Chung tay giúp đỡ người lầm lỡ

Chủ Nhật, 17/09/2023, 07:13

Với 15 triệu đồng/tháng là thu nhập đáng ước mơ của bao người ở vùng quê hẻo lánh thuộc xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương. Để có được mức lương ấy, anh Võ Văn C. (SN 1980), một người từng mang án 16 năm tù về tội giết người, đã nỗ lực rất nhiều trong công việc.

Để có được chỗ làm ổn định trong nhiều năm liền, anh đã được sự giúp đỡ rất nhiều từ chính quyền địa phương, từ vòng tay nâng đỡ của chủ doanh nghiệp nơi anh làm việc. Võ Văn C. theo nghiệp cha làm nghề thợ lặn. 12 tuổi anh đã theo cha xuôi ngược các dòng sông khắp các tỉnh, thành để trục vớt bất cứ thứ gì khi được thuê mướn. Đến tuổi trưởng thành và khi lập gia đình, cái nghề ấy vẫn theo anh như nghiệp định.

Ngày 12/9/2010, khi tròn 30 tuổi, C. có mâu thuẫn đánh nhau và phạm tội giết người. C. thụ án để lại người vợ trẻ và đứa con thơ. Hối hận, dằn vặt lương tâm, C. quyết tâm cải tạo thật tốt để sớm được trở về với gia đình. Sự cố gắng ấy đã giúp C. được giảm án dần và đến tháng 9/2019 thì ra tù, trở về địa phương.

Chung tay giúp đỡ người lầm lỡ -0
Trưởng Công an xã Minh Hòa cùng Tổng Giám đốc Công ty Đông Tiến thăm hỏi, động viên anh Võ Văn C. (bìa trái).

"Khi anh C. trở về địa phương, Công an xã và các ban ngành đoàn thể khác đã đến thăm hỏi, động viên để anh không mặc cảm, tự ti khi tái hòa nhập cộng đồng. Sau đó, Công an xã đã hỗ trợ anh trong việc nhập hộ khẩu và làm căn cước công dân sau này. Và theo nguyện vọng của anh muốn được sống với nghề mình đã chọn, chúng tôi đã giới thiệu anh làm việc tại Công ty Đông Tiến nằm trên địa bàn. Nay công việc của anh đã được ổn định, có thu nhập cao để lo cho gia đình"- Đại úy Nguyễn Văn Thực, Trưởng Công an xã Minh Hòa cho biết.

Để giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, thời gian qua, chính quyền địa phương xã Minh Hòa đã xây dựng được nhiều mô hình đạt hiệu quả cao như: "Quỹ tương trợ nông dân", "Phần gạo yêu thương", "Kết nối yêu thương", "Tấm lòng vàng", "Mẹ đỡ đầu"… Đặc biệt nhất là mô hình bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù lấy tên gọi mô hình "3 + 1" được thành lập từ năm 2017. Mô hình này nhằm giúp đỡ, động viên và tạo điều kiện cho những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống. Từ năm 2017 đến nay, tổng số người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương là 26, trong đó chỉ còn 5 người còn án tích.

"Mô hình "3 +1" nghĩa là phân công 3 thành viên là cán bộ công chức UBND và Công an viên xã kết hợp với gia đình của đối tượng để giúp đỡ đối tượng sau khi chấp hành xong án phạt tù về địa phương sinh sống, nhằm tạo điều kiện giúp đỡ họ về mọi mặt trong việc tái hoà nhập cộng đồng. Trong đó, Công an xã có trách nhiệm phối hợp, vận động các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị kinh tế trú đóng trên địa bàn tạo điều kiện và giới thiệu việc làm cho những người chấp hành xong án phạt từ trở về địa phương. Kết quả có 90% đối tượng chấp hành xong án phạt tù có việc làm ổn định"-ông Trương Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Minh Hòa cho biết.

Để có được kết quả ấy, UBND xã đã phân công 78 người bao gồm cán bộ xã, ấp và gia đình giáo dục, giúp đỡ cho 26 người. Và qua đó, 100% số người được giải quyết nhập khẩu và cấp căn cước công dân; được quản lý, giáo dục, giúp đỡ; được giới thiệu việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh…Hiện một số người nhờ chí thú làm ăn đã trở thành chủ trang trại, kinh doanh buôn bán ổn định tại nhà.

Mã Hải
.
.