“Ba cùng” để phục vụ nhân dân tốt hơn
Những chuyến đi thực tế chính trị xã hội, đưa sinh viên về bám cơ sở, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân nhiều năm qua có thể coi là phương pháp giáo dục độc đáo của các trường CAND khi gắn “học với hành”. Mục đích của việc đưa học viên xuống địa bàn cơ sở nhằm củng cố nhận thức của học viên, giúp các em có điều kiện đối chiếu giữa kiến thức đã học với tình hình thực tế ở địa phương, bước đầu làm quen với công tác dân vận.
Và những chuyến “ba cùng” này còn mang ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc, góp phần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và chính quyền địa phương, xây dựng và lan toả hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân.
Trưởng thành hơn từ những chuyến “ba cùng”
Học viên Dương Lê Thu Thảo, Lớp B3, D11, Trường Đại học Kỹ thuật-Hậu cần CAND chia sẻ: “Đợt thực tế chính trị xã hội tại xã Đông Hội, Đông Anh (Hà Nội) là chuyến đi đầu tiên của em sau 2 năm học tập tại trường. Trước chuyến đi này, em rất háo hức và đến thời điểm này, có thể nói đây là một chuyến đi nhiều trải nghiệm quý báu và đáng nhớ trong đời, giúp em trưởng thành hơn trong cuộc sống".
Thảo cho biết, em được phân công ở nhà cụ Thái, năm nay cụ đã ngoài 70 tuổi. Nhà cụ Thái neo người, chỉ có cụ và 1 người con gái góa chồng cùng 2 cháu ngoại. Con gái cụ Thái làm công nhân nên sáng đi sớm, tối mới về nhà. Hàng ngày, ngoài các hoạt động lao động tập thể, Thảo còn giúp cụ Thái làm việc nhà như nấu ăn, quét nhà, dọn dẹp vườn tược, tưới cây, nhổ cỏ… và hướng dẫn các em nhỏ học bài. Cụ Thái là người nhẹ nhàng, tình cảm nên các buổi tối trong ngày thường là quãng thời gian để cả nhà quây quần, trò chuyện với nhau. Sự gần gũi, yêu thương của cụ và tất cả các thành viên trong gia đình cụ Thái khiến Thảo cảm thấy đây như là nhà mình. “Ba tuần trôi qua rất nhanh. Trong thời gian này, ngoài việc được học cách chia sẻ, yêu thương, em còn được trải nghiệm những công việc mà trước đây em chưa có cơ hội được làm như nhổ lạc, cấy lúa... Vui hơn nữa là không chỉ gia đình cụ Thái mà tất cả bà con trong làng đều thân thiện, đối xử với chúng em như con cháu trong nhà. Những tình cảm ấm áp này giúp chúng em hiểu sâu sắc hơn về giá trị của lao động, của tình làng nghĩa xóm và cội nguồn sức mạnh từ nhân dân, giúp chúng em trưởng thành hơn trong cuộc sống và công tác sau này”, Thảo chia sẻ.
Trở về từ đợt thực tế chính trị xã hội tại phường Tam Phước, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, em Nguyễn Minh Nhựt, học viên lớp C9, K53, Trường Cao đẳng ANND I cho biết, trong thời gian thực tế, em và các bạn đã làm nhiều công việc bổ ích, đúng nghĩa “ba cùng với dân”. Đó là sinh hoạt với người dân như những người trong gia đình, cùng Đoàn Thanh niên nhà trường tặng quà thăm hỏi gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, dọn dẹp đường sá, nhà văn hóa, nghĩa trang, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; tham gia công tác dân vận thông qua các phong trào vận động nhân dân tham gia bảo vệ An ninh Tổ quốc, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; tham gia các buổi tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường cho học sinh tại địa bàn. Thông qua những hoạt động thiết thực này đã góp phần để người dân hiểu rõ hơn về vai trò, trách nhiệm, tinh thần vì nhân dân phục vụ của lực lượng Công an, để từ đó dân tin yêu và giúp đỡ lực lượng Công an nhiều hơn, xây dựng và vun đắp thêm nhiều tình cảm tốt đẹp của người chiến sĩ CAND trong lòng nhân dân.
Có một kỷ niệm mà Nhựt nhớ mãi trong đợt thực tế “ba cùng” là trong thời gian dọn dẹp vệ sinh khu vực xung quanh nhà ở của các hộ dân thuộc khu phố Long Khánh 2, phường Tam Phước, em đã nhặt được một chiếc nhẫn vàng hơn 3 chỉ. Không một chút chần chừ, em đã giao cho thầy chủ nhiệm để tìm và trao trả lại cho người đánh rơi. Nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương để xác minh tìm lại chủ nhân chiếc nhẫn thì được biết đây là tài sản của chú Nguyễn Minh Thành, người dân trong xóm đã đánh rơi trước đó. Nhận lại tài sản, chú Thành rất xúc động và cảm kích. Trước hành động đẹp "nhặt được của rơi, trả người đánh mất", ngày 19/8/2022, UBND phường Tam Phước đã tặng Giấy khen Gương sáng "người tốt, việc tốt" cho Minh Nhựt.
Những trải nghiệm quý giá, được dân tin yêu
Có thể nói rằng, những chuyến “ba cùng” về với nhân dân không chỉ mang về cho các học viên những kỷ niệm, kỹ năng cần thiết mà còn là cơ hội để thắt chặt, lan toả hình ảnh đẹp về người chiến sĩ CAND trong lòng dân. Qua các đợt thực tập chính trị xã hội, học viên các khóa học đã đóng góp hàng trăm nghìn ngày công lao động, giúp đỡ nhân dân tu bổ hàng nghìn kilômét đường nông thôn, hệ thống mương máng thủy lợi, đường làng ngõ xóm; giúp nhân dân gặt lúa, tu sửa nhà ở, vệ sinh môi trường tại các nghĩa trang, các công trình văn hóa ở địa phương. Học viên các trường CAND cũng đã tham gia thực hiện các hoạt động thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa. Nổi bật như Học viện CSND đã xây tặng 47 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình có công với cách mạng; xây tặng 1 công trình nước sạch cho trường mẫu giáo Quế Cường, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; làm mới 2,5km đường giao thông nông thôn, 2.000m2 sân bê tông cho các nhà văn hóa các xã, thôn, nơi sinh viên đóng quân; tặng trên 50.000 phần quà bằng tiền và hiện vật cho chính quyền địa phương, các gia đình chính sách, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và học sinh nghèo. Học viện ANND tham gia hỗ trợ xây dựng 600 ngôi nhà cho các hộ nghèo, khó khăn tại địa bàn huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa; tặng hàng nghìn phần quà cho gia đình người có công, học sinh nghèo học giỏi, các gia đình khó khăn. Học viên Trường Cao đẳng ANND I và Cao đẳng CSND I cũng đã đóng góp hơn 10.000 ngày công giúp bà con các xã nạo vét, làm sạch hàng chục kilômét kênh mương; dọn dẹp hàng chục kilômét đường làng, ngõ xóm; dỡ và thay ngói mới cho các ngôi nhà bị dột nát tại huyện Nho Quan và Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình trong đợt thực tập chính trị xã hội năm 2022…
Đại úy Khuất Thị Vang, giảng viên Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Kỹ thuật-Hậu cần CAND chia sẻ: Không chỉ học viên mà ngay chính các giảng viên trẻ cũng rất hào hứng với hoạt động thực tế chính trị xã hội, nhất là sau một thời gian dài hoạt động này bị gián đoạn do COVID-19. Những chuyến “ba cùng” giúp giảng viên có thêm nhiều kiến thức thực tế sâu sắc để kết hợp với lý luận, khiến bài giảng trên lớp trở nên sống động, thực tiễn hơn. Đối với học viên, đa phần các em mới rời ghế nhà trường phổ thông, rất ít va chạm thực tiễn nên việc được sinh hoạt với các hộ gia đình 3 thế hệ, tiếp xúc từ ông bà, các bác, các em nhỏ cũng giúp học viên học được nhiều kỹ năng giao tiếp; có cơ hội tìm hiều về vùng đất, con người, có sự so sánh, nhận thức sự đa dạng trong văn hoá vùng miền, tránh bỡ ngỡ sau này khi phân công công tác. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để học viên rèn luyện bản lĩnh chính trị, nhân cách nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, các kỹ năng trong cuộc sống, từ đó có ý thức tu dưỡng bản thân, phấn đấu trở thành người chiến sĩ CAND cách mạng vừa hồng vừa chuyên để phục vụ công tác sau này.
BOX: Phát biểu chỉ đạo tại Lễ tổng kết hoạt động thực tế của học viên khóa K53S, Trường Cao đẳng ANND I tổ chức tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình vào ngày 27/8/2022, Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Việc tổ chức hoạt động thực tế cho học viên các học viện, trường CAND chính là sự cụ thể hóa nguyên lý trong giáo dục “học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn”. Thông qua việc thực hiện “3 cùng” với nhân dân, học viên có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc với quần chúng nhân dân, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân để từ đó xây dựng mối quan hệ tình cảm quân dân thắm thiết.