Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (12/7/1946 - 12/7/2022)

Bản lĩnh của lực lượng an ninh trong thời kỳ 4.0

Thứ Ba, 12/07/2022, 07:37

Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, lực lượng An ninh nhân dân luôn là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống phản cách mạng, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bởi vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người chiến sĩ an ninh trên các mặt trận cũng phải tinh thông về nghiệp vụ, có năng lực toàn diện, tư duy chiến lược, chiến thuật sắc sảo, tác phong chuyên nghiệp và làm chủ được trang thiết bị.

Trong thời đại 4.0, khi mà đối tượng triệt để sử dụng không gian mạng làm “mặt trận” mới, lực lượng An ninh ngoài yêu cầu về chính trị, đạo đức, còn phải làm chủ công nghệ để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm, đảm bảo an ninh quốc gia.

Đã 76 năm kể từ khi vụ án Ôn Như Hầu, chiến công mang dấu ấn lịch sử của lực lượng An ninh (ngày 12/7/1946) đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng CAND nói chung, lực lượng An ninh nhân dân nói riêng đã có những đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến khó lường; lợi dụng chính sách đổi mới, mở cửa hội nhập của Đảng, Nhà nước ta, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước tăng cường các hoạt động chống phá. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện của Đảng, trực tiếp là Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng An ninh nhân dân đã quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia cả trong nhận thức và hành động; tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, kịp thời phát hiện, đập tan nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hoà bình, phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước.

unnamed.jpg -0
Cán bộ Cục An ninh nội địa giúp đỡ người dân vùng tâm dịch TP Hồ Chí Minh, thời điểm bùng phát dịch COVID-19 (năm 2021).

Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của lực lượng CAND đã nêu rõ: Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lực lượng CAND đã thực hiện tốt chức năng tham mưu; triển khai quyết liệt, đồng bộ các kế hoạch, giải pháp bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị xã hội, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước…

Đã triển khai các kế hoạch, biện pháp công tác nghiệp vụ, bảo đảm an ninh, an toàn nhiều sự kiện chính trị xã hội quan trọng; đấu tranh làm thất bại âm mưu, ý đồ chống phá của các thế lực thù địch, phản động, giữ vững an ninh quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước.

Nổi bật, đã triển khai bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31; triển khai hiệu quả phương án phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động lợi dụng tình hình thế giới để gây rối an ninh, trật tự; chủ động, tích cực phối hợp triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19… Làm tốt công tác bảo đảm an ninh trên các lĩnh vực an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng, an ninh xã hội…

Thấm nhuần lợi dạy của Bác: “Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”, cán bộ chiến sĩ An ninh đã mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, quyết đoán và khôn khéo làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch. Trong suốt chặng đường đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ quốc, lực lượng An ninh nhân dân phải đương đầu với nhiều thế lực thù địch có tiềm lực kinh tế mạnh, trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến với âm mưu và thủ đoạn vô cùng thâm độc. Trong tình cảnh đó, trên mỗi lĩnh vực, lực lượng An ninh đều đã có những đóng góp quan trọng.

Lực lượng An ninh nội địa đã chủ động phối hợp; hiệp đồng chặt chẽ với Công an các đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm; nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, triển khai toàn diện các mặt công tác đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đảm bảo an ninh nội địa; không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập. Cùng với đó, đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước, Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an các chủ trương, giải pháp mang tính chiến lược; thể hiện vai trò đầu tàu trong việc hướng dẫn hệ lực lượng An ninh nội địa triển khai thực hiện chủ trương, giải pháp giải quyết, xử lý các vấn đề nổi cộm, phức tạp trên lĩnh vực an ninh nội địa; góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn các sự kiện chính trị, văn hoá quan trọng của đất nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Cục An ninh kinh tế đã bám sát chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, thực hiện có hiệu quả chức năng tham mưu; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, đơn vị, địa phương, phát huy vai trò của toàn lực lượng An ninh kinh tế; triển khai quyết liệt, đồng bộ và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ bảo vệ vững chắc an ninh kinh tế, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động nghiệp vụ có sự chuyển biến và đạt hiệu quả tích cực. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kết nối trong hệ lực lượng An ninh kinh tế toàn quốc được nâng cao; nhiều mặt công tác đã đạt, vượt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, nhiều vấn đề mới, bất cập của nền kinh tế đã được Cục An ninh kinh tế chủ động phát hiện, tham mưu lãnh đạo Bộ có 47 báo cáo lên Trung ương Đảng, Chính phủ; kịp thời kiến nghị, đề xuất các chủ trương, giải pháp bảo đảm an ninh kinh tế, lợi ích, an ninh quốc gia, góp phần phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đã được lãnh đạo Đảng, Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp thu thực hiện. Cục An ninh kinh tế đồng thời đã có nhiều đề xuất với Đảng, Nhà nước, kiến nghị các bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế chính sách, sửa đổi quy định pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, khắc phục sơ hở, thiếu sót; kịp thời làm rõ, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến an ninh kinh tế.

Học tập và thấm nhuần lời Bác dạy: “Đối với công việc phải tận tụy”, cán bộ, chiến sĩ An ninh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm. Điều đó được thể hiện bằng những công việc hằng ngày. Dù đảm nhận công việc gì, lĩnh vực công tác như thế nào, cán bộ An ninh cũng sẵn sàng cống hiến. Cùng với đó là việc không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ, đápứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tội phạm trong thời kỳ 4.0.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch tăng cường chống phá, cán bộ, chiến sĩ lực lượng An ninh vẫn thể hiện tinh thần cương quyết đấu tranh với tội phạm, không để xảy ra bạo loạn, khủng bố, phá hoại, không để hình thành, công khai các tổ chức chính trị đối lập trong nước và vận dụng “khôn khéo, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Trong đó, có việc không ngừng học tập để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin để không bị "bỏ lại phía sau".

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) với sự phát triển bùng nổ của mạng Internet đã tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển kinh tế, hội nhập với thế giới. Cùng với đó, cũng là cơ hội để các đối tượng lợi dụng thực hiện các hoạt động chống phá trên mặt trận tư tưởng, chính trị với phương thức ngày càng tinh vi hơn.

Trên mặt trận tư tưởng, chúng đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hoà bình”, lợi dụng mạng xã hội để truyền bá những quan đểm sai trái, tung tin bịa đặt, xuyên tạc với quy mô rộng, mức độ ngày càng mạnh nhằm tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; lợi dụng sự phát triển của các phần mềm, công cụ hỗ trợ trực tuyến như zoom, zalo, viber…, để gia tăng các hoạt động tuyển lựa nhằm củng cố, mở rộng tổ chức.

Trong công tác bảo vệ an ninh nội địa, trong khi tuyệt đại đa số nhân dân đồng thuận cao với các chủ trương, biện pháp, phòng, chống dịch COVID-19; đảm bảo an sinh xã hội; định hướng phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước thì một số đối tượng phản động ở bên ngoài lại lợi dụng không gian mạng để đưa ra những thông tin trái chiều, sai sự thật về tình hình cũng như kết quả công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước Việt Nam trên mạng xã hội, gây tâm lý hoang mang, bức xúc của một bộ phận nhân dân…

Các đối tượng phản động nội địa, cơ hội chính trị, chống đối tiếp tục thực hiện chiến dịch tuyên truyền, xuyên tạc trên không gian mạng; soạn thảo, tán phát hàng trăm thông tin, bài viết với luận điệu chống phá, phủ nhận thành quả công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước. Hoạt động sử dụng Intenet chống Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch và đối tượng xấu diễn ra ngày một tinh vi, nguy hiểm.

Mỗi mặt trận đấu tranh của lực lượng An ninh vì thế càng trở nên khó khăn hơn. Điều đó, đòi hỏi mỗi cán bộ An ninh phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật và những kỹ năng mềm để tiếp cận và hội nhập với thế giới. Mỗi cán bộ phải nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, sự nhạy bén về chính trị, nghiệp vụ, tích cực phát hiện và đấu tranh với tội phạm sử dụng mạng Internet xâm phạm an ninh quốc gia, góp phần làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, phản động.

Xuân Mai
.
.