Điểm tựa bình yên ở cơ sở
Tết đến, xuân về, khi những đoá dã quỳ khoe sắc vàng rực rỡ, các buôn làng người Jrai tại huyện Ia Pa, Gia Lai lại tất bật nấu cơm lam trong những ống lồ ô, mổ heo nướng thịt và ngâm ủ rượu cần. Rồi khi tất cả đã xong xuôi, họ nhờ thầy cúng gọi thần núi, thần sông, thần suối và tổ tiên về ăn Tết chung.
Đây là dịp sum họp gia đình, giữa không gian đại ngàn, dưới ánh lửa bập bùng, tiếng cồng chiêng vang khắp, cả dòng họ quây quần ăn Tết, kể về thành tích sau một năm mùa màng bội thu, duy trì tốt công tác bảo đảm ANTT, con cháu học hành chăm ngoan...
Sáng kiến "Dòng họ Rmah tự quản"
Là dòng họ lớn nhất của người Jrai tại xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, Rmah có hơn 700 hộ, sinh sống tập trung tại 3 thôn: Ma Rin 1, Ma Rin 2 và Ma Rin 3. Trước đây, dòng họ này có một số thành viên vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, từ năm 2019, Công an xã Ia Mrơn tham mưu chính quyền địa phương xây dựng mô hình "Dòng họ Rmah tự quản" thì mọi thành viên đều chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đặc biệt không có người vi phạm pháp luật. Dòng họ cũng động viên con em trong độ tuổi nhập ngũ tham gia nghĩa vụ theo quy định; tuyên truyền pháp luật, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ; phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...
"Với phương châm "Phát huy truyền thống, đoàn kết, bình đẳng, tự nguyện, tự giác", thành viên trong dòng họ chúng tôi đều tự giác, gương mẫu đi đầu trong mọi việc, làm tròn nghĩa vụ công dân; tích cực phối hợp, giúp đỡ lực lượng Công an bảo đảm ANTT, phòng chống tội phạm", ông Rmah Trim, Trưởng dòng họ Rmah ở thôn Ma Rin 1, đồng thời là Tổ trưởng mô hình tự hào nói.
Ia Mrơn là xã vùng sâu, trọng điểm, phức tạp về ANTT, 70% đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn khó khăn, một bộ phận người dân dễ bị đối tượng xấu, phản động FULRO lôi kéo... "Chúng tôi chủ động bám nắm địa bàn, tạo sự gần gũi, gắn bó mật thiết để người dân tham gia với lực lượng Công an xây dựng các mô hình phòng, chống tội phạm. Không chỉ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân mà còn để người dân tin tưởng, đồng hành cùng lực lượng Công an bảo vệ an ninh Tổ quốc", Thiếu tá Lê Đình Hải, Trưởng Công an xã Ia Mrơn thông tin.
Mô hình này sau đó được Công an tỉnh Gia Lai biểu dương, nhân rộng ra các địa phương khác. Còn Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mrơn Lương Văn Hiếu khẳng định, sáng kiến này của Công an xã đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm ANTT, duy trì cộng đồng người dân tộc thiểu số bền vững, giàu mạnh 5 năm qua. "Một mũi tên trúng nhiều đích" khi những gia đình trong dòng họ giúp nhau công việc đồng áng, xây dựng nhà cửa, phát triển sản xuất; vận động con cháu tích cực tham gia các phong trào thi đua, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội...
Chuyện Công an "ba cùng" với các cháu học sinh cá biệt
Đó là mô hình độc đáo "Công an thị trấn Tân Khai giúp đời, giáo dục con em cá biệt", xuất phát từ ý tưởng của đồng chí Đậu Xuân Cửu - cán bộ Công an thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước từ năm 2018 (nay là Trưởng Công an thị trấn Tân Khai). Với vai trò cán bộ phụ trách công tác phòng, chống tội phạm, anh đã mạnh dạn đề xuất Đảng ủy, UBND và Ban Chỉ huy Công an thị trấn Tân Khai thực hiện mô hình này, hoạt động theo nguyên tắc gia đình và lực lượng Công an chung tay giáo dục các cháu thanh, thiếu niên có biểu hiện lười học, bỏ học, đi theo bạn bè xấu, vi phạm pháp luật.
"Khi biết thông tin, mình đã chủ động tìm gặp, vận động gia đình đưa các em đến cùng ăn, cùng ở, cùng học tập tại Công an thị trấn", anh kể. Những "chú chim non" theo cách ví von của anh, ở nhà thì "cứng đầu cứng cổ" như vậy nhưng khi ở với các chú thay đổi “180 độ”, cắt đứt liên lạc với các đối tượng bên ngoài, ngoan ngoãn hơn và học tập văn hoá trở lại. Sáu năm qua, đã có 20 lượt học sinh cá biệt vào ở, trưởng thành và về nhà trở thành con ngoan, có việc làm ổn định; 2 cháu đang tham gia nghĩa vụ CAND.
Chị Lê Thị Hương, phụ huynh cháu T hiện đang "ba cùng" với các chú Công an cho biết, con trai thứ hai của chị ở nhà bướng và nghịch, mẹ nói không nghe, năm ngoái không chịu học nên "rớt mất 1 môn". Biết Công an thị trấn Tân Khai có nhận nuôi các cháu, lại thấy một số cháu từng "lên rồi về, ngoan rồi" nên muốn gửi con nhờ các anh quản lý giúp. "Cháu ở với các anh 24/7, được các anh cho ăn uống, ngủ nghỉ, đưa đi học, rèn theo "nếp Công an", chỉ cuối tuần là về nhà ăn cơm thăm bố mẹ chút rồi lại lên. Mới 2 tháng nhưng thấy cháu khác hẳn, biết nghe lời và giúp đỡ mẹ. Cô giáo cũng nói có tiến bộ trong học tập", chị Hương phấn khởi nói.
"Hiện nay có 3 cháu đang ăn ở, học tập, sinh hoạt cùng lực lượng Công an thị trấn. Mô hình giúp phụ huynh bớt nỗi lo con mình bị đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo tham gia phạm tội, vi phạm pháp luật, đồng thời giúp phòng ngừa phức tạp về ANTT từ sớm, từ xa", Thiếu tá Đậu Xuân Cửu, Trưởng Công an thị trấn Tân Khai chia sẻ. Ý nghĩa "giúp đời" của mô hình cũng là ở chỗ đó.
Xã làm điểm thực hiện tốt công tác thu hồi vũ khí
Toàn Sơn là xã miền núi, cửa ngõ của huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, gồm 5 xóm, đa số là đồng bào dân tộc Dao sinh sống lâu đời, có phong tục, tập quán sử dụng vũ khí, đặc biệt là súng để săn bắn hoặc thờ cúng trong gia đình. Trước tình hình đó, Công an xã Toàn Sơn đã tham mưu UBND xã ban hành kế hoạch, xây dựng mô hình "Xã điểm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động thu hồi và phòng, chống tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ".
Công an xã tham mưu các giải pháp thực hiện, tuyên truyền đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân về mô hình điểm do Công an tỉnh Hoà Bình lựa chọn. Phối hợp các đội nghiệp vụ Công an huyện Đà Bắc và các đơn vị tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho bà con...
"Khi việc tuyên truyền bảo đảm hiệu quả đến từng hộ dân, mọi người đã "ngấm" thì tổ chức rà soát, vận động thu hồi không còn là việc quá khó. Chúng tôi lập danh sách 17 cá nhân nghi còn tàng trữ, sử dụng các loại súng, công cụ hỗ trợ và tổ chức 8 lượt vận động cá biệt, qua đó 100% bà con đã giao nộp vũ khí cho lực lượng Công an", Thiếu tá Bùi Đức Hoàn, Trưởng Công an xã Toàn Sơn chia sẻ. Anh nhớ, có lần đi vận động chú S, ở xóm Rãnh, dân tộc Dao Tiền, là người có uy tín trong xóm, để súng trên bàn thờ như đồ gia bảo.
Khi được vận động, chú bảo: "Thực ra súng không dùng được, đổ nước vào nòng rồi, gia đình làm đồ thờ cúng theo phong tục thôi" và tỏ vẻ không muốn giao nộp. Tuy nhiên, sau nửa buổi sáng anh em Công an tỉ tê giải thích, gia đình chú S đã hiểu và làm theo quy định. Noi gương người có uy tín của bản và được sự vận động của Công an xã Toàn Sơn, người dân đã giao nộp thêm 6 khẩu súng và 13 viên đạn súng quân dụng.
Qua một năm thực hiện Nghị quyết số 12 của Đảng uỷ Công an Trung ương và Chỉ thị số 11 của Bộ trưởng Bộ Công an về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã ghi nhận, biểu dương và mong muốn những điển hình tiên tiến Công an xã, thị trấn luôn giữ vững nhiệt huyết, tiếp tục cố gắng phấn đấu, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND.
Đồng thời, Công an các đơn vị, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Công an xã, thị trấn toàn diện, đủ sức giải quyết các vấn đề về ANTT ngay từ đầu và tại cơ sở. Bởi, họ chính là những điểm tựa bình yên của nhân dân trên mọi miền Tổ quốc...