Chuyện về những chiến sĩ cận vệ

Thứ Năm, 27/10/2022, 09:48

Những anh chàng to cao lực lưỡng, tay xách cặp khiên chống đạn, luôn vây quanh “yếu nhân”, là những hình ảnh thường thấy trên... tivi. Ngoài đời hay trên mạng, có rất ít thông tin về họ. Bởi thế mà công việc của lực lượng cảnh vệ khá bí ẩn đối với nhiều người. Chỉ khi các cây bút được phép tiếp cận công việc, đời sống của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng thì hành trình tiếp cận, bảo vệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam của họ mới được giải mật ít nhiều với những câu chuyện ly kỳ.

Bên ngoài lạnh lùng, bên trong nồng hậu

Bên thềm lễ kỷ niệm 55 năm Ngày Truyền thống của đơn vị bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập lực lượng Cảnh vệ Việt Nam (16/2/1953 - 16/2/2023), Bộ Tư lệnh Cảnh vệ mở đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt, đồng thời cho phép các nhà văn, tác giả tiếp cận với lĩnh vực công tác cảnh vệ để phản ánh bằng ngôn ngữ văn học, nghệ thuật về cuộc sống, chiến đấu của những người lính trên trận tuyến đặc biệt này. Đó là lý do giúp chúng tôi được “chạm” vào đời sống trong một lĩnh vực rất khu biệt này. 

Một điều dễ nhận thấy ở họ, khác với vẻ bề ngoài lạnh lùng, từ lãnh đạo chỉ huy đến cán bộ, chiến sĩ đều rất thân thiện, dễ gần. Điều này xuất phát từ đặc thù công việc của họ, do thường xuyên tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao và khách quốc tế đến thăm Việt Nam nên phông văn hóa sâu rộng cùng kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống tinh tế, lịch thiệp, nhạy bén... là những yêu cầu, đòi hỏi mang tính bắt buộc.

Hành trình của những cận vệ -0
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất tặng Bộ Tư lệnh cảnh vệ.

Thượng tá Nguyễn Văn Đông - Trưởng Phòng Bảo vệ tiếp cận các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ Tư lệnh cảnh vệ cho biết: “Từ trước đến nay, công tác bảo vệ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cùng các vị nguyên thủ quốc gia đến thăm, làm việc tại Việt Nam luôn được xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của lực lượng Cảnh vệ CAND. Công tác cảnh vệ được tiến hành một cách trực tiếp, thường xuyên, bên cạnh đối tượng cảnh vệ, chống lại mọi sự xâm hại nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho họ, không có giới hạn về không gian, thời gian cũng như quy mô hoạt động, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và nâng cao vị thế, thiện cảm, lòng tin của bạn bè quốc tế về một đất nước văn hiến, bình yên và hiếu khách”.

Trong những năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta có rất nhiều hoạt động ở trong nước và tại nước ngoài. Chỉ tính từ khi Luật Cảnh vệ có hiệu lực thi hành (từ 1/7/2018) đến nay, Bộ Tư lệnh cảnh vệ đã triển khai bảo vệ an toàn tuyệt đối khoảng 7.500 hoạt động của đối tượng cảnh vệ, trong đó có hơn 7.200 hoạt động trong nước và gần 300 hoạt động ở nước ngoài.

Tất cả hoạt động đều đã diễn ra an toàn, thành công như mong đợi, cho thấy lực lượng Cảnh vệ đã hoàn hành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Nhiều sĩ quan bảo vệ tiếp cận đã nêu tấm gương sáng về lòng tận tụy, sự nhạy bén, sắc sảo trong xử lý tình huống nghiệp vụ, được đối tượng cảnh vệ khen ngợi, tạo được uy tín, thể hiện lòng trung thành, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đối tượng cảnh vệ trong bất kỳ tình huống, hoàn cảnh nào.

“Trên thực tế luôn có những tình huống phức tạp, bất ngờ, khó lường, ẩn chứa những nguy cơ mất an ninh, an toàn đối với đối tượng cảnh vệ, đòi hỏi ở lực lượng cảnh vệ sự mưu trí, dũng cảm, nhạy bén và bình tĩnh để xử lý nhanh chóng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, đáp ứng tốt các yêu cầu về nghiệp vụ, chính trị, pháp luật. Với bản lĩnh chính trị, lòng nhiệt huyết với công việc cùng trình độ chuyên môn cao, lực lượng cảnh vệ CAND luôn xác định phương châm sẵn sàng hy sinh tính mạng, là những “lá chắn sống” trước mọi tình huống, nguy cơ đe dọa, uy hiếp an ninh, an toàn của đối tượng cảnh vệ” - Thượng tá Nguyễn Văn Đông nhấn mạnh.

Hành trình của những cận vệ -0
Diễn tập phương án đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đối tượng cảnh vệ.

Ký ức từ những chuyến đi

Những chuyện xảy ra trong hành trình bảo vệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta tại nước ngoài luôn đầy ắp trong ký ức những sĩ quan tiếp cận. Thượng tá Đông nhớ mãi sự cố động đất tại Indonesia trong chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 8/2007. Anh kể, khi đó tòa nhà rung chuyển dữ dội, cửa kính va đập vỡ loảng xoảng, các lực lượng xung quanh nhanh chóng rút lui hết. Trên tầng cao của tòa nhà chỉ còn lại duy nhất đoàn Việt Nam với Thủ tướng và các sĩ quan tiếp cận. Mặc dù bị bố trí phân tán tại các tầng trong tòa nhà nhưng khi xảy ra động đất, tất cả anh em từ chỉ huy cao nhất đến chiến sĩ đều tìm về phòng ở của Thủ tướng, triển khai phương án bảo vệ. Anh em dùng sức giữ chặt cửa ra vào, đồ vật để khỏi va đập, đổ vỡ, bảo vệ Thủ tướng an toàn trong cơn địa chấn, khiến ông rất xúc động, ngợi khen lực lượng tiếp cận đã quên mình vì nhiệm vụ, không rời xa vị trí chiến đấu trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Trước mỗi chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo cấp cao, luôn có những đoàn công tác tiền trạm của Bộ Tư lệnh cảnh vệ lên đường đến nước bạn để kiểm tra, trao đổi, thống nhất phương án bảo vệ. Trong quá trình ấy đã có những buổi bàn bạc, đấu tranh căng thẳng với đối tác nước ngoài về phương án bảo vệ yếu nhân. Chẳng hạn như để chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và phu nhân vào tháng 6/2007, lãnh đạo phòng đã đi tiền trạm, yêu cầu phía Mỹ triển khai đầy đủ các biện pháp bảo vệ theo yêu cầu của ta. “Ban đầu, đối tác không đồng ý, tổ tiền trạm liền viện dụng nguyên tắc ngoại giao “có đi có lại”, dẫn chứng lại các lần đón tiếp Tổng thống Mỹ Bill Clinton (năm 2000), Tổng thống Bush (năm 2006) sang thăm Việt Nam, phía cảnh vệ Việt Nam đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho cơ quan an ninh của bạn thực thi nhiệm vụ để thuyết phục họ rằng, nếu các ngài tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi thì tới đây, khi Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam, các ngài sẽ nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ tương xứng. Phía đối tác đã ghi nhận quan điểm này, trình cấp trên xem xét. Chỉ vài giờ sau, đối tác đồng ý triển khai phương án bảo vệ theo đúng yêu cầu của ta. Từ đó về sau, các chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta tới Mỹ đều theo tiền lệ này. Chúng ta đưa ra các yêu cầu về an ninh, an toàn cho đối tượng cảnh vệ để họ thực hiện. Cơ quan an ninh, mật vụ Mỹ tỏ ra rất thiện chí đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của ta” - Thượng tá Đông kể.

Khả năng ứng biến linh hoạt trong quá trình tiếp cận bảo vệ lãnh đạo cấp cao là phẩm chất cần có của sĩ quan cận vệ. Trong chuyến bảo vệ Chủ tịch nước Lê Đức Anh đi dự Hội nghị Cấp cao không liên kết tại Colombia, trước tình hình an ninh, trật tự của một đất nước hoàn toàn xa lạ, suy nghĩ của sĩ quan bảo vệ tiếp cận đầu tiên là không thể rời xa đối tượng cảnh vệ trong lúc này được. Khi tháp tùng Chủ tịch lên phòng họp ở tầng 2, đến giữa chừng thì một sĩ quan an ninh nước bạn ngăn sĩ quan bảo vệ tiếp cận lại để giải thích về phạm vi hoạt động. Nhận thấy không thể để Chủ tịch đi một mình trong một không gian như vậy, sĩ quan tiếp cận đã nhanh trí nắm lấy tay Chủ tịch rồi nói khẽ, xin phép ông về cử chỉ đường đột của mình. Sau đó, anh trao đổi với an ninh bạn, đề nghị được đi cùng Chủ tịch lên đến phòng họp với lý do ông đã bị thương ở chân trong chiến tranh nên phải đi cùng để đề phòng bất trắc. Nghe giải thích, an ninh bạn tỏ vẻ thông cảm và đồng ý.

Hành trình của những cận vệ -0
Hoạt động huấn luyện tại Bộ tư lệnh cảnh vệ.

Một chuyến đi khác cũng đã khắc sâu vào tâm khảm của lính cận vệ những kỷ niệm sâu sắc. Đó là vào tháng 6/2005, trên đường từ đảo Cát Hải, Hải Phòng trở về, con tàu chở Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đâm phải đá ngầm, bị thủng, nước xối xả tràn vào khoang. Mọi người trên tàu hết sức hoang mang, dao động. Nhận thấy nếu không kịp thời vãn hồi trật tự thì tình hình sẽ nghiêm trọng, nguy cơ mất an ninh, an toàn cho đối tượng cảnh vệ có thể xảy ra, các sĩ quan tiếp cận đã trấn an mọi người, yêu cầu nhân viên kỹ thuật trên tàu tìm mọi cách khắc phục chỗ hư hỏng để hạn chế nước vào khoang, đồng thời cấp báo vào đất liền để công an địa phương đưa tàu dự phòng triển khai cứu hộ. Chiếc tàu cứu hộ sau đó đã áp sát mạn tàu bị nạn đón người sang an toàn.

Đào Trung Hiếu
.
.