Chung sức giữ vững an ninh trật tự vùng biên giới Việt – Lào

Thứ Bảy, 25/12/2021, 08:22

Thực hiện phương châm "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc thiểu số), cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an các xã miền núi huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tích cực vận động người dân thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), góp phần giữ vững ANTT vùng biên giới Việt - Lào.

Trong tiết trời se lạnh của vùng cao A Lưới những ngày cuối năm 2021, chúng tôi có dịp theo chân các CBCS Công an xã Hương Nguyên đến nhà một số hộ dân và người có uy tín tại thôn Chi Đu Nghĩa của xã. Cùng trò chuyện, ông A Rét Cao, người có uy tín ở thôn Chi Đu Nghĩa cho biết, được sự quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng với nỗ lực lao động, sản xuất của bà con dân bản nên những năm trở lại đây, các hộ dân trong thôn không còn cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Nhiều hộ dân chú trọng phát triển mô hình chăn nuôi, trồng rừng nên kinh tế khấm khá hơn, con em được học hành đầy đủ.

Hương Nguyên là xã giáp với biên giới Việt-Lào với đường biên giới dài hơn 15km. Toàn xã có 372 hộ dân với gần 1.500 nhân khẩu, 99% là đồng bào dân tộc thiểu số. Thấu hiểu được hoàn cảnh đời sống của bà con nhân dân ở địa phương còn nhiều khó khăn nên kể từ tháng 7/2019, khi được Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế điều động về công tác tại Công an xã Hương Nguyên, Thiếu tá Hoàng Mạnh Hùng, Trưởng Công an xã và 4 CBCS Công an đã tích cực bám địa bàn, tìm hiểu và nắm rõ phong tục, tập quán của người dân địa phương.

Thiếu tá Hoàng Mạnh Hùng chia sẻ, những ngày đầu mới đến công tác tại địa bàn Hương Nguyên, dù gặp nhiều khó khăn nhưng được lãnh đạo, chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ nên CBCS đơn vị dần khắc phục để nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

"Đường sá vào các thôn bản ở xã xa xôi, cách trở, việc đi lại hết sức khó khăn nhưng với quyết tâm thực hiện phương châm "4 cùng" nên lực lượng Công an xã đã kiên trì bám địa bàn để triển khai có hiệu quả các mặt công tác. Những lúc rảnh rỗi, chúng tôi còn tranh thủ học tiếng đồng bào để có thể trò chuyện, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con. Nhờ thế mà người dân ở các thôn, bản hết lòng tin yêu cán bộ Công an và cung cấp cho cơ quan Công an nhiều nguồn tin có giá trị, góp phần giải quyết nhiều vụ việc ngay từ cơ sở", Thiếu tá Hoàng Mạnh Hùng nói.

Chia sẻ về công việc, Đại úy Trần Văn Thắng, Công an viên xã Hương Nguyên trải lòng, dù địa bàn rộng, cơ sở vật chất và điều kiện làm việc còn thiếu thốn nhưng các CBCS đơn vị đã từng bước khắc phục. Bên cạnh đó, lực lượng Công an xã đã tích cực phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và các đơn vị liên quan tổ chức tuần tra các khu vực đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới. Nỗ lực tuyên truyền người dân các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó giúp người dân ở địa phương hiểu rõ và không vi phạm các quy định pháp luật như không săn bắt động vật hoang dã, khai thác lâm sản trái phép; không sử dụng các loại vũ khí tự chế, không vượt biên trái phép, đặc biệt là không mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy… để đảm bảo ANTT địa bàn.

3.jpg -0
Công an xã Hương Nguyên, huyện A Lưới tuần tra đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới và tuyên truyền pháp luật đến người dân.

Tương tự, khi được điều động lên xã miền núi Quảng Nhâm, huyện A Lưới đảm nhận công tác, Đại úy Huỳnh Văn Quang, Trưởng Công an xã Quảng Nhâm cùng các CBCS Công an xã đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, vất vả để bám cơ sở, học tiếng Tà Ôi, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân. Lực lượng Công an xã còn tích cực tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Nhờ thế tình hình ANTT ở Quảng Nhâm đã chuyển biến tích cực.

Ông Hồ Trọng Chăn, Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm khẳng định, sau khi sáp nhập địa bàn, toàn xã có hơn 1.000 hộ dân, trong đó 90% là người đồng bào dân tộc Tà Ôi và cuộc sống của người dân còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ khi có Công an chính quy về công tác tại xã, tình hình ANTT trên địa bàn được đảm bảo, số vụ việc người dân vi phạm pháp luật giảm đáng kể. Đặc biệt, trong thời gian cấp thẻ căn cước công dân, nhiều người dân có giấy tờ cá nhân bị sai sót đều được các CBCS Công an xã tận tình hướng dẫn giải quyết kịp thời. Nhờ thế nên bà con ở các thôn bản rất tin tưởng vào lực lượng Công an, cùng đoàn kết thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Đặc biệt năm nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên chương trình lễ hội Aza (Tết mừng cơm mới) của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao A Lưới được người dân tổ chức đơn giản, không tập trung đông người. Để thực hiện được điều này, trước đó lực lượng Công an xã Hương Nguyên, Công an xã Quảng Nhâm và Công an các xã ở huyện A Lưới đã đến tận từng nhà dân tuyên truyền, vận động người dân, giúp bà con hiểu rõ tác hại của dịch bệnh COVID-19. Lực lượng Công an xã còn tranh thủ sự giúp đỡ của các già làng, người có uy tín ở các thôn bản để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh của địa phương và ngành Y tế.

Trung tá Lại Phước Lợi, Trưởng Công an huyện A Lưới cho biết, dù còn nhiều khó khăn, song qua hơn 2 năm bám sát cơ sở, gắn bó với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, lực lượng Công an chính quy được tăng cường về làm nhiệm vụ tại 12 xã biên giới ở địa bàn A Lưới đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngoài "đi từng ngõ, gõ từng nhà" tuyên truyền pháp luật, phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, lực lượng Công an chính quy các xã còn tích cực vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch COVID-19; tận tình giúp đỡ, hỗ trợ người dân địa phương thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả để người dân cùng với lực lượng Công an chung sức giữ vững ANTT dọc tuyến biên giới Việt - Lào.

Khởi công xây dựng trụ sở làm việc thứ 2 cho Công an nước bạn Lào

Ngày 24/12, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức khởi công trụ sở làm việc thứ 2 cho Công an nước bạn Lào tại bản Sê Sáp (huyện Ka Lưm, tỉnh Sê Kông). Công trình có kết cấu nhà 1 tầng, diện tích xây dựng 67m2. Kinh phí do Bộ Công an, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và các nguồn hợp tác khác phối hợp hỗ trợ.

Trước đó, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế được Bộ Công an Việt Nam giao nhiệm vụ hỗ trợ, đầu tư xây dựng 3 trụ sở làm việc cho Công an các bản Sê Sáp thuộc huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông và bản Cô Tài thuộc huyện Sá Muội, tỉnh Salavan nước bạn Lào. Kinh phí thi công các trụ sở hơn 1,5 tỷ đồng. Đến nay, Công an Thừa Thiên-Huế đã khởi công xây dựng 2 trụ sở. Theo dự kiến, cả 3 trụ sở Công an nói trên sẽ được hoàn thành trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Việc xây dựng trụ sở làm việc Công an tại các bản giáp biên giới Việt-Lào không chỉ góp phần bảo đảm ANTT tại khu vực biên giới mà còn thể hiện tình cảm đặc biệt và sự chia ngọt sẻ bùi giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh Lào nói chung, giữa Công an Thừa Thiên-Huế và Sở An ninh 2 tỉnh Sê Kông và Salavan nói riêng, nhất là trong điều kiện Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Hải Lan

Anh Khoa
.
.