Cây bồ kết ở Ngã ba Đồng Lộc
Tháng bảy - như là lời hẹn ước với Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), hàng năm, dòng người khắp mọi miền của Tổ quốc đều hướng về “tọa độ chết” với lòng biết ơn sâu sắc về sự hy sinh cao cả 10 nữ TNXP và các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập, tự do…
Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc…
“… Cần gì ư? Lời ai hỏi trong chiều
Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang”.
Là những lời thơ mộc mạc, lay động lòng trong bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng. Bài thơ được viết vào năm 1995, sau một lần nhà thơ viếng 10 nữ liệt sĩ TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc. Lời thỉnh cầu giản dị ấy như nói hộ tâm linh 10 nữ liệt sĩ gắn với thói quen gội đầu bằng bồ kết của những người nữ thanh niên xung phong ngày ấy.
Lùi về quá khứ, Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Hồ Chí Minh, giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 đoạn qua Hà Tĩnh, là huyết mạch quan trọng giao thông chi viện sức người, sức của từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Từ những năm 1964 -1972, nơi đây bị giặc Mỹ đánh phá liên tục, đỉnh điểm nhất từ tháng 4 đến tháng 10/1968, Ngã ba Đồng Lộc phải hứng chịu gần 1.900 lượt ném bom, với hơn 50.000 quả bom các loại. Bom trút xuống như mưa, mặt đất biến dạng, những hố bom toang hoác khắp nơi.
Để người dân có thể trụ nổi tại mảnh đất khói lửa mù trời này, là một điều gần như không thể, vậy mà ngày cũng như đêm vẫn có hàng nghìn, hàng vạn chiến sĩ, bộ đội, công an, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, người dân địa phương làm nhiệm vụ để đảm bảo thông tuyến cho xe đi qua, tất cả vì tiền tuyến thân yêu, vì miền Nam ruột thịt. Khẩu hiểu nơi đây: “Tim có thể ngừng đập nhưng đường phải thông”, “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Đường chưa thông không tiếc xương, tiếc máu” đã trở thành kim chỉ Nam, ngọn lửa soi sáng cho lý tưởng, phương châm sống và chiến đấu của các lực lượng lúc bấy giờ.
Đặc biệt, trưa 24/7/1968, Tiểu đội 4 - TNXP thuộc Đại đội 2, Tổng đội 55 gồm 10 cô gái được giao nhiệm vụ san lấp hố bom và sửa đường để thông xe sau các đợt ném bom của máy bay địch. Chiều cùng ngày, trận bom thứ 15 dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi trúng cửa hầm nơi các nữ TNXP trú ẩn khiến hầm sập, tất cả 10 cô gái đều hi sinh, người trẻ nhất mới 17 tuổi, chị lớn nhất 24 tuổi.
“Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc”, nơi đây hàng nghìn bộ đội, TNXP, công nhân giao thông, lái xe, dân quân du kích... đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để thông đường, thông xe ra tiền tuyến, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và làm nên huyền thoại về Ngã ba Đồng Lộc.
Người đồng đội năm xưa…
Ba năm sau, bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” được giới thiệu trong một tuyển tập thơ về Ngã ba Đồng Lộc, nhân kỷ niệm 30 năm ngày các chị hy sinh (24/7/1968). Khi đó, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Tiến Tuẫn, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, nguyên Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông Đồng Lộc đã đọc bài thơ này. Người đồng đội cũ của các chị rất xúc động và đã về Hương Sơn tìm 2 cây bồ kết mang đến trồng tại Nghĩa trang Đồng Lộc. Khi nghĩa trang được mở rộng, Đại tá Nguyễn Tiến Tuẫn đã xin phép Ban Quản lý nghĩa trang và nhà thơ Vương Trọng cho khắc lên đá bài thơ trên và đặt dưới bóng cây bồ kết, gần nơi các chị yên giấc nghìn thu.
Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Tiến Tuẫn, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ Tĩnh, rồi Giám đốc Công an Hà Tĩnh, cũng là một trong những tên tuổi đã góp phần làm nên chiến tích Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại.
Là Thượng sĩ, tổ trưởng tổ Cảnh sát trật tự giao thông Đồng Lộc, thuộc Ty Công an Hà Tĩnh, từ năm 1965 đã được phân công nhiệm vụ giữ trật tự giao thông ở bến phà Cầu Phủ và Ngã ba Đồng Lộc. Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt ấy, tại chiến trường Đồng Lộc, Ty Công an Hà Tĩnh đã bố trí 1 Tiểu đội Cảnh sát giao thông gồm 11 đồng chí do đồng chí Thượng sĩ Nguyễn Tiến Tuẫn làm Tiểu đội trưởng được giao nhiệm vụ bảo vệ trật tự an toàn giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc.
Với địa bàn dài 15 km, từ cống số 19 đến Khe Út, địa hình nhiều đồi núi trọc, cầu cống và truông lầy không thuận tiện cho việc ẩn nấp, điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Tiểu đội Cảnh sát giao thông Ngã ba Đồng Lộc luôn luôn bám sát địa bàn chiến đấu, dũng cảm, mưu trí, không sợ hy sinh, phối hợp với các lực lượng công binh, giao thông, lái xe, TNXP bảo đảm tốt trật tự, an toàn giao thông.
Đồng chí Nguyễn Tiến Tuẫn đã tham gia chiến đấu hàng trăm trận, trực tiếp lao vào lửa đạn, cứu người, cứu hàng, bảo vệ tài sản, phát hiện 30 trường hợp nghi vấn người lạ mặt, kẻ gian, đào ngũ, lạc ngũ; trực tiếp bắt 5 vụ cắt lốp xe ôtô kéo pháo, trộm gạo, buôn lậu và cứu 15 người bị thương. Với thành tích hai lần được "truy điệu sống" ở Ngã ba Đồng Lộc, đồng chí Nguyễn Tiến Tuẫn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào năm 1970, khi vừa tròn 28 tuổi.
Trở về đời thường, “chất” Anh hùng tiếp tục được phát huy, khi ở các cương vị là Trưởng Công an thị xã Hà Tĩnh, Công an huyện Hương Sơn, Công an tỉnh Nghệ Tĩnh rồi Công an tỉnh Hà Tĩnh, tên tuổi của người Anh hùng này gắn liền với việc xử lý các “điểm nóng” nhức nhối lúc bấy giờ như vụ việc mâu thuẫn diễn ra từ chính trong nội bộ, sau đó nổi dậy gây rối trật tự trị an ở hai xã Tào Sơn và Ngọc Sơn, huyện Anh Sơn, vụ tranh chấp đá đỏ ở Quỳ Châu (Nghệ An); vụ “đồng đen” ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Trung Lương ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh)… Đến nay, không chỉ là huyền thoại của Ngã ba Đồng Lộc, Anh hùng Nguyễn Tiến Tuẫn còn là biểu tượng, là niềm tự hào, lòng thành kính của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hà Tĩnh qua các thời kỳ bởi không chỉ sự mưu trí, quyết đoán trong công việc mà còn thể hiện ở lối sống giản dị, chân tình, cởi mở với mọi người, thương yêu chia sẻ với đồng đội, đồng chí, bạn bè.
Vĩ thanh
Chiến tranh là khốc liệt, là gian khổ, hy sinh. Nhắc nhớ điều đó để mỗi chúng ta biết nâng niu, trân trọng hơn giá trị của hòa bình ngày hôm nay. Đọc bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng giữa những ngày tháng 7 đầy ý nghĩa này. Khi lời thỉnh cầu đã trở thành hiện thực, khi người đồng đội cũ của các chị đã trồng 2 cây bồ kết xanh tươi. Và, khi viếng mộ 10 nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc, mọi người đều thấy đâu đây hương bồ kết dịu dàng, vương vấn, như lời tri ân, lời tưởng nhớ thành kính hướng về các chị. Những người đã dệt nên bản hùng ca bất tử của dân tộc, những vầng mây ấm áp, dịu dàng, đang phiêu diêu giữa mênh mang trời xanh Can Lộc…
55 năm sau ngày chiến thắng Đồng Lộc, nắng vàng chiếu xuyên qua những tán lá cây bồ kết nơi khu mộ 10 nữ TNXP. Thi thoảng, những chiếc lá nhỏ rơi nhẹ lên những ngôi mộ trắng. Đâu đây, mùi tóc còn vương bồ kết của những cô gái TNXP trên đường ra trận vẫn thoang thoảng, dịu dàng vương vấn một góc trời Đồng Lộc. Để rồi tháng 7, về với Đồng Lộc, thắp một nén hương thơm để nhớ về 10 nữ TNXP, nhớ về Tiểu đội trưởng Tiểu đội Cảnh sát giao thông Nga ba Đồng Lộc, nhớ về những người con ưu tú không tiếc máu xương, dâng hiến tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc … để “hương chia đều trong hư ảo khói nhang”…