Gặp những chiến sĩ Công an nhiều lần hiến máu
Hạnh phúc, may mắn và ấm áp khi những giọt máu quý giá của mình đã cứu sống người bệnh – đây là tâm sự của 8 cán bộ, chiến sĩ CAND tại chương trình Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2022. Người hiến máu ít nhất là 16 lần, người nhiều nhất 63 lần, những cán bộ, chiến sĩ CAND còn vận động hàng nghìn người tham gia hiến máu tình nguyện.
8 bông hoa đẹp trong lực lượng CAND hoà cùng 100 tấm gương tiêu biểu trên cả nước được tôn vinh đều là những người giàu lòng nhân ái, sẵn sàng hiến máu thường xuyên, hiến máu trong những tình huống khẩn cấp.
Gặp những chiến sĩ Công an ở mọi miền Tổ quốc về tham dự chương trình Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2022 tại Hà Nội, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, niềm tự hào và cả niềm hạnh phúc của họ qua từng nụ cười, cái bắt tay hân hoan. Trong nhiều năm qua, cả 8 người không nhớ hết những lần hiến máu của mình, song với họ, hiến máu là niềm hạnh phúc, bởi những giọt máu cho đi đã cứu sống bao cuộc đời ở lại.
Ngay trong ngày đầu đến Hà Nội tham dự chương trình tôn vinh, 3 chiến sĩ Công an đã tranh thủ hiến máu. Đó là Thượng uý Trần Văn Phú, Đội Tổng hợp, Công an TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang; Trung úy Đặng Xuân Ninh, Bí thư Chi đoàn Thanh tra Công an TP Hải Phòng và Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phòng Hậu cần, Công an tỉnh Bắc Kạn.
Hiến máu ngay sau khi đáp chuyến bay từ Hậu Giang ra Hà Nội, Thượng uý Trần Văn Phú chia sẻ, đây là lần thứ 61 anh hiến máu. Phú cũng là 1 trong 2 gương mặt tiêu biểu của tỉnh Hậu Giang được tôn vinh năm nay. “Gia tài” của Thượng uý trẻ là một sấp giấy chứng nhận với 54 lần hiến máu và 7 lần hiến tiểu cầu; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an và Trung Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác hiến máu tình nguyện.
Nhớ lại lần đầu hiến máu, Phú vẫn không thể quên, khi đó chàng sinh viên năm thứ nhất cùng các bạn bắt xe buýt vượt 60km từ Trường Đại học Kỹ thuật – Hậu Cần CAND (Bắc Ninh) đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. “Mơ ước từ ngày còn học phổ thông của em là thi đỗ vào Trường Đại học Kỹ thuật – Hậu cần CAND và được hiến máu tình nguyện. Cả 2 mục tiêu đó em đều đã thực hiện được được”, Phú chia sẻ.
Sau lần hiến máu đầu tiên, Phú cảm thấy tinh thần vui vẻ và đặc biệt hạnh phúc khi đã làm được việc tốt nên sau đó, anh tiếp tục tham gia phong trào hiến máu tình nguyện của trường. Cứ định kỳ 3 tháng 1 lần, Phú lại hiến máu. Suốt quãng đời sinh viên sổi nổi và nhiệt huyết đó, chàng trai đã cống hiến cho cộng đồng biết bao việc làm có ích, sẵn sàng chia sẻ máu của mình để cứu giúp nhiều người bệnh hiểm nghèo. Anh tâm sự, mình coi việc hiến máu như một việc làm hoàn toàn bình thường, không nề hà khi có người cần máu gấp, nếu đủ thời gian anh sẵn sàng hiến máu, dù đêm hay ngày.
Cảm nhận được ý nghĩa nhân văn của hiến máu cũng như những lợi ích của hiến máu nên sau khi ra trường, về nhận công tác tại Công an tỉnh Hậu Giang, Phú vẫn tiếp tục hành trình làm việc thiện. Ngoài công việc bận rộn ở đơn vị, khi có thời gian, Phú lại hiến máu cứu người. Sau này, anh còn hiến tiểu cầu để cứu nhiều người bệnh nặng cần máu hơn. Thấu hiểu khó khăn của người bệnh cần máu, Phú đã vận động được 2.500 lượt cán bộ, chiến sĩ hiến máu.
Trong “gia tài” của mình, Thượng uý Trần Văn Phú nhớ mãi 2 kỷ niệm hiến máu đọng lại trong anh ấn tượng sâu sắc nhất. Kỷ niệm đầu khi còn là sinh viên, trong một lần lên facebook, anh đọc được thông tin về một nạn nhân ở Huế đang nguy kịch vì tai nạn giao thông, cần tiểu cầu nhóm A để cấp cứu. Nghĩ đến tính mạng bệnh nhân đang thập tử nhất sinh, Phú đã không đắn đo mà bắt xe khách vào Huế. Với chặng đường gần 700km, Phú lo lắng, hồi hộp liệu mình vào tới nơi có kịp thời gian truyền tiểu cầu cho bệnh nhân hay không. Anh liên tục gọi điện cho người thân bệnh nhân để hỏi thăm tình hình. May mắn, khi vào tới nơi, anh truyền tiểu cầu cho bệnh nhân kịp thời, ca mổ diễn ra thành công.
Kỷ niệm lần thứ hai vào khoảng tháng 3/2021, Thượng uý Phú khi đó công tác tại Công an TP Vị Thanh (Hậu Giang), nghe tin có một bé gái bị bệnh tan máu bẩm sinh đang cần máu, anh phóng xe máy hơn 60km giữa trưa nắng tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang để hiến máu. Hiến máu xong, Phú còn tặng bé gái một số tiền nhỏ để mẹ bé mua sữa cho con. Việc làm nhân văn và cao đẹp của Thượng uý Trần Văn Phú đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng nhiều người bệnh. Song, với anh, hiến máu là trách nhiệm, là nghĩa vụ phải làm dù ở bất cứ nơi đâu và trong hoàn cảnh nào mà không cần phải đền đáp. “Chỉ cần nhìn thấy những bệnh nhân khoẻ lên từng ngày là lòng mình thực sự mãn nguyện rồi”, Phú tâm sự.
Giống như Phú, “gia tài” hiến máu của các chiến sĩ CAND được tôn vinh thật “giàu có”, như: Trung tá Nguyễn Văn Lâm, Phó đội trưởng, Công an thị xã Duyên Hải, Công an tỉnh Trà Vinh 67 lần hiến máu, vận động được hơn 500 lượt người hiến máu; Đại uý Lâm Thành Trung, Đội đặc nhiệm Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đóng tại TP Cần Thơ 61 lần hiến máu, vận động 700 người hiến máu; Đại uý Nguyễn Văn Nguyên, Phòng công tác Đảng, công tác Chính trị, Học viện ANND cũng có 77 lần hiến máu; Trạm trưởng Trạm CSGT Cửa ô Hoà Hải, Công an TP Đà Nẵng Phan Quang Pháp, 40 lần hiến máu; Trung tá Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng Công an xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang 21 lần hiến máu; Trung úy Đặng Xuân Ninh, Bí thư Chi đoàn Thanh tra Công an TP Hải Phòng đã 27 lần hiến máu.
Là cán bộ nữ Công an duy nhất được tôn vinh năm nay, Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phòng Hậu cần, Công an tỉnh Bắc Kạn tâm sự: “Tôi hiến máu từ khi còn là sinh viên. Trước đó, tôi rất sợ máu, sợ tiêm nhưng khi bắt đầu hoạt động đoàn với vai trò Bí thư lớp Kế toán – Tin, được nghe và tìm hiểu về tác dụng và lòng nhân ái của nghĩa cử cao đẹp, tự nhiên bản thân thấy hết sợ và muốn hiến máu ngay không suy nghĩ gì cả”. Sau khi xung phong tham gia hiến máu, Đại uý Nhung đã chia sẻ thông tin và vận động các bạn trong lớp của mình, sau này là người thân và đồng đội ở cùng tham gia hoạt động này. “Cảm xúc của tôi khi được tôn vinh là một trong 100 người hiến máu tiêu biểu năm 2022 thực sự ấm áp, hạnh phúc, may mắn, tôi nhất định sẽ trân trọng và giữ gìn khoảnh khắc này”, Nhung tâm sự.
Ngoài hiến máu định kỳ, nhiều cán bộ, chiến sĩ còn tham gia vào “Ngân hàng máu sống”, hiến máu bất kỳ lúc nào khi có ca ca tai nạn, ca bệnh nguy kịch cần máu.
Nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp, cống hiến của hàng trăm ngàn người hiến máu, từ năm 2007, Việt Nam đã tổ chức thường niên chương trình tôn vinh người hiến máu tiêu biểu cấp quốc gia. Mỗi năm có 100 tấm gương tiêu biểu từ khắp mọi miền đất nước được lựa chọn tôn vinh, tượng trưng cho 100 người con của mẹ Âu Cơ và Lạc Long Quân trong truyền thuyết.