Cảnh sát cơ động Công an Bình Phước: Quyết chí lập công, tô thắm truyền thống
Phòng Cảnh sát bảo vệ (CSBV), nay là Cảnh sát cơ động (CSCĐ) được thành lập và đi vào hoạt động cùng với lực lượng Công an tỉnh Bình Phước vào ngày 1/1/1997. Từ đó đến nay, theo từng giai đoạn, đơn vị đã có 4 lần thay đổi tên gọi.
Mặc dù vậy, với truyền thống của lực lượng “Lá chắn thép”, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã vững vàng ý chí vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kể cả hiểm nguy để lập nhiều chiến công trong đấu tranh, trấn áp tội phạm, góp phần hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh.
Thượng tá Văn Quang Hiển, nguyên Phó Trưởng phòng và Trưởng Phòng CSBV giai đoạn 1997 - 2003 chia sẻ, những ngày đầu năm 1997, quân số chỉ vỏn vẹn 63 cán bộ, chiến sĩ, trong đó chỉ có 28 cán bộ biên chế và 35 chiến sĩ nghĩa vụ. Nơi đóng quân, ăn, ở, sinh hoạt cũng rất tạm bợ, thiếu thốn. Phương tiện phục vụ công tác gồm 2 đầu xe ôtô U-oát và xe trung đội, trang bị vũ khí, thiết bị và công cụ hỗ trợ cũng rất ít.
Đơn vị phải đảm nhiệm và thực hiện chức năng bảo vệ an toàn các mục tiêu là Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Đài Phát thanh truyền hình, đồng thời thực thi nhiệm vụ tuần tra vũ trang để giữ gìn ANTT, bảo vệ các sự kiện lớn của tỉnh, bảo vệ các phiên tòa xét xử, thi hành án hình sự, bảo vệ các cuộc cưỡng chế thi hành án dân sự, bảo vệ các quyết định cưỡng chế của UBND tỉnh và UBND các huyện.
Sự kiện đáng nhớ đầu tiên là đơn vị phải chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối Đoàn công tác của Bộ Công an do Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Minh Hương dẫn đầu đến thăm và làm việc tại Công an tỉnh Bình Phước vào ngày 15/8/1997. Nhờ có sự chuẩn bị và tập luyện kỹ lưỡng các phương án, Phòng CSBV đã cùng với các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh hoàn thành tốt nghi lễ đón và bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đoàn công tác.
Thời điểm này, dòng người di cư tự do từ các địa phương khác đến lập nghiệp tại tỉnh Bình Phước tăng mạnh. Tình hình lấn chiếm, tranh chấp đất đai diễn ra khá phức tạp, nhất là tình trạng lấn chiếm đất tại các nông, lâm trường. Chính quyền địa phương phải tổ chức nhiều đợt cưỡng chế thu hồi đất cho nhà nước. Phòng CSBV được huy động làm nhiệm vụ giữ gìn ANTT, bảo vệ an toàn cho các thành viên thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế. Cương quyết nhưng mềm dẻo, linh hoạt trong công tác, cán bộ, chiến sĩ tham gia các đoàn cưỡng chế đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đơn vị còn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các phiên tòa xử án lưu động và thi hành án tử hình đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào giai đoạn này. Mỗi phiên tòa hay vụ thi hành án lưu động đều có hàng trăm người tụ tập, chen lấn, xô đẩy để theo dõi nên nguy cơ gây mất ANTT rất cao. Tuy nhiên, cán bộ, chiến sĩ CSBV đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Một trong những sự kiện đáng nhớ khác của thời kỳ này là Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chung và khánh thành Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế Hoa Lư vào ngày 20/3/2010. Đây là sự kiện chính trị lớn của tỉnh Bình Phước, có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng với Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Hoàng gia Campuchia Men Sam On đến dự và cắt băng khánh thành. Phòng CSCĐ, BV&HTTP đã huy động tổng lực, phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ của Công an tỉnh và Quân đội chủ động tổ chức triển khai thực hiện các phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn về mọi mặt trong suốt khoảng thời gian trước, trong và sau khi diễn ra buổi lễ quan trọng này.
Hai tháng sau (tháng 5/2010), Phòng CSCĐ, BV&HTTP nhận lệnh của cấp trên triển khai lực lượng bảo vệ các bãi gỗ và số gỗ thu gom gần 2.000m3 tại 2 xã Đắk Nhau và Đường 10, huyện Bù Đăng để phục vụ công tác điều tra. Số gỗ này được cất giấu rải rác ở hàng chục điểm trong các vườn cây của người dân. Đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo vệ thu gom toàn bộ số gỗ và bán đấu giá thu về cho ngân sách nhà nước hơn 6,3 tỷ đồng sau khi hoàn tất công tác điều tra, xử lý.
Với sự hiện diện của CSCĐ, mọi đối tượng cộm cán, liều lĩnh, manh động đều bị trấn áp, triệt tiêu khả năng chống trả. Điển hình như vụ tổ chức bắt 2 đối tượng Nguyễn Thế Viên và Lê Minh Trực trong vụ án tàng trữ, mua bán ma túy tại huyện Đồng Phú. Mặc dù 2 đối tượng chuẩn bị nhiều hung khí như dao, kiếm và súng để chống trả nhưng đã bị CSCĐ khống chế bắt giữ an toàn và thu giữ tang vật là 2,1kg ma túy tổng hợp. Vụ phối hợp trấn áp, bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Kim Yến tàng trữ hơn 1,3kg ma túy tổng hợp tại xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng ngày 2/9/2021 cũng thu giữ được 1 khẩu súng Rulo và 6 viên đạn.
Vụ trấn áp, bắt giữ nhóm buôn bán ma túy xuyên quốc gia tại thị xã Bình Long, lực lượng CSCĐ đã bảo vệ an toàn Ban Chuyên án và chặn bắt thành công 4 đối tượng vận chuyển ma túy bằng xe ôtô, trong đó có 1 người Campuchia, thu giữ 32kg ma túy các loại và 2 khẩu súng cùng 5 viên đạn. Nhóm đối tượng bị bắt trong chuyên án này đều là những đối tượng hình sự cộm cán, từng trực tiếp dùng súng bắn nhau để thanh toán băng nhóm tại phường An Lộc, thị xã Bình Long…