá Bạc - địa danh thực hiện thắng lợi Kế hoạch CM12 được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

T8-Kế hoạch CM12 - Hồi ức sau 40 năm -0
T8-Kế hoạch CM12 - Hồi ức sau 40 năm -1
T8-Kế hoạch CM12 - Hồi ức sau 40 năm -2
Công an các tỉnh, thành trên cả nước tổ chức về nguồn tại Di tích lịch sử Quốc gia Hòn Đá Bạc.

Trong buổi gặp mặt kỷ niệm 38 năm thắng lợi Kế hoạch CM12 (9/9/1984 – 9/9/2022) vào ngày 11/8/2022 tại Di tích lịch sử Quốc gia Hòn Đá Bạc, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) chia sẻ: “Đây là chiến thắng của sự vận dụng sáng tạo và kiên trì đường lối cách mạng của Đảng và lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an); là minh chứng về sự chủ động bố trí thế trận ANND. Đồng thời, khẳng định sức mạnh đoàn kết thống nhất, hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng CAND và QĐND cùng các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương và quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Văn Đức
.
.