Kỷ niệm 49 năm, ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2011):

Xây dựng người Cảnh sát nhân dân vì dân phục vụ

Thứ Tư, 20/07/2011, 10:37
“Lãnh đạo Bộ Công an và bản thân tôi là người chỉ huy cao cấp trong lực lượng CSND thấy cần thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng để mỗi CBCS phải là một người lính xung kích trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của người dân”, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày truyền thống của lực lượng CSND (20/7/1962 - 20/7/2011), Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã dành cho phóng viên cuộc phỏng vấn chung quanh những vấn đề tội phạm và những nỗ lực đấu tranh của các lực lượng Cảnh sát nhân dân. Báo CAND xin giới thiệu bài cùng bạn đọc.

Phóng viên: Thưa đồng chí Trung tướng, đồng chí cho biết diễn biến tình hình tội phạm thời gian qua có gì khác so với trước?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Do ảnh hưởng kinh tế thế giới suy thoái, khó khăn kinh tế trong nước nên chúng ta đã chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện Nghị quyết 11 về các giải pháp kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là một chủ trương rất đúng và trúng. Vì vậy đã ngăn chặn được tình hình tội phạm buôn bán vàng, đô la ngoài thị trường, vàng giữ ở mức bình quân với thế giới và thời điểm này giá vàng lại còn thấp hơn giá vàng thế giới, đồng đô la không bị thị trường bên ngoài thao túng.

Tuy nhiên, những mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng đã xuất hiện những loại tội phạm lợi dụng những khó khăn mà kinh tế Việt Nam phải đối diện thời gian qua, đó là tội phạm hình sự có sự móc nối, câu kết khá rõ nét với tội phạm kinh tế, tham nhũng; lợi dụng sự thắt chặt tiền tệ của chính phủ, sự khó khăn về vốn, nợ của một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, của hoạt động cung cấp vật tư, vật liệu của các tổ chức sản xuất, kinh doanh tập thể, tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài, rồi công nhân không có việc làm, đình công lãn công…Và  bọn tội phạm lợi dụng vấn đề này để hình thành băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, theo kiểu xã hội đen, đòi nợ thuê, xiết nợ trong đó có cả một số nhà doanh nghiệp khi phá sản, bị chiếm dụng vốn đã sử dụng loại tội phạm này để giải quyết nợ nần… làm gia tăng phức tạp tội phạm. Bên cạnh đó, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm có tổ chức cũng có chiều hướng gia tăng. Tính chất rất manh động.

Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.

Phóng viên: Trước thực tế đó, lực lượng Công an đã có nhiều biện pháp tấn công quyết liệt các loại tội phạm. Vậy đâu là những biện pháp quan trọng nhất đem lại kết quả cao?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Như chúng ta đã biết thời gian qua, lực lượng Công an đã ra quân rất quyết liệt để triển khai các quyết sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là mở nhiều chiến dịch thực hiện đồng bộ các biện pháp để tấn công các loại tội phạm. Nhìn chung tội phạm giảm 2,5%. Năm 2011, cả nước diễn ra nhiều sự kiện, nhiều hoạt động chính trị trọng đại và lực lượng Công an cả nước đã bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng lần thứ XI, bảo vệ Tết Nguyên đán 2011 để người dân được hưởng một cái Tết an bình, rồi bầu cử Quốc hội, bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, giữ được sự bình yên cho nhân dân. Tuy nhiên, tội phạm hình sự vẫn hoạt động rất manh động, xảo quyệt, đặc biệt là của các băng nhóm tội phạm.

Thời gian vừa qua, lực lượng Công an đã điều tra khám phá được rất nhiều băng nhóm tội phạm nhưng hiện nay trên cả nước vẫn còn khoảng trên 300 băng nhóm tội phạm, hoạt động rất manh động và có tính chuyên nghiệp. Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho lực lượng Công an phải là nòng cốt, là chỗ dựa cho phong trào toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ cũng như cả hệ thống chính trị vào cuộc. Lực lượng Công an đã tham mưu cho Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 48 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Đây là một Nghị quyết rất quan trọng, từ đó lực lượng Công an đã tham mưu cho các cấp ủy Đảng tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp tấn công mạnh mẽ các loại tội phạm. Thực tế tại tất cả các địa phương trong cả nước, Nghị quyết này đã được triển khai sâu rộng, nhiều nơi đến tận cơ sở, xã, phường. Vấn đề này được đặt ra cũng là rất kịp thời, đúng đắn, góp phần trấn áp được tội phạm. Và hơn ai hết, lực lượng Công an phải là chủ công trong việc trấn áp các loại tội phạm, làm sao để tội phạm ma túy, hình sự, buôn bán người, tội phạm môi trường, tội phạm kinh tế tham nhũng phải giảm hẳn, tạo dựng được lòng tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Phóng viên: Là một người chỉ huy cao cấp của lực lượng Cảnh sát Việt Nam, đồng chí cho biết trong thời gian tới, về công tác XDLL Công an, cần tập trung làm tốt các mặt công tác nào để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Đúng là trong tình hình hiện nay còn có hiện tượng con sâu làm rầu nồi canh, có một số ít CBCS Công an do không thường xuyên tu dưỡng rèn luyện, bị tác động mặt trái của kinh tế thị trường, xã hội nên mai một về đạo đức dẫn đến  sai phạm, thậm chí vi phạm pháp luật, làm cho hình ảnh người chiến sỹ CAND không được đẹp trong mắt người dân.

Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Công an và bản thân tôi là người chỉ huy cao cấp trong lực lượng CSND thấy cần thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng để mỗi CBCS phải là một người lính xung kích trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của người dân. Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Công an luôn lấy việc thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo sáu điều Bác Hồ dạy CAND"; "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh" và gần đây nhất là cuộc vận động "CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, thực hiện nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ" làm những nội dung chính để rèn quân, nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn cho đội ngũ CBCS...

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ cũng đặt vấn đề và thành lập các đoàn công tác kiểm tra, giám sát lực lượng Cảnh sát, đặc biệt là lực lượng CSGT, Cảnh sát phòng chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, Cảnh sát môi trường vì đây là những lực lượng hoạt động ở những môi trường dễ phát sinh các yếu tố tiêu cực, tội phạm. Phải tập trung củng cố những lực lượng này để lấy lại lòng tin trong nhân dân, xây dựng hình ảnh người Cảnh sát nhân dân hết lòng vì nhân dân phục vụ.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Thứ trưởng

Hồng Duy (thực hiện)
.
.