Công tác bảo đảm an ninh nội địa: Giữ cho “trong ấm, ngoài êm”
Một mùa xuân mới lại về trên dải đất hình chữ S thân yêu đang bừng lên sức sống mới của sự yên bình, no ấm… Góp phần làm nên những mùa xuân ấy có đóng góp thầm lặng của các CBCS Cục An ninh nội địa, Bộ Công an.
Năm 2023, công tác đảm bảo an ninh nội địa trên các chuyên đề, lĩnh vực tiếp tục được lãnh đạo Bộ Công an đánh giá cao. An ninh nội địa tiếp tục giữ vững ổn định, đạt mục tiêu đề ra trong điều kiện khó khăn, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập…
Những dấu ấn của an ninh nội địa
Vào một ngày đầu Xuân, trong căn phòng nằm trên tầng 2 của ngôi nhà mang đậm dấu ấn Pháp cổ, tôi có dịp trò chuyện với Trung tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa.
“Khi được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an tin tưởng, giao nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục An ninh nội địa, tôi rất vui, rất cảm động, nhưng cũng cảm thấy lo lắng, trăn trở vì yêu cầu đặt ra rất nặng nề đối với công tác an ninh nội địa. Địa bàn trải dài, đối tượng phức tạp, đa thành phần; thêm nữa, có những yếu tố luôn chứa đựng những vấn đề nhạy cảm, tiềm ẩn các nguy cơ, thế lực thù địch, phản động luôn triệt để lợi dụng. Nếu giải quyết tốt các vấn đề trên thì công tác đảm bảo an ninh nội địa sẽ được đảm bảo; “trong ấm thì ngoài mới êm”, có ổn định thì mới phát triển”-Trung tướng Phạm Ngọc Việt nói.
Nói về những dấu ấn đặc biệt của Cục An ninh nội địa, Cục trưởng Cục An ninh nội địa cho biết: Như đánh giá của đồng chí Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai công tác năm 2024, trong năm qua, đơn vị đã chủ động phát hiện sớm âm mưu, ý đồ của các đối tượng ở bên ngoài, nhằm vào các sự kiện, các vấn đề phức tạp về an ninh, dân tộc, tôn giáo…, là “mầm mống” để các đối tượng “mượn danh” phản biện xã hội để tuyên truyền, chống phá Đảng và Nhà nước; có các biện pháp để ngăn chặn các đối tượng ở bên ngoài “hà hơi” tiếp sức, hỗ trợ về kinh tế cho các đối tượng ở trong nước thực hiện hành vi chống phá. Trong công tác đối ngoại đã tham mưu, xử lý linh hoạt đối với những trường hợp cụ thể, vừa thể hiện tính nhân văn, đồng thời vẫn đảm bảo yêu cầu chính trị, nghiệp vụ; đấu tranh pháp lý yêu cầu Tòa án bang California, Mỹ bác đơn kiện Đài Truyền hình Việt Nam của tổ chức “Ủy ban cứu người vượt biển - BPSOS” dựa trên luật pháp quốc tế…
Nhiều vấn đề phức tạp về an ninh đã được chủ động nắm, giải quyết kịp thời. Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 diễn ra phiên toà xét xử sơ thẩm đối với 100 bị cáo trong vụ án khủng bố xảy ra trên địa bàn huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, vào ngày 11/6/2023. Trong quá trình điều tra, các đối tượng đều ăn năn, hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, thừa nhận do thiếu hiểu biết hoặc do bị đe dọa nên đã tham gia hoạt động phạm tội. Các đối tượng xin được Đảng, Nhà nước xem xét khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt. Ngay sau sự việc xảy ra, các trinh sát Cục An ninh nội địa đã phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an tỉnh Đắk Lắk kiên quyết truy bắt các đối tượng; tranh thủ các chức sắc, người có uy tín để vận động, tác động đối tượng ra đầu thú và thành khẩn khai báo hành vi phạm tội. Trong quá trình điều tra đã tác động, răn đe, tạo sự khoan hồng; các đối tượng đều thừa nhận hành vi phạm tội.
Trước đó, ngay từ tháng 5/2022, từ thông tin nắm bắt được qua các hoạt động nghiệp vụ và của Công an các đơn vị, địa phương, Cục An ninh nội địa đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ tổ chức Hội ý nghiệp vụ tại Gia Lai bàn về công tác đảm bảo an ninh Tây Nguyên. Đến tháng 11/2022, từ tình hình thực tiễn như cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt vào cuộc, đơn vị lại tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ tổ chức Hội nghị giữ gìn ANTT ở địa bàn Tây Nguyên, thành phần rộng hơn, có sự tham gia của Bí thư Tỉnh uỷ, Giám đốc Công an các tỉnh, tập trung vào đảm bảo an ninh vùng dân tộc ở Tây Bắc và Tây Nguyên.
Cùng với Công an các địa phương, dấu chân của các trinh sát Cục An ninh nội địa đã có mặt ở khắp mọi miền của Tổ quốc, tham mưu giải quyết ổn định, tạm ổn định hàng nghìn vụ khiếu kiện, triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành, góp phần đảm bảo an ninh xã hội thời gian qua. Thăm hỏi, gặp mặt đồng bào dân tộc thiểu số; trao tặng nhà tại vùng đồng bào khó khăn; động viên các chức sắc tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, sống tốt đời, đẹp đạo. Xuân Giáp Thìn, 200 hộ nghèo, khó khăn thuộc các dân tộc Mông, Dao, Tày, Sán Chỉ tại các huyện Ba Bể, Pác Nặm, Chợ Đồn, Ngân Sơn và huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn được đón Tết trong những ngôi nhà lắp ghép theo mẫu 36B của Bộ Công an, đảm bảo tiêu chí “3 cứng” đã giúp người dân nghèo tỉnh miền núi Bắc Kạn có được ngôi nhà ấm áp.
Trên trường quốc tế, ngày 20/6/2023, tại Hội nghị cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước do Liên hợp quốc tổ chức tại New York (Mỹ), thay mặt Bộ Công an Việt Nam, Trung tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa đã có bài phát biểu quan trọng, nêu rõ 4 nguy cơ khủng bố từ bên ngoài gây hại cho an ninh quốc gia Việt Nam. Trên nghị trường khi ấy, Trung tướng Phạm Ngọc Việt đã thể hiện quan điểm thẳng thắn, rõ ràng, kiên quyết lên án và chống lại hành động khủng bố dưới mọi hình thức và ủng hộ các biện pháp chống khủng bố của các nước, các tổ chức quốc tế phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế. Tại đây, Trung tướng Phạm Ngọc Việt khẳng định, tại Việt Nam chưa xảy ra khủng bố do cá nhân, tổ chức khủng bố quốc tế tiến hành, chưa phát hiện chân rết của chúng hoạt động. Tuy nhiên, Cục An ninh nội địa Bộ Công an Việt Nam đã xác định các nguy cơ khủng bố từ bên ngoài gây hại cho an ninh quốc gia Việt Nam; thẳng thắn chỉ ra những nguy cơ khủng bố tại Việt Nam; khẳng định rằng, cuộc chiến chống khủng bố đòi hỏi nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Chỉ thông qua đoàn kết, hợp tác và cùng chia sẻ trách nhiệm, chúng ta mới có thể giải quyết hiệu quả mối đe dọa toàn cầu này, thúc đẩy hòa bình và an ninh của mỗi quốc gia và thế giới. Với bài phát biểu này đã thể hiện rõ quan điểm, lập trường, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thành công từ sự đồng sức, đồng lòng
Nhìn lại năm 2023, Trung tướng Phạm Ngọc Việt cho rằng, đây là một năm đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên trước sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của Công an các đơn vị, địa phương, Đảng ủy lãnh đạo Cục đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo đơn vị đoàn kết, thống nhất, kịp thời triển khai các biện pháp công tác nghiệp vụ đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với âm mưu, hoạt động chống phá của các đối tượng; CBCS lực lượng An ninh nội địa đã nỗ lực khắc phục khó khăn, chủ động triển khai các biện pháp công tác. Do đó, đã kịp thời nhận diện được nguy cơ, thách thức trong công tác bảo đảm an ninh nội địa, kịp thời triển khai các biện pháp công tác giữ vững an ninh nội địa thời gian qua. Năm 2023, Cục An ninh nội địa có 160 lượt tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng gồm: 6 Huân chương, 6 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 1 tập thể được tặng cờ thi đua của Bộ Công an, 55 bằng khen của Bộ Công an và tương đương; 2 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn lực lượng CAND giai đoạn 2020-2022; 1 tập thể được giải thưởng Vừ A Dính năm 2022; 87 Giấy khen của đồng chí Cục trưởng Cục An ninh nội địa.
Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực, trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, công tác bảo đảm an ninh nội địa tiếp tục đối mặt với 4 nguy cơ lớn đến từ âm mưu, hoạt động chống phá, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động; an ninh tôn giáo, an ninh dân tộc, an ninh xã hội vẫn là vấn đề nóng, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ về ANTT. Điều đó đòi hỏi lực lượng An ninh nội địa cần nâng cao hơn nữa cả về lực lượng, phương tiện để triển khai các biện pháp công tác giữ vững ANTT trong tình hình hiện nay.
Chia tay đồng chí Cục trưởng Cục An ninh nội địa khi năm mới đang đến gần, những chia sẻ của người đứng đầu, chịu trách nhiệm trong công tác đảm bảo an ninh nội địa vẫn khiến tôi suy nghĩ. Đó là những trăn trở với nhiệm vụ cốt lõi, xuyên suốt, thường xuyên trong bảo đảm an ninh nội địa; những nhiệm vụ căn cơ, chiến lược góp phần bảo đảm an ninh nội địa được bền vững cũng như các nhiệm vụ mang tính đột phá, trọng tâm trong công tác… Đó còn là việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để xây dựng lực lượng an ninh nội địa chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2025.