Chiến thắng của trí tuệ và lòng dũng cảm, không quản hy sinh

Thứ Hai, 09/09/2024, 05:26

Cứ vào mỗi mùa nước nổi của miền Tây, lực lượng An ninh lại nhớ về những năm tháng khó khăn, vất vả của đội chuyên án CM12 trong quá trình đấu tranh với Lê Quốc Tuý, Mai Văn Hạnh và bọn tay chân của chúng suốt những năm đất nước vừa giải phóng, còn thiếu thốn đủ bề. Mới đó mà cũng đã tròn 40 năm (9/9/1984-9/9/2024), ngày lực lượng An ninh nhân dân phá thành công chuyên án gián điệp lớn nhất từ trước đến nay.

Còn nhớ, sau đại thắng mùa xuân năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng; đất nước thống nhất, mở ra một kỷ nguyên mới: Độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ. Trong niềm vui to lớn của dân tộc, lực lượng An ninh nhân dân lại lập tức bước vào cuộc chiến đấu mới vô cùng khó khăn để ổn định và giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được sau 30 năm chiến đấu kiên cường của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Cũng chính trong thời gian này, bọn phản động lưu vong ở nước ngoài được các thế lực thù địch giúp sức, chỉ đạo đã ra sức vận động, thành lập các tổ chức phản động rồi móc nối với trong nước, thực hiện âm mưu “trong nổi dậy, ngoài đánh vào” hòng lật đổ chính quyền cách mạng.

Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, từ năm 1976, lực lượng An ninh đã có những tin tức về cuộc họp báo ra mắt cái gọi là “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng miền Nam Việt Nam” do Lê Quốc Tuý, Mai Văn Hạnh cầm đầu. Tiếp theo đó, cũng thông qua các biện pháp trinh sát, lực lượng An ninh Việt Nam đã phát hiện chúng tuyển mộ người từ các trại tỵ nạn ở Thái Lan, huấn luyện thành gián điệp biệt kích để xâm nhập về nước. Thực chất “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng miền Nam” là một tổ chức gián điệp do các thế lực thù địch chỉ đạo, tài trợ nhằm chống lại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

cm.jpg -0
Đại đội Cảnh sát đặc biệt đón bắt các toán của tổ chức tình báo gián điệp do Lê Quốc Tuý, Mai Văn Hạnh cầm đầu xâm nhập bằng đường biển vào huyện Trần Văn Thời.

Về Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh đều là những sỹ quan không quân của Nguỵ quyền Sài Gòn, sống lưu vong ở Pháp từ trước năm 1975, là tay sai của Trần Văn Hữu, Thủ tướng bù nhìn thời Pháp. Đầu năm 1975, Tuý, Hạnh và một số tay sai về nước vận động để Trần Văn Hữu về thay Thiệu khi Thiệu có nguy cơ bị sụp đổ.

Nhưng cuộc tổng tiến công thần tốc của quân và dân ta làm cho chúng không thực hiện được ý đồ đó. Vốn thâm thù cách mạng, Tuý, Hạnh ở lại đến tháng 7/1975 để móc nối với các phần tử phản cách mạng, bàn chương trình, phối hợp hành động lật đổ chính quyền cách mạng.

Sau khi móc nối và được các thế lực thù địch tài trợ, chỉ đạo, Tuý, Hạnh sử dụng đất Thái Lan làm bàn đạp, phát triển lực lượng, tiếp nhận vũ khí, phương tiện hoạt động và từng bước thực hiện mục đích đen tối của chúng. Với bản chất bảo thủ và ngoan cố, chúng đặt ra mục tiêu tiến hành phá hoại bằng nhiều hướng và trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế – văn hoá - xã hội – quân sự – ngoại giao… hòng làm đất nước ta suy yếu, kích động, gây rối, gây bạo loạn lật đổ chế độ để dễ bề thôn tính đất nước ta.

Đánh giá âm mưu chiến lược và ý đồ hoạt động của kẻ thù, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết vạch rõ âm mưu phá hoại của kẻ thù, đề ra những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược quy mô lớn. Trong đó, lực lượng CAND, đặc biệt là lực lượng An ninh nhân dân giữ một vai trò vô cùng to lớn.

Trước tình hình thực tế lúc bấy giờ và được sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, CBCS Công an đã tìm mọi cách, đấu mưu, đọ trí với địch, vận dụng tất cả những điều kiện và khả năng về nghiệp vụ chuyên môn và tài thao lược để đánh tan cái gọi là “chiến tranh gián điệp” mà bọn địch đang điên cuồng thực hiện. Trong suốt quá trình từ 9/9/1981 đến 9/9/1984, từ chỗ đối phó bị động trong chuyến xâm nhập đầu tiên của địch vào Rạch Giá, ta đã giành thế chủ động hoàn toàn và bắt gọn toàn bộ các nhóm xâm nhập người, vũ khí, phương tiện, tiền giả… không để một tên gián điệp, một đồng tiền giả lọt ra ngoài.

Kết thúc chuyên án, chúng ta đã thu được những kết quả to lớn: Ta đã bắt và diệt 146 tên gián điệp biệt kích xâm nhập, trong đó có 2 trong 3 tên cầm đầu của tổ chức gián điệp (Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá), thu nhiều tài liệu, 143 tấn vũ khí (trong đó có 3.697 khẩu súng, 90 tấn đạn, 1.200kg thuốc nổ), 16 điện đài, 10 tấn tiền giả trị giá hơn 300 triệu đồng, 2 tàu xâm nhập. Chúng ta đã khám phá 7 tổ chức thuộc hệ thống tổ chức của Lê Quốc Tuý xây dựng hoặc móc nối từ 1975 đến 1984 trong nội địa gồm 2.126 tên, bắt 1.018 tên. Đặc biệt trong đó có 2 tổ chức dựa vào 2 tôn giáo Cao Đài và Hoà Hảo để hoạt động. Ta đã có đủ chứng cứ để buộc tên Hồ Tấn Khoa, Bảo đại Cao đài Tây Ninh phải thú nhận, hiện nguyên hình 1 tên gián điệp tay sai cho Pháp, Nhật rồi đến Mỹ, đã lập hồ sơ đưa ra truy tố trước toà án các tỉnh gồm 200 tên hoạt động phản cách mạng.

Như vậy, thắng lợi của kế hoạch CM12 được thể hiện bằng những quy mô to lớn về thời gian (đã kéo dài 4 năm), về không gian (trên địa bàn rất rộng), về hiệu quả (bắt diệt số lượng gián điệp biệt kích xâm nhập, thu số lượng vũ khí rất lớn, bóc gỡ và trấn áp số tổ chức địch mai phục lâu dài trong nội địa) và xứng đáng như lời cố Bộ trưởng Phạm Hùng đã phân tích “thắng lợi vừa qua là to lớn, toàn diện cả về quân sự, chính trị, kinh tế, an ninh… thắng lợi đã vang dội cả trong nước và trên thế giới”.

Thắng lợi này có được phải kể đến vai trò của công tác lãnh đạo chỉ huy. Người lãnh đạo cao nhất, đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã xác định được phương hướng chiến lược, vạch ra đối tượng, kiên định hướng đấu tranh của kế hoạch CM12 và thường xuyên theo dõi tỉ mỉ các diễn biến của từng chiến dịch, cùng Ban chỉ huy chỉ đạo kế hoạch đến thắng lợi cuối cùng. Đồng chí Phạm Hùng còn là người rất gần gũi các trinh sát, người dám chịu trách nhiệm và chịu đảm bảo cho Ban chuyên án khi gặp những khó khăn, thách thức về chủ trương, biện pháp đối phó với địch, về tài chính và phương tiện hậu cần phục vụ chiến đấu. Từ sự lãnh đạo sâu sát đó, kế hoạch CM12 đã huy động được lực lượng cần thiết ở các địa phương tham gia vào kế hoạch một cách thiết thực, không sa vào hình thức chủ nghĩa, đã thật sự trở thành phong trào “quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Chúng ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng gồm: Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng trên các tuyến biển và biên giới, toà án, kiểm sát, ngoại giao… và đông đảo quần chúng nhân dân vào cuộc đấu tranh đánh bại mọi hoạt động của địch. Về công tác nghiệp vụ Công an, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Bộ Công an, Ban chỉ huy đã phối hợp và linh hoạt sử dụng một cách phù hợp và hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ trong mỗi tình huống cụ thể. Sự trí tuệ, tài tình của lực lượng An ninh lúc bấy giờ còn thể hiện ở chỗ biết “lấy yếu thắng mạnh”. Hoàn cảnh đất nước ta thời gian đó đang trong lúc khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, phương tiện và vũ khí chiến đấu của lực lượng Công an còn thô sơ và lạc hậu so với sự trang bị hiện đại và đầy đủ của địch. Tuy nhiên với ý chí và tài thao lược, chúng ta đã chiến thắng trên mọi lĩnh vực và thu về một số lượng vũ khí, khí tài lớn cho ngành.

Đồng thời, chúng ta cũng phải nói đến tinh thần gan dạ, kiên cường, sự dũng cảm, sẵn sàng hy sinh, kể cả tính mạng bản thân của lực lượng CAND nói chung và đội chuyên án nói riêng trong quá trình đấu tranh với bọn gián điệp biệt kích. Những khó khăn, vất vả về điều kiện vật chất cũng như những thách thức về tinh thần đã không làm nản lòng những CBCS An ninh. Đặc biệt có những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” đòi hỏi người chiến sĩ phải chủ động, dám làm, dám chịu trách nhiệm và biết vượt qua chính mình để đặt công việc lên trên hết mới có được những thắng lợi chung của cả kế hoạch. Và không thể không nhắc đến vai trò to lớn của quần chúng nhân dân là điểm tựa vững chắc, là nhân tố mang tính quyết định của chiến thắng bằng sự tham gia, cộng tác, hỗ trợ cả về tinh thần, vật chất và con người của nhân dân. Chính quần chúng nhân dân là tai mắt, là thiên la địa võng trong mỗi chuyến đón bắt của lực lượng An ninh. Và cũng chính bằng những “vai đóng” quần chúng nhân dân mà lực lượng An ninh đã “tương kế, tựu kế” để xây dựng lòng tin của địch trong ròng rã 4 năm trời.

Năm nay, vừa tròn 40 năm (9/9/1984-9/9/2024), kỷ niệm ngày phá thành công Chuyên án CM12 và lực lượng CAND chuẩn bị kỷ niệm 80 năm thành lập, chúng ta cùng nhau ôn lại những bài học kinh nghiệm quý báu, từ đó giúp cho lực lượng CAND nói chung, lực lượng An ninh nhân dân nói riêng từng bước trưởng thành, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia.

Nguyễn Hồng Hạnh
.
.