Học viện An ninh nhân dân đón nhận danh hiệu Anh hùng lần thứ 2:

Xứng danh Anh hùng trong sự nghiệp 'trồng người '

Chủ Nhật, 28/06/2015, 11:35
Trường Công an Trung ương, tiền thân của Học viện An ninh nhân dân ngày nay, trải qua các thời kỳ cách mạng, với nhiều tên gọi khác nhau nhưng trường luôn phát huy bề dày thành tích, xứng đáng là cái nôi đào tạo hàng đầu của lực lượng CAND.
Hàng chục năm qua, trường đã  đào tạo chiến sỹ an ninh “vừa hồng vừa chuyên”, là nguồn cung cấp cán bộ cho Công an các đơn vị, địa phương, lớp lớp cán bộ đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, đóng góp vào thành tích vẻ vang chung của lực lượng CAND. Ngày 29-6/2015, trường vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý do Đảng, Nhà nước trao tặng, Anh hùng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong thời kỳ kháng chiến, chống Mỹ, cứu nước, quán triệt sâu sắc mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của Đảng, Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an, trực tiếp là Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã chủ động và tích cực chuẩn bị chi viện cho An ninh miền Nam, mà điều quan trọng nhất là chi viện cán bộ, vì cán bộ là cái gốc của mọi công việc.

Từ tầm nhìn chiến lược đó, năm 1957, Bộ trưởng đã quyết định thành lập “Tổ Công tác cán bộ miền Nam” có nhiệm vụ chuyên trách việc chuẩn bị cán bộ chi viện cho An ninh miền Nam. Một kế hoạch có tầm chiến lược nhằm đáp ứng yêu cầu chi viện cán bộ cho An ninh miền Nam, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng trong từng giai đoạn cách mạng và chủ động đón thời cơ khi cách mạng miền Nam có bước chuyển biến chiến lược đã được lãnh đạo Bộ chỉ đạo chặt chẽ.

Để tạo nguồn cán bộ chi viện, Bộ đã điều động trở lại ngành Công an 1724 cán bộ Công an miền Nam ra tập kết, tuyển chọn 1000 cán bộ, chiến sĩ ưu tú trong Quân đội miền Nam ra tập kết và hàng trăm học sinh miền Nam vào ngành Công an, đào tạo họ trở thành cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ nghiệp vụ, kỹ thuật. Bộ trưởng còn đích thân phát động phong trào “Vì miền Nam ruột thịt”, “Vì thống nhất Tổ quốc” đã được toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân ở hậu phương lớn miền Bắc viết đơn tình nguyện và sẵn sàng lên đường chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Lãnh đạo Bộ Công an tiễn cán bộ chiến sĩ chi viện cho An ninh miền Nam. Ảnh: Tư liệu

Sau khi có Nghị quyết số 15 ngày 13/1/1959 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), từ đầu năm 1959, Bộ Công an đã chọn 5 cán bộ quê miền Nam, cử đi theo đoàn do Ban Thống nhất Trung ương tổ chức và chi viện cho An ninh khu V, gồm các đồng chí: Trần Phú Nhuận (Năm Lương), Hoàng Tuấn Nhã, Trần Ngọc Hồ, Nguyễn Hòa và Nguyễn Sơn Tây. 

Cuối năm 1959, Bộ Công an tiếp tục mở lớp huấn luyện 36 cán bộ quê miền Nam tại địa điểm Khu lao động Thịnh Hào (nay thuộc quận Đống Đa) và ngày 19/5/1960 đã chi viện các cán bộ này vào miền Nam. Đặc biệt, từ cuối năm 1961, lãnh đạo Bộ đã giao cho Tổ Công tác cán bộ miền Nam chịu trách nhiệm chiêu sinh và Trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh nhân dân) chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ và thể lực.

Từ đó, một nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng cũng rất vinh quang được Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an giao phó cho Trường Công an Trung ương. Trải qua 14 năm (1961 - 1975) đã có 13 đợt, gồm 8.038 cán bộ Công an chi viện cho An ninh miền Nam.

Công tác đào tạo cán bộ An ninh miền Nam đã được Bộ Công an chủ động chuẩn bị, kịp thời chi viện một đội ngũ giáo viên để mở trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ An ninh miền Nam ngay tại chiến trường. Trong 2 năm 1964 - 1965, Bộ Công an đã chi viện cho Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam và An ninh khu V bộ khung đủ số giáo viên để thành lập trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ An ninh từ phong trào đi lên.

Các trường của Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam và An ninh khu V đã trở thành những trung tâm đào tạo cán bộ tại chỗ, là nguồn bổ sung tích cực, dồi dào, liên tục cho An ninh các cấp. Thời kỳ này, Bộ còn chi viện cho Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam một số cán bộ cốt cán để hướng dẫn tổ chức, đào tạo cán bộ, chiến sĩ chuyên ngành Cảnh vệ, đã góp phần bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Mặt trận từ cấp tỉnh, khu và Trung ương Cục miền Nam qua các giai đoạn ác liệt ở chiến trường. Kết hợp với đào tạo tại Trường, An ninh các tỉnh, thành phố đã sử dụng một số cán bộ chi viện làm nòng cốt mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày về các chuyên ngành Điệp báo, Trinh sát vũ trang, An ninh vũ trang, An ninh xã, An ninh huyện cho số cán bộ được tuyển chọn từ phong trào đi lên qua các đợt đồng khởi, tổng tiến công và nổi dậy.

Được nhà trường trang bị tốt về tinh thần, tư tưởng và nghiệp vụ, hầu hết cán bộ chi viện vào chiến trường đã nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, kiên trì bám trụ, chịu đựng gian khổ, chiến đấu kiên cường. Nhiều đồng chí lăn lộn, xông pha hoạt động, bám trụ ở cơ sở bị sa vào tay giặc, dù bị tra tấn cực hình vẫn nêu cao khí tiết cách mạng, một lòng một dạ trung thành với Đảng (tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Tài).

Trong chiến đấu, nhiều đồng chí đã trở thành dũng sĩ diệt Mỹ; một số đồng chí đã lập công đặc biệt xuất sắc trong các hoạt động trừ gian diệt ác, thu thập tin tức tình báo, bảo vệ cơ quan đầu não và cán bộ lãnh đạo chủ chốt, được tuyên dương danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Hàng ngàn đồng chí đã nêu cao khí phách anh hùng và tấm lòng kiên trung với dân, với nước, khi giáp mặt với kẻ thù đã chiến đấu ngoan cường và anh dũng hy sinh với niềm tự hào thà quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, để lại trong lòng đồng bào, đồng chí, đồng đội ở miền Nam niềm tiếc thương và quý mến vô hạn. 

Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 30 (12/1975), đồng chí Cao Đăng Chiếm, Phó Trưởng ban An ninh Trung ương Cục, sau này là Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định: “Một trong những nguyên nhân thắng lợi của lực lượng An ninh miền Nam là sự chi viện toàn diện của lực lượng CAND, của Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an”.

Từ nhiều năm nay, Trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh nhân dân) đã trở thành một địa chỉ truyền thống hết sức vẻ vang của một giai đoạn lịch sử, để hàng năm vào ngày 30/4, những cán bộ Công an chi viện An ninh miền Nam lại được về hội tụ làm lễ mừng ngày chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi luôn tự hào là học viên của trường Học viện ANND, một ngôi trường với bề dày thành tích thầm lặng trong sự nghiệp “trồng người”, góp phần vào thành tích vẻ vang chung của lực lượng CAND, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội…

Theo thống kê chưa đầy đủ, có 15 cán bộ chi viện được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, trong đó có đồng chí Nguyễn Tài, Lê Tiền… Riêng khu Trị Thiên Huế có 4 đồng chí: Nguyễn Đình Bẩy, Nguyễn Xuân Cần, Nguyễn Xuân Giang, Nguyễn Viết Cù. Tính đến năm 1972, tỷ lệ cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam hy sinh 25%, cán bộ Công an vũ trang hy sinh 10% so với tổng số cán bộ chi viện (trang 177, Tổng kết lịch sử chi viện An ninh miền Nam, Nhà xuất bản CAND). Tính chung đến tháng 4/1975, hy sinh 908 cán bộ.
Thiếu tướng Phan Văn Lai (Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân)
.
.